Bộ trưởng Esper: Mỹ quyết ‘không nhượng bộ một tấc’ ở Thái Bình Dương
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Esper hôm 26/8 cho biết Hoa Kỳ có trách nhiệm với khu vực Thái Bình Dương và sẽ “không nhượng bộ một tấc” lãnh thổ của khu vực này cho quốc gia khác.
Phát biểu trong chuyến thăm Hawaii, ông Esper nói rằng Trung Quốc đã không thực hiện những lời hứa tuân thủ luật pháp, quy tắc và chuẩn mực quốc tế, đồng thời muốn phô trương sức mạnh của mình ra toàn cầu.
“Để thúc đẩy chương trình nghị sự của ĐCSTQ, Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) tiếp tục tích cực theo đuổi kế hoạch hiện đại hóa để vươn tới quân đội đẳng cấp thế giới vào giữa thế kỷ này”, ông Esper phát biểu. “Điều này chắc chắn sẽ liên quan đến hành vi khiêu khích của PLA ở Biển Đông, Hoa Đông và bất kỳ nơi nào khác mà chính phủ Trung Quốc cho là quan trọng đối với lợi ích của họ”.
Tuy nhiên, ngoài mục đích ngăn chặn Trung Quốc, Mỹ cũng “hy vọngt iếp tục làm việc với Trung Quốc để đưa họ trở lại quỹ đạo phù hợp hơn với trật tự dựa trên luật lệ quốc tế”.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ mô tả khu vực Ấn Độ Dương là tâm điểm của “cuộc cạnh tranh cường quốc với Trung Quốc”. Ông nói thêm rằng, cùng với Nga, Trung Quốc đã hiện diện trên toàn thế giới và Mỹ cần có khả năng đối phó với cả hai quốc gia này trên phạm vi toàn cầu.
“Mỹ có trách nhiệm dẫn đầu. Chúng tôi là một quốc gia ở Thái Bình Dương, ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, trong một thời gian khá dài”, ông Esper phát biểu.
“Chúng tôi sẽ không nhượng bộ ở khu vực này, kể cả một tấc đất, cho bất kỳ quốc gia nào khác nghĩ rằng thể chế chính trị của họ, quan điểm của họ về nhân quyền, chủ quyền, tự do báo chí, tự do tôn giáo, tự do hội họp, tất cả những điều này ở một mức độ nào đó, vượt trội hơn cả những giá trị mà nhiều nước chúng tôi chia sẻ”, ông Esper nói.
Trung Quốc bắt 12 nhà hoạt động dân chủ đang trên đường trốn sang Đài Loan
Hôm Chủ nhật (23/8), 12 nhà hoạt động dân chủ Hồng Kông đã bị chính quyền Trung Quốc bắt giữ trên biển khi họ đang cố gắng trốn thoát sang Đài Loan, Taiwan News đưa tin.
Cảnh sát biển Trung Quốc hôm thứ Tư (26/8) thông báo trên Weibo rằng vào Chủ Nhật (23/8) họ đã bắt giữ hàng chục người vượt biên trái phép trên một chiếc tàu cao tốc ở phía đông nam Hồng Kông.
Hôm thứ Năm (27/8), Đài Á Châu Tự do (RFA) đưa tin 12 người trên chiếc tàu bị bắt mà cảnh sát biển Trung Quốc đề cập là các nhà hoạt động dân chủ Hồng Kông, trong đó có nhà hoạt động nổi tiếng Andy Li (Lý Vũ Hiên), sáng lập viên của nhóm dân chủ “Câu chuyện Hồng Kông”.
Cách đây chưa lâu, vào ngày 10/8, Andy Li đã bị an ninh đặc khu bắt giữ với cáo buộc “câu kết” với nước ngoài vi phạm Luật An ninh Quốc gia mới mà chính quyền Trung Quốc vừa cho áp dụng đối với Hồng Kông. Những người còn lại trong số 12 người bị bắt cũng từng tham gia các cuộc biểu tình yêu cầu dân chủ cho Hồng Kông, theo RFA.
Các nhà hoạt động này hiện đang bị Cảnh sát biển Trung Quốc giam giữ và điều tra. Theo Luật Hình sự của Trung Quốc, các công tố viên có thể cáo buộc họ tội danh di cư bất hợp pháp, và nếu bị kết án, họ có thể phải đối mặt với một năm tù trước khi bị trục xuất trở về Hồng Kông.
3,700 ca dương tính sai tại Thuỵ Điển do bộ xét nghiệm “dỏm” từ TQ
Hôm 25/8, cơ quan y tế công cộng Thụy Điển thông báo rằng hơn 3.700 người Thụy Điển đã bị thông báo nhầm về việc dương tính với virus corona do lỗi của các bộ xét nghiệm “Made in China,” The Epoch Times đưa tin.
Cơ quan y tế Thụy Điển cho biết bộ xét nghiệm PCR do BGI Genomics, một công ty giải trình tự gen đặt tại Thẩm Quyến sản xuất không thể phân biệt được giữa vật liệu gen có nồng độ virus thấp và không có virus.
Bà Karin Tegmark Wisell, trưởng ban vi sinh của cơ quan này cho biết nhà cung cấp Trung Quốc cần xem lại chất lượng bộ xét nghiệm. Bà cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc kiểm soát chất lượng nhằm phát hiện các lỗi như vậy.
Kết quả không chính xác đã ảnh hưởng đến 9 khu vực tại nước này trong thời gian từ tháng 3 đến giữa tháng 8. Trong khoảng thời gian này, những người bị nhẹ hoặc không có triệu chứng đã nhận được kết quả dương tính giả.
Cơ quan này cho biết ngoài Thụy Điển ra, các bộ xét nghiệm cùng loại này cũng đã được giao tới nhiều quốc gia khác và họ đã thông báo vấn đề này cho các cơ quan hữu quan tại châu Âu và Tổ chức Y tế Thế giới.
Các quan chức không nói chi tiết có bao nhiêu xét nghiệm đã dùng các bộ xét nghiệm Trung Quốc để thực hiện, nhưng nói rằng họ đang loại bỏ 3,700 ca dương tính sai ra khỏi con số kiểm đếm và đang liên hệ các cá nhân bị ảnh hưởng. Những người này sẽ được đề nghị xét nghiệm kháng thể miễn phí.
Nhà chức trách Thuỵ Điển cho biết các kết quả sai này có ảnh hưởng không đáng kể đến con số thống kê ca nhiễm virus của nước này và cũng không làm thay đổi việc đánh giá tổng thể trong giai đoạn mùa hè.
Đến ngày 27/8, Thụy Điển đã có hơn 87.000 ca nhiễm virus corona và 5.817 ca tử vong.
Hai công ty con của tập đoàn BGI, công ty Xinjiang Silk Road BGI (Con đường Tơ lụa Tân Cương BGI) và công ty Beijing Liuhe BGI (Bắc Kinh Liêu Hà BGI) đã bị Hoa Kỳ áp đặt lệnh trừng phạt vào ngày 20/7 do bị cáo buộc tiến hành phân tích gen, tiếp tay cho vi phạm nhân quyền đối với các nhóm người thiểu số Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ tại vùng Tân Cương, Trung Quốc. Các công ty nằm trong danh sách đen của Hoa Kỳ sẽ bị cấm tiếp cận hàng hóa và công nghệ của Hoa Kỳ.
Trong một tuyên bố vào ngày 26/8, BGI Genomics cho biết “các bộ xét nghiệm của họ tương đối nhạy hơn và cho đến nay đã nhận được các đánh giá lâm sàng tích cực.”
Theo trang web của BGI, công ty này có năng lực sản xuất khoảng 2 triệu bộ và đã cung cấp các bộ xét nghiệm cho hơn 80 quốc gia trên thế giới.
Các vật tư y tế bị lỗi của Trung Quốc như khẩu trang và các bộ xét nghiệm trước đây đã khiến nhiều quốc gia nhận chúng phản ứng dữ dội, bao gồm Phần Lan, Anh, Ireland, Canada, và Tây Ban Nha.
Nhật phản đối gia tăng căng thẳng ở Biển Đông
Chánh văn phòng Nội các Nhật Yoshihide Suga hôm nay tuyên bố nước này phản đối bất cứ hành vi nào làm gia tăng căng thẳng ở Biển Đông, theo Mainichi.
Tuyên bố trên được đưa ra sau khi được đề nghị bình luận về việc Trung Quốc phóng hai tên lửa đạn đạo diệt hạm ra Biển Đông hôm 26/8. Ông Suga nói thêm rằng Nhật Bản đang theo dõi các động thái của Trung Quốc gần đây ở Biển Đông “với sự quan ngại”.
“Các vấn đề ở Biển Đông liên quan trực tiếp đến hoà bình và ổn định của khu vực, là vấn đề lợi ích chính đáng của cộng đồng quốc tế, trong đó có đất nước chúng tôi”, ông Suga nói.
Ông Pompeo cáo buộc HSBC tiếp tục giao dịch với các quan chức bị trừng phạt
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tối 26/8 (giờ địa phương) đã chỉ trích HSBC vì ngân hàng này vẫn tiếp tục giao dịch với các cá nhân chịu lệnh trừng phạt của Mỹ, trong khi không cho phép các giám đốc điều hành Hồng Kông của Next Digital, nhà xuất bản của Apple Daily truy cập vào thẻ tín dụng và tài khoản ngân hàng cá nhân của họ.
Nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ cho biết đây là một ví dụ khác về “chiến thuật bắt nạt cưỡng bức” của Đảng Cộng sản Trung Quốc đối với các công ty Anh. Theo SCMP, HSBC có trụ sở tại London, nhưng tạo ra lượng lớn lợi nhuận ở châu Á.
“Các quốc gia tự do phải đảm bảo rằng lợi ích doanh nghiệp không bị ĐCSTQ điều khiển để hỗ trợ cho hành vi đàn áp chính trị của họ. Chúng tôi sẵn sàng giúp chính phủ Anh và các công ty của họ chống lại sự bắt nạt của ĐCSTQ và đứng về phía tự do”, theo thông cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ.
Hàn Quốc đóng cửa Quốc hội vì Covid-19
Quốc hội Hàn Quốc hôm nay đóng cửa tạm thời và nhiều nghị sĩ phải tự cách ly, sau khi một phóng viên từng tác nghiệp tại đây nhiễm nCoV, theo AFP.
Nam phóng viên ảnh trên tác nghiệp tại cuộc họp Quốc hội Hàn Quốc hôm 26/8, sau đó phát hiện một người thân từng gặp vào cuối tuần trước bị nhiễm nCoV. Người phóng viên đã đi xét nghiệm và có kết quả dương tính.
Anh tiếp xúc với khoảng 50 người ở Quốc hội, trong đó 32 người là các nghị sĩ và quan chức. Hơn 10 nghị sĩ hàng đầu của đảng Dân chủ, trong đó có chủ tịch đảng và lãnh đạo của đảng tại Quốc hội, đã đi xét nghiệm và tự cách ly.
Quốc hội Hàn Quốc đã tổ chức cuộc họp khẩn vào tối 26/8 để thảo luận về cách xử lý và yêu cầu đình chỉ toàn bộ hoạt động từ ngày 27/8. Cả Quốc hội và một tòa nhà văn phòng của các nghị sĩ đều bị đóng cửa. Các đảng đối lập cũng hủy những cuộc họp dự kiến.
Cảnh sát Nga xem xét vụ nhà đối lập Navalny
Cảnh sát Nga hôm nay thông báo bắt đầu kiểm tra sơ bộ bệnh tình của lãnh đạo đối lập Navalny, sau khi Điện Kremlin bác khả năng ông bị đầu độc, theo AFP.
Cảnh sát ở Siberia hôm 27/8 cho biết họ đã bắt đầu quá trình “kiểm tra trước khi điều tra” về nguyên nhân khiến lãnh đạo đối lập Alexei Navalny phải nhập viện ở thành phố Omsk hôm 20/8. Lực lượng này gọi đây là động thái để xác định “tất cả các tình huống” và quyết định xem có mở cuộc điều tra tội phạm hay không.
Cảnh sát Siberia đã khám xét các địa điểm mà ông Navalny ghé qua cùng phòng khách sạn của ông. Họ cũng kiểm tra các đoạn video từ camera an ninh và tịch thu hơn “100 món đồ có thể làm bằng chứng”.
Ông Navalny là lãnh đạo đảng đối lập Liên minh Nhân dân Nga. Ông cảm thấy không khỏe và bất tỉnh khi đang trên chuyến bay từ Siberia đến Moskva hôm 20/8. Các đồng minh của ông Navalny cho rằng ông Navalny có thể đã bị đầu độc khi uống một tách trà ở sân bay Tomsk.
Ông Navalny hôm 22/8 được đưa tới Berlin, Đức để điều trị. Các bác sĩ Đức nói rằng kiểm tra y tế cho thấy ông ngộ độc hợp chất lạ thuộc nhóm ức chế cholinesterase. Tuy nhiên, các bác sĩ Nga tuyên bố không phát hiện bất kỳ bằng chứng nào cho thấy ông Navalny bị trúng độc.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov hôm 26/8 đã bác bỏ lời kêu gọi của cộng đồng quốc tế về việc mở một cuộc điều tra minh bạch.
Quân đội Trung Quốc bắn 4 tên lửa vào khu vực gần Hoàng Sa
Phó Đô đốc Hải quân Hoa Kỳ nói nước này đã sẵn sàng đối phó, quân đội đang ở chế độ sẵn sàng.
Hôm thứ Tư (26/8), quân đội Trung Quốc đã phóng bốn tên lửa đạn đạo tầm trung vào một mục tiêu đã định trước ở Biển Đông, làm gia tăng căng thẳng trong khu vực. Liên quan đến hành động này, Phó Đô đốc Hải quân Hoa Kỳ Scott D. Conn trả lời: “Hoa Kỳ sẵn sàng đối phó với bất kỳ mối đe dọa nào trong khu vực và tất cả các lực lượng quân sự đang ở chế độ sẵn sàng”.
Reuters đưa tin, một quan chức Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ tiết lộ rằng quân đội Trung Quốc đã phóng 4 tên lửa đạn đạo tầm trung vào Biển Đông vào ngày 26. Các tên lửa đã hạ cánh xuống vùng biển giữa đảo Hải Nam của Trung Quốc và quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Quân đội Mỹ vẫn đang tiếp tục xác minh.
Trước đó, South China Morning Post dẫn lời quân đội Trung Quốc cho biết trong số hai tên lửa do quân đội nước này phóng xuống Biển Đông sáng ngày 26, một tên lửa phóng từ Chiết Giang là tên lửa chống hạm Đông Phong 21D, và một tên lửa được phóng từ Thanh Hải, tên Đông Phong 26B .
Truyền thông đại lục Trung Quốc từng cho rằng tên lửa đạn đạo Đông Phong 26 là vũ khí nòng cốt của vũ khí tấn công tầm xa của quân đội nước này. Một báo cáo trên trang web của tạp chí khoa học và công nghệ Mỹ Popular Mechanics cũng cho biết cả Đông Phong 21D và Đông Phong 26B đều có những khả năng chống tàu sân bay nhất định, trong đó Đông Phong 26B có thể tấn công mục tiêu định trước cách xa 4.000 km.
NTDTV dẫn “Báo cáo sức mạnh quân sự Trung Quốc 2020” do Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ đệ trình lên Thượng viện cho thấy Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ tin rằng tên lửa đạn đạo Đông Phong 21D có thể gây ra mối đe dọa nhất định đối với tàu sân bay, trong khi Đông Phong 26 “có giới hạn” trong khả năng chống tàu. Để tăng khả năng phản ứng của tàu sân bay Hoa Kỳ trước những rủi ro do tên lửa tầm trung gây ra, Hải quân Hoa Kỳ đang làm việc để tăng tầm hoạt động của các máy bay hoạt động trên tàu sân bay.
Quân đội Trung Quốc phóng tên lửa tầm trung một ngày sau khi máy bay trinh sát U-2 của Hoa Kỳ tiến vào khu vực tập bắn đạn thật phía bắc của Trung Quốc trong vùng cấm bay, thế giới bên ngoài tin rằng động thái của quân đội Đại lục có nghĩa là đang đe dọa quân đội Hoa Kỳ.
Phó Đô đốc Hải quân Hoa Kỳ Scott D. Conn cho biết khi trả lời câu hỏi liên quan từ giới truyền thông hôm thứ Năm (27/8), “Hoa Kỳ sẵn sàng ứng phó với bất kỳ mối đe dọa nào trong khu vực và tất cả quân đội đều đang ở chế độ sẵn sàng”.
Theo trang thông tin hàng không FR-24, rạng sáng ngày 26 giờ địa phương, một máy bay trinh sát có tên lửa đạn đạo RC-135S mang số hiệu 62-4128 của Hoa Kỳ đã cất cánh từ căn cứ Kadena ở Okinawa và tiếp tục tiến hành các hoạt động trinh sát gần Biển Đông.
Theo báo cáo này, máy bay trinh sát RC-135 của Hoa Kỳ mang số hiệu 62-4128, có tên mã “Cobra Ball”, là một máy bay trinh sát tên lửa đạn đạo đặc biệt của Quân đội Hoa Kỳ. Nhiệm vụ của nó là thu thập các đặc điểm tín hiệu tên lửa đạn đạo, dữ liệu đo từ xa và thông tin tình báo từ cá điểm tập đạn thật. Khi Triều Tiên thường xuyên thử tên lửa đạn đạo liên lục địa vào năm 2017, các máy bay trinh sát này thường xuyên xuất hiện ở vùng biển gần bán đảo Triều Tiên.
Ngoài ra, trang web National Interest của Mỹ đã đưa tin vào tháng 4 năm nay rằng quân đội Mỹ có ý định sử dụng phiên bản nâng cao của “Tên lửa liên hợp đất đối không” AGM-158C như một vũ khí chống hạm siêu việt.
Các chuyên gia quân sự cho rằng quân đội Mỹ có thẻ sẽ sử dụng máy bay ném bom siêu thanh B-1B được trang bị tên lửa AGM-158C tối tân để chống lại hệ thống tên lửa chống hạm Đông Phong 21D / 26 của Trung Quốc.
Trung Quốc đang chịu thiệt hại từ biến đổi khí hậu nặng hơn thế giới
Trung Quốc có nhiệt độ tăng nhanh hơn và mực nước biển dâng cao hơn tốc độ trung bình toàn cầu trong vài thập kỷ qua, đồng thời quốc gia này phải trải qua các hiện tượng thời tiết cực đoan thường xuyên hơn, Bloomberg dẫn số liệu thống kê chính thức cho hay.
Từ năm 1951 đến năm 2019, nhiệt độ của Trung Quốc tăng trung bình 0,24 độ C sau mỗi mười năm, theo Sách Xanh về Biến đổi Khí hậu do Trung tâm Khí hậu Quốc gia Trung Quốc xuất bản tuần này.
Mực nước biển dâng trung bình ở gần các khu vực ven biển của Trung Quốc là 3,4 mm mỗi năm từ năm 1980 đến năm 2019, nhanh hơn mức trung bình toàn cầu (1993-2019) là 3,2 mm mỗi năm. Năm ngoái, mức nước biển ở Trung Quốc tăng 24 mm so với năm trước và cao hơn 72 mm so với mức trung bình của thế giời (được thống kê từ 1993 đến năm 2011).
Báo cáo thường niên cũng ghi nhận mực nước trên các bề mặt ở nội địa Trung Quốc dâng cao hơn kể từ năm 2015. Mực nước của hồ Qinghai, một hồ lớn ở khu vực tây bắc vốn khô cằn của Trung Quốc, năm 2019 cao hơn 3,1m so với 15 năm trước đó.
Năm ngoái, một số sông băng lớn thuộc các khu vực có khí hậu lạnh ở Trung Quốc đã tan chảy với tốc độ nhanh hơn.
Sông băng Urumqi số 1 ở tây bắc Trung Quốc, một trong những sông băng được theo dõi chặt chẽ nhất về tác động của biến đổi khí hậu, tan chảy vào năm 2019 với tốc độ nhanh nhất kể từ những năm 1960.
Trung Quốc là một trong những quốc gia chịu tác động lớn nhất của biến đổi khí hậu, với mực nước biển dâng cao đe dọa nhấn chìm các thành phố lớn ven biển như Thượng Hải nếu như nước này không có hành động cắt giảm khí thải.
Năm 2019, hơn 900 người Trung Quốc đã thiệt mạng hoặc mất tích do thiên tai, và hơn 19 triệu ha cây trồng bị thiệt hại, theo Bộ quản lý khẩn cấp Trung Quốc.
Những trận lũ lớn vào mùa hè năm nay diễn ra ở nhiều tình đã làm Trung Quốc thiệt hại trực tiếp 25 tỷ đô la Mỹ.