Hương Thảo
Tờ WION của Ấn Độ đã phát hiện ra rằng, chính phủ Trung Quốc có một kho các tài khoản giả mạo và nhiều tài khoản trong số này đang được sử dụng để truyền bá thông tin sai lệch chống lại Ấn Độ.
Các chính sách bành trướng và xâm lược của Trung Quốc dường như đang phản tác dụng. Trong một nỗ lực để phô trương sức mạnh, Bắc Kinh đã tự phong bế bản thân và giờ đây lực lượng này không có bất kỳ đồng minh nào.
WION nhận định, Đảng cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đang thực hiện một chiến dịch thông tin sai lệch tốn kém hàng triệu đô la. Tuyên truyền của ĐCSTQ là một nỗ lực có tổ chức và được dàn dựng.
Một số dòng tweet của các nhà ngoại giao Trung Quốc, của chính quyền Trung Quốc và các phương tiện truyền thông của ĐCSTQ thoạt nhìn trông giống như thật, nhưng tất cả chúng đều là giả được đăng từ các tài khoản giả, được WION phát hiện ra khi tình hình ở biên giới Trung – Ấn ở thời điểm tồi tệ nhất.
Theo WION, bộ máy tuyên truyền của ĐCSTQ thường áp dụng 4 phương pháp tuyên truyền đặc trưng để tấn công Ấn Độ.
Thứ nhất: Phát tán thông tin sai lệch thông qua các tài khoản giả mạo. Một số trong đó mạo danh cả những nền tảng tin tức truyền thông nổi tiếng.
Thứ hai: Dùng các chương trình tự động (bots) để khuếch đại một thông điệp.
Thứ ba: Dùng các phương tiện truyền thông nhà nước của ĐCSTQ để thúc đẩy một câu chuyện được dàn dựng sẵn.
Thứ tư: Dùng chính các nhà ngoại giao Trung Quốc.
Trong quá trình điều tra WION phát hiện ra một điều phản ánh rõ bản chất lọc lừa của ĐCSTQ, đó là lực lượng này cấm tuyệt đối người dân Trung Quốc tham gia vào các mạng xã hội phổ biến trên thế giới như Twitter, nhưng chính phủ Trung Quốc lại sở hữu một kho tài khoản ở mạng xã hội này và rất nhiều trong số đó được sử dụng để truyền bá thông tin sai lệch chống lại Ấn Độ.
Có khoảng 5.000 tài khoản Twitter đã được bộ máy tuyên truyền của chính quyền Trung Quốc sử dụng để phát tán thông tin sai lệch. Những tài khoản này tung ra những tuyên truyền liên quan tới đại dịch Covid và các cuộc biểu tình ở Hồng Kông theo hướng có lợi cho Bắc Kinh, nhưng khi vấn đề biên giới Trung – Ấn nổi lên, những tài khoản này chuyển chủ đề và bắt đầu chạy thông tin không trung thực về tình hình biên giới, tình hình ở Ladakh (khu vực tranh chấp giữa Trung-Ấn) và về việc người Ấn Độ tẩy chay các sản phẩm từ Trung Quốc.
Lực lượng tuyên truyền cho Bắc Kinh cũng đã lập tài khoản Twitter giả mạo danh Đài Á Châu Tự Do, một hãng thông tấn của chính phủ Mỹ. Tài khoản mạo danh này đưa lên một bức ảnh giả về những người lính Ấn Độ tử vong. Ý tưởng tuyên truyền đằng sau đó là Bắc Kinh muốn cho thế giới thấy lính Ấn Độ đã yếu thế như thế nào trước lính Trung Quốc, tuy nhiên, theo WION, tất cả đều là giả.
WION cho biết họ có bằng chứng về việc các nhà ngoại giao Trung Quốc tham gia vào việc thúc đẩy thông tin sai lệch chống lại Ấn Độ. Một số dòng tweet của Tổng lãnh sự Trung Quốc ở Karachi cho thấy người này cáo buộc Ấn Độ “kích động xung đột” với Trung Quốc sau khi bị Mỹ xúi giục.
Trong khi đó, Tổng lãnh sự Trung Quốc tại Cape Town tên Lin Jing có các dòng tweet đổ lỗi cho Ấn Độ gây ra bế tắc ở Ladakh.
Tờ báo Ấn Độ nói rằng những nhà ngoại giao Trung Quốc này không chỉ sử dụng Twitter để truyền bá thông điệp của Bắc Kinh mà còn đang sử dụng các tài khoản trên mạng xã hội này đăng tải thông tin sai lệch chống lại Ấn Độ.
Tờ WION cũng đã phát hiện ra rằng hơn 7.000 tài khoản Twitter mạo danh có liên quan tới các nhà ngoại giao Trung Quốc, bao gồm cả Triệu Lập Kiên, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc – được biết đến với biệt danh ‘đại tướng sói chiến’.
Có nhiều tài khoản mạo danh như vậy và chúng đang được các nhà ngoại giao Trung Quốc quản lý. Mạng lưới các tài khoản này đã bị bắt gặp chia sẻ những bức ảnh giả giống hệt nhau về các binh sĩ Ấn Độ, WION cho hay.
Tờ báo Ấn Độ cho biết thêm, “nhân vật chính” đằng sau mạng lưới dối trá và tài khoản giả mạo này đến từ cấp cao nhất của ĐCSTQ. Thương hiệu ngoại giao ‘chiến binh sói’ này và các chiến dịch thông tin sai lệch trên mạng xã hội đều được thực hiện dưới sự giám sát trực tiếp của lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình.