Trung Quốc: Lũ lụt tàn phá đất hiếm, phân bón và các ngành kinh doanh khác
- Ngân Hà
Nền kinh tế đang phục hồi sau phong toả do virus corona của Trung Quốc hiện lại bị đe dọa bởi những trận lụt lớn.
Liên tiếp các trận lũ lụt kéo dài hàng tuần dọc sông Dương Tử, tuyến đường thuỷ dài nhất Trung Quốc, đã làm tê liệt sản xuất hàng hoá, đè nặng lên nền kinh tế vốn đang gánh chịu nhiều khó khăn bởi suy thoái do đại dịch virus corona.
Theo tờ Nikkei, dù các nhà chức trách không tiết lộ tổng thiệt hại kinh tế do mưa lũ gây ra từ tháng Sáu, một số công ty đã bị nước lũ nhấn chìm các nhà xưởng và phải dừng hoạt động.
Cụ thể, công ty khai thác và chế biến đất hiếm Shenghe Resources có trụ sở ở Tứ Xuyên, một trong số các công ty sản xuất đất hiếm của Trung Quốc, hôm 19/8 cho biết lũ lụt đã phá hoại tài sản cố định, gồm cả thiết bị và hàng tồn kho tại hai nhà máy của công ty.
Theo ước tính ban đầu, thiệt hại có thể từ 390 đến 520 triệu nhân dân tệ (56-57 triệu đôla), mặc dù nước lũ đã ngăn cản nhân viên công ty đến cơ sở để đánh giá tình trạng hư hỏng thực tế.
Năm 2019, một trong hai nhà máy của công ty đã sản xuất 28.227 tấn đất hiếm saline, chiếm khoảng 8% thu nhập hoạt động của cả tập đoàn. Nguyên liệu này là một trong 17 kim loại quan trọng trong sản xuất điện thoại thông minh và các thiết bị điện tử khác. Hôm 24/8, giá cổ phiếu của công ty đã giảm xuống còn 7,90 nhân dân tệ, thấp hơn 11% so với tuần trước.
Công ty công nghệ sinh học Hebang Tứ Xuyên, một công ty sản xuất phân bón, hôm 20/8 thông báo nhà máy của họ đã bị nhấn chìm. Thiệt hại về dây chuyền sản xuất và hàng tồn kho ước tính 350 triệu nhân dân tệ.
Theo phân tích của Everbright, công ty công ty công nghệ sinh học Hebang Tứ Xuyên và Tập đoàn Fuhua chiếm tới 24% sản xuất quặng phốt phát của Trung Quốc. Ngoài ra, hiện cũng chưa xác định được khi nào sản xuất sẽ có thể bắt đầu trở lại. Quặng phốt phát là một loại khoáng chất được sử dụng rộng rãi trong việc sản xuất phân bón và thức ăn gia súc.
Lũ lụt cũng ảnh hưởng đến nhà sản xuất đồ da Sichuan Zhenjing, với 157.000 m2 nhà xưởng bị chìm trong nước. Là nhà cung cấp nguyên liệu cho các doanh nghiệp sản xuất tô tô và giày da, công ty nói rằng sẽ phải mất ba tháng mới có thể phục hồi hoạt động.
Mưa lớn đã ảnh hướng đến hàng triệu người dân sinh sống dọc sông Dương Tử chảy ngang qua miền trung Trung Quốc. Chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường tuần trước đã đến thăm những vùng bị ảnh hưởng, hứa hẹn kiểm soát lũ lụt và hỗ trợ về kinh tế.
Dù nhiều đập thuỷ điện trong nước, tiêu biểu là đập Tam Hiệp ở tỉnh Hà Bắc, có thể chịu được mức nước cao, người dân ở hạ lưu vẫn sống trong lo âu. Hè năm nay, đập Tam Hiệp đã phải chống chọi dòng chảy ở mức kỷ lục với mức lên tới 75.000m3/giây vào hôm 20/8.
Bộ Quản lý Trình trạng Khẩn cấp hôm 20/8 đã cảnh báo mực nước dọc các tuyến đường thuỷ vẫn còn cao và yêu cầu chính quyền các địa phương tiếp tục cảnh giác với mưa lũ.
Mưa lũ chưa qua, một trận bão khác lại đang tràn đến. Cơ quan khí tượng Trung Quốc hôm 25/8 đã đưa ra cảnh báo về cơn bão Bavi, dự kiến sẽ đổ bộ vào khu vực phía nam đất nước vào hôm nay 26/8.
Trung Quốc đã ghi nhận tỷ lệ tăng trưởng tốt hơn dự kiến ở mức 3,2% trong Quý II, nhưng một số nhà kinh tế hiện đang nghi ngờ liệu tiến độ này có thể duy trì được hay không. Cơ quan xếp hạng tín dụng Global S&P trong một báo cáo hôm 17/8 cho biết dữ liệu kinh tế trong tháng Bảy chỉ ra rằng tăng trưởng nói trên phụ thuộc chủ yếu vào hỗ trợ của chính phủ.
Thủ tướng Nhật sẽ tham vấn bác sĩ trước họp báo
Ba nguồn tin nói với Reuters, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe sẽ tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi chủ trì họp báo ngày 28/8 để cung cấp thông tin về sức khỏe cá nhân.
Các nguồn tin hôm nay tiết lộ, ông Abe có kế hoạch tổ chức cuộc họp báo vào chiều 28/8. Truyền thông địa phương đưa tin, Thủ tướng Abe dự kiến sẽ đưa ra lời giải thích về sức khỏe của ông và nói về các biện pháp ứng phó Covid-19 của chính phủ.
Cũng theo các nguồn tin này, trước khi tổ chức họp báo, ông Abe sẽ có các cuộc tham vấn với bác sĩ, có thể là trực tiếp đến bệnh viện để kiểm tra hoặc trao đổi qua điện thoại.
Thủ tướng Abe hai tuần qua đã tới bệnh viện hai lần, trong đó có một lần kéo dài hơn 7 tiếng tại bệnh viện ở Tokyo. Ông không đề cập chi tiết về hai chuyến đi đó, mà chỉ khẳng định muốn đảm bảo sức khỏe tốt và sẽ cố gắng hết sức cho công việc.
Sách giáo khoa Úc vẽ ‘đường lưỡi bò’ phi pháp của Trung Quốc
Một sách giáo khoa tiếng Trung được dùng trong các trường học ở Victoria đã bị thu hồi vì chứa thông tin tuyên truyền của Bắc Kinh và tấm bản đồ “đường lưỡi bò” phi pháp mà Trung Quốc đơn phương vẽ ra để tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông.
Theo The Guardian, cuốn sách Ngôn ngữ, Văn hoá và Xã hội Trung Quốc đang được sử dụng tại 11 trường học ở Victoria, được cho là dùng để thúc đẩy tuyên truyền của ĐCSTQ. Nhà xuất bản Cengage xác nhận 633 cuốn sách đã được bán tại Úc và 100 cuốn bên ngoài nước này.
Trong cuốn sách có bản đồ “đường lưỡi bò”, hay còn gọi là “đường 9 đoạn”, thể hiện yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc đối với hầu hết Biển Đông. Yêu sách này đã bị tòa án quốc tế bác bỏ đồng thời vấp phải sự phản đối của Úc cũng như nhiều quốc gia trong khu vực.
Giáo sư Rory Medcalf, người đứng đầu trường Cao đẳng an ninh quốc gia thuộc Đại học Quốc gia Úc, nói với The Guardian: “Rất dễ gây hiểu nhầm khi mô tả ‘đường 9 đoạn’ trong một cuốn sách giáo khoa phổ thông là tấm bản đồ hợp pháp của Trung Quốc và khu vực”.
“Để tấm bản đồ này xuất hiện trong một cuốn sách giáo khoa tại Úc không chỉ đụng vào chỗ nhạy cảm của hầu hết các nước trong khu vực, mà còn đi ngược lại luật pháp quốc tế và chính sách của chính phủ Úc”, giáo sư Medcalf nói thêm.
Ngoài ra, cuốn sách còn đề cập đến Giấc mộng Trung Hoa, một hệ tư tưởng mà nhà lãnh đạo Tập Cận Bình thúc đẩy từ năm 2012 và đã được đưa vào các sách giáo khoa tại Trung Quốc.
Tác giả cuốn sách, Jixing Xu và Wei Ha, đều là người đứng đầu bộ môn tiếng Trung tại hai trường tư thục danh tiếng ở thành phố Melbourne là Scotch College và Camberwell Grammar. Tuy nhiên, hai người này tuyên bố họ không bao hàm tấm bản đồ trong cuốn sách, mà nhà xuất bản Cengage đã làm điều này.
Cengage đã lên tiếng xin lỗi độc giả vì “sự bất cẩn” và việc đưa bản đồ vào cuốn sách là do “sơ suất biên tập”.
Kim Jung Un kêu gọi chống Covid và lũ lụt
Reuters dẫn tin từ hãng thông tấn nhà nước Triều Tiên KCNA hôm nay cho biết, nhà lãnh đạo Kim Jung Un đã chủ trì cuộc họp Bộ Chính trị, kêu gọi nỗ lực chống dịch Covid-19 và bão lũ.
KCNA đưa tin, cuộc họp của Bộ Chính trị đảng Lao động Triều Tiên đã “đánh giá những điểm yếu về kiểm soát đường xâm nhập của virus nguy hiểm và công việc phòng chống đại dịch khẩn cấp của chính quyền”.
Ngoài ra, cuộc họp còn thảo luận về các biện pháp ứng phó khẩn cấp nhằm hạn chế thiệt hại về con người và mùa màng bởi bão Bavi sắp đổ bộ vào Triều Tiên trong vài ngày tới.
Canada gây sức ép lên Trung Quốc về vụ bắt công dân và Hồng Kông
Ngoại trưởng Canada Francois-Philippe Champagne đã gặp người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị tại Rome hôm 25/8 và thúc giục Bắc Kinh trả tự do cho hai công dân Canada bị giam giữ, theo Reuters.
Chính quyền Otawa cho biết, trong chuyến đi tới châu Âu, ông Champagne đã gặp ông Vương tại một khách sạn trong 90 phút.
Mối quan hệ hai nước trở nên xấu đi vào tháng 12/2018 sau khi cảnh sát Canada bắt giữ bà Mạnh Vãn Châu, giám đốc tài chính của Huawei theo yêu cầu của Mỹ. Sau đó, Trung Quốc đã bắt giữ hai công dân Canada là Michael Spavor và Michael Kovrig với cáo buộc gián điệp.
“Bộ trưởng Champagne một lần nữa nhấn mạnh rằng trường hợp của Michael Kovrig và Michael Spavor vẫn là ưu tiên hàng đầu … và Canada tiếp tục kêu gọi Trung Quốc trả tự do ngay lập tức cho cả hai người này”, Bộ Ngoại giao cho biết trong một tuyên bố.
Một quan chức chính phủ Canada nói rằng, ông Champagne cũng bày tỏ sự phản đối cách Bắc Kinh đối xử với Hồng Kông.
Bản án tử hình của Mỹ dành cho Hoa Vi
Trong bài “Hoa Vi và ZTE xuống dốc ngay tại Hoa lục”, trên tờ Les Echos của Pháp cho biết trước các trừng phạt của Washington, hai tập đoàn Trung Quốc phải tìm cách giảm bớt sự hiện diện của công nghệ Mỹ trong sản phẩm.
Nỗ lực của Washington ngăn chận tham vọng Bắc Kinh trong công nghệ 5G đã gây thiệt hại nặng nề. Hoa Vi (Huawei) và ZTE, hai tập đoàn viễn thông mới đây đành phải hãm lại nhịp độ lắp đặt các trạm 5G và yêu cầu các nhà cung ứng giao nguyên vật liệu ít đi. Mục tiêu là giảm tối đa vật liệu và công nghệ Mỹ, vì Washington không ngừng siết lại gọng kềm.
Chiến dịch tấn công vào Hoa Vi của tổng thống Donald Trump đã mang lại kết quả. Sau Úc, New Zealand, Nhật, Anh, đến lượt Ấn Độ loại Hoa Vi ra khỏi mạng 5G, nhưng một cách âm thầm (như Pháp): bí mật yêu cầu các công ty Ấn không sử dụng. Một tin rất xấu, vì Ấn Độ là thị trường điện thoại thông minh thứ nhì thế giới với 850 triệu khách hàng.
Ngoài việc gây áp lực lên các đồng minh, Hoa Kỳ còn đánh vào tận gốc : cấm Hoa Vi mua các chip điện tử nếu trong đó có công nghệ và phần mềm của Mỹ. Tuần trước Mỹ còn cho thêm 38 chi nhánh của Hoa Vi vào danh sách đen để chận trước việc tập đoàn này né trừng phạt. Dan Wang, công ty tư vấn Gavekal ở Bắc Kinh nhìn nhận “Chính phủ Mỹ đã kết án tử cho Hoa Vi”. Như vậy “Hoa Vi sẽ không còn là sản xuất thiết bị mạng 5G và điện thoại thông minh, một khi vật liệu tồn kho cạn kiệt vào đầu năm tới”.
Vì sao công nghệ Trung Quốc không thể phổ biến toàn cầu?
Nhìn chung trong ngành công nghệ, Les Echos đặt vấn đề, vì sao BATX (Baidu, Alibaba, Tencent, Xiaomi), bốn tập đoàn lớn của Trung Quốc tương đương với GAFA (Google, Apple, Facebook, Amazon) của Mỹ không thể bước ra ngoài biên giới để trở thành tên tuổi quốc tế ? Trong khi Alibaba có trị giá thậm chí gấp ba Amazon trên thị trường chứng khoán.
Theo chuyên gia François Godement, một phần do văn hóa, nhưng chủ yếu vì thị trường đã bão hòa. Nhiều nền tảng công nghệ Trung Quốc thực chất là cóp lại phiên bản Mỹ, và khi các sản phẩm này xuất hiện trên thị trường châu Âu chẳng hạn, thì người tiêu dùng không việc gì phải cài đặt WeChat trong khi đang sử dụng WhatsApp rất tốt.
Riêng TikTok, từ 2018 trở thành ứng dụng ưa thích của giới trẻ nhiều nước, có hy vọng quốc tế hóa, nhưng thực tế diễn ra ngược lại. Hoa Kỳ và Ấn Độ ra lệnh cấm sử dụng: thêm hai cây gậy mới thọc vào bánh xe, con đường bước ra thế giới của công nghệ Trung Quốc hãy còn dài dằng dặc.