Giận chồng, người vợ tự thiêu bỏ lại 4 con nhỏ
Mâu thuẫn với chồng, người phụ nữ tẩm xăng tự thiêu, bỏ lại 4 đứa con nhỏ.
Sáng 31/8, lãnh đạo UBND xã Duy Hải, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam xác nhận địa phương vừa xảy ra vụ người phụ nữ tẩm xăng tự thiêu.
Theo thông tin ban đầu, tối 30/8, tại một phòng trọ của ông T.V.H. (thôn Tây Sơn Đông, xã Duy Hải), chị Cái Thị Hồng T. (33 tuổi, quê huyện Phú Lộc, Thừa Thiên – Huế) và chồng xảy ra mâu thuẫn. Tầm 21h cùng ngày, chị T. mang xăng ra khu đất cách phòng trọ khoảng 10mét rồi tẩm xăng lên người tự thiêu.
Phát hiện sự việc, chồng chị T. nhanh chóng dùng nước dập lửa trên người vợ nhưng bất thành. Chị T. mất để lại 4 đứa con, trong đó đứa lớn nhất 15 tuổi, đứa nhỏ nhất mới 13 tháng tuổi.
Nguồn tin trên báo Người lao động cho hay, vợ chồng chị Tơ từ Thừa Thiên – Huế vào huyện Duy Xuyên thuê trọ để đi làm công nhân tại công trình dự án Nam Hội An. Sau khi sự việc đau lòng xảy ra, người dân địa phương đã lên mạng kêu gọi sự giúp đỡ của cộng đồng để có kinh phí đưa chị Tơ về quê lo hậu sự.
Bắt giam 4 cán bộ ngân hàng Agribank
4 cán bộ Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) bị bắt chiều 30/8 vì gây thất thoát nhiều tỷ đồng.
Tuổi Trẻ đưa tin, theo đó, công an đã khởi tố, bắt tạm giam 4 người nguyên là cán bộ, lãnh đạo Agribank chi nhánh Hòa Thắng (TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) để tiếp tục điều tra về hành vi vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng.
Những người bị bắt gồm: ông Trần Đình Tuấn (62 tuổi), nguyên giám đốc Agribank Hòa Thắng; bà Bùi Thị Như An (46 tuổi), nguyên phó giám đốc; ông Nguyễn Trường Sơn (38 tuổi), nguyên trưởng phòng tín dụng và ông Nguyễn Văn Tuất (37 tuổi), nguyên phó phòng tín dụng.
Theo VnExpress, cơ quan điều tra cáo buộc, ông Tuấn và 3 bị can đã nâng khống giá trị tài sản đảm bảo, cho khách hàng vay tiền nhiều hơn giá trị thực tế. Hành vi này được thực hiện đối với nhiều hợp đồng tín dụng. Khi khách hàng không có khả năng trả, ngân hàng xử lý tài sản thế chấp không đủ thu hồi nợ.
Ngoài ra, các bị can còn bị cho là cấp tín dụng khi không có tài sản đảm bảo, hoặc cho vay không có tài sản đảm bảo, dẫn đến không thể thu hồi nợ, gây thiệt hại và thất thoát cho Agribank Hòa Thắng hàng chục tỷ đồng.
Yêu cầu dừng sản xuất Minh Chay từ 20/8, 9 ngày sau mới công bố
Liên quan đến việc ngộ độc pate Minh Chay, trong văn bản khẩn phát đi hôm 30/8, Cục An toàn thực phẩm cho biết đã yêu cầu công ty ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh, niêm phong lô đã sản xuất ở khu vực riêng biệt.
Theo VTV, điều đáng chú ý là những trường hợp ngộ độc nghi liên quan đến thực phẩm đã nhận từ ngày 18/8, 2 ngày sau, cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra và yêu cầu tạm dừng sản xuất, ngày 23/8 có kết quả mẫu xét nghiệm nhiễm vi khuẩn chứa độc tố mạnh, ảnh hưởng kéo dài đến sức khoẻ và có cả nguy cơ gây tử vong. Tuy nhiên, để chắc chắn, cơ quan chức năng tiếp tục lấy mẫu, đồng thời ghi nhận thêm các ca bệnh ở TP.HCM nên tới tận ngày 29/8 mới phát đi cảnh báo rộng rãi đến người tiêu dùng.
Công ty TNHH Hai thành viên Lối sống mới cũng vừa phát đi thông báo khuyến cáo người tiêu dùng dừng ăn ngay lập tức sản phẩm được sản xuất từ 1/7-28/8, dù đã bị lực lượng chức năng yêu cầu dừng hoạt động từ 20/8. Tức là có dấu hiệu kéo dài sản xuất 8 ngày.
Sẽ có khoảng 60.000-70.000 người/tháng mất việc làm
Báo Người lao động dẫn thông tin từ Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) cho biết, từ tháng 4 và 5-2020, thị trường lao động mất khoảng 60.000 việc làm mỗi tháng bởi doanh nghiệp (DN) bị đứt chuỗi cung ứng nguyên phụ liệu, hàng hóa làm ra không xuất khẩu được, dẫn đến tình trạng người lao động (NLĐ) bị ngưng việc, giãn việc, mất việc. Bộ LĐ-TB-XH đánh giá đợt dịch Covid-19 lần 2 sẽ tác động mạnh mẽ đến thị trường lao động do thị trường hàng hóa đóng băng.
Các DN tư nhân, DN nhỏ và vừa sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Tính đến hết tháng 7, số DN ngừng kinh doanh tăng 41,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Số lao động thất nghiệp sẽ còn tăng nếu từ nay đến cuối năm không kiểm soát tốt tình hình dịch.
Cục Việc làm – Bộ LĐ-TB-XH đã tính toán rằng: Trong những tháng cuối năm, số NLĐ mất việc làm có thể tăng khoảng 60.000-70.000 người/tháng. Số DN bị ảnh hưởng sẽ lên đến 70%; số NLĐ bị ngừng việc, giãn việc, giảm việc có thể lên tới 3,5-5 triệu.
Trước đó, dưới tác động của dịch Covid-19, quý II/2020 ghi nhận mức tăng trưởng của nền kinh tế thấp nhất trong 10 năm qua (chỉ tăng 1,81%), cùng với đó là khoảng 1,3 triệu lao động bị thất nghiệp.