- Như Ngọc
Đại học Bắc Texas (UNT) mới đây đã chấm dứt một chương trình trao đổi học giả có 15 nhà nghiên cứu thỉnh giảng đến từ Trung Quốc đang làm việc tại UNT theo nguồn tài trợ nhà nước Trung Quốc, theo các kênh truyền thông địa phương tại Texas đưa tin hôm thứ Hai (31/8).
Với việc UNT chấm dứt chương trình trao đổi học giả nêu trên, 15 nhà nghiên cứu Trung Quốc sẽ không thể ở lại Mỹ.
Theo trang tin Denton Record-Chronicle, Hội đồng Học bổng Trung Quốc (CSC) – tổ chức phi lợi nhuận thuộc Bộ Giáo dục Trung Quốc – chịu trách nhiệm cung cấp hỗ trợ cho hoạt động trao đổi học thuật quốc tế với Trung Quốc và cũng là nơi thông qua đó chính phủ Trung Quốc trao học bổng cho công dân nước này.
Trên trang web của mình, CSC tuyên bố đã hợp tác với hơn 20 trường đại học tại Mỹ về chương trình học bổng do chính phủ Trung Quốc tài trợ, trong đó có Đại học Harvard và Viện Công nghệ Massachusetts .
Tất cả các nhà nghiên cứu Trung Quốc đang ở Mỹ và đang làm việc với UNT đều được nhận tài trợ từ CSC.
CSC cung cấp học bổng cho những người muốn học tại các trường đại học Trung Quốc, cũng như các nhà nghiên cứu Trung Quốc muốn thực hiện nghiên cứu ở nước ngoài. Nguồn tiền này do chính phủ Trung Quốc, các đại sứ quán Trung Quốc trên toàn thế giới, cùng các nguồn khác tài trợ.
UNT hôm thứ Tư tuần trước đã gửi một lá thư do Tiến sĩ Jennifer Cowley, hiệu trưởng, phó chủ tịch phụ trách sự vụ học thuật và Tiến sĩ Mark McLellan phụ trách nghiên cứu và sáng tạo ký tên, thông báo về việc chấm dứt chương trình trao đổi học giả cho 15 nhà nghiên cứu Trung Quốc.
“UNT đã ra quyết định chấm dứt hợp tác với các học giả thỉnh giảng mà nhận tài trợ từ Hội đồng Học bổng Trung Quốc. Do sự thay đổi này, [các học giả thuộc đối tượng trên] không còn được phép tiếp cận thư điện tử, máy chủ và các tài liệu khác của UNT”, lá thư viết.
Lá thư cũng yêu cầu 15 nhà nghiên cứu Trung Quốc cho đến trước khi rời đi nếu tới bất kỳ đâu trong khuôn viên UNT đều phải có người đi cùng.
Theo trang web của Bộ Ngoại giao Mỹ, thị thực của 15 nhà nghiên cứu Trung Quốc đã hết hạn từ ngày 26/8. Điều này có nghĩa rằng họ có thể sẽ bị yêu cầu rời khỏi nước Mỹ càng sớm càng tốt.
“Nếu nhà tài trợ của bạn không còn cho phép bạn tham gia vào chương trình trao đổi của họ… thì bạn sẽ bị yêu cầu rời khỏi nước Mỹ ngay lập tức”, theo trang web Bộ Ngoại giao Mỹ.
Hiện vẫn chưa rõ lý do cụ thể UNT quyết định trục xuất 15 nhà nghiên cứu Trung Quốc. UNT không thông tin chi tiết với báo giới về vấn đề này.
Trong khi đó, chính quyền của Tổng thống Donald Trump đã nhiều lần cáo buộc chính phủ Trung Quốc gửi các học giả tới các tổ chức học thuật Mỹ để đánh cắp tài sản trí tuệ và công nghệ hiện đại. Bắc Kinh, tất nhiên, luôn phủ nhận cáo buộc này. Nhưng thực tế, lực lượng thực thi pháp luật Mỹ đã bắt và truy tố nhiều nhà nghiên cứu Trung Quốc phạm tội gián điệp cho chế độ Bắc Kinh.
Trang tin Denton Record-Chronicle dẫn lời ông Jim Berscheidt, phát ngôn viên của UNT cho biết: “Quyết định này chỉ giới hạn đối với 15 nhà nghiên cứu thỉnh giảng được tổ chức đặc biệt này tài trợ, và không ảnh hưởng đến bất kỳ sinh viên nào đã đăng ký và đang học tập tại UNT”.
“UNT tiếp tục chào đón các học giả thỉnh giảng từ khắp nơi trên thế giới, kể cả từ Trung Quốc”, ông Jim Berscheidt nhấn mạnh.
Quyết định của UNT vấp phải sự phản đối của một số cựu sinh viên trường này. Trong đó, bà Liang Yuheng sống tại Denton, tự nhận là cựu sinh viên UNT và biết rõ tình hình hiện tại, đã khởi xướng một bức thư thỉnh nguyện trực tuyến kêu gọi UNT hủy bỏ quyết định trục xuất 15 nhà nghiên cứu Trung Quốc. Cho đến tối 1/9 (giờ Mỹ), thỉnh nguyện thư này đã thu hút được hơn 5.000 chữ ký.
Trong thỉnh nguyện thư, bà Liang cho biết UNT đã không giải thích tại sao họ lại bất ngờ chấm dứt hợp tác với các học giả Trung Quốc, ép họ phải rời khỏi Mỹ trong vòng một tháng.
“Cho đến nay, theo tôi biết, UNT là trường duy nhất tại Mỹ chấm dứt chương trình thị thực học giả (J-1) mà được Hội đồng Học bổng Trung Quốc cấp tiền”, bà Liang viết trong thư thỉnh nguyện.
Như Ngọc