Thu Hằng
Túi xách, mũ, kem chống nắng… mùa hè 2020 khách du lịch còn lỉnh kỉnh thêm khẩu trang, nước rửa tay khô và khăn khử trùng. Dịch Covid-19 buộc tất cả mọi người phải thích nghi với điều kiện mới.
Quên khẩu trang ? Du khách sẽ không được vào tham quan những địa điểm khép kín, khách hàng sẽ không được vào nhà hàng, quán cà phê, kể cả ngồi ngoài hiên. Khẩu trang thành vật bất ly thân trong mùa cao điểm du lịch.
Trán lấm tấm mồ hôi do đeo khẩu trang kín mặt, nhưng anh Etienne Davello, chủ nhà hàng Resto’Rond bên bờ hồ Serre-Ponçon, ở Savines-le-Lac (tỉnh Hautes-Alpes, đông nam Pháp) vẫn thoăn thoắt phục vụ từng món ăn và không quên vài câu bông đùa với khách hàng :
« Đúng là hơi bị gò bó một chút vì với thời tiết nóng như hiện nay thì khó thở thật. Nhưng điều đó lại cho phép chúng tôi được làm việc, nhà hàng tiếp tục mở cửa, tiếp đón khách hàng. Có thể là nụ cười ẩn sau khẩu trang nhưng nhờ đó mà chúng tôi được tiếp tục làm việc nên chúng tôi không phàn nàn gì cả.
Đeo khẩu trang trong nhà hàng là bắt buộc, có bảng ghi rõ ở phía ngoài, nhưng vẫn có nhiều người khó « đào tạo », chúng tôi phải nhắc nhở họ, vì đeo khẩu trang là bắt buộc, để bảo vệ cho những khách hàng khác, cho nhân viên của nhà hàng, cho chủ nhà hàng như chúng tôi và cho cả gia đình chúng tôi nữa. Đúng là áp dụng biện pháp này hơi khó nhưng thường khi chúng tôi nhắc nhở, khách hàng bỏ khẩu trang ra đeo luôn ».
Rong ruổi trên từng cây số
Vì khủng hoảng virus corona, 9 trên 10 người Pháp đi nghỉ hè chọn du lịch trong nước (so với 5 trên 10 người năm 2019). Dịch Covid-19 trở thành cơ hội để họ khám phá lại quê hương, không quay cuồng theo dòng khách nước ngoài, mà thong thả theo lịch trình gần như được quyết định vào phút chót, vì vừa lựa theo thời tiết, vừa theo dõi vùng bị nặng, bị nhẹ.
Ngoài ô tô riêng, xe dã ngoại (camping-car) trở thành phương tiện du lịch được nhiều người dân Pháp lựa chọn : Trong tháng 07 và 08/2020, số hợp đồng thuê xe đã tăng 60% so với cùng kỳ năm 2019. Ngoài lý do tiện lợi cho những hành trình trung bình và ngắn tính từ nơi ở, còn có yếu tố vệ sinh, theo giải thích với RFI của Didier Chatard, phụ trách bán và cho thuê camping-car của một thương hiệu gần Clermont-Ferrand :
« Chúng tôi có những xe thùng được bố trí tiện nghi, từ xe dã ngoại kiểu « profilé » (có vách ngăn với buồng lái) đến loại xe « capucine » cỡ lớn, có trang bị giường ngủ đôi phía trên cabin…
Thông thường, người dân Pháp phải đăng ký ngày nghỉ trước, phải sắp xếp với chủ lao động, rồi đặt phòng nghỉ trước vài tuần, thậm chí là vài tháng. Nhưng năm nay, đúng là không thể được. Thêm vào đó là vấn đề vệ sinh. Đi xe dã ngoại, người ta thường đi với người thân, khác một chút so với việc ngủ ở khách sạn ».
Được ngủ dưới bầu trời đầy sao, nghe râm ran tiếng côn trùng hoặc rì rào tiếng sóng, chỉ đi xe dã ngoại, với cả ngôi nhà di động, mới có được trải nghiệm khác lạ này. Hầu hết các địa phương phát triển du lịch, các khu công viên quốc gia, đều có bãi đỗ camping-car để thu hút những tâm hồn lãng du này. Cả nước Pháp hiện có khoảng 550.000 xe dã ngoại. Từ vài năm nay, trung bình mỗi năm có khoảng 20.000 xe mới và 60.000 xe cũ được bán ra, theo Gérard Couté, chủ tịch Liên đoàn người cắm trại, xe dã ngoại của Pháp (Fédération française des campeurs, caravaniers et camping-caristes, FFCC).
Khám phá lại vẻ đẹp quê hương
Hai tháng rưỡi phong tỏa khiến người dân Pháp khao khát tự do với không gian rộng, được cảm nhận mùi của thiên nhiên. Biển xanh, nắng vàng, cát trắng vẫn là địa điểm hấp dẫn nhất đối với hơn một nửa người dân du lịch Pháp, nhưng cũng có rất nhiều người chọn miền núi và nông thôn, thanh bình và vắng vẻ, nên nguy cơ lây nhiễm virus corona cũng ít hơn.
Làng Savines-le-Lac, nổi tiếng với hồ nhân tạo Serre-Ponçon lớn thứ hai ở châu Âu, nằm giữa hai công viên quốc gia Ecrins và Mercantour, đón những du khách đầu tiên ngay từ khi vừa dỡ phong tỏa và biên giới mở cửa trở lại. Nhà hàng Resto’Rond luôn kín chỗ và thường xuyên phải từ chối khách không đặt trước. Anh Etienne Davello giải thích với RFI Tiếng Việt :
« Chúng tôi có nhiều khách du lịch, thường là những cặp vợ chồng trẻ có con nhỏ chưa đến tuổi đi học và các cặp vợ chồng nghỉ hưu. Ngoài ra, Văn phòng Du lịch cho chúng tôi biết là số lượng đặt phòng và các hoạt động tăng nhanh từ giữa tháng Bẩy và gần như kín chỗ cho tháng Tám.
Chúng tôi cũng có nhiều khách quen nóng lòng chờ nhà hàng mở cửa trở lại vì suốt hai tháng rưỡi, họ không được đến nhà hàng nên họ nhớ. Khách đến rất đông nhưng vì số bàn của chúng tôi có hạn nên nhiều người đến, không còn chỗ, thì đặt bàn cho hôm sau, hoặc những ngày sau đó. Nói chung là chúng tôi vẫn có thể khiến khách hàng hài lòng về lâu dài. Số lượng chỗ có hạn cũng giúp chúng tôi phục vụ khách hàng một cách chu đáo và chú trọng đến chất lượng.
Đúng là chúng tôi có cách hoạt động riêng. Chúng tôi phục vụ một lượng khách hàng nhất định mỗi ngày vì chúng tôi có hai người làm việc chính, tôi và đối tác. Ngay từ đầu, chúng tôi chủ trương để các bàn cách xa nhau và bàn ăn cũng rộng hơn. Vì thế, nhà hàng của chúng tôi, với không gian bên trong và khoảng hiên phía ngoài, không bị dịch Covid-19 tác động nhiều. Còn nhiều đồng nghiệp của chúng tôi, có nhà hàng nhỏ hơn, đã phải bỏ bớt bàn ghế. Tôi biết là nhiều nhà hàng gặp khó khăn ».
Chùa Wat Thammapathip (Chùa Ánh sáng), ở Moissy-Cramayel, tỉnh Seine-et-Marne, ngoại ô Paris. © RFI / Tiếng Việt
Khám phá những địa danh quanh nơi ở, đặc biệt tại những thành phố lớn, trở thành trào lưu mới trong mùa hè 2020. Người dân Paris khoác áo khách tham quan những địa điểm trong thành phố mà những ngày thường, vì mải mê công việc và những bộn bề của cuộc sống khiến họ bỏ qua. Thành phố Paris phối hợp với Liên đoàn hướng dẫn viên chuyên nghiệp, tổ chức khoảng 700 chuyến tham quan miễn phí dành riêng cho người dân thủ đô.
Vùng Ile-de-France nổi tiếng với nhiều lâu đài lớn (Versailles, Fontainebleau, Saint-Germain en Laye…), những ngôi làng cổ, những trang trại xanh mướt và cả những ngôi chùa đặc trưng văn hóa châu Á. Một gia đình Pháp gồm ba thế hệ như lạc vào một thế giới khác khi lần đầu đến vãn cảnh chùa Wat Thammapathip (Chùa Ánh sáng), vào một chiều chủ nhật, ở Moissy-Cramayel (tỉnh Seine-et-Marne), trước đây là lâu đài Lugny :
« Quang cảnh đúng là hoàn toàn lạ lẫm. Khi tới đây, chúng tôi có cảm giác như không còn ở Pháp nữa, trừ mỗi lâu đài gợi cho chúng tôi kiến trúc đặc trưng của Pháp. Nếu không thì đúng là không thể hình dung được, tượng Phật có ở khắp nơi. Đây là lần đầu tiên chúng tôi đến đây, tiếc là không có những lời giải thích hay hướng dẫn nào.
Chúng tôi cũng thử xem quẻ. Chỉ việc xóc ống thẻ cho đến khi một thẻ rơi ra ngoài. Sau đó, chúng tôi tìm số phù hợp với thẻ và đọc quẻ của mình. Tôi không rõ là chùa có tổ chức lễ hay không, nhưng hình như có một buổi lễ khi chúng tôi vừa đến. Chúng tôi cũng tự hỏi là có thể vãn cảnh chùa hay thăm một khu đền thờ nào không. Chúng tôi không rõ lắm và mầy mò khám phá ».
Suốt hai tháng hè, trong chương trình thời sự mỗi tối của các kênh truyền hình lớn của Pháp đều có chuyên mục giới thiệu những địa danh trong nước, đặc sản của mỗi địa phương, dù lớn hay nhỏ hoặc những hoạt động trong mùa du lịch. Trang france.fr quảng bá cho du lịch Pháp lập riêng hashtag #CetÉtéJeVisiteLaFrance (Hè này tôi thăm nước Pháp) để khuyến khích người dân du lịch trong nước. Hình ảnh được chia sẻ theo từng chuyên mục (#Respirer #SEvader #VoyagerEnFamille #SeCultiver #Savourer #Bouger) để mỗi người truy cập có thể tìm được cảm hứng cho những chuyến đi tới.
Tuy nhiên, sau một mùa nghỉ hè thành công, số ca nhiễm virus corona cũng tăng nhanh. Không chỉ Pháp, cả châu Âu đau đầu với những người đi du lịch về trong khi tháng Chín tới, học sinh sẽ đến trường và nhịp độ làm việc phần nào trở lại bình thường. Theo cuộc thăm dò ngày 04/08 của Happydemics, cho trang HomeExchange, khoảng một nửa người dân Pháp chưa nghĩ đến đi nghỉ hoặc không biết sẽ đi đâu trong năm 2021, khi tương lai dịch bệnh vẫn khó lường.