Phụng Minh
Nằm ở thượng nguồn đập Tam Hiệp, trải qua mùa mưa kỳ dị năm 2020, Thành Đô, Tứ Xuyên thường xuyên ngập trong nước. Nhưng không chỉ trong năm nay, nơi được mệnh danh là “thiên phủ chi quốc” (quốc gia thiên thượng hay thiên quốc) đã thường xuyên ngập lụt kể từ năm 2013 tới nay.
Trùng hợp thay, năm 2013, một linh vật bằng đá trông giống con tê giác trấn dưới quảng trường Thiên Phủ, trung tâm Thành Đô đã bị đào lên. Truyền thông tiếng Hoa cho biết linh vật này đã được phát hiện vào năm 1973: “Khi xây dựng tòa nhà viễn thông, người ta đã đào được một con thú bằng đá, nó nặng đến mức không thể lấy ra được … nên họ để nó nguyên vị trí cũ, ngay bên trên nó là móng của tòa nhà”, theo Thành Đô thành phường cổ tích khảo.
Có lẽ 40 năm sau người ta mới có đủ kỹ thuật và phương tiện để đào nó lên, nhưng từ đó, Tứ Xuyên thường xuyên bị ngập lụt.
Theo Thục vương bổn kỷ ghi chép: “Nước sông gây hại, Thục nghe theo Lý Băng đã làm ra 5 con tê giác đá, hai con để trong phủ, một con ở dưới cầu thành và hai con ở dưới nước, dùng để trấn áp thủy quái”.
Một số chuyên gia khảo cổ kết luận niên đại của bức tượng được chế tác cách ngày nay khoảng 2.000 năm, phù hợp với giai đoạn cuối thời Chiến Quốc, nước Thục lúc đó có vị trí ở Tứ Xuyên ngày nay.
Người tin văn hóa Thần truyền nói rằng không được đào những thần thú trấn thủy, nhưng chính quyền địa phương lúc bấy giờ vẫn chọn cách khai quật tượng đá lên, rửa sạch và chuyển đến Bảo tàng Kim Sa. Ngày nay, người ta vẫn còn thấy một bên thân của tượng có dấu vết bị đục.
Tại sao lại sử dụng tê giác trấn thủy?
Theo Thành Đô Ký do Lư Cầu viết vào thời nhà Đường: Vào thời Chiến Quốc, lúc Tần Chiêu Vương tại vị, Lý Băng giữ chức vụ thái thú ở nước Thục. Khu vực này hàng năm đều có mưa to gió lớn, khiến dân chúng thường xuyên phải hứng chịu lũ lụt.
Lý Băng thương dân, tích cực nghĩ biện pháp xây dựng các công trình thủy lợi, ngăn chặn và phân luồng các trận lũ lụt tràn lan. Không những vậy còn cứu tế, giúp dân xây dựng nhà cửa, phát hạt giống cho họ tái canh tác…
Nhưng các công trình thủy lợi ông cho xây, đến năm thứ hai đã bị lũ phá sập, lũ lụt lại hoành hành, khiến dân tình điêu đứng. Hai cha con ông phát hiện ra là do dòng nước suối tan từ băng tuyết trên những ngọn núi, khi đổ xuống hạ lưu thì chảy chậm lại làm vỡ hai bên bờ sông. Không thể xây dựng một con đập nơi đây, do ông muốn giữ đường sông thông thoáng cho các con thuyền quân sự. Do đó, giải pháp mà Lý Băng đưa ra là tạo ra một con đê nhân tạo có thể dẫn một lượng nước đến một khu vực khác và tạo một kênh mương từ trên núi Ngọc Lũy để dẫn nguồn nước dư thừa tới đồng bằng màu mỡ Thành Đô bị khô kiệt.
Công trình thủy lợi Đô Giang Yển ra đời và đến nay vẫn còn là một hình mẫu đáng học hỏi cho các chuyên gia thủy lợi, bởi nó quản lý nguồn nước một cách hài hòa, cho phép các hệ sinh thái và quần thể cá sinh trưởng một cách tự nhiên. Điều này khác hoàn toàn với những con đập ngăn nước ngày nay, được ví như những con dao, chặn ngang lưng những dòng sông và làm cho nó chết dần.
Văn hóa Thần truyền Trung Hoa tin rằng, tê giác đá có thể trấn áp thủy quái. Trong cuốn Hoa Dương Quốc Chí – Thục Chí của Tấn Thường Cừ cũng có ghi chép: “Tần Hiếu Văn Vương đã nghe theo Lý Băng… tạo ra năm đầu tê giác đá trấn nhiếp thủy quái, bảo vệ nước Thục”.
Đồng thời tê giác có công năng phân chia nước, công trình Đô Giang Yển chính là lấy việc phân chia dòng nước để lưu thông khiến sông Mân Giang tại khúc đó được chia thành hai. Theo văn hóa Thần truyền, tê giác đá ở lòng sông giúp khơi thêm dòng trong một không gian khác.
Người xưa tin rằng, linh thú là một yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến phong thủy, quả thực sau khi đào tê giác đá lên, trong vòng chưa đầy nửa năm đã ứng nghiệm, Thành Đô trước đó trong hơn 10 năm chưa từng xảy ra lũ lụt, lúc đó đã bị ngập hoàn toàn.
Sau đó, hàng năm vào mùa mưa ở Tứ Xuyên luôn có nước lũ ngập tràn, đặc biệt là năm 2020, từ đầu tháng 6 đến nay, đã có những trận mưa lớn liên tục như tập trung vào thượng lưu Tam Hiệp, khiến toàn bộ Tứ Xuyên ngập chìm trong nước. Vào ngày 22/6, sông Kỳ Giang ở Tứ Xuyên đã hứng chịu trận lụt lớn nhất kể từ năm 1940. Trong tháng 7, liên tiếp 4 trận động đất xảy ra ở Tứ Xuyên, và đến tháng 8 mưa lũ vẫn đổ xuống mảnh đất này với lưu lượng lớn.
Các nơi ở Tứ Xuyên trải qua mưa lũ kinh hoàng và liên tiếp từ tháng 6/2020 tới nay.
Phản Thiên phản Địa chuốc tai ương?
Tứ Xuyên không chỉ có Đô Giang Yểm và trấn thú kỳ bí, mà còn có Lạc Sơn Đại Phật hùng vĩ linh thiêng. Đại Phật tọa lại tại vách đá Thê Loan, núi Lăng Vân, nơi giao nhau của ba con sông Mân Giang, Thanh Y và Đại Độ, thuộc thành phố Lạc Sơn, tỉnh Tứ Xuyên. Gần đây, nước sông ở Tứ Xuyên dâng cao nhanh chóng do mưa lớn khiến đài quan sát Lạc Sơn Đại Phật bị nhấn chìm và chân Phật cũng ngập trong nước. Có một câu nói được lưu truyền phổ biến ở Lạc Sơn là: “Tẩy cước tiêm, hồng thủy yêm”, nghĩa là nếu nước sông dâng lên đến ngón chân tượng Phật, thì Tứ Xuyên sẽ phải hứng chịu một trận lụt lớn. Vì vậy, người ta không ngừng đồn đoán rằng chân tượng Phật ngập nước có lẽ là điềm báo sắp có chuyện lớn xảy ra.
Nay cả linh thú trấn yểm bị gỡ bỏ, lẫn dị tượng “Phật rửa chân” đều đã linh ứng, Tứ Xuyên, nơi thượng nguồn Tam Hiệp còn tiếp tục mưa lũ và ngập nặng, thì áp lực đối với con đập tai tiếng này sẽ càng lớn. Tam Hiệp có mệnh hệ gì, thì cả một vùng trung và hạ du Dương Tử sẽ trải qua thảm họa kinh hoàng.
Cả đập Tam Hiệp phản Thiên phản Địa, dùng nguyên lý tác động thô bạo tàn phá thiên nhiên, lẫn sự bất tín, thiếu khiêm cung mà gỡ bõ trấn thú của chính quyền Trung Quốc thời nay, đều có thể sẽ mang lại điều chẳng lành cho nhân dân và quốc gia 5.000 năm văn hiến này. Con người thuận theo tự nhiên, tôn trọng và nâng niu tự nhiên thì sẽ được tự nhiên nâng niu lại. Như Đô Giang Yển thuận theo Thiên Địa mà trị thủy, thì thiên tai cũng giảm bớt mà đem an lành cho bách tính, lương dân. Trị quốc không cần cường bạo, ngông cuồng, mà cần khiêm cung, vì người. Người dân không cần bá vương mà cần minh quân.
Theo Secretchina, NTDTV
Phụng Minh tổng hợp