Điểm tin thế giới sáng thứ Bảy

Tỷ phú Quách phản đối phát biểu của ông Tập về tính chính danh của ĐCSTQ

Tỷ phú Quách Văn Quý (ảnh: Screenshot/PRC foreign minister)

Tỷ phú gốc Hoa Quách Văn Quý đã phản đối gay gắt phát biểu của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình về tính chính danh của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) trong lễ kỷ niệm 75 năm kết thúc Chiến tranh Trung-Nhật .

Trong bài phát biểu của mình, ông Tập nhấn mạnh rằng ĐCSTQ là do người dân Trung Quốc lựa chọn và vì thế họ sẽ không muốn thay thế nó, theo SCMP.

Phản ứng trước phát biểu này, tỷ phú Quách nói rằng “Chúng tôi không chấp nhận một nhóm nhỏ ‘những người giàu có’ độc ác này làm đại diện và cái thứ gọi là quyền lực đỏ đó thêm nữa. Họ không thể nào là lực lượng đại diện cho chúng tôi trong tương lai”.

Ông Quách cũng tin rằng nếu có một cuộc trưng cầu dân ý, ĐCSTQ sẽ lập tức mất quyền lãnh đạo người dân Trung Quốc.

“Nếu có một cuộc trưng cầu dân ý ngay bây giờ, thì ĐCSTQ sẽ bị vứt bỏ. Trong 70 năm, ĐCSTQ chỉ gây ra tội ác với người dân Trung Quốc và đã đến lúc phải giải quyết chúng một lần và mãi mãi. Bây giờ thế giới đang chống lại ĐCSTQ, họ đang nghĩ cho người dân Trung Quốc”, ông Quách nói.

Trong bài phát biểu của mình, ông Tập nói rằng trong năm 2020, ĐCSTQ “sẽ đưa tất cả người dân thoát khỏi đói nghèo”.

Tỷ phú Quách nói rằng với những dữ liệu mà ông nắm được thì còn lâu tuyên bố của ông Tập mới trở thành hiện thực.

“Ở Trung Quốc, còn gần 1 tỷ người vẫn chưa được sử dụng nhà vệ sinh đúng nghĩa. Và thu nhập bình quân đầu người hàng năm [của họ] chỉ ở mức 700 USD”, ông Quách nói.

Tỷ phú Quách Văn Quý là một trong số những nhà hoạt động dân chủ người Mỹ gốc Hoa thường xuyên lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ ĐCSTQ. Theo Wall Street Journal, ĐCSTQ muốn đàm phán với chính phủ Mỹ về việc trục xuất ông Quách khỏi Hoa Kỳ.

Vào ngày 4/6, ông Quách, và cựu ngôi sao bóng đá Hác Hải Đông, được sự ủng hộ của cựu chiến lược gia Nhà Trắng Stephen K. Bannon, đã cùng nhau thành lập Nhà nước Liên bang Trung Quốc với mục tiêu chấm dứt sự cai trị của ĐCSTQ. The BL cho hay, chính phủ của ông Quách đã nhận được sự ủng hộ đông đảo của người Hoa trên khắp thế giới.

Tuyên bố của Nhà nước Liên bang Trung Quốc cho biết: “Việc xóa bỏ ĐCSTQ là điều cần thiết để phá bỏ xiềng xích của chế độ nô lệ áp đặt lên người dân Trung Quốc, và cũng là để thế giới đạt được hòa bình”.

Theo The BL

Ấn Độ sẵn sàng dùng quân đội đảm bảo an ninh quốc gia trước Trung Quốc

Cố vấn quân sự hàng đầu trong chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi hôm thứ Năm cho biết Ấn Độ đã sẵn sàng dùng quân đội để đảm bảo an ninh quốc gia, đồng thời theo sát các hoạt động và cải cách quân sự của Trung Quốc để đưa ra chiến lược cho tương lai, theo SCMP.

Bình luận của Tham mưu trưởng Quốc phòng Bipin Rawat tại một hội thảo trên web để thảo luận về mối quan hệ Mỹ-Ấn là khẳng định rõ ràng đầu tiên của ông trong những ngày gần đây về tình thế sẵn sàng sử dụng lực lượng quân sự của Ấn Độ, trong bối cảnh tình hình ngày càng trở nên tồi tệ với quân đội Trung Quốc dọc biên giới tranh chấp ở Himalaya.

Vị tướng hàng đầu cũng báo hiệu mức độ mà Trung Quốc được coi là một mối đe dọa an ninh, nhấn mạnh rằng quân đội Ấn Độ đang khảo sát cơ sở hạ tầng hoạt động của Bắc Kinh ở khu vực tự trị Tây Tạng – giáp ranh Ấn Độ – việc hoàn thiện các dự án đường cao tốc và phát triển các tuyến đường sắt.

Kinh tế Mỹ bổ sung thêm hàng triệu việc làm

Theo Bộ Lao động Mỹ, Mỹ đã có thêm 1,4 triệu việc làm trong tháng 8, theo the Hill.

Theo báo cáo việc làm tháng 8, tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống 8,4% từ 10,2% trong tháng 7, lần đầu tiên giảm xuống dưới mức 10% kể từ tháng 3. Sự tham gia của lực lượng lao động cũng tăng 0,3% trong tháng 8, một dấu hiệu cho thấy sức mạnh của thị trường việc làm ngày càng tăng và niềm tin của những người tìm việc tăng lên.

Tháng 8 đánh dấu tháng thứ 4 liên tiếp số việc làm và tỷ lệ thất nghiệp giảm kể từ khi nền kinh tế Mỹ chạm đáy hồi tháng 4. Hơn 20 triệu người Mỹ đã mất việc trong tháng đó, đẩy tỷ lệ thất nghiệp lên mức cao nhất sau cuộc Đại suy thoái là 14,7%.

Báo cáo việc làm tháng 8 cũng phù hợp với kỳ vọng đồng thuận của các nhà kinh tế khu vực tư nhân. Hồi trước trước họ dự báo số việc làm sẽ ​​tăng từ 1,2 đến 1,4 triệu việc làm.

Phóng viên Mỹ bị sách nhiễu và trục xuất tại Trung Quốc khi đưa tin về chính sách gây tranh cãi ở Nội Mông Cổ

Một nhà báo của tờ Los Angeles Times đã bị giam giữ và trục xuất khỏi Nội Mông Cổ (Trung Quốc) trong khi đưa tin về chính sách gây tranh cãi nhằm giảm việc sử dụng tiếng Mông Cổ trong giáo dục tại khu vực, tờ báo đưa tin hôm thứ Sáu (4/9), theo Daily Caller.

Phóng viên của tờ Los Angeles Times, người đang đưa tin về một chính sách gây tranh cãi nhằm thay thế tiếng Mông Cổ bằng tiếng Quan thoại trong các trường học trong khu vực, đã bị thẩm vấn, túm gáy và nhốt trong xà lim trong hơn 4 giờ trước khi bị buộc rời khỏi khu vực, LA Times đưa tin .

Phóng viên này đã bị bao vây bởi các sĩ quan mặc thường phục ở Hohhot, thủ phủ khu vực, và bị đưa đến đồn cảnh sát. Cô bị cấm liên lạc với Đại sứ quán Hoa Kỳ và bị áp giải lên chuyến tàu đưa cô trở lại Bắc Kinh, theo hãng tin AP.

Đây là những động thái mới nhất trong giai đoạn căng thẳng gia tăng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc đối với chính sách đối ngoại hung hăng của Bắc Kinh, việc ngược đãi người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ và đại dịch virus corona đang diễn ra.

Quan chức Mỹ nói về Đài Loan thời kỳ hậu COVID

Phái đoàn Séc, do Chủ tịch Thượng viện Milos Vystrcil dẫn đầu, đã tập hợp với các quan chức Đài Loan và các đặc phái viên nước ngoài bao gồm có Mỹ ở Đài Bắc hôm thứ Sáu (4/9) để kêu gọi định hình lại chuỗi cung ứng toàn cầu, đang bị lung lay bởi đại dịch, theo Taiwan News.

Brent Christensen, Giám đốc Viện Hoa Kỳ tại Đài Loan (AIT) nhận xét: “Đại dịch COVID-19 đã bộc lộ những rủi ro khi phụ thuộc quá nhiều vào một quốc gia hoặc nhà cung cấp các nguyên liệu quan trọng như vật tư y tế và dược phẩm đầu vào cho các ngành quan trọng chiến lược. Ông cho biết Đài Loan sẽ đóng một vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu trong thời kỳ hậu COVID khi nhiều quốc gia đang tìm kiếm các đối tác sản xuất thay thế cho Trung Quốc.

Ông Christensen cho biết: “Trong tám tháng qua, AIT đã làm việc với các đối tác trong chính phủ, các ngành công nghiệp và học viện Đài Loan để tìm hiểu cách thức chúng ta có thể làm việc cùng nhau trong việc tái cấu trúc chuỗi cung ứng. Hoa Kỳ muốn tăng cường quan hệ kinh tế song phương, và coi việc định hướng lại công nghệ và chuỗi cung ứng sản phẩm y tế như các việc ưu tiên hàng đầu”, ông Christensen nói thêm, đề cập đến cuộc Đối thoại Kinh tế và Thương mại với Đài Loan mới được công bố.

Ông Trump công bố thỏa thuận mang tính lịch sử giữa Serbia và Kosovo nhằm bình thường hóa hoạt động kinh tế

Tổng thống Donald Trump hôm thứ Sáu thông báo Serbia và Kosovo đã đạt được một thỏa thuận “đột phá” để bình thường hóa quan hệ kinh tế hơn một thập kỷ sau khi Kosova tuyên bố tách rời khỏi Serbia và trở thành một quốc gia độc lập, theo Daily Caller.

Ông Trump đã ra thông báo này trong chuyến thăm chung tới Nhà Trắng của Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic và Thủ tướng Kosovo Avdullah Hoti.

“Hôm nay, tôi vui mừng thông báo về một cam kết mang tính đột phá khác,” ông Trump nói trong một tuyên bố đi kèm cuộc họp. “Serbia và Kosovo từng cam kết bình thường hóa kinh tế. Sau một lịch sử bạo lực và bi thảm và nhiều năm đàm phán thất bại, chính quyền của tôi đã đề xuất một cách thức mới để giảm chia rẽ. Bằng cách tập trung vào kiến tạo việc làm và tăng trưởng kinh tế, hai nước đã có thể đạt được bước đột phá thực sự về hợp tác kinh tế trên nhiều lĩnh vực”.

Đại sứ Sam Brownback: Chính quyền Trung Quốc ‘dẫn đầu thế giới trong đàn áp đức tin’

Đại sứ Sam Brownback: Chính quyền Trung Quốc 'dẫn đầu thế giới trong đàn áp đức tin’
Đại sứ Brownback phát biểu nhận xét về Báo cáo Thường niên Tự do Tôn giáo Quốc tế 2018 (ảnh chụp màn hình Youtube/Bộ Ngoại giao Mỹ).

Đại sứ Mỹ về tự do tôn giáo quốc tế Sam Brownback cảnh báo chính quyền Trung Quốc đã có thể “hoàn thiện” bộ máy đàn áp đối với các nhóm tín ngưỡng qua nhiều năm và hiện đang tìm cách xuất khẩu mô hình độc tài của mình ra khắp thế giới.

Chính quyền này tự xưng là một nhà lãnh đạo toàn cầu, “nhưng họ đang dẫn đầu thế giới trong việc đàn áp người dân – lãnh đạo toàn cầu trong việc bức hại nhân quyền”, ông Brownback cho biết trong cuộc phỏng vấn gần đây với chương trình “Các nhà lãnh đạo tư tưởng Mỹ (American Thought Leaders)” của trang The Epoch Times.

Ông cho biết các chiến dịch bức hại liên tiếp của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đối với các học viên Pháp Luân Công, Phật tử Tây Tạng, các tín đồ Cơ đốc nhân tại gia, và gần đây nhất là những người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở khu vực Tân Cương, đã cho phép Đảng mài dũa các phương pháp và công nghệ dùng trong giám sát và áp bức người dân vô tội.

“Chúng tôi nhìn thấy viễn cảnh áp bức trong tương lai là như thế này. Sẽ có ít người hơn trong các trại tập trung và nhiều người hơn bị kiểm soát hơn trong một xã hội có hệ thống giám sát toàn diện 24/7 đối với con người, hạn chế những gì người dân có thể làm trong xã hội đó”, ông nói thêm.

Vị đại sứ cho biết các lệnh trừng phạt gần đây của chính quyền tổng thống Trump đối với các quan chức Trung Quốc và một tập đoàn xây dựng bán quân sự có dính líu đến hoạt động vi phạm nhân quyền ở Tân Cương cho thấy Mỹ hiện có thái độ nghiêm túc trong việc gửi thông điệp đến Bắc Kinh. Bộ thương mại Mỹ cũng đã đưa hơn 30 công ty và tổ chức chính phủ Trung Quốc vào danh sách đen vì vai trò của họ trong việc hỗ trợ đàn áp người Duy Ngô Nhĩ trong khu vực.

Ông Brownback cũng bày tỏ lo ngại ĐCSTQ đang muốn xuất khẩu mô hình đàn áp công nghệ cao của mình ra thế giới. 

Ông nói: “Họ sẽ bắt đầu tiếp thị và bán các loại hệ thống kiểm soát độc tài này cho các chế độ độc tài khác trên thế giới … vốn muốn tìm cách kiểm soát dân số của họ thông qua việc sử dụng các công nghệ tiên tiến này”.

Vị đại sứ cho cho biết ĐCSTQ với ý thức hệ vô thần đã chống lại đức tin kể từ khi kiến lập. 

“Không có chỗ cho những người tin tưởng vào một quyền uy đạo đức cao hơn (ví như Thần) [trong xã hội đó]”, ông nói. “Quyền uy đạo đức cao hơn chính là là Đảng Cộng sản Trung Quốc”.

Ông Brownback cho biết chính quyền này có vẻ rất ác độc và đang đàn áp các nhóm dân tộc thiểu số, nhưng các thủ đoạn của nó thậm chí còn khủng khiếp hơn. 

“Triết lý này đúng trong lịch sử. Rằng nếu bạn không chống lại những kẻ bắt nạt, họ sẽ mặc sức dấn tới”, ông nói.

Lấy ví dụ, trong nhiều năm, thế giới đã làm ngơ trước những cáo buộc ĐCSTQ cưỡng bức thu hoạch nội tạng các học viên Pháp Luân Công bị bỏ tù để bán lấy lời trên thị trường cấy ghép, ông Brownback nói. Nhưng “bằng chứng suy luận đã có”, ông nói và nói thêm rằng hiện đã có những tổ chức đáng tin cậy tuyên bố rằng hoạt động mổ cướp nội tạng do nhà nước hậu thuẫn đang diễn ra.

Năm 2019, một tòa án nhân dân độc lập ở Anh – Tòa án về Trung Quốc – sau một cuộc điều tra kéo dài một năm, đã đi đến kết luận rằng việc cưỡng bức thu hoạch nội tạng đã diễn ra ở Trung Quốc “trên quy mô đáng kể” và hiện vẫn đang tiếp diễn. Nguồn cung nội tạng chính đến từ các học viên Pháp Luân Công bị bắt giam.

“Hãy nghĩ một chút về điều đó, rằng họ đang bắt giữ và bức hại cá nhân này. ĐCSTQ sẽ giết những người đó, sau đó thu hoạch nội tạng của họ đem bán. Những điều kinh khủng như vậy đang diễn ra”, ông Brownback nói.

Đảo quốc Palau mời Mỹ xây căn cứ quân sự

Thủ đô Ngerulmud của Palau (ảnh: LuxTonnerre/Flickr/flickr.com/photos/luxtonnerre/2347010593).

Đảo quốc Palau ở Thái Bình Dương kêu gọi Mỹ xây dựng căn cứ quân sự trên lãnh thổ của mình, vốn thuộc khu vực mà Washington đang cố gắng đẩy lùi ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Esper tuần trước đã tới thăm Palau. Tại đây, ông cáo buộc Trung Quốc thúc đẩy “các hoạt động gây bất ổn” ở Thái Bình Dương.

Tổng thống Palau Tommy Remengesau sau đó cho biết, ông nói với Bộ trưởng Esper rằng quân đội Mỹ được hoan nghênh xây dựng các căn cứ ở đất nước ông, một quần đảo cách Philippines khoảng 1.500 km về phía đông.

“Đề xuất của Palau đối với quân đội Mỹ rất đơn giản, hãy xây dựng các căn cứ sử dụng chung, sau đó quân đội Mỹ có thể đến và sử dụng chúng thường xuyên”, Tổng thống Remengesau viết trong bức thư gửi Bộ trưởng Esper. Bức thư được văn phòng Tổng thống Remengesau công bố trong tuần này.

Trong bức thư, ông Remengesau khẳng định đảo quốc 22.000 dân này sẵn sàng cung cấp các căn cứ đất liền, cảng và sân bay cho quân đội Mỹ. Tổng thống Palau cũng đề xuất lực lượng tuần duyên Mỹ hiện diện ở quốc đảo để giúp nước này tuần tra và bảo vệ khu bảo tồn biển rộng lớn.

Palau là đất nước độc lập nhưng không có quân đội và Mỹ chịu trách nhiệm bảo vệ quốc đảo này theo Hiệp ước Liên kết Tự do (COFA). Theo hiệp ước này, quân đội Mỹ có quyền tiếp cận các hòn đảo, nhưng hiện không có lực lượng đồn trú thường trực tại đây.

“Chúng ta nên sử dụng các cơ chế của hiệp ước để thiết lập sự hiện diện quân sự thường xuyên của Mỹ ở Palau”, ông Remengesau nói.

Một cơ sở radar quân sự của Mỹ đã được lên kế hoạch xây dựng ở Palau nhưng bị đình chỉ vì đại dịch Covid-19.

Ông Remengesau cho rằng các căn cứ quân sự Mỹ ở Palau không chỉ tăng cường khả năng phòng thủ của quân đội Mỹ, mà còn hỗ trợ cho kinh tế của quốc đảo này, vốn đang gặp khó khăn do dịch Covid-19.

Ngoài mối quan hệ gần gũi với Mỹ, Palau cũng là một trong 4 đồng minh còn lại của Đài Loan ở khu vực Thái Bình Dương. Động thái này đã khiến Bắc Kinh vào năm 2018 đã ra lệnh cấm khách du lịch đến Palau.

Trong khi không trực tiếp đề cập tới Trung Quốc, ông Remengesau nói với Bộ trưởng Esper rằng các tác nhân gây bất ổn đã tiến lên phía trước để lợi dụng các cuộc khủng hoảng kinh tế do dịch virus corona mà các quốc đảo nhỏ đang phải trải qua.

Tổng thống Palau viết: “Thưa Bộ trưởng, tôi cảm thấy thật yên tâm khi được biết ông và các quan chức hàng đầu khác của Hoa Kỳ nhận ra thực tế phức tạp của an ninh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương – nơi đang bị đe dọa bởi chiến lược kinh tế săn mồi cũng như xâm lược quân sự”.

Trong chuyến thăm chưa đầy 3 giờ của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ tới Palau tuần trước, Tổng thống Remengesau nói rằng Trung Quốc đang cung cấp các khoản vay lãi suất thấp để lôi kéo các quốc đảo ở Thái Bình Dương.

“Điều đó sẽ tác động đến cách mọi người nhìn nhận mối quan hệ với những bên đã giúp đỡ họ”, Tổng thống Palau nói.

Cố vấn O’Brien: Bắc Kinh là thế lực gây ảnh hưởng lớn nhất tới bầu cử Mỹ

Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Robert O’Brien (ảnh: Từ video của NewsNOW from FOX)

Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Robert O’Brien, hôm thứ Sáu (4/9), cho biết chính quyền Trung Quốc là lực lượng đi đầu trong số các thế lực tìm cách can thiệp vào cuộc bầu cử của Hoa Kỳ, Bắc Kinh có chương trình lớn nhất để gây ảnh hưởng tới chính trường Mỹ.

“Chúng tôi biết người Trung Quốc đã và đang đóng vai trò tích cực nhất”, ông O’Brien nói với các phóng viên tại một cuộc họp báo.

Ông cũng cho biết thêm rằng Bắc Kinh có “chương trình lớn nhất để gây ảnh hưởng đến Hoa Kỳ về mặt chính trị”, tiếp theo là Iran và sau đó là Nga.

“Chúng tôi đã nói rất rõ ràng với người Trung Quốc, người Nga, người Iran và người của những nước khác mà chưa được tiết lộ công khai rằng bất kỳ ai cố gắng can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ sẽ phải đối mặt với những hậu quả khôn lường”, ông O’Brien cho biết.

Trước câu hỏi yêu cầu cung cấp thông tin chi tiết về sự can thiệp bầu cử của chính quyền Trung Quốc, ông O’Brien nói: “Tôi sẽ không đi sâu vào tất cả thông tin tình báo, nhưng các hoạt động quy mô lớn của Trung Quốc và lĩnh vực [tấn công] mạng, đó thực sự là một điều khác thường mà chúng tôi đang phải đối mặt”.

Vào tháng Tám, ông O’Brien cho biết Hoa Kỳ đã nắm được thông tin về việc tin tặc Trung Quốc nhắm mục tiêu vào cơ sở hạ tầng bầu cử của Hoa Kỳ.

Ông O’Brien nói rằng Bắc Kinh “không ngừng” mở rộng phạm vi hoạt động gây ảnh hưởng tới chính trường Mỹ. “Chúng tôi chưa bao giờ thấy bất cứ điều gì giống như vậy. Chúng tôi chưa từng chứng kiến điều tương tự. Trong Chiến tranh Lạnh với Liên Xô không giống thế này”

Bộ trưởng Tư pháp William Barr cũng có nhận định tương tự ông O’Brien, hôm thứ Tư ông nói rằng Trung Quốc là mối đe dọa lớn hơn Nga trong các hành vi can thiệp bầu cử.

Trong một bài phát biểu trước Đại hội toàn quốc của Đảng Cộng hòa vào tháng trước, Tổng thống Trump nói rằng Bắc Kinh ủng hộ đối thủ đảng Dân chủ Joe Biden của ông và “rất muốn” ông này thắng cử.

Đầu tuần này, Reuters đưa tin rằng tin tặc đã tăng cường hoạt động đánh sập các trang web phục vụ chiến dịch tranh cử của Tổng thống Trump, và một công ty bảo mật làm việc cho chiến dịch này cho biết có thể sắp tới sẽ có một cuộc tấn công còn lớn hơn nữa.

Phó TT Đài Loan: Chính sức mạnh của nền dân chủ đã gắn kết chúng ta với nhau

Phó Tổng thống Lại Khánh Đức đã tham dự bữa tiệc tối tri ân phái đoàn Cộng hòa Séc vào tối ngày 3 tháng 8. (Ảnh: Phủ Tổng thống)

Phó Tổng thống Đài Loan Lại Thanh Đức (Lai Qingde) tối qua (ngày 3/8) đã tham dự bữa tiệc tri ân đoàn đại biểu Cộng hòa Séc. Ngoài việc chúc phái đoàn trở về thuận lợi bình an, ông cũng mong rằng Đài Loan và Cộng hòa Séc có thể cùng nhau hợp tác, cùng nhau nỗ lực vì nền dân chủ quốc tế trong tương lai.

Phủ Tổng thống đã ra thông cáo báo chí cho biết, Phó Tổng thống Đài Loan Lại Thanh Đức  trước khi phát biểu đã thay mặt Tổng thống Thái Anh Văn một lần nữa cảm ơn Chủ tịch Thượng viện Cộng hòa Séc Miloš Vystrčil cùng phái đoàn đã có chuyến thăm đặc biệt đến Đài Loan lần này. Ông Lại hy vọng chuyến viếng thăm lần này, các thành viên trong phái đoàn có thể lưu lại ấn tượng sâu sắc về một đất nước tự do dân chủ cũng như sự nhiệt tình thân thiện của người dân nơi đây, và ông chúc phái đoàn có chuyến trở về thuận lợi bình an.

Phó Tổng thống Lại cho biết Chủ tịch Thượng viện (CH Séc) khi phát biểu đã đề cập đến rằng với sức của một người rất khó đạt được mục tiêu, vậy nên cần mọi người đoàn kết nhất trí với nhau mới có thể vươn tới thành công. Chúng ta có mặt ở đây ngày hôm nay là nhờ sức mạnh của nền dân chủ, điều này đã gắn kết chúng ta lại với nhau. Mong rằng trong tương lai, Đài Loan và Cộng hòa Séc có thể cùng nhau hợp tác, cùng nhau nỗ lực vì nền dân chủ quốc tế.

Ông Lại tin rằng Cộng hòa Séc là một quốc gia tuyệt vời từ tầng diện văn hóa, tinh thần dân chủ. Từ lòng dũng cảm mà người dân Cộng hòa Séc biểu hiện ra, có thể thấy Cộng hòa Séc là một quốc gia vĩ đại. Ông Lại mong rằng quan hệ hợp tác và giao lưu giữa hai nước không ngừng được tăng cường trong thời gian tới.

Trước đó, Chủ tịch Thượng viện Miloš Vystrčil đã nói trong bài phát biểu rằng với sức của một cá nhân muốn đạt được mục tiêu là chuyện rất khó, vậy nên cần phải dựa vào cố gắng của cả chỉnh thể. Ngoài việc gửi lời cảm ơn đến sự phó xuất của các thành viên trong phái đoàn đã giúp chuyến đi này suôn sẻ thành công và được báo chí đưa tin rộng rãi, ông cũng mong tiếp tục làm sâu sắc hơn tình hữu nghị giữa Cộng hòa Séc và Đài Loan trong tương lai.

Tổng thống Trump cam kết ‘cắt hoàn toàn tài trợ’ cho ngành công nghiệp phá thai nếu tái đắc cử

Tổng thống Mỹ Donald Trump (ảnh: White House/Flickr).

Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 3/8 cam kết nếu tái đắc cử, ông sẽ cắt hoàn toàn tài trợ cho ngành công nghiệp nạo phá thai, bao gồm cả tổ chức Planned Parenthood, vốn hoạt động dựa vào tiền thuế của người dân Mỹ.

Trong một bức thư gửi cho cộng đồng ủng hộ quyền được sống của những đứa trẻ chưa chào đời, Tổng thống Trump đã nhắc lại cam kết của ông về việc bảo vệ sự sống thai nhi.

“Kể từ khi nhậm chức, tôi tự hào là tổng thống ủng hộ quyền được sống của thai nhi mạnh mẽ nhất trong lịch sử quốc gia của chúng ta”, ông Trump viết trong bức thư gửi tới các nhà hoạt động và lãnh đạo của Pro-Life.

Ông Trump nói với những người ủng hộ quyền được sống của thai nhi rằng nếu tái đắc cử, ông sẽ phối hợp với họ để “cắt hoàn toàn tài trợ cho ngành công nghiệp phá thai như Tổ chức Planned Parenthood”. Planned Parenthood là tổ chức cung cấp dịch vụ nạo phá thai lớn nhất nước Mỹ với hơn 600 cơ sở trên toàn nước Mỹ, vốn hoạt động bằng tiền thuế của người dân.

Tổng thống Trump cho biết thêm, ông sẽ làm việc với những người ủng hộ để bổ nhiệm vào Tòa án tối cao và các tòa án cấp dưới “những thẩm phán tôn trọng Hiến pháp và không ban hành chương trình nghị sự phá thai với tư cách thẩm phán”. Ngoài ra, ông Trump cũng cam kết ký ban hành các đạo luật bảo vệ sự sống thai nhi và không lấy tiền thuế của người dân để tài trợ cho việc phá thai.

Ông Trump nhấn mạnh rằng chính quyền của ông đã làm được “rất nhiều điều cho trẻ chưa chào đời và mẹ của chúng”, trong đó có việc dừng một số khoản tài trợ cho ngành công nghiệp phá thai thông qua quy định Bảo vệ sự sống Title X.

Tổng thống Trump cũng cho biết chính quyền của ông đã chấm dứt việc lấy tiền thuế của người dân Mỹ để tài trợ “cho các nghiên cứu y tế mới trong đó sử dụng các bộ phận cơ thể của trẻ em bị phá thai tại Viện Y tế Quốc gia”.

Trong bức thư của mình, ông Trump đã chỉ ra sự khác biệt về quan điểm nạo phá thai giữa chính quyền của ông với ứng cử viên tổng thống đảng Dân chủ Joe Biden.

Ông Trump viết: “Khi tôi tham gia cuộc bầu cử vào tháng 11/2020, tôi cần sự giúp đỡ của mọi người để làm nổi bật sự khác biệt giữa chính sách của tôi về việc ủng hộ quyền được sống của thai nhi và chủ nghĩa ủng hộ phá thai cực đoan của Joe Biden. Đảng Dân chủ kiên quyết ủng hộ việc phá thai theo yêu cầu, cho đến tận thời điểm trẻ sắp được sinh ra và thậm chí cả việc giết người – nghĩa là tiếp tục làm thai nhi chết sau khi phá thai không thành công”.

Tổng thống Trump nói thêm rằng: “Việc Joe Biden nhất định theo chủ nghĩa cực đoan này được thể hiện rõ ràng nhất thông qua hành động ông ấy ủng hộ việc lấy tiền thuế của người dân để tài trợ cho việc phá thai theo yêu cầu. Buộc người đóng thuế phải trả tiền cho việc phá thai là một quan điểm kinh khủng và phải bị loại bỏ tại cuộc bầu cử”.

“Joe Biden đã thúc đẩy chủ nghĩa này bằng việc lựa chọn Kamala Harris – một người cực đoan ủng hộ phá thai, làm bạn đồng hành của mình. Với sự giúp đỡ của mọi người, tôi sẽ giành chiến thắng trong cuộc tái tranh cử, và đảm bảo rằng chúng ta sẽ có 4 năm nữa để chiến đấu vì những đứa trẻ chưa chào đời và vì mẹ của chúng”, ông Trump viết.

Bà Hoa Xuân Oánh yêu cầu không gọi bà Thái Anh Văn là ‘Tổng thống’

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh (ảnh màn hình Taiwan News dẫn từ AP).

Người phá ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh hôm thứ Năm (3/9) đã mắng một phóng viên người Nhật vì đã gọi bà Thái Anh Văn là “tổng thống” khi đưa ra một câu hỏi về chuyến thăm đang diễn ra của phái đoàn Séc tới Đài Loan. Trong khuôn khổ chuyến thăm Đài Loan kéo dài 5 ngày, Chủ tịch Thượng viện Séc Milos Vystrcil đã gặp bà Thái tại Văn phòng Tổng thống hôm 3/9, theo Taiwan News.

Trong cuộc họp báo hôm 3/9, một phóng viên của tờ Kyodo News hỏi bà Hoa rằng bà có bình luận gì về cuộc gặp của Tổng thống Đài Loan với ông Vystril tại Đài Bắc hay không. Đáp lại, bà Hoa nói rằng chuyến thăm của chủ tịch thượng viện Séc tới “khu vực Đài Loan” đã “ủng hộ thái quá các lực lượng đòi độc lập Đài Loan” và đây là một “hành động khiêu khích công khai”.

Bà Hoa sau đó chỉ trích người phóng viên Kyodo News vì đã gọi bà Thái là “tổng thống” và nhắc nhở nhà báo này không tái phạm trong tương lai.

Cháy tàu chở 2 triệu thùng dầu ở Sri Lanka

Sri Lanka đã bắt đầu tiến hành kéo một siêu tàu chở dầu bị cháy ngoài khơi bờ biển phía đông nước này vào bờ, người phát ngôn Hải quân Sri Lanka cho biết hôm 4/9, theo Reuters.

Truyền thông Sri Lanka hôm 3/9 đưa tin, một tàu chở 200.000 tấn dầu thô đã bốc cháy ở vị trí cách bờ biển phía Đông nước này 38 km.

Ngọn lửa bùng phát trên tàu chở dầu New Diamond chở khoảng 2 triệu thùng dầu, người phát ngôn Hải quân Sri Lanka, Đại tá Indika de Silva cho biết. Có 23 thủy thủ trên tàu, một trong số đó được cho là đã tử vong. Những người còn lại đã được Hải quân Sri Lanka đưa ra khỏi tàu, trong đó một thuyền viên đã được đưa về thủ đô Colombo để điều trị.

Tàu New Diamond, một siêu tàu chở dầu thô do Tập đoàn Dầu khí Ấn Độ (IOC) thuê, chở tương đương 2 triệu thùng dầu, gặp hỏa hoạn ở ngoài khơi bờ biển phía đông Sri Lanka ngày 4/9/2020 (ảnh: Reuters).

Ông Trump kêu gọi Iran không xử tử quán quân đấu vật Navid Afkari

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump hôm thứ Năm kêu gọi Iran không xử tử quán quân đấu vật 27 tuổi Navid Afkari, trích dẫn một bản tin của Fox News rằng Afkari bị kết án tử hình vì tham gia biểu tình chống các chính sách kinh tế của chính phủ vào năm 2018.

Ông Trump gọi Afkari là “một ngôi sao đấu vật nổi tiếng tuyệt vời”. Ông cũng viết trên Twitter yêu cầu các lãnh đạo Iran tha mạng cho người thanh niên này.

Trường quốc tế Trung Quốc mở cửa trở lại nhưng giáo viên, học sinh vẫn mắc kẹt ở nước ngoài

Các trường học quốc tế của Trung Quốc sẽ mở cửa trở lại trong tháng này nhưng sẽ thiếu vắng nhiều giáo viên và học sinh, theo Reuters.

Các trường học trên khắp thế giới đang chật vật với tình trạng gián đoạn, nhưng tình cảnh đối với các trường quốc tế ở Trung Quốc thì lại đặc biệt khó khăn khi hàng loạt nhân viên và học sinh rời khỏi nước này kể từ đợt nghỉ Tết Nguyên đán do đại dịch Covid-19 và nhiều người vẫn còn mắc kẹt ở nước ngoài do các hạn chế đi lại.

Có tới 40% giáo viên và sinh viên sắp đến ngày khai giảng năm học mới trong tháng này nhưng hiện vẫn đang ở nước ngoài, theo Hiệp hội các Trường quốc tế Trung Quốc và Mông Cổ (ACAMIS) – đại diện cho 58 trường quốc tế với phần lớn là công dân nước ngoài.

Các nhà chức trách đã bắt đầu xử lý đơn xin thị thực cho nhân viên nước ngoài tại Trung Quốc, nhưng bay vào Trung Quốc cũng không dễ dàng do số lượng các chuyến bay quốc tế có giới hạn. Một số người nước ngoài bao gồm cả giáo viên cũng bị từ chối đơn xin thị thực, mặc dù lý do đằng sau việc từ chối và tỷ lệ thị thực bị từ chối không rõ ràng.

Quân đội Lebanon phát hiện thêm 4,3 tấn chất nổ bên ngoài cảng Beirut sau vụ nổ lớn hồi tháng trước

Quân đội Lebanon hôm thứ Năm (3/9) cho biết họ đã phát hiện 4,35 tấn amoni nitrat gần lối vào cảng Beirut, nơi xảy ra một vụ nổ lớn hồi tháng trước do một kho dự trữ lớn các loại hóa chất dễ phát nổ bén lửa, theo Reuters.

Hãng thông tấn Iran NNA đã dẫn một tuyên bố của quân đội cho biết các hóa chất được tìm thấy bên ngoài lối vào số 9 của cảng.

Vụ nổ thảm khốc ngày 4/8 đã xé toạc thành phố, khiến khoảng 190 người thiệt mạng. Giới chức trách cho biết nguyên nhân là do khoảng 2.750 tấn amoni nitrat được lưu kho trong điều kiện không an toàn ở cảng trong nhiều năm. Vụ nổ đã phá hủy toàn bộ khu dân cư, thổi bay nhiều tòa nhà và khiến 6.000 người bị thương.

Related posts