Khủng hoảng chính trị Belarus: ”Mô hình Armenia” có thể là lối thoát

Trọng Thành

Dân Belarus biểu tình ôn hòa phản đối kết quả bầu cử “gian lận”, quảng trường Độc Lập, Minsk, ngày 25/08/2020. © REUTERS/Vasily Fedosenko


Kết quả 80% phiếu bầu cho tổng thống mãn nhiệm Lukachenko, cầm quyền từ 26 năm nay, trong cuộc bỏ phiếu ngày 09/08/2020 đã làm dấy lên một làn sóng phẫn nộ, tố cáo chính quyền gian lận tại Belarus. Bất chấp việc Liên Hiệp Châu Âu không công nhận kết quả bầu cử và ban bố các trừng phạt, tổng thống Belarus vẫn bám trụ, chờ đợi hậu thuẫn từ Nga. Cho đến nay, Moscow tỏ ra dè dặt và không muốn can thiệp trực tiếp vào nội tình Belarus.

Căng thẳng tiếp tục dâng cao. Hàng trăm nghìn người Belarus, thuộc đủ mọi giới tiếp tục xuống đường phản kháng, gây áp lực buộc chính quyền hủy bỏ kết quả bầu cử. Chính quyền Minsk tiếp tục đàn áp, bắt bớ đối lập. Tổng thống Lukachenko, 64 tuổi, nắm trong tay quân đội và cảnh sát, hôm 24/04, thể hiện rõ quyết tâm bám trụ đến cùng, khi xuất hiện trong một đoạn phim với áo giáp và súng AK trong tay. Lãnh đạo Belarus tuyên bố đã nhận được sự ủng hộ của Nga, sẵn sàng can thiệp để bảo vệ chế độ.  

Khủng hoảng chính trị Belarus sẽ đi về đâu? Theo nhiều chuyên gia, nhà quan sát, để cuộc khủng hoảng được giải quyết một cách ôn hòa, nhiều khả năng là các bên liên quan sẽ chọn “mô hình” cuộc cách mạng nhung Armenia năm 2018, như giải pháp tối ưu.

***

1 – Vì sao nói “mô hình Armenia” có thể là lối thoát cho khủng hoảng hiện nay ở Belarus?

Trước hết cần trả lời cho câu hỏi thế nào là “mô hình Armenia”. Cuộc phản kháng của dân chúng Armenia bùng lên từ tháng 3 kéo dài đến tháng 5/2018, buộc chính quyền đối thoại với đối lập. Dưới áp lực của dân chúng, lãnh đạo đối lập Nikol Pachinian đã được Quốc Hội, do đảng Cộng Hòa cầm quyền kiểm soát, bầu làm thủ tướng. Tháng 12/2018, Quốc Hội Armenia bầu cử sớm, liên minh cải cách do lãnh đạo đối lập đứng đầu giành được 70% số phiếu, đánh dấu cho một thay đổi lớn lao trong đời sống chính trị Armenia, diễn ra trong hòa bình, thông qua bầu cử.

Cả hai nước Belarus và Armenia, đều thuộc Liên Xô cũ, và cho đến nay đều nằm trong quỹ đạo chi phối của Nga. Tuy nhiên, khác hẳn với nước cộng hòa Liên Xô cũ Ukraina, thay đổi cách mạng tại Armenia đã không dẫn đến sự can thiệp quân sự của Nga. Những người mong muốn một chuyển đổi trong hòa bình tại Belarus đều hy vọng một kịch bản tương tự như Armenia.

Theo các nhà quan sát, quan hệ giữa điện Kremlin và chính quyền Belarus hiện nay cũng không êm đẹp, và Matxcơva không quyết tâm bằng mọi giá bảo vệ cá nhân tổng thống Lukachenko. Nhà sử học, nhà ngoại giao Andrey Kortunov – chuyên gia về các vấn đề an ninh quốc tế và chính sách đối ngoại của Nga, giám đốc viện tư vấn Hội đồng Quan hệ Quốc tế Nga (RIAC), thuộc bộ Ngoại Giao Nga – cho biết tổng thống Lukachenko là một đối tác khó chơi với điện Kremlin, một con người “đầy bất trắc”. Theo đánh giá của ông, điều lý tưởng với tổng thống Nga, sẽ là quyền lực của tổng thống Lukachenko suy yếu, mở đường cho một giai đoạn quá độ, với một người đứng đầu thuộc giới tinh hoa tại Belarus hiện nay, có thái độ hợp tác hơn, ổn định hơn (“Belarus is on the brink of a major change. What role will Russia play? / Belarus đứng bên bờ một thay đổi lớn. Nước Nga sẽ có vai trò nào?”, The Christian Science Monitor, 18/08/2020).  

Trong một phát biểu được báo Anh Financial Times đăng tải, chuyên gia Andrey Kortunov, cho rằng rất có khả năng điện Kremlin sẽ tìm cách để diễn ra một cuộc cách mạng tại Belarus, giống như cuộc cách mạng Armenia năm 2018, lật đổ nhóm cầm quyền cũ, đưa một người được dân chúng ủng hộ, nhưng duy trì quan hệ thân Nga, lên làm lãnh đạo.  Chuyên gia Andrey Kortunov nhấn mạnh là “Putin chắc chắn không hài lòng với một nền dân chủ kiểu phương Tây tại Belarus, nhưng ông ấy không có lựa chọn nào khác. Ông ấy có thể chung sống với một chế độ như vậy, với điều kiện ban lãnh đạo mới không thay đổi ưu tiên địa chính trị”, có nghĩa là quan hệ chiến lược vốn có với Nga (“Putin prepares for a controlled succession in Belarus / Putin chuẩn bị cho một sự kế tục quyền lực tại Belarus trong vòng kiểm soát”, Financial Times, 21/08/2020).

2 – Trên đây là đánh giá về phía chính quyền Nga, còn về phía phong trào tranh đấu vì dân chủ tại Belarus thì sao?


Trang mạng Aljazeera đăng tải một bài viết đáng chú ý của chuyên gia chính trị học và quan hệ quốc tế Anna Ohanyan, Đại học Stonehill College (Hoa Kỳ). Bài “Belarusians can learn a lot from Armenia’s Velvet Revolution / Những người Belarus có thể học được nhiều từ cuộc cách mạng Nhung ở Armenia” (ngày 21/08/2020) nêu bật những điểm lợi thế rất quan trọng của Belarus so với Armenia, khiến cho cuộc chuyển đổi trong ôn hòa có thể diễn ra thuận lợi hơn.

Điểm thứ nhất là Belarus không bị dính vào bất cứ một xung đột khu vực nào, như Armenia. Đây là điểm bất lợi rất lớn cho phong trào dân chủ Armenia trước Cách mạng, bởi các thế lực độc tài thường sử dụng những xung đột kéo dài với láng giềng để lấy cớ bảo đảm an ninh, biện minh cho việc đàn áp đối lập. Chiến thuật này đã được sử dụng tại Armenia, cũng như hiện nay đang được dùng tại nước cộng hòa Liên Xô cũ Azerbaidjan. Tại Belarus, tổng thống Lukachenko cũng cố sức tạo ra hình ảnh một nước Belarus đang bị khối NATO vây hãm, nhưng không thành công.

Điểm lợi thế thứ hai của phong trào dân chủ ở Belarus, so với Armenia, là đa số các láng giềng của Belarus là các quốc gia dân chủ. Chế độ dân chủ vững chắc ở các nước Baltic (Latvia, Estonia và Litva) là hậu thuẫn tốt cho phong trào dân chủ Belarus. Bên cạnh đó, Belarus có đường biên giới dài với Ba Lan, mở đường cho việc giao lưu thuận tiện với Liên Hiệp Châu Âu. Tình hình gần như là ngược lại với Armenia, bị bao quanh phần lớn bởi các “quốc gia độc tài”, ngoại trừ Gruzia ở phía bắc.

Kịch bản Nga can thiệp trực tiếp vào Belarus cũng khó xảy ra hơn, bởi đông đảo người dân Belarus có thái độ cảnh giác và sẵn sàng phản kháng, do nỗ lực không thành công của tổng thống Nga trong một thời gian, muốn “thống nhất” Belarus với nước Nga.

Tuy nhiên, vẫn theo nhà chính trị học Mỹ Anna Ohanyan, công cuộc thay đổi dân chủ ở Belarus có những điểm khó khăn hơn, đặc biệt xã hội dân sự tại Belarus được coi là yếu. Kể từ khi Liên Xô tan rã, Belarus luôn sống dưới chế độ “độc tài khắc nghiệt”, trong lúc chính quyền Armenia được coi là một chế độ “độc đoán mềm”.

Để có thể tiến tới một kịch bản như kiểu Armenia, phong trào tranh đấu Belarus cần rút ra các bài học từ Armenia. Nhà nghiên cứu Mỹ lưu ý “ba bài học chính”. Thứ nhất là cần chống lại các nỗ lực lái phong trào đòi dân chủ tại chỗ thành một “cuộc cách mạng màu”, do phương Tây thúc đẩy. Điều này sẽ làm mất đi tính chính nghĩa của phong trào. Điểm thứ hai là bảo đảm chắc chắn sẽ không có thay đổi về chính sách đối ngoại – xa rời Nga, điều mà lãnh đạo đối lập, thủ tướng tương lai của Armenia, ông Nikol Pashinyan, khẳng định ngay từ sớm. Bài học quan trọng thứ ba là tiến hành thương thuyết chính thức và không chính thức với thế lực nắm quyền, ngay từ đầu. Đây là điều kiện bảo đảm cho “sự ổn định chính trị”, duy trì phong trào trong khuôn khổ Hiến Pháp, và giữ được tính chính đáng của phong trào.

3 – Trái bóng hiện nay dường như đang ở bên sân chính quyền Nga. Matxcơva có những động thái nào theo hướng này?


Hãng tin Mỹ AP có bài “Belarus chaos brings a poker-faced response from Russia” (17/08/2020) đưa ra một số ghi nhận đáng chú ý về thái độ của chính quyền Nga. Căn cứ trên một số phản ứng chính thức của Matxcơva về tình hình Belarus hậu bầu cử, AP nêu nhận xét: Thái độ dè dặt của Matxcơva thể hiện rõ trước việc phát ngôn viên của bộ Ngoại Giao Nga Maria Zakharova, trong khi kiệm lời một cách khác thường khi nói về “can thiệp từ bên ngoài vào một quốc gia có chủ quyền”, đã “dành thời gian chủ yếu để nói về các nhà báo Nga bị câu lưu trong các cuộc biểu tình”.

Ngày 20/08, tức một ngày trước thượng đỉnh 27 thành viên Liên Hiệp Châu Âu, bàn về tình hình Belarus, trong cuộc điện đàm với lãnh đạo Nga Vladimir Putin, tổng thống Pháp Emmanuel Macron đề nghị để cho Tổ Chức An Ninh và Hợp Tác Châu Âu (OSCE), mà Nga và Belarus cũng là thành viên, đứng ra làm trung gian hòa giải giữa đối lập và chính quyền Belarus. Cũng ngày 20/08, phát ngôn viên của điện Kremlin Dmitry Peskov nhận định: “đối thoại nội bộ Belarus là điều cần làm trước tiên”, và mọi tiếp xúc giữa một thế lực nước ngoài nào với đối lập Belarus, kể cả Nga, cũng bị coi là can thiệp vào công việc nội bộ của Belarus.

Ngày 24/08, theo TASS, hãng tin Nhà nước Nga, điện Kremlin hoan nghênh việc đã không có đụng độ giữa người biểu tình và các lực lượng an ninh, và hy vọng trong tương lai không khí ôn hòa sẽ tiếp tục được duy trì. Trước đó, ngoại trưởng Nga Serguei Lavrov đã trao đổi với thủ tướng Albani Edi Rama, đương kim chủ tịch Tổ Chức An Ninh và Hợp Tác Châu Âu (OSCE) về tình hình Belarus. OSCE đã nhiều lần đề xuất đứng ra làm môi giới đàm phán cho đối lập và chính quyền Belarus.

Tình hình có vẻ thuận lợi cho một kịch bản Armenia. Tuy nhiên, cũng có một số tiếng nói cảnh báo thận trọng. Nhà sử học Anh, Timothy Ash, chuyên về lịch sử các nước Đông Âu và Trung Âu đương đại, báo trước là cuộc chuyển đổi chắc chắn sẽ kéo dài, và không hề đơn giản, tổng thống Nga Putin hiện đã có nhiều kinh nghiệm qua những biến động cách mạng ở một số quốc gia Liên Xô cũ, và một số nhà đối lập Belarus hiện cũng có quan hệ mật thiết với Moscow (Kyivpost, ngày 17/08). Còn theo chuyên gia Nga Kortunov, chính quyền Nga cũng sẽ phải có các phương án đối phó với Belarus (được coi “sẽ là một thách thức lớn mang tính sống còn với nước Nga”), một khi chế độ dân chủ được thiết lập, bởi “với một nền dân chủ, chính quyền ở Minsk có thể lúc thì thân Nga, nhưng có lúc sẽ ít thân thiện hơn” (Financial Times). 

Related posts