Quý Khải
Hải quân Trung Quốc hiện là lực lượng hải quân mạnh nhất thế giới, với khoảng 350 tàu chiến và tàu ngầm, bao gồm hơn 130 tàu chủ lực tác chiến trên mặt nước, theo báo cáo mới công bố gần đây của Bộ Quốc phòng Mỹ.
Lầu Năm Góc đã công bố Báo cáo thường niên về Sức mạnh quân sự của Trung Quốc ngày 1/9, nêu chi tiết “số lượng khí tài quân sự mới đáng kinh ngạc” của Hải quân Quân Giải phóng Nhân dân (People’s Liberation Army Navy – PLAN), khiến nó trở thành lực lượng hải quân mạnh nhất thế giới hiện nay.
“PLAN vẫn duy trì tham gia một chương trình đóng tàu và hiện đại hóa mạnh mẽ áp dụng cho tàu ngầm, tàu chiến trên mặt nước, tàu chiến đổ bộ, tàu sân bay và tàu phụ trợ cũng như phát triển và lắp đặt trang vũ khí tiên tiến, thiết bị cảm biến, bổ sung các chức năng chỉ huy và điều khiển”.
PLAN: Lực lượng Hải quân lớn nhất thế giới
Trung Quốc hiện đang sở hữu lực lượng hải quân lớn nhất thế giới, với lực lượng chiến đấu tổng thể lên đến khoảng 350 tàu chiến và tàu ngầm, trong đó có hơn 130 tàu chủ lực tác chiến trên mặt nước. So sánh tương quan, lực lượng chiến đấu của Hải quân Mỹ chỉ có khoảng 293 tàu tính đến thời điểm đầu năm nay.
“Đặc biệt, các tàu sân bay và các tàu sân bay dự kiến hạ thủy của Trung Quốc, khi đi vào hoạt động, sẽ mở rộng phạm vi bảo vệ phòng không vượt quá phạm vi các hệ thống tên lửa ven biển và trên tàu, đồng thời cho phép các nhóm đặc nhiệm hoạt động ở phạm vi tầm xa hơn”, báo cáo cho biết thêm.
Mở rộng lực lượng Cảnh sát biển Trung Quốc
Bên cạnh lực lượng Hải quân PLAN, lực lượng Cảnh sát biển Trung Quốc (CCG) cũng phụ trách nhiều nhiệm vụ dưới danh nghĩa bảo vệ quyền hàng hải của Trung Quốc, bao gồm việc thực thi các yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh, giám sát, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, chống buôn lậu và thực thi luật pháp chung.
Việc mở rộng và hiện đại hóa nhanh chóng của CCG đã cải thiện khả năng thực thi các yêu sách hàng hải của Trung Quốc. Kể từ năm 2010, đội tàu tuần tra cỡ lớn (hơn 1.000 tấn) của CCG đã tăng hơn gấp đôi từ khoảng 60 tàu lên hơn 130 tàu, biến nó trở thành lực lượng bảo vệ bờ biển lớn nhất thế giới hiện nay, từ đó tăng khả năng tiến hành đồng thời các hoạt động xa bờ ở nhiều khu vực tranh chấp.
Ngoài ra, các con tàu mới hạ thủy của CCG về cơ bản lớn hơn và có khả năng hoạt động cao hơn các tàu cũ, phần lớn trong chúng được trang bị chỗ đáp trực thăng, vòi rồng công suất lớn và súng có nòng trong phạm vi 30 mm đến 76 mm. Một số tàu này có khả năng hoạt động trường kỳ và hoạt động tầm xa.
Theo Naval News
Quý Khải dịch & biên tập