Mỹ muốn cùng Ấn Độ, Nhật, Úc tạo ‘liên minh NATO Thái Bình Dương’ đối phó Trung Quốc
Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng Mỹ cùng lên tiếng về ý định thành lập liên minh như NATO để đối phó Trung Quốc.
Washington đang dự tính chính thức hóa mối quan hệ quốc phòng Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương chặt chẽ hơn với Ấn Độ, Nhật Bản và Australia – để tạo nên một “Bộ Tứ” – một cơ cấu tương tự Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), một quan chức cấp cao Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết hôm thứ Hai (31/8), theo SCMP.
Mục tiêu của chính phủ Mỹ là hợp tác với nhóm bốn quốc gia này cùng một số quốc gia khác trong khu vực để tạo nên một bức tường thành chống lại “thách thức tiềm tàng từ Trung Quốc”, đồng thời “tạo ra một khối sức mạnh chia sẻ các giá trị và lợi ích chung, từ đó thu hút được nhiều quốc gia hơn tại khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương và thậm chí từ khắp nơi trên thế giới tham dự … để liên kết lại theo một cách thức có cấu trúc hơn”, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Stephen Biegun cho biết.
Ông nói: “Khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương thực sự đang thiếu các cấu trúc đa phương mạnh mẽ. Nơi này chưa có bất cứ điều gì có sức mạnh như NATO hoặc Liên minh Châu Âu. Tôi nghĩ, các khối liên kết mạnh nhất ở châu Á chưa mang tính bao quát. Vì vậy… cần đặt vấn đề là đến một thời điểm nào đó sẽ cần chính thức hóa một cấu trúc như vậy”.
“Hãy nhớ rằng ngay cả NATO cũng bắt đầu với những kỳ vọng tương đối khiêm tốn, một số quốc gia ban đầu đã chọn vị thế trung lập thay vì thành viên chính thức của NATO”, ông Biegun nói thêm.
Ông cũng lưu ý Washington thật sự mong muốn thiết lập một NATO phiên bản Thái Bình Dương. Ông nói rằng một liên minh chính thức như vậy “sẽ chỉ xảy ra nếu các quốc gia khác có sự cam kết như Hoa Kỳ”.
Trao đổi với cựu đại sứ Mỹ tại Ấn Độ, Richard Verma, trong một cuộc thảo luận trực tuyến tại Diễn đàn Đối tác Chiến lược Mỹ-Ấn, ông Biegun cho biết nhóm bốn quốc gia dự kiến sẽ gặp nhau tại Delhi vào mùa thu.
Ông Biegun cho rằng khả năng Australia tham gia cuộc tập trận hải quân Malabar của Ấn Độ là một bước tiến dài hướng tới một khối quân sự chính thức hơn.
Ông nói: “Rõ ràng Ấn Độ đang có ý định mời Australia tham gia cuộc tập trận hải quân Malabar. Đây sẽ là một bước tiến to lớn trong việc đảm bảo quyền tự do hàng hải và an ninh tại các vùng biển ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”.
Malabar là cuộc tập trận hải quân giữa Mỹ và Ấn Độ được tổ chức thường niên ở Vịnh Bengal kể từ năm 1992. Nhật Bản bắt đầu tham dự từ năm 2015.
Australia đã từng tham gia Malabar một lần vào năm 2007, “nhưng Bắc Kinh đã gây sức ép khiến Ấn Độ không thể tiếp tục gửi lời mời, mặc dù Australia có mong muốn tham gia”, Viện nghiên cứu Lowy ở Sydney cho biết trong một báo cáo hồi tháng 7. Singapore cũng đã tham gia một lần vào năm 2007.
Báo cáo của Viện Lowy nhận định các cuộc đụng độ biên giới giữa quân đội Trung Quốc và Ấn Độ hồi tháng 6 sẽ khiến Ấn Độ có thêm động lực để mời Úc tham gia lại cuộc tập trận Malabar.
Năm nay Nhật Bản và Mỹ đã được mời tham gia cuộc tập trận, vốn bị trì hoãn vì Covid-19, nhưng Ấn Độ vẫn chưa chính thức mời Úc.
Nhận xét của ông Biegun nối tiếp những bình luận của cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Robert O’Brien, người gần đây đã gọi những yêu sách chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc ở Biển Đông là “lố bịch”.
Ông Biegun cũng đề cập đến các cuộc họp bốn bên sắp tới trong chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ Pompeo với những người đồng cấp Ấn Độ, Nhật Bản và Australia vào tháng 9 và tháng 10 tới.
Vị quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ cũng gợi ý Washington mong muốn Hàn Quốc, Việt Nam và New Zealand tham gia “nhóm Bộ Tứ” phiên bản mở rộng, đồng thời đề cập đến các cuộc họp “rất gắn kết” của nhóm bộ tứ với các quan chức từ các nước này về cách thức phản ứng trước đại dịch.
Ông Biegun nói, các cuộc họp giữa các quan chức cấp cao của bảy quốc gia là “một cuộc thảo luận vô cùng hiệu quả giữa các đối tác rất, rất gắn kết. Chúng tôi nhìn nhận đây là “một nhóm các quốc gia gắn kết một cách tự nhiên” trong việc thúc đẩy chặt chẽ sự phối hợp lợi ích mà chúng ta đã có được ở khu vực Thái Bình Dương”.
Trung Quốc: Đến lượt cảnh sát và quan tòa cũng sẽ bị giám sát
SCMP dẫn nguồn tin từ cơ quan an ninh nội địa cấp cao Trung Quốc cho biết Bắc Kinh đang lên kế hoạch sử dụng công nghệ cơ sở dữ liệu blockchain, trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn để giám sát các sĩ quan cảnh sát và quan tòa.
Không chỉ sử dụng rộng rãi và dày đặc công nghệ nhận diện khuôn mặt cùng công nghệ số khác để giám sát nơi công cộng và ‘duy trì ổn định xã hội,’ đặc biệt đối với người thiểu số Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, giờ đây ban lãnh đạo ĐCSTQ sẽ áp dụng công nghệ “thông minh” để cải tiến việc giám sát những người thực thi pháp luật và cơ quan tư pháp sau hàng loạt chiến dịch thanh trừng “phần tử tham nhũng” nội bộ.
Hôm 27/8, Tân Hoa Xã đã đưa tin Bí thư Uỷ ban Chính trị Pháp luật Trung ương Quách Thanh Côn nói tại một cuộc họp tuần này rằng việc kiểm tra và cân đối không đầy đủ, việc thực thi các nguyên tắc không nghiêm túc, bất công và tham nhũng … nằm trong số những “thiết sót nghiêm trọng nhất” của hệ thống an ninh.
Theo đó, Uỷ ban – nơi giám sát các sĩ quan cảnh sát, công tố viên, tòa án và nhà tù – cho biết họ sẽ phát triển một hệ thống tự động sử dụng công nghệ dữ liệu lớn để xác định những vi phạm thủ tục trong việc điều tra, xét xử và thực thi pháp luật dựa trên tài liệu từ vô số vụ án trên khắp đất nước mỗi ngày.
Một hệ thống cảnh báo sớm “thông minh” sẽ sử dụng máy học và máy tính phân tích để kiểm tra xem liệu có bất cứ sai lệch và bất thường nào trong các phán quyết và kết án do các quan toà đưa ra.
Và thay vì được giám sát bởi người dân, các toà án và cơ quan công tố quốc gia sẽ được đặt dưới một hệ thống giám sát số “toàn diện, thời gian thực”, sẽ “áp dụng với tất cả” quan chức.
Uỷ ban không cho biết khi nào hệ thống mới được giới thiệu, nhưng nói thêm rằng họ đang xem xét tính khả thi của việc sử dụng công nghệ blockchain để bảo vệ các tài liệu điện tử của tòa khỏi bị sửa chữa và làm giả.
Cuối năm 2018, Toà án Nhân dân Tối cao đã vướng vào một vụ bê bối quốc gia khi một trong các quan toà, ông Wang Linqing, tuyên bố các tài liệu hợp pháp trong một vụ án về quyền khai thác mỏ dài hạn đã biến khỏi văn phòng của mình. Vụ việc đã gây ra một làn sóng phản đối kịch liệt, nhiều người nghi ngờ liệu có ‘sự can thiệp’ nào hay không. Nhiều tháng sau, ông Wang thú nhận trước truyền hình quốc gia rằng ông chịu trách nhiệm về sự biến mất các tài liệu của toà án.
Bên cạnh việc giám sát công nghệ cao, Ủy ban cũng nói họ sẽ cải thiện hoạt động kiểm tra giữa các cơ quan giám sát nội bộ, đồng thời giám sát công khai các cơ quan thực thi pháp luật và cơ quan tư pháp, nhưng nhấn mạnh sự giám sát của đảng mới là quan trọng nhất.
Vì sao Hoàng Chi Phong kêu gọi tẩy chay xét nghiệm toàn dân ở Hồng Kông?
Chính phủ Hồng Kông sẽ bắt đầu xét nghiệm virus viêm phổi Vũ Hán miễn phí toàn dân vào ngày 1/9, không ít chuyên gia y tế y tế cộng đồng giữ thái độ nghi vờ về việc này, Trưởng Đặc khu Lâm Trịnh Nguyệt Nga phê bình những “chuyên gia” phản đối là đang bôi nhọ kế hoạch này.
Cựu Tổng thư ký Đảng Demosistō Hồng Kông Hoàng Chi Phong ngày 30/8 đã lên Facebook kêu gọi chính quyền ngừng lại việc xét nghiệm, đồng thời cũng kêu gọi người dân Hồng Kông tẩy chay. Ngày 31/8, Hoàng Chi Phong tiếp tục phê bình chính phủ Hồng Kông trưng dụng tòa nhà văn phòng khu Đông Cửu Long có đông người qua lại để làm điểm xét nghiệm, không nghi ngờ gì chính là cách làm vô cùng ngu ngốc.
Trong thời kỳ đầu bùng phát dịch bệnh, Hồng Kông đã có tiếng nói kêu gọi chính quyền đóng cửa khẩu toàn diện, nhưng bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga cho rằng tại Hồng Kông không thể làm việc này. Còn hiện nay chính phủ Hồng Kông tuyên bố thực thi xét nghiệm toàn dân, “lãng phí công quỹ để thực hiện, nhưng lại từ chối đóng cửa khẩu, cơ bản không thể tránh được rủi ro bùng phát dịch.”
Hoàng Chi Phong chỉ ra, xét nghiệm toàn dân không có tác dụng giúp phòng dịch, bởi vì mục đích của việc này là tìm ra người bệnh vô hình trong khu dân cư, nhưng nếu không hoàn thành xét nghiệm 7 triệu người trong thời gian ngắn, đồng thời cấm bất cứ ai xuất nhập cảnh Hồng Kông và thực thi lệnh ở nhà, như thế thì người bệnh không triệu chứng vẫn có thể sẽ phát tán virus.
Ngoài ra, Hoàng Chi Phong cũng chỉ ra không ít điểm nghi vấn, bởi vì mục tiêu của chính phủ Hồng Kông là xét nghiệm 5 triệu người, dự tính mỗi ngày sẽ có hơn 1000 người ra vào điểm xét nghiệm, khi lấy mẫu xét nghiệm người dân cũng phải gỡ khẩu trang ra, trong lúc đó có thể sẽ có tình huống ho hoặc hắt hơi từ đó làm gia tăng tỷ lệ truyền nhiễm giọt bắn, cộng thêm “điểm xét nghiệm vận hành 12 tiếng mỗi ngày, trong thời gian đó chỉ có một tiếng tiêu độc khử trùng, tình trạng vệ sinh cũng gây lo ngại.
Hoàng Chi Phong nói, chính phủ Hồng Kông nói xét nghiệm miễn phí cho toàn dân, nhưng thực tế là bỏ ra 2 tỷ Đô la Hồng Kông tiền công quỹ, toàn bộ là do người nộp thuế gánh chịu; 3 đơn vị thực hiện xét nghiệm lại là từ Trung Quốc Đại Lục. Bên cạnh đó, Viện Gen Bắc Kinh mà chính quyền mời làm xét nghiệm, từng cung cấp dịch vụ ở Thụy Điển, kết quả xuất hiện hàng ngàn trường hợp không chính xác, do đó độ chuẩn xác của xét nghiệm cũng có có thể bị nghi ngờ.
Kế hoạch xét nghiệm toàn dân Hồng Kông lần này, Hoàng Chi Phong nghi ngờ có rủi ro bị giám sát, chính quyền Hồng Kông có thể cưỡng chế người dân dùng mã sức khỏe bất cứ lúc nào, đây là một chức năng theo dõi được thiết lập tại Trung Quốc Đại Lục, có thể theo dõi chặt chẽ việc di chuyển của người dùng. Dù bản thân hoàn toàn tự do, đều có thể bị hạn chế ra vào nơi công cộng, sử dụng phương tiện giao thông công cộng, tự do nhân thân cũng bị xâm phạm nghiêm trọng.
Cuối cùng Hoàng Chi Phong kêu gọi, so với việc xét nghiệm toàn dân, không bằng phòng dịch tự cứu, nếu người nào có triệu chứng hãy lập tức đến bệnh viện điều trị, lựa chọn cơ quan xét nghiệm được chứng nhận tại Hồng Kông để xét nghiệm, đảm bảo khoảng cách xã hội thích đáng. Hoàng Chi Phong kêu gọi người Hồng Kông cùng nhau tẩy chay xét nghiệm toàn dân, từ chối giúp cho chính quyền giám sát người dân, đồng thời yêu cầu chính quyền ngừng việc xét nghiệm này lại.
Bên cạnh đó, ngày 31/8, Hoàng Chi Phong cũng nói trên Facebook rằng, chính phủ Hồng Kông trưng dụng tòa nhà và khu văn phòng có lượng người qua lại đông đúc tức Trung tâm Triển lãm thương mại Cửu Long để làm điểm xét nghiệm. Đây là việc làm vô cùng ngu ngốc, chỉ có thể làm gia tăng thêm rủi ro bùng phát lây nhiễm, điểm xét nghiệm có thể biến thành điểm bùng phát dịch bất cứ lúc nào, hậu quả sẽ rất tai hại.
Trung Quốc chưa đủ khả năng xâm lược Đài Loan
Trước một tuyên bố gây tranh cãi về việc Đài Loan dễ bị Trung Quốc tấn công, Bộ Quốc phòng (MND) Đài Loan cho biết Quân đội Trung Quốc (PLA) chưa có khả năng xâm lược hòn đảo, theo Taiwan News.
Trong bài phát biểu vào ngày 10/8, cựu tổng thống Đài Loan Mã Anh Cửu nói rằng “trận chiến đầu tiên sẽ là trận cuối cùng” nếu Đài Loan đối đầu với một cuộc tấn công của PLA. Đáp lại, MND hôm thứ Hai (31/8) cho biết chiến thuật của PLA khó triển khai vì đặc điểm tự nhiên của eo biển Đài Loan, phương tiện đổ bộ và khả năng hậu cần của lực lượng này không đủ, và PLA cũng thiếu khả năng chiến đấu để xâm lược toàn bộ Đài Loan.
Hôm thứ Hai, bên cạnh việc trình đề nghị lên Quốc hội xin cấp ngân sách cho hoạt động năm 2021, MND cũng đã gửi cho cơ quan lập pháp Đài Loan “Báo cáo về sức mạnh quân sự của PLA vào năm 2020” và “Kế hoạch 5 năm tái cơ cấu và quản lý quân đội”.
Ngoài những nhận xét nêu trên, báo cáo cho biết thêm rằng các phương tiện lội nước và khả năng hậu cần của PLA không đủ và nó chưa có khả năng chiến đấu toàn diện để xâm lược Đài Loan. Báo cáo chỉ ra rằng các hành động mà PLA có thể làm đối với Đài Loan bao gồm ngăn chặn hoạt động quân sự chung, phong tỏa chung, không kích chung và hoạt động đổ bộ chung.
Ấn Độ nói Trung Quốc tiếp tục khiêu khích tại biên giới
Ấn Độ đã cáo buộc Trung Quốc thực hiện các động thái quân sự “khiêu khích” gần biên giới tranh chấp, nơi chỉ vài tháng trước đó đã xảy ra một vụ đụng độ chết người giữa quân đội hai nước khiến ít nhất 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng, Fox News đưa tin.
Bộ Quốc phòng Ấn Độ hôm thứ Hai (31/8) cho biết trong một tuyên bố rằng Quân đội Trung Quốc vào tối thứ Bảy đã “thực hiện các hoạt động quân sự khiêu khích nhằm thay đổi hiện trạng” ở khu vực Ladakh và “vi phạm” sự đồng thuận đạt được trong các cuộc đàm phán hòa bình gần đây.
Bản tuyên bố thông tin thêm: Quân đội Ấn Độ đang “thực thi các biện pháp nhằm củng cố vị trí và ngăn cản ý định đơn phương thay đổi hiện trạng trên thực địa của Trung Quốc”.
Mỹ muốn mở rộng đối thoại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương
Hoa Kỳ chắc chắn muốn chuẩn hóa việc đối thoại đang diễn ra với các quốc gia trong khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương và cũng muốn mở rộng việc đối thoại để bao gồm thêm các quốc gia khác chia sẻ lợi ích chung, chẳng hạn như Hàn Quốc, Việt Nam, nhằm khởi động cấu trúc đa phương mạnh mẽ đầu tiên trong khu vực, Nhà ngoại giao số 2 của Washington cho biết hôm thứ Hai, theo Yonhap.
“Có một thực tế là khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương thực sự đang thiếu các cấu trúc đa phương mạnh mẽ. Họ không có những điều thấy được ở NATO hay Liên minh châu Âu”, Thứ trưởng Ngoại giao Stephen Biegun cho biết trong một cuộc hội thảo trực tuyến được tổ chức bên lề Diễn đàn Đối tác Chiến lược Hoa Kỳ-Ấn Độ thường niên.
Ông Biegun lưu ý rằng một cuộc đối thoại ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương đã được khởi động và hiện có sự tham gia của Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản và Australia. Ông cũng cho biết thêm, các cuộc đàm phán gần đây của họ về cách thức đối phó với đại dịch COVID-19 còn có sự tham gia của Hàn Quốc, Việt Nam và New Zealand.
Sáng kiến Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương được Hoa Kỳ khởi động vào năm 2018, đây là sáng kiến mà nhiều người tin rằng Washington đề xuất nhằm kiểm tra hoặc thậm chí chống lại tham vọng của chính quyền Trung Quốc ở khu vực này.
Chính phủ Maduro ra lệnh ân xá trước bầu cử
Chính phủ Maduro ở Venezuela đã tuyên bố ân xá cho hơn 100 người, bao gồm cả các đối thủ chính trị đang phải ngồi tù, đã tị nạn tại các đại sứ quán nước ngoài ở Caracas hoặc trốn khỏi đất nước, theo The Guardian.
Động thái này diễn ra trước cuộc bầu cử quốc hội dự kiến được tổ chức vào ngày 6/12, cuộc bầu cử mà phong trào dân chủ do chính phủ Juan Guaidó lãnh đạo đang tẩy chay vì cho rằng chính phủ Maduro không đáp ứng được các điều kiện cho một cuộc bầu cử công bằng.
Những cái tên được nêu trong lệnh ân xá không bao gồm các nhà lãnh đạo đối lập nổi tiếng như Leopoldo López, người vẫn ở trong dinh thự của đại sứ nước ngoài ở Caracas, hay Julio Borges, một nghị sĩ đối lập mạnh mẽ vẫn đang tị nạn ở nước láng giềng Colombia.
Bộ trưởng Bộ Truyền thông Jorge Rodríguez của chính phủ Maduro đã liệt kê 110 người được ân xá, mặc dù các điều khoản của lệnh ân xá được công bố không rõ ràng.
Do Thái và Hamas đạt được thỏa thuận hòa bình
The Guardian cho hay, Hamas, lực lượng Hồi giáo hoạt động ở dải Gaza, thông báo rằng họ đã đạt được một thỏa thuận do Qatar làm trung gian với Israel để chấm dứt hơn ba tuần xung đột.
Ông Yahya Sinwar, một thủ lĩnh của Hamas cho biết, sau cuộc nói chuyện với đặc phái viên Qatar Mohammed al-Emadi, chúng tôi “đã đạt được sự thống nhất để kiềm chế [hoạt động] leo thang mới nhất”.
Trong lần leo thang mới nhất, Israel đã ném bom Gaza gần như hàng ngày kể từ ngày 6/8, để đáp trả các cuộc tấn công của Hamas qua biên giới.
Putin: Nga sẽ điều cảnh sát tới Belarus nếu cần thiết
Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết ông đã thành lập một lực lượng cảnh sát dự bị để can thiệp vào Belarus nếu cần thiết, nhưng nhấn mạnh thời điểm đó vẫn chưa đến.
Phát biểu trên kênh truyền hình nhà nước Nga, ông Putin cho hay Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko “đã yêu cầu tôi thiết lập một lực lượng cảnh sát dự bị” và “tôi đã làm thế”.
“Chúng tôi cũng đồng ý rằng lực lượng cảnh sát này sẽ không được sử dụng cho đến khi tình hình vượt quá tầm kiểm soát,” ông Putin nói.
Việc ông Lukashenko tái cử ngày 9 tháng 8 đã gây ra một làn sóng biểu tình rộng khắp Belarus.
Ít nhất 13 nhà báo, trong đó bao gồm nhóm nhà báo BBC, đã bị giam giữ tách biệt ở trung tâm thủ đô Minsk trước khi nổ ra cuộc biểu tình lớn được lên kế hoạch sẵn.
Bộ Nội Vụ cho biết 13 nhà báo trên đã bị đưa đến đồn cảnh sát để kiểm tra danh tính. Tuy vậy phóng viên Steven Rosenberg đài BBC nói rằng hành động này là một “nỗ lực rõ ràng nhằm can thiệp vào việc đưa tin chân thực về các sự kiện.”
“Tình hình đang dần ổn định”
Tổng thống Putin tuyên bố Nga có nghĩa vụ hỗ trợ Belarus về các vấn đề an ninh trong khuôn khổ liên minh chặt chẽ của hai nước. Ông đồng thời nhấn mạnh mối quan hệ gần gũi sâu sắc về văn hóa, các dân tộc và ngôn ngữ giữa hai quốc gia.
Ông cho hay lực lượng cảnh sát mới sẽ không tiến vào Belarus trừ khi “các phần tử cực đoan lợi dụng khẩu hiệu chính trị làm vỏ bọc để đi quá giới hạn và bắt đầu tiến hành cướp có vũ trang, phóng hỏa thiêu rụi nhà cửa, ô tô, ngân hàng và âm mưu chiếm giữ các tòa nhà chính phủ, vv…”
Putin nói thêm rằng “về tổng thể, tình hình bây giờ đang dần ổn định”.
Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki lên án tổng thống Nga đang muốn lợi dụng việc khôi phục ổn định ở Belarus để làm bình phong che giấu hành động thù địch vi phạm luật pháp quốc tế.
Ông Morawiecki yêu cầu Putin rút kế hoạch xâm phạm Belarus ngay lập tức.
Nga và Belarus là thành viên của Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể, trong bao gồm một số quốc gia hậu Xô Viết.
Hai quốc gia đã thành lập một liên minh vào năm 1996 nhằm thúc đẩy hội nhập sâu rộng hơn cũng như đảm bảo cho công dân quyền làm việc và cư trú tự do ở cả hai quốc gia.
Đằng sau kế hoạch của Putin là gì?
Ông Putin không cho biết thông tin gì về “lực lượng cảnh sát dự bị” của mình. Các nhà phân tích chỉ có thể đưa ra suy đoán.
Dưới đây là bình luận của Sarah Rainsford, một nhà phân tích từ Moscow:
“Tổng thống Putin đang muốn tăng cường hành động để bảo vệ lợi ích tại Belarus. Điều này được thể hiện rõ ràng trong lời tuyên bố cách đây không lâu của Alexander Lukashenko rằng Nga sẽ can thiệp để giúp ông ta, bằng vũ lực, nếu tình hình trở nên tồi tệ.
Putin chưa xác định ông ta sẽ thành lập và sử dụng lực lượng nào, và trong tình huống xấu như nào ở Belarus. Tuy nhiên, cụm từ “các nhân viên thực thi pháp luật” mà Putin nêu ra không có nghĩa là cảnh sát đường phố bình thường.
Thuật ngữ này có hàm ý bao phủ rộng hơn nhiều, bao gồm cảnh sát chống bạo động, Vệ binh quốc gia (Rosgvardia) và thậm chí cả đặc vụ liên bang (FSB). Do đó, khả năng Nga sẽ can thiệp hiện đang là một mối đe dọa tiềm tàng đối với cả các lãnh đạo đối lập ở Belarus, những người biểu tình, và đối với cả phương Tây.
Ông Putin cũng đã nhấn mạnh mối quan hệ đặc biệt giữa Minsk và Moscow – các liên kết về sắc tộc, gia đình cũng như kinh tế.
Ông đã hơn một lần bày tỏ nước Nga quan tâm đến những sự kiện diễn ra ở sát biên giới Nga. Tổng thống giải thích trước lo ngại từ những người biểu tình rằng lực lượng dự bị sẽ không đổ ra đường nếu như không có vấn đề gì.
Nhưng nhìn chung, đây là một tuyên bố ủng hộ Tổng thống Lukashenko. Sự thực là Nga đang chống lưng cho chính quyền Belarus.”
EU và Mỹ đã bác bỏ kết quả của bầu cử ngày 9 tháng 8 tại Belarus do tổ chức thiếu minh bạch, hạn chế tự do bỏ phiếu và không công bằng.
EU đang lên các biện pháp trừng phạt chống lại các quan chức bị cáo buộc gian lận kết quả bỏ phiếu để giúp Lukashenko tái cử cũng như đàn áp phong trào đối lập.
Quy mô của các cuộc biểu tình ở thủ đô Minsk là chưa từng có sau khi Lukashenko tuyên bố chiến thắng nhiệm kỳ thứ sáu, sau 26 năm làm tổng thống. Chiến thắng áp đảo với 80% phiếu.
Trong khi đó, Lukashenko khởi động cuộc điều tra hình sự đối với Hội đồng Điều phối của phe đối lập với cáo buộc âm mưu chiếm quyền.
Thủ lĩnh phe đối lập nổi bật nhất ở Belarus là Maria Kolesnikova, đã bị các công tố viên thẩm vấn. Khi bước chân vào tòa nhà ủy ban điều tra ở Minsk, người biểu tình vỗ tay ủng hộ khi bà kêu gọi họ đừng bỏ cuộc.
Một người khác cũng bị thẩm vấn là nhà văn đoạt giải Nobel văn học Svetlana Alexievich. Bà tuyên bố từ chối trả lời câu hỏi, và nói hoạt động của Hội đồng là hoàn toàn hợp pháp.
Hội đồng Điều phối được lập ra bởi Svetlana Tikhanovskaya – ứng viên hàng đầu của phe đối lập để cạnh tranh với Lukashenko. Tikhanovskaya hiện đang sống lưu vong ở nước láng giềng Lithuania.