Gánh Hàng Rong – Uyên Di

Một gánh hàng rong bán cả đời
Quẩn quanh quanh quẩn thế mà thôi
Nắng mưa sương lạnh âu đành vậy
Sớm tối sinh nhai số tại trời  (ĐSL)

Ừ cái tên mọc mạc ấy, cái hình ảnh xiêu vẹo mọc mạc ấy vậy mà mấy mươi năm sống xa quê vẫn luôn gợi cho tôi những xúc động dạt dào khó tả…

Không phải là một bà lão già nua gánh 2 gánh hàng đi xiêu vẹo trong làn mưa mỏng, cũng không phải là những người đàn bà quần áo rách mướp với những ngón chân khô nứt nẻ, hình ảnh đó có thể là đại đa số những người gánh hàng rong trên khắp đất nước Việt Nam thời tôi mới lớn lên.

Nhưng không, trong ký ức của tôi là những bà mẹ còn trẻ (có lẽ chồng đã bị gạt vào những trại học tập cải tạo rải rác khắp ba miền Bắc, Trung, Nam). Trong ký ức non nớt của tôi là những người đàn bà có vẻ mặt hiền hậu, lương thiện, những chiếc áo bà ba vải đơn sơ đã cũ nhưng sạch sẽ, những đôi dép cao su bám bụi đường với những móng chân và những bàn tay gọn gàng sạch sẽ…

Đó là những tiếng rao lãnh lót, đó là những tiếng rao còn chút ngại ngùng e dè trong những buổi trưa nóng nực. Đó là gánh bún riêu thơm ngát mùi mắm ruốc và những cọng rau muống được bàu quăng queo giòn rụm, ăn vào một đũa bún với rau là nghe sướng tới tâm can, húp một muỗng nước lèo là nghe tuổi thơ mình dù nghèo nhưng sung sướng quá đỗi…

Đó là gánh hàng sương sâm và đậu hủ sau khi giấc ngủ trưa đã no đầy. Cô Sương Sâm (hồi đó kêu tên cổ là như vậy và cũng không ai hỏi xem cô ấy tên thật là gì?). Gánh hàng sương sâm mát rượi có công hiệu làm cho những buổi trưa oi bức bỗng trở nên đỡ đỡ một chút xíu. Cô Sương Sâm rất hiền, có giọng nói nhà quê (quê hơn chỗ quê tôi ở nữa 😷) nghe chất phác dễ thương lắm. Tầng dưới cùng của gánh là một thau nước sóng sánh với miếng lá chuối xanh lè nhìn đẹp mắt. Cô dùng thau nước này để rữa ly, rữa muỗng sau khi khách hàng ăn xong. Cô hay xin nước nhà tôi để thay. Ngoại tôi ít khi cho chúng tôi mua đồ ăn tại gánh của cô. Người hay nói “để cho người ta còn đi nhanh buôn bán nữa con!” Lớn lên mới biết mua một hoặc hai ly sương sâm vào nhà chia ra 2, 3 phần cho anh và em tôi cùng ăn, lợi hơn. Mỗi đứa ăn một tý đỡ thèm. Có lẽ nhờ thiếu thốn đủ bề nên đa số thế hệ của chúng tôi biết thương yêu, chia sẻ với nhau một cách dễ dàng hơn?

Tuổi thơ tôi ngọt ngào nhất là 2 gánh hàng rong này. Dĩ nhiên là còn nhiều nhiều nữa những bà mẹ, bà nội, bà ngoại tràn ra đường buôn gánh bán bưng để nuôi sống lũ trẻ không cha như chúng tôi thời đó. Nếu nhìn lại những con số người miền nam bị đi tù ‘cải tạo’, thì cũng đủ biết bao nhiêu cửa nhà tan nát, bao nhiêu gia đình con mất cha, vợ mất chồng. Nếu các bà, các mẹ không lao ra đường buôn gánh bán bưng thì lũ trẻ thế hệ 70s sẽ ra sao?

Tiếng rao chua chát đêm hè
Bốn mùa xơ xác thân ve cõi còm
Ai mua hôn.... ai mua hôn...
Bao giờ mới hết tiếng buồn trong đêm.  (HTT)

Sau khi tìm lại được một số bạn bè thời nhỏ qua fb tôi có hỏi thăm về mấy cô bán gánh này, bạn kể cô bán rún riêu nuôi con xong đại học, bây giờ các người con của cô đã có đời sống ổn định, cô cũng nghỉ bán đã lâu rồi. Cô Sương Sâm thì không ai biết được giờ ra sao.

Cách đây lâu lắm rồi, sau khi ra trường tôi trở về thăm quê và có ăn lại được gánh hàng bún riêu của cô. Ai cũng nói tại hồi xưa đói nghèo nên cái gì cũng ngon, bây giờ sẽ khác. Lạ thiệt, tô bún riêu vẫn ngon đậm đà không đâu sánh được. Ở Melbourne người ta cũng có bán bún riêu nhưng 30 năm sống ở đây tôi chỉ ăn món đó ở tiệm có một lần. Còn lại nấu ở nhà. Cố gắng nhớ lại mùi hương và cái vị đặc biệt quê mùa của món bún tuổi thơ này.

Tuổi thơ của tôi đâu đâu cũng có những gánh hàng rong. Những gánh hàng thật thà chất phác, kiếm ăn, nuôi người thân bằng sức lao động chân chính của mình.

Những gánh hàng rong thân quen biết mấy
Nghe tiếng rao hời quá đỗi yêu thương
Như tiếng mẹ, tiếng em hay tiếng chị
Giữa chiều quê, đêm thanh vắng phố phường  (TĐP)

Related posts