Hương Thảo
Luật an ninh mới của Trung Quốc đang bóp nghẹt tiếng nói của nhân sĩ, trí thức Hồng Kông và gieo rắc nỗi sợ và thứ văn hóa giả-ác-đấu vào giới học thuật.
Một vài tháng trước, các học giả sẽ rất mong mỏi tên của họ sẽ được xuất hiện trên Economist, một giáo sư tại một trong những trường đại học hàng đầu của Hồng Kông cười chua chát khi bà nói trong một cuộc điện thoại được mã hóa, trang The Economist thuật lại trong một bài viết đăng ngày 23/8. Giờ đây, giống như những giáo sư từ các trường đại học của Hồng Kông được phỏng vấn cho bài báo này, bà cũng sẽ chỉ nói với điều kiện giấu tên. Đây là kết quả của Luật an ninh quốc gia mà Trung Quốc áp đặt cho thành phố, nơi mà cho đến gần đây vẫn tự hào về tự do học thuật và bầu không khí sôi nổi về trí tuệ.
Tự do học thuật ở Hồng Kông đã bị Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) tấn công phối hợp kể từ cuộc biểu tình Chiếm lĩnh Trung Hoàn (Occupy Central), phong trào ủng hộ dân chủ năm 2014, trong đó các sinh viên và giáo sư đóng vai trò nổi bật.
Vào năm 2018, tổ chức nhân quyền Hong Kong Watch công bố một báo cáo cho thấy rằng, theo sau các cuộc biểu tình Trung Hoàn, các học giả bị xem là gây phiền hà đã bị sa thải, bị chặn thăng chức, hoặc phải đối mặt với các chiến dịch mà thường là do các cơ quan báo chí thân Bắc Kinh dàn dựng nhằm loại bỏ họ. Hong Kong Watch cũng kết luận rằng các nhân vật do chính phủ bổ nhiệm đã bắt đầu điều hành các trường đại học vì lợi ích của những người bảo trợ họ hơn là vì những sinh viên và giảng viên.
Tuy nhiên, tất cả các biện pháp đó đều vấp phải sự phản kháng công khai và quyết liệt từ các giáo sư và sinh viên. Giới học thuật tiếp tục lên tiếng; hàng nghìn sinh viên tiếp tục xuống đường. Hơn nữa, hồi đó chỉ có hoạt động chính trị tích cực nhất mới có nhiều điều để e ngại.
Nhưng tất cả đã thay đổi khi vào cuối tháng 6, ĐCSTQ thông qua luật an ninh quốc gia ngột ngạt của nó, vượt trên quyền hạn của người đứng đầu cơ quan lập pháp Hồng Kông. Đạo luật này xử lý các hành vi ly khai, lật đổ, khủng bố và cấu kết với các lực lượng nước ngoài, trao cho nhà chức trách do ĐCSTQ hậu thuẫn thêm quyền để tiến hành khám xét và bổ nhiệm thẩm phán xét xử các vụ án và dẫn độ nghi phạm về đại lục để đối mặt với xét xử theo luật pháp Trung Quốc. Hành vi vi phạm sẽ dẫn đến các hình phạt khắc nghiệt, có thể bao gồm tù chung thân.
Theo Luật Cơ bản, vốn được coi là tiểu Hiến pháp của Hồng Kông, công nhận quyền tự do biểu đạt trong học thuật. Quyền này cũng được chấp nhận trong Điều 4 của luật an ninh quốc gia. Nhưng “điều đó chỉ tồn tại trên giấy”, Alvin Cheung, giáo sư luật tại Đại học New York, cho biết, bởi vì theo luật mới các hành vi phạm tội được định nghĩa rất rộng, nên không ai biết chắc điều gì cấu thành tội phạm. Ông Cheung cho rằng, sự mập mờ đó “không phải là một cái lỗi mà là một tính năng”. Nghĩa là nó khiến cho các học giả sợ hãi mà tự kiểm duyệt bản thân.
Eva Pils, một giáo sư tại Đại học King’s College London và là một nhà hoạt động nổi tiếng cho nhân quyền ở Trung Quốc, cho biết: “Thông điệp từ chính phủ là các học giả không có gì phải lo lắng nếu bạn tuân thủ luật pháp. Nhưng trong thâm tâm, bạn tự vấn bản thân rằng liệu mình có an toàn chăng. Bạn không bao giờ được cho biết đâu là lằn ranh đỏ. Thực tế là không có một ranh giới đỏ như vậy”.
Điều đó đã gây ra một hiệu ứng ngột ngạt. Một giáo sư lịch sử nói với The Economist rằng các đồng nghiệp của ông đã quyết định ngừng dạy các lớp học về Trung Quốc. Thậm chí còn e dè khi thảo luận về cuộc cách mạng Mỹ.
Mối đe dọa đối với các giáo sư có nhiều hình thức. Đầu tiên là họ có thể bị đồng nghiệp hay sinh viên tố cáo. Một giảng viên từ Đại học Hồng Kông cho biết ông luôn ý thức được rằng sinh viên đại lục được chiêu mộ để báo cáo lại về việc giảng viên nào truyền đạt những gì trên giảng đường. Và, ông nói, cách làm này dường như đang lan rộng. Một trong những sinh viên của ông, anh này người địa phương và nói tiếng Quảng Đông, gần đây đã kéo ông ra một bên để cảnh báo rằng Văn phòng Liên lạc Hồng Kông – văn phòng đại diện của đại lục tại lãnh thổ – đã tiếp cận anh và yêu cầu báo cáo lại các thảo luận trên lớp học.
Ông Johnny Patterson của Hong Kong Watch cho rằng, tình hình đó có thể tồi tệ hơn theo thời gian. Chính phủ Hồng Kông gần đây đã thúc đẩy một cách tiếp cận được gọi là “yêu nước” hơn trong các trường học. Những cuốn sách được coi là chỉ trích Trung Quốc (ví dụ của các tác giả như nhà hoạt động dân chủ Hoàng Chi Phong) đã bị xóa khỏi các thư viện công cộng. Các trường học đã được yêu cầu làm theo và dập tắt tư tưởng ủng hộ dân chủ hoặc chống Trung Quốc. Các lớp học về tự do, nhằm thúc đẩy tư duy độc lập cũng đang ở trong tầm ngắm.
“Một khi [học sinh] bị truyền bá [tư tưởng méo mó] trong trường học, điều gì sẽ xảy ra trong một thập kỷ hoặc lâu hơn?”, Ông Patterson tự hỏi. “Liệu nó sẽ dẫn đến thứ văn hóa bẩm báo giả dối?”.
Nguy cơ khác là những điều mà các học giả nghiên cứu sẽ bị kiểm soát. Cơ quan tài trợ và cấp kinh phí nghiên cứu quan trọng bậc nhất của Hồng Kông là Ủy ban Tài trợ Đại học (UGC). Chính quyền đã bơm 20 tỷ đô la Hồng Kông (2,6 tỷ USD) vào quỹ tài trợ của mình. UGC khẳng định rằng họ độc lập khỏi sự can thiệp của chính phủ và cam kết tự do học thuật, ví dụ, dựa vào quá trình tự đánh giá và thẩm định của đồng nghiệp (peer review) để quyết định quỹ sẽ cấp kinh phí cho ai. Nhưng các thành viên của UGC lại được bổ nhiệm bởi Đặc khu trưởng Hồng Kông, thuộc cấp của Bắc Kinh. Một học giả lo lắng rằng UGC sẽ giữ một cơ sở dữ liệu về các loại đề xuất nghiên cứu, với những nghiên cứu bị coi là kém chất lượng sẽ bị “gắn cờ”, báo lên hội đồng nhà trường, điều này gây ảnh hưởng đến sự thăng chức, nhiệm kỳ và những thứ tương tự. Một số người khác thì nhận được cảnh báo từ cấp trên trong các khoa trường của họ rằng hãy xóa các tài liệu tham khảo mà Trung Quốc có thể thấy khó chịu, trước khi gửi đề xuất nghiên cứu lên UGC. Tuy nhiên, UGC nói rằng cơ sở dữ liệu của họ chỉ dành cho mục đích sử dụng nội bộ.
“Sẽ mất một khoảng thời gian khá lâu để phá hủy hệ thống tài trợ của các trường đại học”, ông Cheung ngẫm nghĩ và cho biết thêm rằng “hiện tại vẫn chưa rõ liệu các cơ quan được thành lập theo Luật an ninh quốc gia có thể can thiệp vào quá trình này hay không”. Nhưng sự nhập nhằng đang mang lại tác dụng như mong muốn là gieo rắc nỗi sợ hãi và khuyến khích tự kiểm duyệt.
Nó được thiết kế để “tạo ra sự lo lắng trong giới học giả khi họ đi xin tài trợ”, bà Pils nói. Và nỗi sợ đó có tính lây nhiễm. Vào ngày 10/8, một giáo sư tại Đại học Hồng Kông tiết lộ rằng YouGov, một tổ chức thăm dò ý kiến có trụ sở tại London, yêu cầu ông rút lại một số câu hỏi khỏi cuộc khảo sát mà ông đang thực hiện trong nghiên cứu của mình, vì lo lắng rằng chúng không phù hợp với luật mới.
Các giáo sư bày tỏ những lo ngại khác. Một số lo sợ rằng họ có thể phải chịu trách nhiệm về nghiên cứu do nghiên cứu sinh tiến sĩ của họ thực hiện, buộc họ phải đóng vai một người kiểm duyệt. Những người khác lo ngại rằng họ có thể vi phạm luật cộng tác với một thế lực nước ngoài nếu họ tiến hành nghiên cứu với một trường đại học nước ngoài hoặc nhận tài trợ nước ngoài. Luật này cũng vượt ra khỏi lãnh thổ, nghĩa là nó có thể được áp dụng cho bất kỳ ai ở bất kỳ quốc gia nào. Do đó, các học giả trách nhiệm sẽ có nghĩa vụ xem xét liệu họ có đang đặt bất kỳ cộng tác viên nước ngoài nào vào rủi ro khi thực hiện nghiên cứu hay không, một giáo sư nói.
Gắn với tất cả những mối lo ngại này là các hội đồng đại học quản lý các trường đại học của Hồng Kông. Chính phủ bổ nhiệm đa số thành viên của hội đồng này, và đặc khu trưởng Hồng Kông là hiệu trưởng danh dự của các trường đại học chính của đặc khu (như thống đốc trong thời thuộc địa của Anh). Nhiều người nghĩ rằng bước ngoặt đã đạt đến vào tháng 7, khi hội đồng quản trị của Đại học Hồng Kông sa thải Đới Diệu Đình (Benny Tai), giáo sư luật và là người đứng đầu phong trào Chiếm lĩnh Trung Hoàn. Trung Quốc từ lâu đã muốn loại bỏ ông và ông bị kết án vì vai trò của mình trong cuộc biểu tình. Sau khi bị sa thải, ông tuyên bố quyết định đó không phải do trường đại học đưa ra mà là sự can thiệp của “một cơ quan thẩm quyền cao hơn trường đại học, thông qua các tay sai của nó”.
Bất kể thông qua tự kiểm duyệt, truy tố hay sa thải, sự im lặng của những bộ óc trí tuệ và sáng suốt sẽ gây tổn hại cho nền kinh tế sôi động của Hồng Kông, đặc biệt nếu nó dẫn đến việc chảy máu chất xám.
Các trường đại học đẳng cấp thế giới ở Hồng Kông là một lý do vì sao lãnh thổ này thu hút đầu tư từ các công ty trên khắp toàn cầu. Lợi thế đó nay xem chừng nguy khốn. “Điều cuối cùng đang bị đe dọa không kém, đó là vị thế của Hồng Kông, vốn là một trong những thành phố toàn cầu tuyệt vời nhất thế giới”, ông Quinn nói.
Theo Economist,
Hương Thảo dịch và biên tập