- Y Bình
Tại Nội Mông – Trung Quốc, gần đây cơ quan quản lý giáo dục của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã yêu cầu các trường tiểu học và trung học cơ sở địa phương tăng cường sử dụng giảng dạy tiếng Hán, giảm bớt dùng tiếng Mông Cổ. Chính sách giáo dục này đã gây làn sóng phản đối trong cộng đồng người Mông Cổ. Có học giả kêu gọi phải tôn trọng quyền duy trì tiếng mẹ đẻ của người Mông Cổ, trong khi có học giả thì chỉ ra vấn đề bản chất là ĐCSTQ muốn mọi người phục tùng vâng lời để củng cố quyền lực quyền lợi mà thôi.
Người Mông Cổ phản đối chính sách giáo dục mới của ĐCSTQ
Theo các nguồn tin, trong học kỳ mới năm 2020 của học sinh tiểu học và trung học ở Nội Mông – Trung Quốc (chính thức bắt đầu vào ngày 1/9), cơ quan quản lý giáo dục ĐCSTQ đã phát động “dạy song ngữ”, theo đó ở bậc tiểu học yêu cầu những khóa học tư tưởng đạo đức phải dạy bằng tiếng Hán, sách giáo khoa dành cho học sinh lớp 1 cấp tiểu học cũng sử dụng sách giáo khoa tiếng Hán; điều tương tự tại bậc trung học cơ sở là đối với các lớp lịch sử và chính trị.
Không chỉ vậy, theo Đài Á châu Tự do (RFA), người dân Nội Mông cũng đã phát hiện sách giáo khoa mới bằng tiếng Mông Cổ của trường học tại Nội Mông đã bị sửa chữa điều chỉnh, theo đó những đoạn văn thơ chủ nghĩa dân tộc viết về tình yêu quê hương, văn hóa và tiếng mẹ đẻ của người Mông Cổ đã bị lược bỏ, thêm vào văn chương chữ Hán.
Hành vi của ĐCSTQ khiến người dân địa phương bất mãn, biểu tình phản đối vì cho rằng nhà cầm quyền muốn loại bỏ tiếng Mông Cổ địa phương. Một số thông tin dẫn chia sẻ của nông dân và người chăn gia súc tại thành phố Tongliao (Thông Liêu) cho biết, đa số phụ huynh đã từ chối cho con đi học để bày tỏ sự phản đối. Tình cảnh khiến tại vài nơi có tình trạng cơ quan chức năng áp dụng biện pháp cực đoan bằng cách cho cảnh sát địa phương đi bắt ép học sinh Mông Cổ trở lại trường học.
Có thông tin rằng hiện có học sinh trung học Mông Cổ đang tuyệt thực để phản đối: “Bốn học sinh của trường cấp 3 Minh Tích Lâm Quách Lặc (Xilin Gol) đã tuyệt thực để phản đối chính sách giáo dục mới. Hơn 300 nhân viên người Mông Cổ của Đài phát thanh Nội Mông đã cùng ký tên không chấp nhận giáo dục mới bằng tiếng Hán”, một học giả Mông Cổ cho hay.
Đáp lại những chống đối, có nơi như kỳ Urat Trung buộc phải ra “thông báo đặc biệt” tới tất cả các hương trấn, ra lệnh cho các công chức Mông Cổ phải đưa con em họ đến trường trước buổi tối ngày 2/9, và trước trưa ngày 3/9 những ai chưa thực hiện sẽ áp dụng các hình thức xử phạt kỷ luật.
Người biểu tình bị bắt
Thông tin cho rằng gần đây hàng ngày đều có một số lượng lớn xe bọc thép chở quân chạy trên đường phố, trong khi chính phủ đã quy kết những người biểu tình là “do các thế lực nước ngoài kích động”.
Một người chăn gia súc người Mông Cổ tiết lộ, bắt đầu từ ngày 2/9 các con đường ở giữa một số huyện kỳ đã bị phong tỏa khiến mối liên hệ giữa phụ huynh học sinh và giáo viên bị cắt đứt. “Người ta nói rằng đó là vùng ranh giới giữa kỳ Naiman và kỳ Kulun tại Thông Liêu, đã xảy ra xung đột giữa phụ huynh và cảnh sát. Ngoài ra, trong các nhóm WeChat, tất cả các tên nhóm bằng tiếng Mông Cổ đều đã bị đóng lại. Phụ huynh và giáo viên không thể liên lạc với nhau, không thể nói chuyện điện thoại, không thể liên lạc qua WeChat…”.
Anh này cũng tiết lộ vào ngày 2/9 cảnh sát đặc nhiệm từ các nơi khác đã đến đóng quân ở Nội Mông, dường như đã có hai người ở thị trấn Ganqika tại Thông Liêu bị bắt với tội danh “gây rối”.
Theo thông báo do Văn phòng Công an kỳ Horqin Tả Dực Hậu đưa ra vào ngày 2/9, có 9 người liên quan đến vụ án đã được yêu cầu đầu hàng. Cảnh sát cáo buộc rằng từ ngày 28 đến ngày 30/8, chín người nói trên đã vi phạm pháp luật khi tụ tập tại các trường tiểu học và trung học ở các thị trấn như Ganqika, Agula, Hailutu và Gilgalang của kỳ Horqin Tả Dực Hậu.
Các học giả phản đối
Trước các cuộc biểu tình quy mô lớn gần đây ở Nội Mông, cựu Tổng thống Mông Cổ Elbegdorji đã ra tuyên bố kêu gọi nhà cầm quyền ĐCSTQ tôn trọng quyền được duy trì tiếng mẹ đẻ của người Mông Cổ, đồng thời kêu gọi người Mông Cổ trên khắp thế giới lên tiếng ủng hộ họ. Ông nhấn mạnh phải hành động cứu tiếng Mông Cổ, vì không có tiếng Mông Cổ thì không còn dân tộc Mông Cổ, mất ngôn ngữ cũng giống như mất trí óc và đôi tay.
Học giả Qimuge người Mông Cổ cũng cho biết vào ngày 3/9 có một số học giả đã tập trung tại thủ đô Ulan Bato của Mông Cổ để phản đối việc chính quyền ĐCSTQ chèn ép tiếng Mông Cổ, yêu cầu chính quyền tiếp tục thực hiện giảng dạy bằng tiếng Mông Cổ ở lớp 1 tiểu học.
Ông nói, “Vài ngày trước nhiều tổ chức phi chính phủ đã đến cổng Đại sứ quán Trung Quốc ở Mông Cổ bày tỏ phản đối, hy vọng rằng chính phủ Trung Quốc sẽ xem xét lại chính sách mà họ đang khởi động, khôi phục lại chính sách ban đầu. Hôm 3/9 đã có nhiều trí thức Mông Cổ, giáo sư và sinh viên Đại học Mông Cổ, giáo sư và sinh viên của Đại học Sư phạm Mông Cổ, Đại học Khoa học và Công nghệ Mông Cổ đã một lần nữa cùng lên tiếng phản đối.”
Khi các cuộc biểu tình quy mô lớn ở Nội Mông tiếp tục nóng lên, gần đây nhiều video đã được đăng tải trên Twitter, trong một video cho thấy chính quyền ĐCSTQ đã cử người đến cảnh báo người dân Nội Mông không được xuống đường biểu tình phản đối chính quyền, nhưng người dân đã yêu cầu: “Cấp trên các người là người nào của quận Saihan? Tổ chức và đơn vị nào?”. Sau khi hai quan chức trả lời lấp lửng, công chúng lại hỏi: “Tôi biết điều này là bất hợp pháp, nhưng tại sao các người lại ‘đề nghị’ chúng tôi không nên tham gia cuộc diễu hành này?” “(Cấp trên của các bạn) không làm bất cứ điều gì trái pháp luật, tại sao phải sợ (người dân xuống đường biểu tình)? Hay có ý muốn trong tương lai người tộc Mông Cổ của chúng tôi sẽ không thể được ra khỏi cửa?” Hai vị quan chức không thể đáp lại những chất vấn.
Sự kiện thảm sát cả trăm nghìn tinh anh văn hóa Mông Cổ
Trong một cuộc phỏng vấn với Epoch Times, nhà luật học tự do và chuyên gia về Trung Quốc là ông Viên Hồng Binh (Yuan Hongbing) cho biết ông lớn lên trên Cao nguyên Nội Mông và có tình cảm sâu sắc với vùng đất đó. Việc ĐCSTQ triển khai quy mô lớn việc giảng dạy tiếng Hán đã thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế. Vấn đề này khiến ông nhớ lại vào khoảng giữa nửa cuối năm 1967 đến tháng 5/1969 tại Nội Mông đã xảy ra một vụ việc thảm khốc chống lại loài người: “Sự kiện thanh trừng Đảng Nhân dân Cách mạng Nội Mông”.
Theo đó trong thời kỳ Trung Quốc nổ ra Cách mạng Văn hóa, ĐCSTQ tuyên bố rằng Nội Mông có “Đảng Nhân dân Cách mạng”, có ý đồ chia tách với tổ quốc và hợp nhất với Ngoại Mông, tình trạng như vậy gây chia rẽ dân tộc… vì vậy đã phát động một cuộc đàn áp lớn chống lại người Mông Cổ.
Ông nói: “Thời điểm đó Nội Mông đang nằm dưới sự kiểm soát của quân đội, người Nội Mông hầu như bị giam cầm trong tù và mất tự do. Một số người không tin điều này, nói rằng làm sao có thể nhốt toàn bộ một dân tộc được? Đúng vậy, không quốc gia nào có thể làm được, nhưng ĐCSTQ thì làm được. Khi đó, nhiều nhà máy và nhà kho bị ngừng hoạt động, nhiều trường học bị đình chỉ để chuyển thành nhà tù tạm thời, và cả trăm ngàn tinh hoa văn hóa Mông Cổ đã bị thanh trừng mất mạng.”
Dựa trên sự kiện này, ông đã viết “Tự do trong Mặt trời lặn”, được ví như bản hùng ca tự do ngợi ca tinh thần Mông Cổ và nói lên nỗi thống khổ của người dân Mông Cổ, qua đó nêu trách nhiệm và lương tri mà người trí thức cần phải có.
Ông nói, “Điều tôi cảm thấy buồn là chỉ có một tác phẩm như vậy. Lý do là gì? Thế hệ tinh hoa văn hóa Mông Cổ đó đã bị ĐCSTQ tiêu diệt gần hết. Vì vậy mà trong bao nhiêu năm qua xu hướng phản kháng như vậy ở Nội Mông trở nên rất nhỏ nhoi, đó là hậu quả của cuộc thảm sát, hậu quả của nạn diệt chủng, hậu quả của sự tiêu diệt các tinh hoa văn hóa”.
Ông Viên Hồng Binh cho biết hơn 70 năm ĐCSTQ cai trị Trung Quốc đại lục đã thực hiện chính sách diệt chủng văn hóa đối với tất cả các dân tộc trên vùng đất này, tức là sử dụng văn hóa Đảng Cộng sản để tiêu diệt văn hóa truyền thống của từng dân tộc và biến mọi người thành nô lệ tinh thần và nô lệ chính trị cho ĐCSTQ. Theo một nghĩa nào đó thì tội ác diệt chủng mang tính văn hóa này còn tàn khốc hơn tội ác diệt chủng kiểu sinh lý của Hitler đối với người Do Thái. Trong cuộc Cách mạng Văn hóa kéo dài 10 năm, văn hóa Hoa Hạ gần như bị phá hủy hoàn toàn, tiếp theo đó là các nền văn hóa khác như Mông Cổ, Duy Ngô Nhĩ và Tây Tạng. Hành động hủy hoại văn hóa kiểu này của ĐCSTQ là hủy hoại linh hồn của dân tộc.
Tuy nhiên không cùng quan điểm, trả lời phỏng vấn của Epoch Times, ông Lý Nguyên Hoa (Li Yuanhua) – chuyên gia lịch sử Trung Quốc và là cựu phó giáo sư của Viện Khoa học Giáo dục thuộc Đại học Sư phạm Thủ đô, cho biết rằng bề ngoài thì thấy như ĐCSTQ đang phá hủy ngôn ngữ và văn hóa Mông Cổ, nhưng về bản chất là thắt chặt kiểm soát nhằm gia cố chế độ độc tài.
Ông tin rằng ĐCSTQ chưa bao giờ tôn trọng văn hóa dân tộc, và thông thường sẽ không xem xét tình hình theo vấn đề dân tộc, không quan tâm đến sắc tộc hay dân tộc gì cả, họ chủ yếu muốn mọi người phục tùng vâng lời để củng cố quyền lực quyền lợi mà thôi. Nếu ai đó tưởng rằng ĐCSTQ đang thúc đẩy văn hóa Hán nên mới đàn áp các nền văn hóa dân tộc thiểu số, thì đã mắc vào bẫy của ĐCSTQ. Thực tế không có vấn đề như vậy. Đối với tất cả các nhóm dân tộc và tất cả mọi người, ĐCSTQ đều sử dụng một cách đó là lấy chuyên chế để cai trị bạn, kiểm soát bạn, họ không có ý thức gọi là lấy văn hóa Hán đồng hóa văn hóa Mông Cổ.
“Trong quá trình này, hình thức biểu hiện của nó là qua sự hủy hoại văn hóa dân tộc, nhưng về bản chất là tâm lý lo lắng lung lay quyền lực độc đoán của nó, vì vậy mà muốn kiểm soát mọi thứ”, nhà nghiên cứu Lý Nguyên Hoa nhận định.
Y Bình (t/h)