Cải tổ chương trình Anh ngữ dành cho di dân để… chống Trung Cộng?
Trong buổi thuyết trình tại Câu lạc bộ Báo chí Quốc gia tuần qua (28/8/020) quyền Tổng trưởng Di trú Alan Tudge đã công bố những cải tổ sâu rộng trước những lời chỉ trích rằng chương trình tiếng Anh dành cho di dân hiện tại (AMEP: Adult Migrant English Program) không hiệu quả và rất nhiều học viên không thể hội nhập với xã hội Úc dẫu đã “tốt nghiệp” chương trình này.
Trong cải tổ với kinh phí 1 tỷ Úc kim, chính phủ Liên bang sẽ xóa bỏ giới hạn về số giờ học và thời hạn 5 năm đầu kể từ ngày đến Úc.
Hiện tại chương trình AMEP hiện cung cấp cho hầu hết di dân mới đến Úc 510 giờ học tiếng Anh miễn phí và họ chỉ được học trong vòng 5 năm đầu tiên,quá thời hạn này thì “mất phần”.
Tuy nhiên theo thống kê thì trung bình những người tham gia chỉ hoàn thành 300 giờ học, và chỉ 21% học viên đạt được “các kỹ năng ngôn ngữ căn bản để có thể hội nhập”. Ước tính có gần 1 triệu di dân trên khắp nước Úc không thông thạo tiếng Anh, khiến một số họ bị bất lợi khi tìm việc làm và hội nhập với xã hội Úc.
Theo dữ liệu điều tra dân số, số người ở Úc không biết nói tiếng Anh đã tăng từ 560,000 trong năm 2006 đến khoảng 820,000 trong năm 2016.
Ông Tudge tuyên bố: “Tôi khuyến khích những người hội đủ điều kiện hãy nắm lấy cơ hội này. Hãy tận dụng thời gian này để được trang bị tốt hơn trong việc học tiếng Anh.Tôi không đổ lỗi cho bất kỳ ai có trình độ tiếng Anh thấp, nhưng rõ ràng việc tham gia đầy đủ vào cộng đồng là rất khó khăn khi có rào cản ngôn ngữ. Nếu không có kỹ năng tiếng Anh, di dân ít có khả năng kiếm được việc làm, ít có khả năng hòa nhập và ít có khả năng tham gia vào nền dân chủ của chúng ta.”
Lên tiếng cùng ngày, Lao Động cho rằng chính phủ Liên đảng đã “bỏ mặc” chương trình AMEP trong bảy năm, và đại dịch COVID-19 là “cơ hội để gầy dựng lại” các dịch vụ định cư Úc. Phát ngôn viện đối lập đặc trách đa văn hoá Andrew Giles tuyên bố. “Đảng Lao động sẽ phối hợp tích cực với chính phủ và các cộng đồng đa văn hóa để bảo đảm rằng AMEP sẽ đáp ứng nhu cầu của những di dân mới đến Úc và hỗ trợ sự gắn kết xã hội.”
“Sử dụng thành thạo tiếng Anh là một phần quan trọng của các dịch vụ định cư hiệu quả, cho phép di dân hội nhập đầy đủ vào đời ở Úc.”
Ông Tudge cho biết, những thay đổi đối với AMEP nằm trong số các chương trình mà chính phủ đang thực hiện nhằm thúc đẩy sự hòa hợp xã hội sau đại dịch COVID-19.
Chính phủ cũng đang “chú trọng nhiều hơn” đến quốc tịch Úc và sẽ cập nhật bài kiểm tra với những câu hỏi mới về “các giá trị của Úc”.
Ông tuyên bố: “Quốc tịch Úc vừa là quyền lợi, vừa là trách nhiệm, và chỉ nên được cấp cho những người ủng hộ các giá trị của chúng ta, tôn trọng luật pháp của chúng ta và muốn đóng góp cho tương lai của Úc.”
Đặc biệt, ông Tudge cũng lái vấn đề sang câu chuyện nóng hổi về thời sự là sự can thiệp của nước ngoài, cho rằng biết những người sống tại Úc mà không giỏi tiếng Anh cũng rất dễ bị ảnh hưởng bởi các thế lực ngoại quốc.
Ông phát biểu: “Thông tin tuyên truyền độc hại có thể được lan truyền qua các phương tiện truyền thông đa văn hóa, bao gồm các kênh truyền thông tiếng nước ngoài do các công ty nhà nước kiểm soát hoặc tài trợ. Điều này có thể gây ảnh hưởng, đặc biệt nếu tiếng Anh của người dân địa phương kém và phải phụ thuộc vào các nguồn tin tiếng nước ngoài.”
Rõ ràng, ý này là nhắm vào cộng đồng gốc Hoa thân cộng.
Trung Quốc lại trừng phạt Úc
Ngày 28.9.2020 Trung Quốc lại đưa thêm một công ty xuất cảng thịt bò của Úc vào danh sách cấm và đây là nhà xuất cảng thịt bò thứ năm của Úc dính đòn trừng phạt của Bắc Kinh kể từ khi nổ ra tranh cãi về nguồn gốc của đại dịch Covid-19.
Các nhà phân tích cho rằng, đây là động thái trả đũa tiếp theo của Bắc Kinh đối với chính quyền của Thủ tướng Úc Scott Morisson sau hàng loạt những ồn ào căng thẳng, kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát.
Theo đó, ngày 28/9, Tổng cục Quan thuế Trung Quốc đã ra thông báo cấm cửa công ty John Dee vì sản phẩm của công ty này chứa “dư lượng kháng sinh” bị cấm trong một số sản phẩm. khẩu.
Chloramphenicol là một kháng sinh được sử dụng để điều trị một số bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn. Tuy nhiên việc lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi có thể phá vỡ cân bằng tự nhiên của hệ vi sinh vật đường ruột gây rối loạn quá trình tiêu hóa. Mối nguy chính của lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi chính là sự đề kháng kháng sinh của vi khuẩn. Nếu còn tồn dư một lượng dù nhỏ nhất cũng có thể gây kháng thuốc của E.Coli.
Giám đốc điều hành Hiệp hội Kỹ nghệ nghiệp thịt Úc, ông Patrick Hutchinson, cho biết ông, không lạ gì với những tình huống như vậy trong hoạt động thương mại thịt đỏ và đó là “một chiêu bài của Trung Quốc”.
Theo giới quan sát, thông báo của Bắc Kinh được đưa ra ngay sau khi chính quyền của Thủ tướng Scott Morrison công bố dự luật can thiệp nước ngoài, theo đó Bộ trưởng Ngoại giao Úc có thể phủ quyết bất cử thỏa ước nào giữa chính phủ tiểu bang hay chính quyền địa phương với nước ngoài, nêu xét thấy chúng không phục vụ cho lợi ích quốc gia.
Nếu thông qua, Ngoại trưởng Úc có thể phủ quyết bản thỏa thuận của Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) đã được ký kết giữa bang Victoria và Trung Quốc. Điều này được viện dẫn từ một điều luật cho phép chính phủ Liên bang Úc có quyền từ chối cho phép các thỏa thuận cấp bang mà nước này cho là không vì “lợi ích quốc gia”.
Tuy nhiên các chuyên gia phân tích nhìn nhận, vụ việc mới phát sinh giữa Bắc Kinh và Canbera không thể không đặt trong bối cảnh căng thẳng thương mại song phương gia tăng trong thời gian gần đây, theo chiều hướng ngày một xấu đi.