HUẾ TRONG DÒNG NHỚ

Vũ thị Ngọc Thư  

Thành Nội Huế

Nếu kể về lần được đến Huế, đúng hơn là chuyến viếng thăm Huế duy nhất, thì tôi đã có tất cả bốn ngày dầm mưa đông ở đấy. Trong đó, gần ba ngày lướt thướt đi trong mưa quanh Hoàng Thành hay các lăng tẩm; một buổi chiều lặng lẽ trên quán cà phê Lộng Gió, nhấm nháp vị Huế đắng, rưng rưng nhìn bến đò Thừa Phủ của một thời, nay đã bạc mầu hoang phế; mấy lần nhìn đò muộn, mưa trắng sông trên bến về Đập Đá, tẩn mẩn đếm từng chuyến đò dọc lênh đênh rong ruổi không biết đi đâu trên sông Hương. Không gian luôn xám bạc buồn tẻ và gió se sắt cả bốn ngày cuối năm.

Tôi chỉ được nhìn thấy Huế như vậy thôi, nhưng không hiểu sao vẫn có những thôi thúc muốn viết một tản văn hay một truyện ngắn về Huế sau lần về quê nhà mười năm trước. Tôi luôn cảm thấy là Huế vẫn vấn vương đâu đó trong tâm tưởng và không cảm thấy yên tâm nếu chưa kể lại được tâm tình của tôi về Huế. Nghĩ mãi, vẫn ngần ngừ e ngại, lý do là tôi không biết gì nhiều về Huế và còn thêm nỗi khó khăn là viết thế nào để không bị người Huế, người thấu hiểu Huế, người viết nhiều về Huế chê nhạt, chê hời hợt với Huế.Tôi nhớ đã đọc được ở đâu đó trong một bài tản văn rất hay về Huế là muốn biết, muốn hiểu Huế, thì phải đến với Huế bằng cảm nhận. Không thể nào tả Huế cho đầy đủ, cho đúng, cho ra Huế, nếu không thực sự sống và có cảm xúc sâu xa gắn bó với Huế. Thật là trừu tượng và không dễ để thực hiện chút nào. Tuy nhiên tôi nhận biết là cần phải tìm hiểu thêm về Huế để có tư liệu bổ xung phần hình ảnh huyền bí trầm mặc của lăng miếu, đền đài tôi đã được chiêm ngưỡng; mà, tất cả bây giờ cũng đang nhạt nhòa mờ phai khỏi phần ký ức về Huế quá ít ỏi của tôi. Và có thể nhờ đọc thêm tài liệu về Huế, tôi sẽ hình dung đến Huế như được tìm về một vùng trời tĩnh lặng, thơ mộng và an bình [1] rồi gắn bó thân tình sẽ nảy nở, tôi sẽ yêu Huế, và có thể sẽ viết về Huế nhiều cảm xúc hơn. 

Huế, một thời đã xa

Tôi đã xem đi, xem lại gần 200 tấm ảnh chụp về Huế năm 1961 bởi phóng viên nhiếp ảnh (photojournalist) John Dominis [2], người từng làm việc với tuần báo Life trong hơn hai thập niên của thế kỷ trước (1950-1972). Vài góc cạnh sâu sắc trên một số bức ảnh chụp quá xuất thần đã làm dậy lên trong tôi nhiều thương cảm, xót xa cho tình cảnh bần hàn, nheo nhóc của các mảnh đời hẩm hiu cùng khổ thời bấy giờ ở Huế. Một số cảnh tượng khác lại như thôi thúc tôi phải suy nghĩ, tìm hiểu sâu thêm về những gợi ý cứ miên man tràn ra từ câu chuyện trong tấm ảnh. Từ đó, tôi mày mò xem lại các chi tiết, các góc cạnh đã tạo nên sự quan tâm hay các đặc điểm đáng chú ý trên từng tấm ảnh. Và tẩn mẩn sắp xếp những tấm ảnh có nội dung liên quan với nhau theo một thứ tự mà tôi thấy hợp lý; rồi hư cấu một câu chuyện cho từng chuỗi ảnh xếp được, theo các cảm nhận và tưởng tượng của tôi. Bằng cách này, tôi càng say mê thưởng lãm công trình của John Dominis hơn và cũng nhận thức rõ hơn giá trị của một số bức ảnh nổi bật trong tập. Gần hai phần ba số ảnh này đã ghi lại cảnh sinh hoạt của nhiều người dân bình thường lúc họ lặng lẽ lam lũ làm các công việc trong cuộc sống thường nhật của họ. Điều ấn tượng nhất trên một số ảnh là nét cam chịu dị thường trên gương mặt và thái độ quả quyết như đang cố gắng vượt qua sự khắc nghiệt của số phận hoặc các thảm họa của thiên nhiên. Điểm tương đồng hiển lộ rất rõ từ nhiều người trong họ là tình cảm tha thiết với Huế; và tâm ý bám giữ, không rời, không buông nề nếp Huế; dù Huế đang rất xơ xác trong thời buổi đất nước còn dọ dẫm các bước hồng hoang của nền cộng hòa đầu tiên. Thần thái của họ đã làm dậy trào bao cảm xúc trong tôi.

Bộ ảnh đã đến với tôi như một tập truyện về Huế vào thời đầu thập kỷ 1960. Truyện vừa phong phú tư liệu, vừa chứa chan tình người. Một số ảnh đã cho tôi các khái niệm bao quát tổng thể về sự hiện hữu hài hòa của đền đài thành quách và kinh thành cổ giữa thiên nhiên bao la núi non, sông nước trữ tình. Tôi đã không cảm nhận được hết vẻ thi vị, uy nghi này khi đến tận nơi thăm viếng. Ở không gian hạn hẹp của tầm nhìn khi đi loanh quanh trong hoàng thành hay các khu lăng miếu, cảnh quan kỳ vĩ chỉ hiển hiện như các mảng rời, các mẩu cắt ngang lơ lửng. Và, khó mà có thể hình dung ra sự liên kết của chúng để lắp ghép mà phỏng chiếu ra không gian cả kinh thành cổ vang danh một thời hay khu lăng tẩm đền đài trầm mặc trải dọc các vạt đồi hẻo lánh.

Tác giả đã dồn nhiều tâm tư đến cuộc sống cơ hàn khổ cực của người dân Huế. Tình huống người dân tận lực cố gắng giữ đê, cảnh phiên chợ hẩm hiu chiều mưa, hay tình cảnh nheo nhóc đông con ở xóm nghèo ven đô; tất cả đã được tác giả thu lại bằng sự rung động của trái tim ông nhiều hơn là bằng các kỹ thuật của nhiếp ảnh. Khắp không gian tập truyện bàng bạc sự cảm thông, thương cảm mỗi khi kể lại câu chuyện về một người, một gia đình, hay một nhóm người nào đó ở các xóm làng mà ông đã gặp. Đôi lúc, có cả cảm quan ngậm ngùi trước các di vật, các chứng tích của một thời vang bóng đã bị nhuốm màu hoang phế; và tình cảm ngưỡng mộ, yêu mến vẻ hiền dịu, nhẫn nhục, cùng nét đẹp thi vị của phụ nữ Huế.

Các chương trong tập truyện cứ thế, cứ nối tiếp nhau, liên tục kể cho tôi về nếp sống, sự bảo thủ, và các khó khăn của người dân Huế vào những năm đất nước vừa được độc lập. Sau đó vì quá ấn tượng, tôi đã cố gắng tìm hiểu thêm về tác giả của những tấm ảnh thấm đẫm tình người này. Nhưng tiếc làm sao, tác giả bộ ảnh đã mất từ năm 2013. Tôi chỉ có thể gửi điện thư [3] đến bà vợ người phóng viên tài hoa để bày tỏ sự biết ơn và lòng ngưỡng mộ sâu xa của mình.Nhiều hình ảnh của John Dominis nhìn gần gũi thân quen như đã từng hiện diện ngày xưa ở các thôn làng miền Nam hay đã được diễn tả trong sách vở ở trường học lúc nhỏ. Cũng vẫn chỉ là các sinh hoạt trong cuộc sống hàng ngày của bao người dân bình thường mà chúng ta đã gặp đâu đó ở Sài Gòn hay các vùng ven đô nghèo. Một ngày nào đó trong bao ngày bình thường của họ. Nhưng những người trong bộ ảnh lại mang những nét Huế rất riêng, rất đặc thù. Họ mang bản sắc sâu lắng, trầm mặc của Huế. 

Dáng dấp e ấp, nhu mì, thi vị của nữ sinh hay thiếu nữ Huế đã được ca tụng nhiều qua thơ văn nhưng có lẽ vào thời ấy chỉ John Dominis là người đã diễn tả nét đẹp thùy mị, thanh nhã của họ qua các bức ảnh rất tinh tế sống động, mà có thể đã được chụp rất vội, rất nhanh, nhưng lại thật ngẫu nhiên, không chút sắp đặt, trên đường phố. Những tà áo trắng mong manh trong gió, thực hư ẩn hiện, nhẹ bay như các dải mây lụa bung tơ, làm bâng khuâng xao động bao góc phố. Tôi nghĩ không chỉ mang mây[4], những cô gái xuân thì này đã mang cả tranh, cả thơ, và cả nhạc vào phố. Thuôn nét dịu dàng, thanh tao, nhỏ nhẻ, quyến rũ của họ cũng đã là cảm hứng cho bao bức tranh thiếu nữ đẹp như thơ trong các tà áo tơ trời mảnh mai của họa sĩ Đinh Cường. Huế sẽ không còn là Huế nếu không còn thấp thoáng các tà áo và suối tóc mượt mà của họ.

Nữ Sinh Huế (Ảnh: John Dominis, 1961)

Ngày ấy, bước guốc nhẹ êm của họ đã qua các phố quen trên đường về nhà hay vòng quanh khu chợ để mua một món hàng nào đó. Đến trường trong buổi đò đông, các tà áo luôn khép nép, tay che nghiêng nón, tay ôm cặp trên các chuyến đò qua sông Hương. Trên con phố Lê Lợi rợp bóng cây bên kia sông, các cô hoc trò khác đạp xe chầm chậm để tà áo bông bênh nhẹ theo gió mà không bao giờ làm rối tóc hay bung nón. Nét mặt ai cũng dịu dàng, dáng điệu đoan trang, lễ giáo; họ cứ như ẩn như hiện khắp nơi trên thành phố u buồn, cổ kính ấy. Và dù họ đi dưới phố đông hoặc đang nôn nao chờ đợi ở sân ga hay trường bay, nơi của các cuộc chia ly hội ngộ, thì dáng điệu, cách xử sự, hay nét mặt của họ vẫn đều mang vẻ điềm đạm, chấp nhận; nét bình thản nhẫn nại muôn đời của Huế. Ánh mắt của họ vẫn luôn như hướng thẳng về trước, kín đáo khước từ biểu cảm, dù thăm thẳm trong tâm tư có thể họ đang lao đao cùng giông bão hay trùng điệp các đoạn trường.

Những mệ, những o, những chị lớn tuổi hơn thì lại có nét hồn hậu, nền nã trong những tà áo thẫm mầu; dù chỉ gánh hàng quanh phố hay ngồi bán rong bên vài mẹt trầu, thúng cau, hoặc dăm ba mớ rau quả ngoài phiên chợ. Họ vò võ cùng các thúng hàng chẳng được đầy đặn vun tràn phong phú như tôi đã từng quen thấy của các dì, các cô trong hai khu chợ nhỏ gần nhà ở Sài Gòn cũng vào khoảng thời gian ấy. Dù phải vất vả nhọc nhằn buôn bán kiếm sống, giúp đỡ gia đình như những bà Tú đảm đang trong “quanh năm buôn bán ở mom sông [5] …”; ở họ, dường như vẫn phảng phất cung cách, thần thái của người đã từng thuộc hoàng thành của một thuở xa xưa. Chỉ buồn làm sao, hình như không thấy họ cười trong ảnh. Đời sống lam lũ chật vật có lẽ đã làm họ quên hẳn những nụ cười hàm tiếu của thời thiếu nữ mà họ đã từng có. Trong ảnh, họ lặng lẽ lận đận như những cánh cò sẩy chân vào ao nước giữa đêm khuya [6] thanh vắng, và âm thầm nổi trôi ngụp lặn ở đó cùng số phận đã an bầy.

Bao buổi chợ ế ngày mưa, phiên chợ nhiều người bán hơn kẻ mua. Nước mưa hòa trộn nước mắt. Những tấm áo tơi đẫm bùn, nước trĩu nặng như các trầm luân hẩm hiu đeo bám cuộc đời họ. Trăm nghìn mối lo, bụng trống, mưa lạnh. Hàng họ không bán được, úa dập, lấy đâu tiền đong gạo, mua dầu, mua mắm, mua khoai. Làm sao mà họ có thể cười được. Họ gánh cuộc đời bằng đôi chân đất lặn lội long đong qua lối xóm, đường quê, chợ nghèo rồi lại về ngõ làng mà như đang mộng du trong nghìn trùng vô định. Đôi ba góc cạnh của vài tấm ảnh có những cảnh tượng đã cứa đau lòng tôi.

Cô nữ sinh còn để tóc thề hay các mệ các chị lam lũ trong ảnh đều là một phần của tâm hồn Huế. Tuy mong manh yếu đuối, họ lại ngời ngợi sinh khí, bản sắc Huế của một thời đã qua, không thể lẫn vào đâu được. John Dominis đã rất trân trọng họ. Hơn một nửa số ảnh về Huế của ông đã diễn tả, rất ân cần, phụ nữ Huế qua các sinh hoạt hàng ngày trong cuộc sống của họ. Ông chụp từ các em bé gái ngoan ngoãn trật tự xếp hàng trong buổi rước lễ ở nhà thờ của thành phố, cô bé con nồng hậu giúp mẹ hay chị chăm giữ em nhỏ, các cô nữ sinh thùy mị thướt tha qua phố hay từ tốn đạp xe trên đường đến trường, mụ O chăm bốn đứa cháu côi cút quần quật đêm ngày bao công việc nhà, các mệ các chị gánh hàng chen chúc nhau buổi đò đông, và cả nhóm vũ nữ trang trọng xiêm y trong nhã nhạc cung đình truyền thống. Họ là con, là em, là chị, là người mẹ, người bà; là người lo toan việc nhà, tảo tần việc đồng, đôn đáo chạy chợ, và luôn chu toàn trách nhiệm bảo tồn truyền thống Huế. Có lẽ với ông, phụ nữ Huế là phần hồn của Huế, ông muốn tả Huế qua hình ảnh họ, vì có thể với ông họ là ký ức để nhớ về Huế, họ là Huế.

Phụ Nữ Huế bán hàng ở chợ (ảnh: John Dominis, 1961)

John Dominis cũng đã có nhiều ưu tư, trắc ẩn trước các tình cảnh khó khăn của người dân cố đô nên có những tấm ảnh ông đã chụp rất thần tình. Xem ảnh mà có thể hình dung tưởng tượng đến những câu chuyện, hay một phần cuộc sống, hoặc những nông nổi trong các mảng đời khốn khó của họ. Khi nước lũ kinh hoàng cuộn dâng, tiếng kẻng hộ đê hốt hoảng liên hồi báo động. Tất cả đàn ông, trai tráng nháo nhào ào ra đồng, tay vồ tay cọc, cố đắp cố đập cho đê cao vững hơn, ngăn không để nước đổ tràn vào ruộng. Họ dầm mưa, dang dãi dưới bùn nước ngập lưng, tiếp sức nhau nện vồ cho cọc vững thêm; đồng trống gió lạnh cũng mặc, vẫn là hụi là khoan, hò tạo gây sức mạnh. Họ bám đê níu giữ mùa màng cho vợ con sống. Để Huế đừng đói kém. Lại hụi khoan, đồng cảm hiệp sức chế ngự cơn bạo động phũ phàng của thiên nhiên. Hụi khoan để cùng nhau giữ lấy Huế. Cứ thế hết sức chống giữ, cầm cự kéo dài, cho đến khi cơn lũ yên lắng dần, nước từ từ ngừng dâng. Họ lơi tay, vật xuống, chìm trong yên lặng; nhưng không một ai lộ vẻ vui mừng. Nét mặt kinh hoàng thất thần vẫn đượm đầy dấu tích bạt hồn xiêu vía; họ đã tiêu hao cạn kiệt tất cả sinh lực cho cuộc chống chọi sự tàn khốc của thiên nhiên. Họ là thanh niên, đàn ông Huế mạnh mẽ, dũng cảm. 

Hộ Đê ở Huế (Ảnh: John Dominis, 1961)

Những chuyến đò qua sông thầm lặng đều đều trong mạch sinh hoạt không ngừng nghỉ của cuộc sống phố thị vừa được thanh bình. Người đưa đò ngày ngày chở các em nhỏ đến trường, các mệ vất vả lên chợ, người đi làm việc, người trở về quê. Những chuyến đò nghèo xuôi ngược luôn ăm ắp nhiều chật vật, lo toan. Thế mà mọi người vẫn điềm đạm bình thản sống để giữ cho dòng đời liên tục trôi, mặc bao va đập khó khăn. Chuyến đò lê thê ngày mưa dông còn như chở cả tâm tư não nề của những mệ những o bán hàng rong. Họ luôn biết thân phận, mỗi khi lên xuống đò đều nhịn nhục bước sau. Sông không sóng mà bao lần trên đò họ chênh vênh, chòng chành cùng gánh hàng sũng nước trĩu vai trong màn mưa bạc trắng. Lên đến chợ, họ co ro trong tấm áo tơi cũ mục, đứng bên nhau, ướt loi ngoi như mấy con chim cánh cụt lạc bầy cô đơn, ủ rũ giữa các dập vùi, hiu quạnh ngày mưa sa, đất trũng. Những con thuyền nhếch nhác neo đậu cả gia đình trên các bến sông, ngày ngày buôn gá bán rong, đêm đêm lặng lẽ chìm trong tiếng thở dài mệt mỏi của dòng Hương và âm vang buồn bã xa xôi của giọng hò mái nhì thê thiết.

Ngày ấy Huế còn khổ lắm, John Dominis đã cảm nhận như vậy, và hình như tôi cũng thấm thía phần nào nỗi lòng của ông khi để tâm tư mình dò dẫm câu chuyện theo các bức ảnh ông để lại. Tôi loáng thoáng tưởng như nhìn thấy O Dâu trong cái xóm nghèo ven đô mà John Dominis đã đi qua.

O Dâu

O Dâu là người mà bé Hoài, cu anh, cu em, và cu tí luôn miệng gọi gần như cả ngày. Dâu mồ côi và là cháu họ xa của ông bà Từ, ôn mệ nội của chị em bé Hoài. Dâu được ông bà Từ nuôi từ nhỏ nên O luôn coi cả nhà họ là gia đình của O. Từ những ngày xa xưa, Dâu đã luôn yên lặng chịu đựng những khi bị 3 người con của ông bà lấn lướt hay rầy la. Có chuyện gì ấm ức, O chỉ ra sau nhà, ngồi ôm lu nước ở góc sân, áp mặt vào chỗ sành bị u sần rộp phồng, âm thầm tủi thân khóc một mình.

Càng lớn, Dâu càng tất tả đầu tắt mặt tối quán xuyến việc nội trợ cho cả gia đình đã ngày một đông thêm. Họ gồm bọ mạ Từ; vợ chồng Toàn, con trai thứ của ông bà, với 2 con nhỏ; và 4 đứa con của Hòa, con trai lớn ông bà Từ đã mất, vợ Hòa bỏ đi biệt xứ từ lâu. Cô út Phụng lấy chồng xa, cũng biệt tăm. Chỉ còn lại Dâu năm tháng vất vả, dù đã gần 30 mà chưa bao giờ được thực sự trải qua giây phút hồn nhiên lấp lánh của tuổi xuân thì con gái. Lầm lũi, ít nói nhưng O cũng luôn hiểu mình chỉ là người đứng bên lề của gia đình, như một kẻ ăn người làm, dù O luôn yêu thương sẵn sàng làm mọi việc họ sai bảo.

Cuộc sống của O đều đặn buồn tẻ như những buổi giặt giũ ngoài bến sông, gánh nước, đặt chẹp bắt cá, nấu bếp, chăm sóc chị em bé Hoài, và bao việc không tên khác của cái gia đình đông đúc này. Mấy năm trước, O cũng vô tư vui đùa khi gặp các chị em người làng ngoài bến sông, nhưng họ đều lần lượt sang các bến khác từ lâu rồi. O không đẹp, hai bàn tay thô ráp vì làm lụng nhiều, nhưng bù lại O được khuôn mặt hiền lành và vóc dáng chắc khỏe. Ngày xưa có đôi lần O cũng từng xao xuyến khi bắt gặp ánh mắt ai đó bâng quơ nhìn theo lúc O gánh nước qua ngõ làng. Bây giờ đã khác, O cằn cỗi hẳn từ lúc phải cực nhọc làm mụ O chăm đàn cháu côi cút. O không còn những lúc vơ vẩn riêng tư nữa. Cả ngày O chỉ lủi thủi, cắm cúi làm mọi việc cho nhanh. Thi thoảng nhìn thấy bộ dạng xốc xếch tiều tụy của mình sóng sánh trên mặt sông, O thờ thẫn chặm nước mắt, tự hỏi “răng khổ ri nì trời?” O biết mình đã lỡ thì quá lứa, quả đắng trái mùa, chẳng ai ngó nữa. Đúng hơn là không ai dám kham mụ O có đàn cháu 6 đứa, mà 4 đứa luôn tưởng O là mạ của chúng.

Làm mụ O cũng vẫn lặng lẽ ăn cơm một mình dưới chái bếp, nơi mái rạ vá chằng đụp và vách trống bốn bề. Chỉ là cơm thừa, muối mè, mắm cặn thôi, nhưng O ăn luôn thấy đậm đà, ngon miệng. Những buổi sáng khi gà chưa gáy, trời gió, sương còn giăng, ngồi một mình giữa đám thúng mủng lỏng chỏng, O thích cảm giác dễ chịu, yên bình mỗi khi chụm củi lách tách bung nồi ngô to. Lửa bùng ấm chái bếp. Ngô chín thơm ngào ngạt lên nhà trên. Người lớn và đám trẻ đều như vui hơn. Chỉ những năm không bị lũ lụt, O mới được phép bung ngô hay đồ xôi để cả nhà được ăn bữa sáng tươm tất như thế.

Ngẫm nghĩ bỏ thì thương, vương thị tội, O nhè nhẹ buông tiếng thở dài. Đành thôi, O sẽ ở vậy mãi mãi với đàn cháu vất vưởng côi cút này. Chúng nheo nhóc quá. Rồi đây, đêm đêm khi chúng ngủ yên, O lại vẫn ủ ê cùng các câu hò trĩu nặng ai oán, dập dềnh thảm thiết vọng về từ bến sông, như tiếng kể lể của những mụ O lỡ làng.

Ngoài những dòng sông lóng lánh xanh, dẫy núi mờ sương ẩn hiện trữ tình, và thành quách tịnh yên u hoài khắp không gian trầm mặc của thành phố; đất thần kinh còn vang danh với bao nếp chùa cổ linh thiêng thường được nhắc đến trong văn học. Kinh thành Huế và vùng lân cận có gần cả trăm đền chùa vẫn tồn tại qua bao dâu bể thăng trầm, khổ đau vô lượng kiếp của con người. Dân chúng ở đây phần đông đều là Phật tử, tín ngưỡng của họ đã được chặt chẽ truyền nối qua nhiều đời trong gia đình. Họ có văn hóa Phật giáo.

Thời buổi cộng hòa đầu tiên đó, đại đa số dân vẫn chân đất làm ruộng, luôn vất vả chạy chợ hàng ngày, thường đói lạnh khi trời lũ giông. Cần kiệm, dè sẻn nhưng họ vẫn nghèo, vẫn khổ, vẫn không đủ ăn. Nhà cầm quyền đia phương lại duy trì guồng máy theo khuôn thước còn dựa dẫm vào các hủ tục từ thời phong kiến. Người có chức, có quyền vẫn xu trên, đè dưới; luôn dùng uy lực kềm chế mọi khía cạnh trong đời sống của người dân, kể cả phần tín ngưỡng thiêng liêng của họ. Vị giáo chủ công giáo [7], không thuộc tín ngưỡng truyền thống của phần đông dân chúng miền Trung, đã hiển hiện trong phố như biểu tượng của quyền hành tín ngưỡng và mẫu mực tôn giáo được thể chế khuyến khích, đề cao. Cũng thời gian ấy, nhà thờ nguy nga Dòng Chúa Cứu Thế ở trung tâm thành phố đang được tích cực xây dựng. Một số giáo sĩ được nhìn thấy tươm tất phẩm phục, se sua cordon giầy mũ khi gặp gỡ, chuyện trò, đưa đón vài nhân vật mang dáng vẻ quyền thế, địa vị trong xã hội. Tất cả đều được ghi lại khá chi tiết qua ống kính của John Dominis.

Với bản ngã cam chịu, dân tình Huế luôn rất yên bình. Mọi người chỉ muốn sống yên thân, tập trung làm ăn, cố gắng khắc phục tình cảnh đất ruộng nghèo luôn bị tai ương lũ lụt tàn phá. Họ nhẫn nhục, hiền lành như địa hình sông núi êm đềm, tĩnh mịch của quê họ. Nhưng đâu đó trong làng, ngoài phố vẫn phảng phất nhiều tương phản bất đồng khó khăn, nhiều bó buộc kềm chế còn nặng mầu sắc phong kiến, và nhiều vấn đề gây ra bởi đia hình cùng thời tiết khắc nghiệt. Tất cả những phức tạp này đã làm cuộc sống đã khốn khó của người dân càng thêm khổ cực lận đận hơn. Họ nhẫn nại chịu đựng vì tình yêu làng quê và ý nguyện bảo tồn nề nếp Huế. Có thể chính điều này đã thúc dục họ tự đứng lên để phản đối khi sự kềm chế đã vượt quá giới hạn chịu đưng. Họ là những người đầu tiên anh dũng tập hợp để phản kháng sự đàn áp tôn giáo vào năm 1963. Và khi họ đứng lên, họ đã quyết liệt tranh đấu tới cùng.

Sự đứng dậy của người dân Huế đã như tiếng báo động cảnh tỉnh người dân khắp nước thời ấy. Tuy cuộc sống vật chất luôn triền miên thiếu thốn, lúc nào cũng phải khó khăn chạy vạy để đủ ăn, đủ mặc; họ không quên nghĩa vụ tinh thần của con người trong các thực thể cộng đồng làng xóm, quê hương. Nghèo khổ, nhưng họ có ý thức về tầm quan trọng của quyền làm người và các quyền tự do căn bản; họ sẵn sàng bảo vệ các ý thức hệ trọng này, dù có phải trả bằng chính cuộc đời họ. Họ là người dân thường ở Huế.

Huế trong ký ức

Nhìn ảnh hai cô nữ sinh trên phố, tôi nhớ đến Thiên Hương. Ngày xưa, nhìn từ phía sau, Thiên Hương cũng mảnh khảnh với mái tóc thề đen bóng từa tựa như một trong hai cô gái trong ảnh. Bóng dáng ấy thân quen lắm vì đã mấy lần tôi phải dò tìm Thiên Hương lẫn trong bao cô bạn khác dưới vòm phượng nơi cổng sau trường. Ngày ấy năm tháng học trò êm ả như những trang thơ, chúng tôi luôn xôn xao trò chuyện trên lối gạch lòa xòa cây đổ bóng, gió lay tán phượng xanh, vài đốm nắng đậu bờ tường vàng, chim sẻ râm ran trên mái trường ngói đỏ. Và, ở tuổi chanh cốm dạo ấy, ai cũng cao ngang ngang nhau, cũng áo dài trắng; nhưng chỉ riêng Thiên Hương có mái tóc thề dài phủ đẹp như thế dưới vành nón trong veo mầu vỏ bắp non. Thiên Hương và nhiều bạn bè khác đều thích quanh quẩn ở khúc đường vắng sau trường, một khu vườn riêng, của chúng tôi thời đó.

Năm cuối trung học, lớp tôi đón nhận Thiên Hương, từ trường Đồng Khánh ngoài Huế chuyển vào. Thiên Hương thùy mị, xinh xắn, đôi mắt đen to sâu, nhưng rụt rè ít nói. Mỗi khi Thiên Hương trả lời các câu hỏi của thầy cô, tôi luôn phải chăm chú hơn để có thể nghe rõ nội dung từng câu nói của Thiên Hương. Âm giọng Huế dịu dàng nhưng hơi trầm nặng, lạ mà hay, đượm chút hoài cổ, hơi khó hiểu nếu không để ý kỹ. Thế mà không một ai, kể cả Bảo Trâm, cô bạn nghịch nhất lớp dám nhại, dám đùa ghẹo giọng nói của Thiên Hương như họ vẫn quen nhái giọng tôi suốt bao năm ở trường. Khốn nỗi, cái giọng Sài Gòn của họ mỗi khi cong lưỡi, uốn môi nói tiếng Bắc thì có giận mấy cũng phải vỡ ra cùng cười hòa ngay thôi. Đã bao lần tiếng cười tan ấm khi nắng ngời ghế đá sân trường.

Dần dà biết Thiên Hương ở nhà người bà con trên đường Cao Thắng, khá gần nhà tôi, chúng tôi thường rủ nhau cùng đi học. Đã có nhiều ngày, chúng tôi đạp xe song song bên nhau từ đường Cao Thắng, qua chùa Tam Tông Miếu, tới Phan Thanh Giản quẹo phải, chạy thẳng đến trường. Cả hai chúng tôi đều yêu đoạn đường Cao Thắng muôn thuở thâm u bóng cây xanh mát và khúc Phan Thanh Giản gần trường bao giờ cũng yên ả dưới hai hàng cây sao có vòm lá biếc đan mây.

Thiên Hương thường bảo tôi, “Huế cũng có nhiều con đường nhỏ, luôn vắng, và rợp bóng cây như khúc đường Cao Thắng của mi và tau. Nhưng Huế còn có những con đường dọc bờ sông. Tau thích đạp xe theo Lê Lợi, vào Phan Chu Trinh đi dọc bờ sông An Cựu, qua ga rồi lên núi Ngự. Lên đó nhìn xuống sẽ thấy cả thành phố. Thành phố nhỏ bé mà đặc dầy lề thói bảo thủ khó khăn… Nhiều lần khác, tau đạp xe qua thành nội, dốc lên dốc xuống vào Tây Lộc, men dọc thành, quành trở về phố, hai bên đường các cửa hàng quán quen cứ mãi hoài như chẳng bao giờ muốn thay đổi. Răng mà buồn, mà thảm. Tau phải vô Sài Gòn, tập xa gia đình cho quen dần, khi mô xong Trung học bọ mạ tau gửi đi du học.” Khi đã thân hơn, Thiên Hương cho biết thêm là sẽ đi du học ở Canada, nơi có một ai đó mà gia đình của họ đã hẹn ước làm thông gia với cha mẹ Thiên Hương từ rất lâu rồi. Tôi rất ngạc nhiên khi nghe tâm sự quá người lớn của Thiên Hương nhưng cũng vô tâm chẳng tò mò hỏi gì thêm và cũng không thóc mách với mấy cô bạn khác.

Thành phố nhỏ bé mà đặc dầy lề thói bảo thủ khó khăn”, tôi không biết Thiên Hương tả Huế hay vừa ấm ức buông tiếng trách cứ nề nếp. khuôn phép đã ít nhiều gò bó sự phát triển tự nhiên của những cô gái đang tuổi lớn. Nhưng rõ ràng là Thiên Hương có nét khác biệt hẳn những cô bạn khác từng lớn lên ở Sài Gòn. Nhìn bộ điệu của Thiên Hương, tôi đoán có một khuôn mẫu Huế đã ấn định Thiên Hương “đi cách răng cho người thấy bề ngoài của mình có dáng dấp đàng hoàng.”[8] Nghĩa là khi đi lại không những phải bước như thế nào, mà còn phải e ấp che nón ra sao, tà áo phải nâng giữ như thế nào để khi gió tình cờ xoay chiều, áo cũng không bị cuốn lật sỗ sàng làm mất duyên cả con phố. Không những thế, hình như mái tóc thề cũng chỉ được phép để dài đến mức nào đó thôi; làm bất cứ việc gì cũng phải có ý có tứ; nói chuyện phải nhỏ nhẹ và cẩn thận từng câu từng chữ trong câu nói. Tôi bỗng thấy hơi ngột ngạt và cảm thấy tội nghiệp cho các nề nếp ấy mỗi khi chúng tôi đùa nghịch cùng nhau hay tụ họp nhẩy dây ngoài sân trường. Những lúc ấy, Thiên Hương chỉ ngồi vơ vẩn một mình trên băng ghế đá, rủ thế nào cũng không nhập cuộc, ngồi với ánh mắt lạc loài đâu đâu ngoài khuôn viên trường.

Những hôm đến trường sớm, chúng tôi qua sân chùa ngồi tỉ tê các câu chuyện của tuổi đang lớn. Nhiều hôm Thiên Hương nói rặt giọng Huế với tôi “răng mi ở đây lâu mà sao nói giọng Bắc dẻo quẹo rứa?” Có khi tôi bực mình hỏi sao Thiên Hương không chơi nhảy dây với chúng tôi, cô nàng chỉ nói “tau sợ bổ, trẽn lắm. Mà thôi mi đừng có mặt sa mày sỉa với tau nữa, đừng chạu bạu nữa.” Bao giờ trong những khoảnh khắc riêng tư ấy, nếu Thiên Hương không nói tiếng Huế, thì cũng phải đôi ba lần nhắc đến Huế. Thật là tội nghiệp, hình như chưa bao giờ Thiên Hương quên được Huế hoặc rời xa hẳn Huế. Tôi đã được nghe về bến đò Thừa Phủ bên cạnh một cây đa rất to, nơi mà ngày ngày Thiên Hương lên xuống đò để đi học. Bao lần Thiên Hương đạp xe với bạn từ đường Bùi Thị Xuân qua cầu Ga, nhìn dãy núi mịt mùng đằng xa phía sau cầu Bạch Hổ, miên man nghĩ về những chân trời xa lạ, nơi không quá gò bó như Huế; và chỉ bừng tỉnh khi tiếng còi tầu ray rứt vang lên lúc trời đã chạng vạng. Con đường Lê Lợi trước trường Đồng Khánh của Thiên Hương có hàng cây long não cao, muôn thuở xanh, con đường của những hoài niệm đẹp của nhiều người Huế.

Thiếu Nữ trong Thành Nội (Tranh Đinh Cường)

Tôi nhớ mãi những cây long não mà Thiên Hương kể vì sau đó khi đã lưu lạc đi học ở nước ngoài được mấy năm, tôi được quen biết chị Bích Diễm, nàng thơ mà nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã tâm sự “thuở ấy có một người con gái rất mong manh, đi qua những hàng cây long não lá li ti xanh mướt để đến trường đại học văn khoa ở Huế. Nhà cô ấy ở bên kia sông ,..” [9] Nét đẹp nhẹ nhàng như sương mai đó, đã làm tâm hồn người nhạc sĩ dấy lên những giai điệu, thanh âm tha thiết trữ tình trong nhiều phân khúc của bài hát Diễm Xưa. Nàng thơ đã làm khuôn viên đại học Huế thêm êm đềm, thi vị một thời thanh xuân của người nhạc sĩ và cả bao bạn bè quanh khu đại học ấy.

Huế là dòng tưởng nhớ trong đầm đìa nuối tiếc, là thương yêu cháy bỏng trong miên man khắc khoải, là niềm đau đớn đoạn lìa ở đôi mắt lạc thần của Thiên Hương suốt bao giờ ra chơi trong sân trường.

Huế là bước đi thanh thoát như lạc vào mơ thời thiếu nữ của chị Bích Diễm, bước đi còn mãi trong ánh mắt hoài nhớ của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, khi trái tim ông thầm thì “… Diễm đi để được những con mắt chung quanh nhìn ngắm nhưng đồng thời cũng tự mình có thì giờ nhìn ngắm trời đất, sông nước và hoa lá thiên nhiên. Long não, bàng, phượng đỏ, muối, mù u và một dòng sông Hương chảy quanh thành phố đã phả vào tâm hồn thời con gái một lớp sương khói lãng mạn thanh khiết.”[9]

Thì ra, họ đã được đi trên những con đường ở Huế, dưới những hàng cây rất nhiều niên tuổi, ngắm nhìn mãi dòng Hương nước chảy quanh co; nên đã có cơ duyên tiếp nhận đươc “lớp sương khói lãng mạn thanh khiết” đó. Mắt họ lóng lánh mầu nước sông Hương. Tóc họ ấp ủ hương trầm, hương sen của bao mùa hạ thời con gái ở Huế nên “từng sợi nhỏ, rớt xuống đời làm sóng lênh đênh”. Họ còn được Huế yêu chiều chăm chút tinh tế từ dáng đứng, bước đi, câu nói, nụ cười nên họ đã Huế từ nội tâm hiếu thuận, son sắt, đằm thắm đến khuôn dáng điềm đạm, thanh nhã, đài các sắc quý tộc một thời đã xa.

Huế của Thiên Hương, của chị Bích Diễm, hay của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn sâu lắng, gắn bó, nặng tình, và khuê các như thế. Tâm tư họ đặc dầy nỗi nhớ về Huế. Cả đến chị Bích Diễm, tuy là người Hà Nội lớn lên ở Huế, mà tôi cũng được nghe chị nhắc nhiều về Huế, mỗi khi có dịp về trường tôi ở lại cùng dormitory chơi vài ba hôm.

Qua Tết, Thiên Hương không trở lại trường. Theo tin từ cô giáo hướng dẫn và gia đình bà con của Thiên Hương, tôi chỉ biết Thiên Hương về Huế ăn Tết, bị nạn, hơn một nửa gia đình chết, chỉ còn lại bốn chị em. Nhà cũng bị hư hại nặng. Sau khi chôn cất ông bà, cha mẹ, và hai người em ngay sau vườn nhà; Thiên Hương không thể trở về Sài Gòn đi học nữa vì phải lo giữ cửa hàng tạp hóa còn lại của gia đình và chăm lo ba đứa em. Cả lớp xôn xao quyên góp. Tôi nước mắt ngắn dài nhiều buổi học sau đó, ngồi đâu cũng như nhìn thấy Thiên Hương đang lủi thủi một mình rất tội nghiệp nhưng không sao có thể đến gần để nói câu gì an ủi bạn. Vì chỗ Thiên Hương ngồi vẫn luôn trống. Lớp học đã có mầu sắc binh lửa oan khiên. Đó là lần đầu tiên tôi cảm nhận chiến tranh là có thật, đang xảy ra ngay quanh đây, và như đang sắp nuốt chững tất cả chúng tôi. Tôi cũng luôn ở trong trạng thái bất an, sợ hãi khi nghĩ về sức hủy hoại kinh hoàng của chiến tranh.

Không chỉ còn là những trái hỏa châu lâu lâu tình cờ lóe sáng một góc trời nào đó khi ngồi học bài vơ vẩn nhìn qua cửa sổ trên gác nhà nữa. Không chỉ còn là những tiếng pháo kích đêm đêm nổ lẻ tẻ nhưng nghe còn vời vợi xa. Không chỉ còn là những đoàn quân xa thỉnh thoảng chạy ngang cổng trường, trên xe bao người lính trẻ đưa tay vẫy chào chúng tôi. Chiến tranh đã ập đến ngay trong xóm, đã vùi dập người bạn cùng lớp. Khu nhà lá đông đúc nằm sâu trong ngõ sau nhà tôi đã cháy rực tối mùng 2 Tết. Khói bụi mịt mù cả sân gác nhà tôi. Bỗng chốc, lối xóm ai cũng ào ra khỏi nhà, cùng hối hả chạy theo lời chỉ dẫn của các chú, các anh thuộc đoàn nhân dân tự vệ để đến tạm cư ở sân một trường học gần nhà. Sáng sáng mấy ngày Tết Mậu Thân còn lại, mọi người chen chúc chờ hứng nước máy công cộng gần cổng bệnh viện và chờ cả xe đến phát chẩn vài ổ bánh mì khô. Tết đã thật sự hết rồi. Vài ngày sau, những gia đình có nhà ngoài mặt phố được phép trở về vì chỉ khu nằm sâu trong các hẻm bị cháy và hư hại nặng. Gia đình tôi chỉ trải qua mấy ngày tạm cư như vậy thôi. Nhưng Thiên Hương đã mất gần hết ngay khi chỉ vừa gặp gỡ chiến tranh. Hơn một nửa gia đình. Tuổi trẻ. Tương lai. Có thể cả hạnh phúc cuộc đời riêng của Thiên Hương nữa.Bao nhiêu năm qua, mỗi khi nghĩ đến Thiên Hương, tôi vẫn xót xa ray rứt không nguôi. 

Huế, những ngày cuối năm 2009

Trời mưa tầm tã từ lúc chiều khi xe tour thả chúng tôi xuống khách sạn Hương Giang, trên đường Lê Lợi ở Huế. Sau các thủ tục, lên đến phòng trên lầu ba, trời vẫn mưa. Mưa đìu hiu. Mưa buồn bã. Tôi đứng trong phòng nhìn qua cửa kính xuống đường phố bên dưới và dòng sông Hương ở phía xa; tất cả đang chìm trong màn mưa đục mờ. Chưa bắt đầu đi đâu ở đây mà cảm giác buồn đã man mác phủ trùm lên tôi. Suốt quãng đường từ Nha Trang lên đây tôi đã nghĩ nhiều đến Thiên Hương. Thành phố này chưa bao giờ đến mà sao tôi bồi hồi như vừa được trở về một nơi đã từng rất thân quen. Tôi nhớ đến Phu Văn Lâu, cầu Bạch Hổ, cầu Bến Ngự, cửa Thượng Tứ, cửa Nhà Đồ, cửa Ngăn, dốc Nam Giao, các con đường và những hàng cây long não, cây mù u vẫn luôn hiển hiện đâu đó trong ký ức có Thiên Hương. Tưởng như vẫn còn trong ký ức xa, mà không ngờ bây giờ tôi đang ở trên đường Lê Lợi, con đường đã được nghe nói đến bao lần năm xưa. Trời đã gần tối, nếu không, thế nào tôi cũng sẽ dầm mưa đi bộ độ hai cây số, theo ai đó vừa chỉ dẫn, đến xem ngôi trường mầu hồng của Thiên Hương ngay. Mưa đang rào rào nặng hạt thêm. Kỷ niệm học trò đứt đoạn của chúng tôi đang dồn dập trở về. Tôi hơi lặng đi một lúc. Lần cuối, khi cùng đạp xe về sau buổi liên hoan tất niên ở lớp, Thiên Hương đã hẹn sẽ cho tôi mấy xâu hạt sen Huế khi về lại Sài Gòn. Những xâu hạt sen thơm thảo ấy vẫn còn lãng đãng tận hư vô.

Tôi quay vào phòng, ngồi một mình trong bóng tối với tách cà phê đặc quánh.

Ngày hôm sau tôi được đi thăm kinh thành vàng son của các vương triều cuối trong lịch sử đất nước; nơi phong phú chứng tích hưng thịnh, thăng trầm, và phảng phất cả sinh hoạt thâm cung của 13 đời vua triều Nguyễn; tất cả đã trị vì đất nước khoảng hơn 140 năm. Kinh thành được bắt đầu xây dựng vào năm 1805, nhưng hoàn thành năm 1832, dưới đời vua Minh Mạng. Có thể nói lịch sử Huế bắt đầu từ những năm đầu của thập niên 1600 khi chúa Nguyễn Hoàng chọn vùng đất này để lập nghiệp. Tuy không trường tồn lâu dài đến 1000 năm như kinh thành Thăng Long, nhưng Huế là nơi đóng đô sau cùng của các vương triều, vào thời gian văn minh nhân loại đã phát triển hơn, và tương đối triều Nguyễn cũng hưng thịnh hơn các triều đại trước; nên các công trình, các kiến trúc thời này, tuy đã bị tàn phá bởi chiến tranh và thời gian, vẫn còn tồn tại nhiều hơn tất cả các triều đại xưa hơn.

Kinh thành Huế nằm trên bờ Bắc của sông Hương nhưng hướng về phía Nam, với diện tích khoảng 520 hectares; Và gồm tất cả ba vòng thành: Kinh thành, Hoàng thành và Tử Cấm thành. Kiến trúc vòng ngoài hoành tráng uy nghi với 2 tuyến đường thủy là hào, sông hộ thành; và một tuyến chiến lũy ở giữa hai tuyến đường thủy. Cả 3 tuyến này đều chạy dọc theo 4 mặt của kinh thành để hổ trợ an ninh. Nhiều chiếc cầu nhỏ được bắc qua 2 tuyến đường thuỷ, phần lớn ở trước mặt các cửa thành, để giao thông đường bộ được thuận tiện trên địa bàn Kinh thành, và cả từ đó tới các vùng phụ cận. Vòng thành bên ngoài được xây kiểu khúc khuỷu, theo cấu trúc quân sự với nhiều phòng thủ chặt chẽ. Tường thành bề thế, chắc chắn có chiều cao 6.6m, và bề dày 21m. Chu vi vòng thành khoảng hơn 10,500m.

Thành có 10 cửa chính, đường bộ, tất cả đều xây bằng gạch, cao hai tầng; 2 đường thủy ở 2 đầu Ngự hà để sông này lưu thông với hệ thống hào, sông hộ thành, sông Hương; và kỳ đài. Trước Ngọ môn, cổng chính vào vòng thứ nhì của kinh đô, là Kỳ đài ba tầng với cột cờ hiên ngang tọa lạc trên tầng cao nhất. Mỗi mặt Đông, Tây, Nam, Bắc của thành đều được đặt 5 pháo đài, ngoài ra có thêm 4 pháo đài đặt ở bốn góc thành. Góc Đông Bắc có đài Trấn Bình, một tầng thành phụ.Vòng thành thứ nhì là Hoàng thành. Bề mặt Hoàng thành cũng gần như vuông, mặt trước và sau dài 622m, mặt trái và phải dài 604m. Bờ thành chung quanh bằng gạch với chiều cao hơn 4m và chiều dày khoảng 1m. Bên ngoài thành còn có thêm sự bảo vệ của hồ Kim Thủy. Mỗi mặt thành có một cổng: đằng trước là Ngọ môn, đằng sau là Hòa Bình, bên trái là Hiển Nhơn và bên phải là Chương Đức. Cửa chính của Ngọ Môn chỉ dành riêng cho vua đi. Hoàng thành tập hợp các cơ quan lễ nghi, hành chính quan trọng nhất của triều đình và các điện thờ vua chúa, tổ tiên hoàng tộc. Ngoài ra, nơi đây còn nhiều tòa nhà khác dành cho sinh hoạt của vua và các cung phi, hoàng hậu, hoàng tử,… như điện Thái Hòa, cung Diên Thọ, phủ Nội vụ, Duyệt Thị đường, Điện Phụng Tiên, Điện Khâm Văn và vườn Cơ Hạ…Vòng trong cùng là Tử cấm thành, nằm khuất hẳn trong Hoàng thành, ở phía sau điện Thái Hòa, qua khỏi Đại Cung Môn. Khu này dành riêng cho vua và gia đình. Ở đây có các cung, điện, vườn cảnh vừa là nơi làm việc, chỗ cư trú, và không gian sinh hoạt hàng ngày của hoàng gia. Bề mặt Tử Cấm thành hình chữ nhật, chiều dài khoảng 330m và chiều ngang gần 300m, với bờ tường bao quanh hơi thấp hơn bờ tường của Hoàng thành. Tử Cấm thành có tất cả 7 cổng ra vào.

Kinh thành Huế là công trình kiến trúc không những đã biểu hiện được oai quyền của các triều vua thời đó, mà còn là một dấu ấn văn hóa tượng trưng trình độ hiểu biết kỹ thuật xây dựng thành trì quân sự của người Việt Nam vào đầu thế kỷ 19. Thêm vào đó, kiểu mẫu trang trí thuần đông phương đặc sắc, tỉ mỉ với nhiều nét chấm phá độc đáo của Việt Nam trong các cung điện, đền dài trong nội thành đã đưa Kinh thành Huế lên thành một di sản văn hóa thế giới, được bảo tồn. Đặc biệt hơn nữa là toàn bộ kiến trúc còn hài hòa phối hợp vào cảnh sông núi chung quanh, nên cả không gian thiên nhiên này cũng thường được cảm nhận như là một phần của Kinh thành Huế.

Có thể nói khoảng một nửa các cung điện, đền đài trong kinh thành đã bị hư hại nặng nề bởi các cuộc chiến tranh trong thành phố vào các năm 1947 và 1968. Các công trình kiến trúc đặc sắc như điện Cần Chánh, điện Phụng Tiên đều bị hủy hoại gần như hoàn toàn. Thiệt hại đáng tiếc nhất là sự sụp đổ của điện Cần Chánh, nơi các nhà vua làm lễ thiết triều và tiếp đón ngoại giao đoàn. Cung điện này rất bề thế nguy nga, và được kể là một công trình kết hợp gần như tất cả những tinh hoa về nghệ thuật kiến trúc, kiểu mẫu trang trí, và kỹ thuật xây dựng thời vua Nguyễn. Điện Cần Chánh bây giờ chỉ còn trơ nền nhà bằng đá xưa, nhiều chỗ cũng bị nứt rạn.

(Ảnh: https://vi.wikipedia.org/wiki/Phu_V%C4%83n_l%C3%A2u)

Chiều mưa trên kinh thành

Lẩn quẩn trên những lối đi hẹp và sâu hun hút trong Hoàng thành, tôi nghĩ về những triều vua của nhà Nguyễn đã được học qua. Có lẽ triều vua Minh Mạng huy hoàng hơn tất cả. Vua Minh Mạng được ghi trong lịch sử là người nhiều tài năng, liêm chính, và có công trong việc thiết lập rõ ràng kỷ cương đất nước. Dưới triều đại này, đất nước hùng mạnh, thịnh vượng gần như nhất vùng; Nhà vua đã tích cực cải cách hành chính trên toàn quốc, bỏ hệ thống dinh, trấn luộm thuộm, và chia lãnh thổ đất nước làm 31 tỉnh theo sự thuận lợi của địa hình. Vua Minh Mạng cũng hạ lệnh thu gom từ dân gian tất cả sách vở, tài liệu văn học thuộc niên hiệu Hồng Đức; Sau đó, triều đình in khắc lại thành “Kho Mộc Bản Triều Nguyễn”, nhờ đó mà nền tảng văn hiến cổ của nước nhà đã không bị mai một.

Theo sách Chín Đời Chúa, Mười Ba Đời Vua Nguyễn [10], Minh Mạng là vị vua hết sức cần mẫn, làm việc không biết mệt mỏi, hết lòng vì nước; là tấm gương sáng cho các bậc đế vương noi theo. Nếu đất nước luôn có những vị vua hay người đứng đầu tài ba như vua Minh Mạng thì chắc gì đã có cuộc nội chiến đau lòng gần một tư thế kỷ, và biết đâu nhờ vào sự thanh bình đó, Việt Nam cũng đã phát triển không thua kém gì các quốc gia giàu mạnh ở Á châu.

Tôi thấy mình chìm ngập trong các cảm xúc tiếc nuối, xót xa, và buồn bã vô hạn. Ngồi xuống một bậc gạch trên lối đi, tôi cố trấn tĩnh tinh thần, rồi quyết định không theo đoàn tour đi tiếp nữa. Sự xao động ồn ào của họ khiến tôi không tập trung thưởng ngoạn theo lối vừa xem, vừa nghĩ ngợi về quá khứ dựa theo kiến thức lịch sử đã được học. Trời vẫn lê thê tầm tã mưa. Tôi không ngờ, ngoài đôi lúc được hãnh diện tự hào về sự hùng tráng của cảnh quan lịch sử; tôi lại bị trầm uất tột độ khi nhìn thấy các dấu tích hoang tàn, đổ nát còn lại của chiến tranh trên Kinh thành Huế. Chất Huế có thể cũng đã thấm vào tôi từ những câu chuyện của Thiên Hương vẫn âm ỉ trong ký ức. Không chỉ là người khách của Huế, tôi đã có nhiều gắn bó êm ái mơ hồ với thành phố này, nên cảm giác ngậm ngùi, mất mát càng quặn đau, buốt xé hơn khi phải nhìn tận mắt bao tàn hoại đổ vỡ đã xảy đến cho Huế.

Bờ tường kinh thành kiên cố như thế mà có đoạn như mẻ nứt, có chỗ gạch xiêu vẹo xô lệch như bị khuỵu xuống, rồi đá gạch vỡ bồi đắp lên nhau như các nấm mồ hoang, nằm ảm đạm ngay sát chân thành, rải rác gần cửa Thượng Tứ và cửa Đông Ba. Có lẽ gạch và cả máu thịt bao người đã bị vùi ở đấy. Qua chiếc cầu cong nối tiếp đoạn cuối đường Thượng Tứ qua dòng sông nước chảy chậm, tôi vào tới cổng thành tối hun hút. Đoạn đường thâm u, ẩm ướt, rờn rợn. Vài đốm lửa nhấp nháy yếu ớt trên mấy nén nhang cắm ở bờ gạch rạn vỡ, lặng lẽ thả các vòng khói bay luẩn quẩn theo tôi. Mưa gió xám không gian. Tầm tã trên thành. Mơ hồ tiếng vó ngựa đang xa dần trong khói sương. Nhập nhoạng như có bóng người, trang phục cổ xưa sẫm mầu, đi hay lướt nhanh qua góc tối dưới cổng thành. Người hay bóng? Ai thế? Cũng là du khách hay người về từ thiên cổ? Thợ xây thành hay lính tuần canh? Quan vào triều hay dân đi qua? Dù là ai, thì cũng về mà xem dương gian buồn vời vợi. Năm tháng phủ rêu trên bờ thành. Phận người bèo bọt trầm luân. Kiếp nhân sinh đặc dầy oan khiên. Chỉ có mưa gió vẫn miệt mài rải mãi nước và thả gió miên man như ngày xưa. Cơn mưa đầu đông lê thê trên kinh thành như không thể nào dứt được. Vẳng sâu trong bờ thành, len lỏi qua ngõ ngách trong các khối đá ong, như vẫn luân lưu, rền rỉ bao âm vang bị chôn lại của chiến tranh. Hình như ở cõi âm, các hồn người tử thương trong thành phố vẫn tưởng còn bom rơi, đạn nổ, thành rung, đá vỡ quanh nơi đây. Họ vẫn cương quyết ở lại bên Huế, không buông, không rời. Đại nội sầu thảm toàn mầu đổ vỡ, tang tóc. Thê lương. Vắng lặng. Tôi bước đi như người mất hồn, chống chếnh trong tâm trạng tủi nhục của kẻ vô tâm bị thải lại vì sự ghẻ lạnh, dửng dưng của mình bao năm qua với Huế. Tôi chưa bao giờ thật sự khóc cười cùng Huế hay bất cứ nơi nào khác trên đất nước suốt những năm binh lửa ngút ngàn, tang thương ấy. Tôi chỉ nhớ, cũng đã từng theo dõi tin tức khi chiến trận cháy bỏng vào những năm 1972-1975; xem vì sự sôi động của thời cuộc, có lúc cũng từng rất giao động lo sợ, nhưng không nghĩ ngợi gì sâu xa thêm. Và cuộc sống của tôi lúc đó vẫn bình thường trôi, luôn bận rộn với bài vở, thi cử trong khuôn viên đại học.

Quay nhìn lại bên dưới cổng thành, vài đốm lửa trên mấy nén nhang gần tàn như lóe đỏ hơn lúc tôi vừa đi qua; các vòng khói nhợt nhạt vẫn lãng đãng như níu kéo bước chân tôi.

Ngoài cảnh tượng gạch đá đổ vỡ nhiều nơi trong Hoàng Thành, sáng nay tôi cũng đã thấy các vết đạn hằn trên tấm bia Huỳnh Tự Thư Thanh ở Quốc Tử Giám, trên vài đỉnh đồng trong bộ Cửu đỉnh đặt trước Hiển Lâm Các, và trên đàn Nam Giao. Bài thơ chất chứa bao cảm xúc của vua Thiệu Trị ca ngợi vẻ đẹp của Quốc Tử Giám, “Huỳnh Tự Thư Thanh”, bị hơn 20 lỗ đạn xuyên ngang hoặc đục sứt mẻ. Chi chít các vết khác, có khi chồng đôi, chồng ba lên nhau, không đếm xuể trên bức bình phong trước một cổng của đàn Nam Giao. Có một thời ở Huế, cay đắng đoạn trường lắm, súng đạn vừa bạo tàn bắn giết, vừa hằn học cả với những con chữ, những vần thơ để lại trên vùng đất thiêng, bia đá cổ; nơi từng đào tạo bao anh tài trí tuệ của đất nước. Huế ơi, sao mà thảm thương, thê thiết như vậy.

Vào sâu hơn, phần lớn cung điện trong Tử Cấm thành đều đã bị hủy hoại nặng nề, nhiều nơi chỉ còn trơ nền đá nám đang lấp lửng dưới nước mưa. Cảnh tượng quạnh hiu, xơ xác. Không còn gì để xem. Không còn gì để nhớ. Tôi bâng khuâng nhìn mưa nhẹ lất phất như sương khói bay trên mặt một hồ nước nhỏ, nằm yên tịnh gần mảng nền đá còn lại của khu Lục Viện, chốn khuê phòng của các phi tần trong cung ngày xưa. Trên mặt hồ hoang lạnh vẫn còn lác đác vài chiếc lá sen đã chuyển vàng hanh hao. Nước hồ vẫn xanh mát. Cả khu không có bóng người. Tự nhiên như từ vô thức, tôi ngờ ngợ nhớ đến nét u uất phảng phất trên gương mặt của hai cô cung nữ trong bức ảnh đã được xem trong bộ sách về Triều Đình Nhà Nguyễn. Tôi nhớ trong ảnh họ mặc áo dài gấm rực rỡ, chân mang hài mũi cong. Nhìn mưa, bỗng dưng tôi liên tưởng đến dáng họ ngồi, rồi hình dung từ từ ra nét mặt và đôi mắt vời vợi cô đơn của họ. Những ánh mắt lặng lẽ, ray rứt. Cảm giác nao nao thương cảm trào dâng làm tôi do dự một lúc khá lâu, chưa đành đoạn từ giã Hoàng thành ngay, dù không còn ai ở đó nữa.

Sau này khi về lại Mỹ, đã mấy lần tôi băn khoăn tự hỏi điều gì đã khiến mình liên kết cơn mưa dầm ở khu phi tần của nội cung với gương mặt hai cung nữ trong quyển sách cổ, đọc đã lâu. Tôi đến thư viện trường vài lần nữa, xem thật kỹ gương mặt hai cô gái mà tôi đã cố gắng tập trung để hình dung khi lững thững một mình bên hồ nước ở Tử Cấm Thành. Xem mãi mà không thể nào tìm lại được cảm xúc xót xa tương đồng, hay tâm trạng gần gũi như những gì tôi đã từng trải qua ở Huế. Hình như, chuyện gì liên quan đến Huế, cũng đều tiềm ẩn một điểm hay một khúc lặng kỳ bí nào đó, rất khó hiểu. Có lẽ phải ở không gian mưa đẫm ướt hoàng thành rêu cổ, ở thời khắc những sợi mưa tuôn như nước mắt không thể ngừng rơi, mặt hồ lao xao bao nỗi niềm, thinh không vẳng tiếng chuông chùa thủng thẳng ngân; người ta mới có thể thấu hiểu nỗi vời vợi trong đôi mắt người cung nữ trẻ ngồi nhìn mưa, chờ xuân thì con gái tàn phai. Hờn tủi đời người thành khúc oán, khúc than thiên cổ. Huế có những nỗi đau như sầu vạn cổ mà luôn phải chôn dấu trong lặng thinh. Huế rười rượi thắt lòng trong những cơn mưa đẩy đưa định mệnh đời người.

Không còn đoàn tour, tôi lần dò một mình tìm đường về khách sạn Hương Giang. Loanh quanh trong thành nội, tôi bước chầm chậm qua những con đường nhỏ dưới các hàng cây cổ thụ xanh mát, nhà cửa đâu đâu cũng hiền hòa, cổ kính. Những nếp nhà nhỏ, nhìn đơn sơ nghèo, nhưng tươm tất. Mùa đông rất nhẹ, rất êm đang quanh quẩn đâu đây. Nghìn vạn hạt mưa từ xa xôi vẫn rơi đều trên bao mái nhà mãi hoài nằm trong không gian đậm thanh âm thành quách cổ. Và những con đường luôn lấp lửng nước mưa.

Tôi ra khỏi Hoàng Thành qua cửa Hòa Bình, vào đoạn đường Phùng Hưng, dần xuống Đoàn Thị Điểm, rồi vào đường Hai Mươi Ba Tháng Tám rợp bóng cây mù u; Qua cửa Ngăn, lững thững đến thăm Phu Văn Lâu. Tòa lầu này nhìn như ngôi đền nhỏ có hai tầng mái cong, không có cửa hay vách, cung cách thông thoáng như sẵn sàng đón chào dân chúng thập phương. Đền được chống đỡ bằng 16 cột màu đỏ, trong đó 4 cột trụ vững chắc nâng đỡ cả 2 tầng và 12 cột quân chung quanh. Phu Văn Lâu nằm trang nghiêm gần bờ Bắc của sông Hương, ngay trước Kỳ Đài, nhưng ở ngoài mặt Nam của kinh thành. Từ trên gác cao nhìn xuống bến Văn Lâu, tôi bâng khuâng nghĩ đến ngày xưa, nơi đây từng niêm yết bao chiếu chỉ quan trọng của triều đình và hàng hàng bảng tên các tiến sĩ đỗ đạt các kỳ thi Hội, Đình dưới triều đại nhà Nguyễn. Theo sử sách, từ thời vua Thiệu Trị trở về sau, có lệ là ai đi ngang Phu Văn Lâu cũng phải ngả mũ, xuống ngựa để bày tỏ sự kính cẩn và tuân phục các công văn chỉ giáo của triều đình. Thuở ấy, các chiếu chỉ sau khi được tuyên đọc trước Ngọ Môn hay điện Thái Hòa đã được trang trọng rước đến niêm yết trong Phu Văn Lâu trước sự quì lạy chào đón của bao quan hàng tỉnh và các hương lão. Nơi này ngày xưa, thời buổi kinh thành an lạc, triều đình từng tổ chức các cuộc lễ khánh hỷ với sự hân hoan tham dự của vua, triều thần và dân chúng.

Phu Văn Lâu (ảnh: RedsVN.net)

Truyền thuyết còn kể là vào năm 1916, hai nhà cách mạng yêu nước quê ở Quảng Nam, Trần Cao Vân và Thái Phiên, đã trá hình ngồi câu cá trước bến Văn Lâu để bí mật gặp vua Duy Tân bàn việc khởi nghĩa chống thực dân Pháp. Tiếc thay, đại sự không thành, vua Duy Tân bị đưa đi biệt xứ, hai tráng sĩ xứ Quảng cùng vài yếu nhân chủ động khác bị xử tử, và gần 200 người bị kết án khổ sai đày đi các đảo xa. Dân gian đã thương cảm truyền lại câu chuyện bi tráng này qua những câu hò mái đẩy ngậm ngùi, đau xót như sau:

Chiều chiều trước bến Văn Lâu,

Ai ngồi, ai câu, ai sầu, ai thảm?

Ai thương, ai cảm, ai nhớ, ai trông?

Thuyền ai thấp thoáng bên sông,

Nghe câu mái đẩy, chạnh lòng nước non.

Câu nói lẫm liệt như tuyên ngôn vận động của chí sỹ Trần Cao Vân “Đất sinh người tài giỏi, có quyền đuổi giặc thương dân” đã hào hùng diễn tả lòng yêu nước và sự tích cực của ông trong công cuộc chiến đấu trường kỳ chống thực dân Pháp. Ông đã trải qua gần 30 năm với nhiều lao tù, khổ ải, và cuối cùng là sự hy sinh thảm thương trên bãi chém ở An Hòa. Mưu sự lớn của vua Duy Tân cùng hai chí sỹ đã được hình thành, một phần nhờ hai câu thơ nặng tình nghĩa quê hương của anh hùng Thái Phiên, vẫn còn được dân gian truyền tụng đến ngày nay:

Nước non gìn giữ cho ai đó

Tổ quốc tồn vong có biết không?

Ý thơ tha thiết đã làm dấy động tâm hồn yêu nước của vua Duy Tân, tuy còn rất trẻ vào lúc bấy giờ, và vua đã đồng ý gặp hai vị hào kiệt để bàn việc khởi nghĩa cứu nước …

Mưa bắt đầu miên man trở lại. Trời đã gần tối trên bến Văn Lâu, có thể tôi đang đứng rất gần nơi vua Duy Tân và hai vị anh hùng từng đồng tâm, quyết chí lập kế hoạch dựng cờ, tiến quân năm xưa. Tôi nao nao nhìn dòng sông từng soi bóng họ ngồi bên nhau, từng nghe tâm tình và hoài bão cho đất nước của họ. Nghĩa khí cao cả của họ có thể còn đọng lại quanh đây. Chiều Văn Lâu man mác những nỗi niềm, bồi hồi bao âm hưởng thảm thiết của lời tiễn đưa, khúc tử biệt các anh hùng hào kiệt giữa thời buổi vận nước còn long đong.

Nhìn đâu quanh Huế cũng có hình bóng của lịch sử, bàng bạc khắp không gian thành phố luôn ẩn hiện bao truyền thuyết, các câu chuyện gắn bó với những dâu bể, thịnh suy, buồn vui của một thành phố có quá nhiều thăng trầm trong gần hai thế kỷ vừa qua. Theo người dân địa phương thì lẩn khuất dưới lòng đất, ở nhiều vùng trong thành phố hay ven đô, vẫn còn tiềm ẩn nhiều nấm mồ chưa được định danh; Mồ hoang, mồ có thể vừa của dân, vừa của những chiến sĩ đã thảm thương hy sinh nơi các pháp trường gần kinh thành, hay vì bom đạn chiến tranh trong thành phố. Có thể Huế trầm mặc, huyền bí, u hoài vì người âm, kẻ dương vẫn tồn tại hài hòa và thương yêu nhau khắp nơi trên mảnh đất máu, đất nước mắt, đất đau khổ, đất hiển vinh, đất thiêng đã chất chồng lớp lớp ký ức mang hệ quả phức tạp của kiếp nhân sinh. Vùng đất nhiều buồn đau, khổ ải; hơn an vui, hạnh phúc. Đi trong thành phố tôi đã gập rất nhiều miếu thờ lãng đãng khói hương, những bình nhang hiu hắt trên dốc đường lao xao cỏ lau trắng, bao nén nhang u uất ở các vết nứt loanh quanh bờ thành rêu phủ. Chỉ đi qua mà thấy lòng héo hắt những buồn đau.

Mưa vẫn triền miên rải thêm những sợi nước bạc trên dòng Hương ở ngoài xa. Cả không gian thành phố lướt thướt trong màng nước mầu khói nhạt. Mưa vẫn tầm tã, khi nặng hạt, lúc lất phất bay; trời đất đâu đâu cũng lênh loang nước. Và mưa vẫn lặng lẽ không ngừng rơi. Dai dẳng như trầm luân đời người. Đúng là mưa Huế. Bây giờ cơn mưa ấy lại đang thấm đẫm trong tôi.

(Tháng 8, 2020)

Vũ thị Ngọc Thư

Related posts