- Katsuji Nakazawa
Những gì được truyền thông Trung Quốc mô tả về các chuyến thị sát lũ lụt của hai nhà lãnh đạo đã cho thấy ai mới nắm trong tay trung tâm quyền lực ở Trung Nam Hải.
Bất chấp lũ lụt tàn phá nghiêm trọng tại nhiều địa phương ở Trung Quốc [từ đầu tháng 7], Chủ tịch Tập Cận Bình đã không đến thăm bất kỳ khu vực bị ảnh hưởng nào.
Tuy nhiên vào ngày 18/8, ông Tập bất ngờ đến thị sát tỉnh An Huy, một trong số các địa phương chịu ảnh hưởng của đợt lũ. Chuyến thị sát dường như xảy ra sau khi kết thúc cuộc họp Bắc Đới Hà vào mùa hè hàng năm của các lãnh đạo và cán bộ lão thành ĐCSTQ.
Một nguồn thạo tin cho biết: “Ông Tập hẳn đã được các cán bộ lão thành trong đảng nhắc về ý nghĩa quan trọng của việc kiểm soát lũ lụt trong nền chính trị Trung Quốc.”
Mang đôi giày da sáng bóng, ông Tập mỉm cười và nói chuyện với người dân địa phương về công tác phòng chống lũ lụt, quản lý sông ngòi và cứu trợ thiên tai.
Theo bản tóm tắt của Tân Hoa Xã về chuyến đi thị sát này, ông Tập được cho là đã nhắc đến hai điển tích: “Ngu Công dời núi” và “Đại Vũ trị thủy.”
“Ngu Công dời núi” là câu chuyện nói về một ông già tên là Ngu Công sống tại miền bắc Trung Quốc. Bất tiện vì hai ngọn núi phía trước nhà che khuất tầm nhìn và lối đi, ông cùng với hai người con trai bắt đầu dùng cuốc đào đất phá núi. Khi người khác hỏi tại sao ông lại thực hiện công việc dại khờ như vậy, ông sắp quy tiên rồi, làm sao có thể đào hết hai ngọn núi, ông già trả lời rằng khi ông chết, con trai ông sẽ tiếp tục, sau đó là cháu trai ông, rồi sau đó là con trai của cháu trai ông … cho đến cuối cùng phá bỏ được các đỉnh núi mới thôi.
Cảm động trước sự quyết tâm của ông, Ngọc Hoàng đã phái hai Thiên thần xuống cõng hai ngọn núi mang đi.
Câu chuyện ‘Ngu Công dời núi’ được cho là nhằm ca ngợi ý chí sắt đá cao hơn núi của người xưa. Nhắc lại câu chuyện, ông Tập nói: “Đất nước Trung Quốc đã chiến đấu chống lại thiên tai trong hàng nghìn năm và đã tích lũy được những kinh nghiệm quý báu. Chúng ta cần tiếp tục chiến đấu, không phải bằng cách chống lại Trời, mà là tôn trọng thiên nhiên và phù hợp các quy luật tự nhiên.”
Bằng cách đề cập đến Đại Vũ, một Hoàng đế huyền thoại ở Trung Quốc cổ đại với tài trị thuỷ, ông Tập muốn nhấn mạnh lịch sử chống chọi thiên tai hàng nghìn năm của Trung Quốc.
Kiểm soát lũ lụt có ý nghĩa đặc biệt quan trọng tại Trung Quốc. Việc có thể chế ngự được các dòng sông hung dữ khó khăn đến mức vào thời cổ đại ai có khả năng làm được đều có thể trở thành Vua hay Hoàng đế.
Không kiểm soát được lũ lụt đồng nghĩa người nông dân sẽ chịu thiệt hại và có thể mất đi sinh mệnh.
Với tư cách là lãnh đạo “hạt nhân” của Trung Quốc, ngày nay trách nhiệm đó đang thuộc về ông Tập.
Hơn nữa, năm nay là năm Canh Tý (tức Chuột Vàng), 60 năm mới đến một lần và được cho là luôn mang đến theo nó một sự kiện chấn động lịch sử. Người Trung Quốc rất để tâm vào việc này.
Trung Quốc đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch virus corona. Đúng như mô thức thường thấy của năm Chuột Vàng, dịch bệnh không phải là thảm họa duy nhất. Lũ lụt cũng đang gây ra những hậu quả nặng nề, thậm chí còn hơn cả đợt lũ năm 1998.
Vào năm đó (1998), Chủ tịch lúc bấy giờ là Giang Trạch Dân đã phải hoãn chuyến viếng thăm chính thức tới Nhật Bản để thị sát các nỗ lực cứu trợ tại lưu vực sông Dương Tử và vùng đông bắc của nước này.
Không khó để tưởng tượng rằng ông Giang đã nói một vài lời về việc kiểm soát lũ lụt tại cuộc họp Bắc Đới Hà vừa qua.
Trên thực tế, nhiều cán bộ lão thành của đảng là chuyên gia trong lĩnh vực này.
Ông Hồ Cẩm Đào, người tiền nhiệm của ông Tập, từng là một kỹ sư liên quan đến sản xuất thủy điện sau khi tốt nghiệp khoa kỹ thuật bảo tồn nguồn nước của Đại học Thanh Hoa danh tiếng.
Ông Ôn Gia Bảo, Thủ tướng dưới thời cầm quyền của ông Hồ, là một chuyên gia địa chất.
Trong chuyến đi này, ông Tập đã đến kiểm tra các cửa xả lũ của đập Wangjiaba (Vương Gia Bá) trên sông Hoài.
Năm 1950, ngay sau khi nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa được thành lập vào tháng 10/1949, con sông Hoài chảy qua tỉnh An Huy đã bị ngập lụt nghiêm trọng. Ông Mao đã ra lệnh phải kiểm soát được lũ lụt bằng mọi giá. Các cổng thoát lũ mà ông Tập đến thăm ngày nay vào những năm trước đây đã nhanh chóng được xây dựng theo chỉ thị của ông Mao.
Một lần nữa, ông Tập đang bắt chước ông Mao, có lẽ để chuẩn bị cho một tình huống chính trị khó khăn trước mắt.
Truyền thông nhà nước Trung Quốc dường như tỏ rõ sự ưu ái với ông Tập khi đăng một bức ảnh ông tự tin và oai vệ với nụ cười trước bức tường có khắc thư pháp của ông Mao.
Trong khi ông Tập được làm nổi bật nhằm thu hút sự chú ý của công chúng, thì truyền thông lại lờ đi Thủ tướng Lý Khắc Cường – người cũng đã đến thăm một khu vực bị lũ lụt tàn phá khác cách đó khoảng 1.000km.
Việc hai nhà lãnh đạo hàng đầu của Trung Quốc cùng lúc đi thị sát hai nơi cách xa Bắc Kinh là khá bất thường.
Vào ngày 20/8, hai ngày sau khi ông Tập đến An Huy, ông Lý đã đi thị sát thành phố Trùng Khánh, nơi lũ lụt vẫn đang tàn phá nghiêm trọng.
Mang một đôi ủng đi mưa, ông Lý đã lội xuống ruộng nước đầy bùn. Thông thường, những hình ảnh như vậy sẽ nhận được lời khen của công chúng và những bình luận về “Thủ tướng của nhân dân.”
Nhưng lần này thì không, có lẽ là do chuyến đi của ông đã không được truyền thông đưa tin trực tiếp để nhiều người Trung Quốc biết.
Chuyến thăm Trùng Khánh của ông Lý ban đầu chỉ được đăng trên trang web của chính phủ www.gov.cn.
Các cơ quan truyền thông lớn của Trung Quốc như Tân Hoa Xã, Đài truyền hình trung ương Trung Quốc, và Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận của đảng chỉ chính thức đưa tin về chuyến đi của ông Lý ba đến bốn ngày sau đó, một sự chậm trễ bất thường.
Hơn nữa, khi đưa tin, các cơ quan truyền thông lớn chỉ xếp thông tin về ông Lý ở mức quan trọng thứ tư trong ngày.
Các bài báo đều không đề cập đến thời điểm ông Lý đến thăm Trùng Khánh, bởi e ngại người đọc sẽ đặt câu hỏi tại sao lại đưa tin quá chậm.
Các cơ quan báo chí Trùng Khánh cũng đã đăng tin về chuyến đi này sau một thời gian trì hoãn, bất chấp thực tế là ông Trần Mẫn Nhĩ, bí thư thành ủy Trùng Khánh và là phụ tá thân cận của ông Tập đã tháp tùng ông Lý trong chuyến đi thị sát.
Việc hạ thấp chuyến đi của ông Lý có thể là một nỗ lực nhằm làm nổi bật chuyến đi thăm An Huy của ông Tập, nhà lãnh đạo “hạt nhân” duy nhất của Trung Quốc.
Ông Lý cũng đã bị gạt ra rìa trong các cuộc thảo luận hoạch định kế hoạch kinh tế dài hạn trong tương lai.
Hôm thứ Hai (24/8), ông Tập đã chủ trì một cuộc họp quan trọng được tổ chức tại Trung Nam Hải ở Bắc Kinh, nơi đặt các trụ sở của đảng và chính phủ. ông Tập đã lắng nghe ý kiến của các chuyên gia kinh tế về kế hoạch 5 năm tiếp theo sẽ bắt đầu từ 2021.
Trong số những người tham gia cuộc họp có nhân vật số 5 của Trung Quốc Vương Hỗ Ninh và nhân vật số 7 Hàn Chính, cả hai đều là Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, cùng với phó Thủ tướng Lưu Hạc và Trưởng ban Tuyên giáo Hoàng Khôn Minh.
Ông Lý, người chịu trách nhiệm về quản lý kinh tế, đã vắng mặt.
Theo quy định, ông Lý vẫn là thành viên nằm trong cơ quan ra quyết định hàng đầu của đảng ít nhất cho đến mùa thu năm 2022 và là Thủ tướng cho đến mùa xuân 2023.
Tuy nhiên, nhân vật số 2 của Trung Quốc đã không chủ trì các cuộc thảo luận về kế hoạch 2021 – 2025. Không khó để nghĩ rằng ông đã bị cho ra rìa.
Nền chính trị Trung Quốc dưới sự cầm quyền của ông Tập luôn hà khắc. Phe của ông nằm giữ các chức vụ chủ yếu trong các cơ quan tuyên truyền của đảng. Điều này có thể đã dẫn đến việc giới truyền thông đối xử khác biệt đối với chuyến đi thị sát lũ lụt của hai lãnh đạo.
Ngoài kế hoạch 5 năm tiếp theo, việc hoạch định kinh tế siêu dài hạn cho đến năm 2035 cũng sẽ được thảo luận tại phiên họp toàn thể lần thứ V của Ban Chấp hành Trung ương đảng khóa 19 vào tháng 10.
Ông Tập nhấn mạnh tại cuộc họp hôm thứ 2 (24/8) về tầm quan trọng của việc áp dụng “tầm nhìn dài hạn,” nắm bắt xu hướng của thời đại và tập trung trí tuệ sâu rộng để nghiên cứu tình hình mới và lập kế hoạch mới.
Trên thực tế, ông đang chứng tỏ cho người dân Trung Quốc biết ai mới là nhà lãnh đạo thực sự và nói với họ rằng thời gian cầm quyền của ông sẽ tiếp tục kéo dài trong tương lai gần.
Katsuji Nakazawa (theo Nikkei)
Gia Huy biên tập