Tin thế giới sáng thứ Ba

Bị trục xuất khỏi Trung Quốc, nhiều nhà báo hải ngoại đến Đài Loan

Bị trục xuất khỏi Trung Quốc, nhiều nhà báo hải ngoại đến Đài Loan
Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn phát biểu với truyền thông tại Đài Bắc ngày 12/8 (ảnh: Reuters).

Cho đến nay, Đài Loan đã ghi nhận thêm 22 nhà báo nước ngoài thường trú, trong đó bao gồm cả một số nhà báo bị Trung Quốc đại lục cấm cửa. ĐCSTQ và Đài Loan hiện đang mâu thuẫn trên nhiều phương diện và Đài Loan đang thu hút các nhà báo nước ngoài bằng quyền tự do báo chí.

Theo báo cáo của VOA, vào ngày 27/8, bộ Ngoại giao Đài Loan cho biết, 22 nhà báo nước ngoài đã đến làm thủ tục đăng ký hành nghề vì “Đài Loan có quyền tự do ngôn luận báo chí và chúng tôi tôn trọng quyền lợi này”. Còn về phía chính phủ Trung Quốc, ĐCSTQ thực hiện giám sát các nhà báo nước ngoài và kiểm duyệt Internet. Đầu năm 2020, ĐCSTQ đã trục xuất một số nhà báo Mỹ khỏi Trung Quốc. 

Trong số 22 nhà báo đã đăng ký, có 7 nhà báo nước ngoài đã từng sống ở Trung Quốc (không bao gồm Hồng Kông), một số trong họ đã bị Bắc Kinh trục xuất vì nội dung các bài báo của họ xuất bản hồi tháng 3 khiến chính phủ Trung Quốc bất bình. Các nhà báo nước ngoài bị trục xuất đã từng làm việc cho The New York Times và The Wall Street Journal (Tạp chí Phố Wall).

Bà Danielle Rhoades Ha, phó chủ tịch truyền thông tờ The New York Times cho biết: “Do lệnh trục xuất của chính phủ Trung Quốc, chúng tôi đã chuyển một số nhà báo bị ảnh hưởng đến các khu vực khác nhau ở châu Á, trong đó có Đài Bắc (thủ phủ Đài Loan)”.

Trung Quốc và Đài Loan nằm cùng múi giờ và thời gian bay ngắn nhất giữa hai nơi chỉ mất 80 phút. Từ Đài Bắc bay đến các thành phố lớn ở các nước Đông Nam Á mất khoảng 2 đến 4 giờ đồng hồ, bay đến Nhật Bản và Hàn Quốc khoảng 3 giờ.

Ông Cốc Linh Linh (Gu Lingling), phó giáo sư báo chí tại Đại học Quốc gia Đài Loan, cho biết: “Cho dù họ không ở Trung Quốc đại lục, họ vẫn có thể thực hiện rất nhiều cuộc phỏng vấn nghiên cứu trên Internet”.

Tại Trung Quốc, các nhà báo đưa tin nhạy cảm về chính trị có thể bị cảnh sát theo dõi hoặc thậm chí giam giữ. Freedom House đã chỉ ra trong một báo cáo nghiên cứu được xuất bản năm 2020 rằng, ĐCSTQ và các cơ quan chính phủ từ lâu đã cố gắng cản trở các nhà báo nước ngoài để tác động đến dư luận và kiểm soát các phương tiện truyền thông. Nghiên cứu cho thấy trong 10 năm qua, “nỗ lực kiểm soát nội dung của các bản tin trên phương tiện truyền thông đã gia tăng đáng kể”.

Giáo sư Hầu Chính Nam (Hou Zhengnan) tại học viện truyền thông đại chúng, Đại học Nghĩa Thủ, Đài Loan tiết lộ, chính quyền ĐCSTQ đôi khi cử người bí mật theo dõi các nhà báo nước ngoài.

Đài Loan là một quốc gia dân chủ, cho phép các nhà báo đưa tin về bất kỳ chủ đề nào hoặc phỏng vấn bất kỳ ai. Đài Loan được liệt vào địa điểm tự do nhất châu Á trong bảng xếp hạng tự do toàn cầu do Freedom House công bố năm 2020.

James Gomez, Giám đốc khu vực Viện chính sách Asia Centre tại Bangkok, cho biết: “Đài Loan hy vọng sẽ thể hiện mình là một quốc gia lấy giá trị tích cực làm trụ cột, nơi mà các giá trị dân chủ và nhân quyền được thể hiện đầy đủ, chứ không chỉ để quảng bá cho bản thân”.

“Tôi nghĩ Đài Loan sẽ muốn làm gương cho các quốc gia khác. Một quốc gia có thể nói được, làm được”, ông James Gomez nói.

Hiện nay, có 68 hãng truyền thông nước ngoài ở Đài Loan và 114 nhà báo nước ngoài thường trú tại Đài Loan.

Theo các kênh truyền thông Hồng Kông, các nhà báo nước ngoài thường trú tại Hồng Kông có thể bị Cục an ninh quốc gia mới thành lập trực thuộc Cục di trú Hong Kong từ chối cấp thị thực.

Ông Cedric Alviani, Giám đốc văn phòng Đông Á của tổ chức Phóng viên không Biên giới cho biết: “Bạn có thể bị trục xuất bất cứ lúc nào và đơn xin gia hạn thị thực của bạn có thể bị từ chối. Đây là mối đe dọa chính đối với việc ổn định hoạt động báo cáo tin tức”.

Tuy vậy, Phó giáo Sư Gu Lingling cũsng cho biết: “Nhiều người Đài Loan còn thiếu kỹ năng tiếng Anh và tầm nhìn quốc tế sâu rộng, đó là lý do tại sao Hồng Kông và Singapore là các điểm đến thu hút các nhà báo hơn”.

Ông Gomez cho rằng: “Đài Loan có thể cần ban hành luật mới để hỗ trợ các thủ tục pháp lý cho các hãng thông tấn nước ngoài thành lập các trạm phóng viên ở Đài Loan được thuận lợi hơn”.

Nạn châu chấu đang bùng phát nghiêm trọng nhất sau nhiều thập kỷ ở Vân Nam, Trung Quốc

Hình ảnh châu chấu ở Trung Quốc (ảnh: Từ video của SCMP)

Dịch châu chấu đang hoành hành và tàn phá tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, khiến 11 quận và 106 km2 đất ở tỉnh này bị ảnh hưởng. Trong bối cảnh đang thiếu thốn lương thực thì thảm họa châu chấu này càng khiến Trung Quốc đối mặt chồng chất khó khăn.

Theo SCMP, đàn châu chấu tre lưng vàng đã vượt biên giới từ Lào và xâm nhập vào Giang Thành, tỉnh Vân Nam vào hồi tháng Sáu, di chuyển dần về phía bắc và nhanh chóng mở rộng phạm vi ảnh hưởng. Tính đến ngày 17/8, 11 quận và 106 km vuông đất thuộc tỉnh Vân Nam đã bị thiệt hại.

Một điều tra viên địa phương ở Vân Nam cho biết, ở vùng núi đàn châu châu có sức di chuyển rất mạnh, rất khó để kiểm soát được chúng. Số lượng châu chấu tàn phá lần này là lớn nhất trong hàng chục năm qua, người dân địa phương đều không còn cách nào đối phó với loại côn trùng phàm ăn này.

Trước đó, ngày 4/8, chính quyền tỉnh Vân Nam dẫn lời cục lâm nghiệp và đồng cỏ Vân Nam cho biết, kể từ ngày 2/8, tổng cộng có 155.834 mẫu đất ở tỉnh Vân Nam đã bị châu chấu tre lưng vàng xâm lấn. Bao gồm 47 thị trấn, 9 huyện và 4 thành phố như Phổ Nhĩ, Châu tự trị dân tộc Thái Tây Song Bản Nạp, Hồng Hà, Ngọc Khê. Những cây trồng bị châu chấu gây hại chủ yếu là: tre trúc, ngô, …

Chính quyền Vân Nam cũng nhận định, tháng Tám là thời kỳ giao phối của châu chấu vàng, một khi số lượng lớn trứng được sinh ra sẽ gia tăng áp lực phòng chống loại côn trùng này trong thời gian tới.

Sự xuất hiện của dịch châu chấu đã tạo thêm một yếu tố rủi ro khác cho an ninh lương thực của Trung Quốc. Các trận lũ lụt và dịch tả lợn trước đây đã gây ra khủng hoảng nguồn cung cấp lương thực cho Đại Lục. Dự kiến, nhu cầu về ngô sẽ vượt cung tới 16 triệu tấn trong 12 tháng tới.

Quan chức Mỹ, Do Thái bay đến UAE hoàn tất thỏa thuận lịch sử

Các trợ lý hàng đầu của Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã thực hiện chuyến bay đầu tiên trong lịch sử từ Tel Aviv đến Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất hôm thứ Hai (31/8) để hoàn tất một hiệp ước đánh dấu mối quan hệ cởi mở giữa cường quốc vùng Vịnh và Israel. Trước cuộc thảo luận bắt đầu tại Abu Dhabi, các đại biểu đã làm nên lịch sử hàng không khi máy bay thương mại của Israel bay qua lãnh thổ Ả Rập Saudi trên chuyến bay thẳng từ Tel Aviv tới thủ đô UAE, theo Reuters.

Ngày 13/8, lần đầu tiên trong hơn 20 năm qua, một thỏa thuận bình thường hóa giữa một quốc gia Ả Rập và Israel được công bố, và được thúc đẩy bởi nỗi lo chung về Iran. Dẫn đầu phái đoàn Mỹ là cố vấn cấp cao và con rể của ông Trump, ông Jared Kushner, cùng cố vấn an ninh quốc gia Robert O’Brien. Dẫn đầu phái đoàn Israel là đồng cấp với O’Brien, ông Meir Ben-Shabbat.

Cố vấn cấp cao, con rể ông Trump, Jared Kushner cùng cố vấn an ninh quốc gia Robert O’Brien dẫn đầu phái đoàn Mỹ (ảnh chụp màn hình Fox News).

Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản tranh cử lãnh đạo đảng LDP

Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga cho biết ông có ý định tranh cử vào vị trí lãnh đạo đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền, một nguồn tin cho biết hôm thứ Hai, ngay sau khi xuất hiện một báo cáo cho rằng ông đã giành được sự ủng hộ của một trong những phe cánh quyền lực nhất đảng, theo Reuters.

Lãnh đạo đảng LDP gần như chắc chắn sẽ trở thành thủ tướng do đảng này chiếm đa số nghế trong hạ viện, thay thế cho ông Shinzo Abe, người đã tuyên bố từ chức hôm thứ Sáu vì lý do sức khỏe. Ông Suga chưa thông báo về việc ứng cử vào vị trí lãnh đạo LDP nhưng đã nói riêng rằng ông có ý định như vậy, một nguồn tin giấu tên cho biết.

Ông Suga trong bức ảnh chụp ngày 26/8/2020 tại Tokyo, Nhật Bản (ảnh: Reuters)

TikTok không thể ‘tự bán’ nếu không xin phép Trung Quốc

ByteDance Ltd. sẽ phải xin phép chính phủ Trung Quốc để bán ứng dụng video ngắn TikTok cho nhà vận hành Mỹ, do Bắc Kinh mới đặt ra những hạn chế mới đối với việc xuất khẩu công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), theo hãng tin Bloomberg.

Các công nghệ nhận diện AI như nhận dạng giọng nói và văn bản, cũng như các công nghệ phân tích dữ liệu để đưa ra đề xuất cá nhân hóa nội dung, đã được thêm vào một danh sách sửa đổi các sản phẩm kiểm soát xuất khẩu được công bố trên trang web bộ thương mại Trung Quốc vào cuối hôm thứ Sáu. Theo đó, đối với giao dịch nước ngoài phải có giấy phép của chính phủ để bảo vệ an ninh kinh tế quốc gia.

Lebanon chuẩn bị bổ nhiệm thủ tướng mới trước chuyến thăm của tổng thống Pháp

Đại sứ Lebanon tại Đức Mustapha Adib sẽ được bổ nhiệm thủ tướng vào thứ Hai, trước chuyến thăm Beirut của tổng thống Pháp. Ông Macron sẽ thúc ép những cải cách bị trì hoãn từ lâu để đưa quốc gia Trung Đông thoát khỏi cuộc khủng hoảng sâu sắc, theo Reuters.

Ông Emmanuel Macron sẽ đến Lebanon vào cuối thứ Hai. Ông đã đóng vai trò trung tâm trong các nỗ lực quốc tế nhằm thúc đẩy các nhà lãnh đạo khó tính của Lebanon giải quyết một cuộc khủng hoảng tài chính đã tàn phá nền kinh tế đất nước ngay cả trước khi xảy ra vụ nổ kho hóa chất “long trời lở đất” tại cảng Beirut ngày 4/8 khiến khoảng 190 người thiệt mạng.

Ông Adib nổi lên như một nhân vật sáng giá cho vị trí thủ tướng, sau khi nhận đề cử vào ngày 30/8 từ các cựu thủ tướng, bao gồm Saad al-Hariri, người đứng đầu đảng Hồi giáo Sunni lớn nhất Lebanon. Chức vụ thủ tướng phải thuộc về một người Sunni.

Ngoại trưởng Pháp đổ lỗi do ‘thái độ’ của Anh nên Brexit bế tắc

Ngoại trưởng Pháp Le Drian hôm thứ Hai cho rằng, sự bế tắc trong các cuộc đàm phán Brexit là do thái độ thiếu thực tế và thiếu khôn ngoan của Anh.

Cuộc đàm phán giữa Anh và Liên minh châu Âu (EU) về các quan hệ trong tương lai sau khi nước này rời khỏi khối này vào ngày 31/1 đã không đạt được nhiều tiến triển, khi cả hai bên đều cáo buộc bên kia đặt ra những yêu cầu không thể hoàn thành.

“Các cuộc đàm phán không tiến triển bởi vì thái độ thiếu kiên nhẫn và thái độ thiếu thực tế của Vương quốc Anh”, Ngoại trưởng Jean-Yves Le Drian cho biết trong một bài diễn văn trước các đại sứ Pháp ở châu Âu, theo Reuters.

Tổng thống Trump ca ngợi ông Abe là thủ tướng Nhật vĩ đại nhất

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (trái) bắt tay với Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Nhà Trắng ngày 10/2/2017 (ảnh: Reuters).

Phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc hôm 30/8 cho biết Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gọi ông Shinzo Abe là thủ tướng vĩ đại nhất trong lịch sử Nhật Bản.

Reuters đưa tin, phát ngôn viên Nhà Trắng Judd Deere cho biết trong một tuyên bố, Tổng thống Donald Trump và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã có cuộc trò chuyện rất lâu. Ông Trump nói rằng ông Abe đã làm được “những công việc lớn lao” và mối quan hệ giữa hai quốc gia đang gắn kết hơn bao giờ hết.

Ông Deere nói: “Tổng thống gọi Thủ tướng Abe là thủ tướng vĩ đại nhất trong lịch sử Nhật Bản”.

Trong khi đó, Phó Chánh văn phòng Nội các Akihiro Nishimura hôm nay (31/8) cho biết, Thủ tướng Shinzo Abe nói với Tổng thống Mỹ Donald Trump rằng việc củng cố liên minh hai quốc gia vẫn sẽ được duy trì ngay cả sau khi ông Abe rời nhiệm sở.

Ông Nishimura cho biết thêm, Thủ tướng Abe nói với Tổng thống Trump rằng Nhật Bản muốn hợp tác chặt chẽ với Hoa Kỳ sau khi nước này đưa ra được một chiến lược phòng thủ tên lửa mới.

Thủ tướng Shinzo Abe hôm 28/8 thông báo từ chức vì lý do sức khoẻ. Tổng thống Trump sau đó nói rằng ông dành sự tôn trọng cao nhất cho Thủ tướng Abe. Hãng tin Jiji cho biết, Đảng Dân chủ Tự do cầm quyền sẽ bỏ phiếu vào ngày 14/9 để bầu ra một nhà lãnh đạo mới kế nhiệm ông Abe.

Shinzo Abe rút lui chính trường, sự ổn định của châu Á – Thái Bình Dương bị đe dọa?

Ông Shinzo Abe tại cuộc họp báo tại dinh thủ tướng Nhật ở Tokyo, ngày 28/08/2020. © REUTERS – POOL

Những tin đồn liên quan đến sức khỏe của thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã lan truyền từ nhiều tuần qua, nên thông báo từ nhiệm của ông hôm thứ Sáu 28/08/2020 không hẳn là một cú sốc hoàn toàn đối với các quan chức Mỹ. Nhưng theo nhận định của CNN, chính thời điểm đưa ra thông báo mới là điều đáng lo.

Tám năm thay vì là tám tháng như các đời chính phủ Nhật Bản khác trước năm 2012, Shinzo Abe trở thành vị thủ tướng cầm quyền lâu nhất tại Nhật Bản. Nhờ vào sự ổn định chính trị này, Nhật Bản đã trở lại sân khấu chính trị quốc tế một cách ngoạn mục. Nhắc đến Shinzo Abe, người ta không thể không nhắc đến khái niệm “Ấn Độ – Thái Bình Dương” nổi tiếng. Và đối với giới quan sát, chính những tầm nhìn thực dụng và năng động của Shinzo Abe còn là một nguồn bảo đảm ổn định khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Bà Celine Pajon, chuyên gia về Nhật Bản, Viện Quan Hệ Quốc Tế Pháp (IFRI) khi trả lời phỏng vấn tạp chí Diplomatie (số ra cho tháng 5-6/2020) từng nhận xét rằng chính sách đối ngoại của Nhật Bản thời Shinzo Abe tựu trung được cấu tạo để đối phó với sự trỗi dậy thành cường quốc của Bắc Kinh. Đối với Nhật Bản, việc Trung Quốc đi lên thành một cường quốc trên thế giới đặt nước này trước hai rủi ro lớn.

Mối nguy thứ nhất có liên quan trực tiếp đến an ninh quốc gia. Trung Quốc từ năm 2012 không ngừng gia tăng sách nhiễu, đưa tầu hải cảnh xâm nhập xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư do Nhật Bản quản lý nhưng Trung Quốc và cả Đài Loan đòi hỏi chủ quyền.

Nguy cơ thứ hai có bản chất hệ thống. Tokyo xem Bắc Kinh như là một cường quốc “xét lại” và điều này gây nguy hiểm cho trật tự thế giới tự do được thiết lập từ sau năm 1945, mà dự án Con đường Tơ lụa mới là một ví dụ điển hình. Với Nhật Bản, dự án tầm cỡ địa chính trị này của Trung Quốc rất có thể còn nhằm một mục tiêu sau cùng là tái thiết một hệ thống quốc gia chư hầu dưới vỏ bọc tài trợ xây dựng cơ sở hạ tầng, một hình thức để mở rộng các chuẩn mực và định chế Trung Quốc trong khu vực, thậm chí trên thế giới.

Chính trong bối cảnh này, ông Shinzo Abe, ngay khi lên cầm quyền năm 2012, vạch ra một chiến lược phản công làm đối trọng với Bắc Kinh. Một mặt, ông tăng cường cải thiện mối quan hệ liên minh Mỹ – Nhật, thúc đẩy thông qua luật an ninh quốc gia gây tranh cãi khi cho diễn giải lại điều khoản hạn chế sử dụng vũ lực để tự vệ, và như vậy có thể đến cứu viện Mỹ nếu cần thiết. Mối quan hệ này có từ thời Barack Obama, nhưng vẫn được đích thân Shinzo Abe đặc biệt duy trì ngay cả khi Donald Trump trở thành chủ nhân Nhà Trắng.

Đồng thời, ông xúc tiến chiến lược “Ấn Độ – Thái Bình Dương » quy tụ bốn nước Nhật Bản, Hoa Kỳ, Úc và Ấn Độ. Đối thoại an ninh” Quad – Bộ Tứ ) được tổ chức hàng năm nhằm duy trì một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở nhằm đối phó với những tham vọng bành trướng của Bắc Kinh trong khu vực.

Mặt khác, để làm đối trọng với dự án Một vành đai Một con đường của Trung Quốc, Shinzo Abe không ngừng nỗ lực thúc đẩy Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) giữa 12 nước cho dù sau này chỉ còn 11 nước do Donald Trump đã rút Hoa Kỳ ra khỏi dự án. Ông Abe tin rằng chương trình này có một tầm quan trọng lớn vì cả hai lý do kinh tế và chiến lược.

Nhìn lại những gì được thực hiện, theo giới quan sát, tuy tư tưởng chủ nghĩa dân tộc của ông đôi khi gây ra nhiều tranh cãi, nhưng Shinzo Abe lại là một người theo chủ nghĩa đa phương, dấn thân không mệt mỏi nhằm thúc đẩy cho một trật tự thế giới dựa trên luật lệ quốc tế.

Chỉ có điều giờ đây thông báo từ nhiệm của ông lại đưa ra không đúng thời điểm. Tình hình châu Á trở nên căng thẳng. Trong khi cuộc đọ sức Mỹ – Trung vẫn tiếp diễn, Bắc Kinh thời gian gần đây tiếp tục gia tăng các hành động khiêu khích gây hấn ở Biển Đông và biển Hoa Đông với các nước láng giềng. Chính sách đàn áp mới đối với Hồng Kông cũng như là mối đe dọa đối với Đài Loan còn làm dấy lên nỗi lo xung đột lớn tại châu Á.

Liệu rằng người kế nhiệm Shinzo Abe có thể tiếp nối những chính sách đã được vạch ra hay không ? Hệ quả chính trị, địa chính trị từ thông báo rút lui chính trường của ông tại châu Á sẽ như thế nào ? Nhiều câu hỏi đang chờ lời giải đáp. Một điều chắc chắc, đối với thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, “Ấn Độ đang mất đi một người bạn tốt, một đồng minh tốt nhất ở Nhật Bản”.

Ấn Độ điều chiến hạm đến Biển Đông sau vụ xung đột với Trung Quốc ở Ladakh

Tàu của hải quân Ấn Độ trong cuộc tập trận chung với Mỹ Malabar 2015, ở vịnh Bengal. AP – Arun Sankar K.

Vào tháng 6 vừa qua, sau các vụ đụng độ giữa binh lính Ấn Độ và Trung Quốc tại thung lũng Galwan trên cao nguyên Ladakh, ở vùng biên giới trên bộ đang tranh chấp giữa hai nước, New Delhi đã cho triển khai tầu chiến qua vùng Biển Đông. Động thái này tuy nhiên đã được giữ kín, và mãi đến hôm qua, 30/08/2020 truyền thông Ấn Độ mới tiết lộ.

Theo hãng tin Ấn Độ ANI, một số nguồn tin chính phủ Ấn Độ đã xác nhận: “Ngay sau khi vụ đụng độ ở Galwan nổ ra khiến 20 binh sĩ Ấn thiệt mạng, lực lượng Hải Quân đã điều một trong những tàu chiến ở tiền phương đến Biển Đông”. Các nguồn tin này tuy nhiên không nói rõ tên gọi hay loại tàu được triển khai qua Biển Đông.

Cũng theo các nguồn tin trên, động thái của Ấn Độ đã bị Trung Quốc phản đối trong các cuộc đàm phán ngoại giao giữa hai bên.

Trung Quốc luôn luôn phản đối sự hiện diện của Hải quân Ấn Độ ở Biển Đông, nơi Bắc Kinh đang ngày càng tăng cường lực lượng để áp đặt đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc trên hầu hết vùng biển, bất chấp sự phản đối của các nước.

Ngoài việc triển khai chiến hạm qua Biển Đông, vào cùng một thời điểm, Hải Quân Ấn Độ cũng điều tàu chiến đến khu vực dọc theo eo biển Malacca gần các quần đảo Andaman và Nicobar ở Ấn Độ Dương, cũng như gần tuyến hàng hải mà Hải Quân Trung Quốc sử dụng để đi vào Ấn Độ Dương, theo dõi sát các hoạt động của Hải Quân Trung Quốc.

Hạ tuần tháng 7 vừa qua, Hải Quân Ấn Độ còn cử 4 chiến hạm tham gia tập trận trên Ấn Độ Dương cùng với nhóm tác chiến tàu sân bay USS Nimitz, sau khi đội tàu Mỹ rời một cuộc tập trận phối hợp trước đó với hàng không mẫu hạm Mỹ thứ hai là chiếc USS Ronald Reagan trên Biển Đông.

Ấn Độ lại tố cáo Trung Quốc xâm phạm biên giới trên bộ


Tình hình biên giới trên bộ giữa Ấn Độ và Trung Quốc vẫn căng thẳng. Vào hôm nay, 31/08/2020, New Delhi một lần nữa đã lên tiếng tố cáo Quân Đội Trung Quốc có những “hành vi quân sự khiêu khích nhằm thay đổi hiện trạng” ở vùng Ladakh.

Một bản thông cáo của bộ Quốc Phòng Ấn Độ khẳng định: “Vào đêm 29, rạng ngày 30/08/2020, Quân Đội Trung Quốc đã vi phạm sự đồng thuận đạt được trước đó trong các cuộc đàm phán quân sự và ngoại giao liên quan đến bế tắc đang diễn ra ở khu vưc Đông Ladakh”.

Thông cáo nói thêm là Quân Đội Ấn Độ đã “đánh phủ đầu” và ngăn chặn được hoạt động này của Quân Đội Trung Quốc ở bờ nam của hồ Pangong Tso, tiến hành các biện pháp nhằm củng cố vị trí của Ấn Độ và ngăn cản ý định đơn phương thay đổi thực tế trên hiện trường của Trung Quốc.

Related posts