- Eva Fu
Kể từ đỉnh điểm của đại dịch virus Vũ Hán vào tháng 2, mã sức khỏe ba màu của WeChat đã kiểm soát cuộc sống của gần 1 tỷ người Trung Quốc, đánh giá xem liệu họ có thể được tự do đi lại hay phải ở trong khu cách ly. Theo The Epoch Times, đây đã trở thành công cụ đắc lực giúp sức cho ĐCSTQ tiến thêm một bước trong việc kiểm soát người dân.
Việc chế độ cộng sản Trung Quốc sử dụng dữ liệu lớn (Big Data) ở khắp nơi và gắng sức ngăn chặn COVID-19 đã kích hoạt WeChat tạo ra một ứng dụng theo dõi dùng để đánh giá sức khỏe cá nhân thông qua mã vạch 3 màu: xanh lá cây, vàng và đỏ. Đây là một ứng dụng nhỏ nằm trong ‘siêu ứng dụng’ WeChat vốn đang được người dân Trung Quốc sử dụng cho mọi khía cạnh của cuộc sống hàng ngày, từ thanh toán thức ăn đến đặt hẹn với bác sĩ. Chính quyền quét mã vạch trên điện thoại người dân để kiểm tra liệu cá nhân đó có bị nhiễm virus không, có tiếp xúc với bệnh nhân nhiễm virus không, hoặc có triệu chứng nhiễm virus hay không.
Mặc dù nhà chức trách không bắt buộc rõ ràng việc sử dụng ứng dụng, nhưng mã vạch phải được quét khi lên xe buýt hoặc xe điện ngầm, nhận phòng khách sạn, vào siêu thị, ra vào các khu dân cư.
Việc thu thập và xử lý thông tin của WeChat khiến một số chuyên gia an ninh mạng lo ngại rằng ngoài sức khỏe, thông tin đó có thể ứng dụng trong các lĩnh vực khác và cung cấp cho bộ máy giám sát độc tài của nhà nước.
Rất ít thông tin cho biết dữ liệu cá nhân được lưu trữ như thế nào, nhưng các báo cáo công khai và tài liệu bị rò rỉ cho thấy WeChat đang hợp tác chặt chẽ với cảnh sát Trung Quốc và chia sẻ dữ liệu mà không cho người dùng biết.
Được phát triển và sở hữu bởi Tencent, công ty công nghệ khổng lồ đặt tại Thẩm Quyến, WeChat gần đây đã bị chính phủ Hoa Kỳ giám sát chặt chẽ vì các lỗ hổng về bảo mật và quyền riêng tư của nó mà các quan chức Hoa Kỳ cho rằng ĐCSTQ có thể lợi dụng để khai thác. Tổng thống Donald Trump đã ban hành một lệnh hành pháp vào đầu tháng 8 cấm các giao dịch của Hoa Kỳ liên quan đến WeChat vì lý do an ninh quốc gia.
Quyền truy cập của cảnh sát
Các hồ sơ nội bộ và công khai đều cho thấy cơ quan công an có quyền truy cập vào dữ liệu của mã sức khỏe.
The Epoch Times có được một thông báo nội bộ của Khu vực mới Hùng An, một dự án siêu đô thị do nhà nước hậu thuẫn tại tỉnh Hà Bắc, trong đó lưu ý rằng văn phòng cảnh sát địa phương sẽ “chịu trách nhiệm về phân tích dữ liệu lớn, khai thác dữ liệu và ứng dụng chuyên sâu” của mã sức khỏe.
Theo một thông báo của chính quyền trong tháng 5, tại thành phố Thiên Tân, một số cơ quan bao gồm cảnh sát, đơn vị cung cấp viễn thông, cơ quan đường sắt, và Ủy ban các vấn đề chính trị và pháp luật đã tiến hành kiểm tra chéo thông tin cá nhân của người dùng ứng dụng. Thông tin chi tiết về “nhân vật cần lưu ý đặc biệt” – tức người có mã vạch đỏ trên ứng dụng, sẽ được gửi tới các quan chức kiểm soát dịch bệnh địa phương và văn phòng cảnh sát thành phố thông qua “mạng chia sẻ thông tin tập trung.”
Ông Casey Fleming, giám đốc điều hành của công ty tình báo và chiến lược BlackOps Partners cho biết các hoạt động như vậy diễn ra trong bối cảnh chính quyền Trung Quốc đang tăng cường giám sát công nghệ cao sâu rộng, cho thấy có khả năng Bắc Kinh muốn vũ khí hóa nền tảng này để giúp gia tăng đàn áp cả trong và ngoài Trung Quốc.
Ông nhận xét rằng “điều này không thể xem là bình thường ở Trung Quốc bởi vì ĐCSTQ kiểm soát mọi thứ tại quốc gia này. ĐCSTQ kiểm soát toàn diện, theo nghĩa đen, tức là không có sự kiểm tra và đối trọng nào để ngăn chặn sự vi phạm và cưỡng bức cực đoan.”
Ảnh hưởng sâu rộng
Mặc dù nỗi lo sợ virus dường như đã giảm đi tại Trung Quốc, nhưng ứng dụng mã sức khỏe vẫn tiếp tục tồn tại và đóng vai trò lớn hơn trong cuộc sống của người dân.
Hàng Châu, thủ phủ tỉnh Triết Giang đã tích hợp ứng dụng này với thẻ an ninh xã hội kỹ thuật số của cư dân và bằng lái xe nhằm tăng khả năng đưa ứng dụng mã sức khỏe màu vào sử dụng để chấm điểm người dân thông qua thói quen sống, như hút thuốc và uống rượu. Chính quyền sau đó đã loại bỏ kế hoạch này bởi vì sự phản ứng dữ dội của công chúng.
Quận Đức Thanh, tỉnh Triết Giang cũng liên kết mã sức khỏe với thẻ căn cước công dân kể từ từ giữa tháng 7. Các quan chức Thẩm Quyến đã thảo luận các kế hoạch về việc chuyển đổi mã sức khỏe thành “mã công dân” để nhận dạng từng cá nhân trên nền tảng trực tuyến, tuy vậy có rất ít chi tiết được tiết lộ.
Theo một bài báo của Tân Hoa Xã, mã sức khỏe đã được nâng cấp hoàn tất để sử dụng toàn diện các giá trị kỹ thuật số tích hợp. Bài báo cũng xác nhận rằng các sở cảnh sát được giao nhiệm vụ “tạo ra, phát hành và quản lý mã” và kết hợp nó với hệ thống thẻ căn cước quốc gia.
Ông Fleming cho biết “đây là một sự xâm phạm và kiểm soát sâu rộng hơn vào cuộc sống của công dân. Người dân không thể làm gì trong một quốc gia độc tài, nhưng việc xâm phạm tương tự sẽ bị phản đối tại các nước dân chủ.”
Hiện tại, những ai muốn đến Trung Quốc cũng được yêu cầu sử dụng ứng dụng này. Các du khách đến hoặc đi qua 78 nước, bao gồm Anh, New Zealand, Hàn Quốc và Singapore được yêu cầu xuất trình kết quả xét nghiệm âm tính với virus thông qua ứng dụng WeChat mini trước khi lên chuyến bay đến Trung Quốc.
Một số chính quyền địa phương cũng tích hợp ứng dụng này với hệ thống tín nhiệm xã hội, một cơ chế đánh giá tín nhiệm toàn quốc nhằm gây áp lực buộc người dân tuân theo các quy định kiểm dịch. Các chương trình thí điểm đang được thực hiện tại tỉnh Hắc Long Giang, đảo Hải Nam và tỉnh Hồ Bắc.
Một thông báo của chính quyền Hắc Long Giang cho biết ngoài việc có thể bị truy tố hình sự vì vi phạm các quy định, các vi phạm có thể bị ghi trong hồ sơ cá nhân, điều này sẽ “đi theo họ suốt cuộc đời” và “ảnh hưởng đáng kể” đến cuộc sống và công việc tương lai của họ, bao gồm các vấn đề liên quan đến tài chính.
Mối lo ngại trong quá khứ
WeChat, ứng dụng nhắn tin phổ biến nhất tại Trung Quốc, đã bị Mỹ và nhiều nơi khác cáo buộc cung cấp thông tin người dùng theo yêu cầu của chính phủ Trung Quốc. Ứng dụng này chặn người dùng, thậm chí đối với người dùng đang sống tại Hoa Kỳ, truy cập vào các nội dung của các cơ quan truyền thông tiếng Trung chỉ trích ĐCSTQ, bao gồm The Epoch Time bản tiếng Trung, Đài Tiếng nói Hoa Kỳ, Đài châu Á Tự do.
Vào năm 2016, tổ chức giám sát kỹ thuật số Citizen Lab đã phát hiện các tài khoản ban đầu đăng ký số điện thoại Trung Quốc sẽ tiếp tục đối mặt với việc kiểm duyệt cho dù họ sống tại Trung Quốc hay bất cứ nơi đâu hoặc thậm chí ngay cả khi họ đã chuyển sang số điện thoại quốc tế. Đầu năm nay, tổ chức này cũng phát hiện WeChat đang giám sát người dùng ở nước ngoài để cải thiện thuật toán dùng cho giám sát người dùng tại Đại lục.
“Những người Mỹ gốc Hoa đang sống trong một xã hội tự do, nhưng họ lại dựa vào các nguồn tin trên WeChat do ĐCSTQ kiểm soát để lấy thông tin,” ông Chen Chuangchuang, một nhà hoạt động vì quyền của người Trung Quốc ở Mỹ nói với The Epoch Times. Ông cho biết thêm tài khoản WeChat của một số người bạn ủng hộ dân chủ của ông đã bị khóa.
Theo The Epoch Times
Gia Huy biên dịch