Quan hệ với Do Thái: Các quốc gia Hồi giáo khác đang cân nhắc học theo UAE

Các quan chức Hoa Kỳ và Israel trên chuyến bay lịch sử từ Israel đến UAE để chính thức hóa thỏa thuận bình thường hóa quan hệ giữa hai quốc gia này (ảnh: Reuters / Christopher Pike).

Theo FoxNews, đầu tuần này, một chiếc máy bay của Israel mang theo dòng chữ “Hòa bình” ở bên ngoài buồng lái đã bay từ Tel Aviv đến Abu Dhabi, mang tính biểu tượng cho thỏa thuận ngoại giao có tính bước ngoặt giữa nhà nước Do Thái và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất.

Chuyến bay El Al – chở các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ và Israel, bao gồm cố vấn cấp cao của Tổng thống Trump và con rể Jared Kushner. Đây là chuyến bay chở khách thương mại trực tiếp đầu tiên giữa hai nước vốn đã từng có nhiều xung đột này.

Thỏa thuận ngày 13/8 được cho là sẽ thúc đẩy các quốc gia khác học theo Các tiểu vương quốc Ả Rập khi chính thức bắt tay với một quốc gia mà nhiều người thậm chí còn không nhận ra trên bản đồ, phá vỡ thông lệ kéo dài hàng thập niên khiến nhiều quốc gia đạo Hồi và Ả Rập từ chối thiết lập quan hệ với Israel.

Quốc gia nào tiếp theo có khả năng tiến đến quan hệ với Israel?

Nội các Bahrain đã tán dương thỏa thuận, hơn nữa, thủ tướng Bahrain được cho là đã nói chuyện với người đứng đầu cơ quan phản gián của Israel vào giữa tháng 8, mặc dù Bahrain đã phủ nhận. Chế độ quân chủ lập hiến nhỏ bé liên kết chặt chẽ với UAE này cũng coi Iran là một mối đe dọa hiện hữu trong khu vực. Các tín hiệu ấm lên khác bao gồm việc tổ chức cuộc gặp gỡ năm ngoái giữa Trưởng Giáo sĩ Jerusalem Shlomo Amar với Vua Hamad bin Isa al-Khalifa, và sự kiện người Bahrain thi đấu trong một cuộc đua xe đạp vào tháng 5/2018 – cùng với những người UAE – tổ chức tại Israel.

Nhưng cho đến nay, chưa có tuyên bố chính thức nào liên quan đến các liên lạc giữa Israel-Bahrain được đưa ra.

Các chuyên gia phân tích cũng hướng về Oman, quốc gia đã nhanh chóng ca ngợi thỏa thuận và trong nhiều năm qua đã đóng vai trò là người đối thoại giữa Israel và các quốc gia Ả Rập.

Sudan cũng được coi là nước có khả năng đột phá, mặc dù thông điệp công khai của họ vẫn chưa rõ ràng. Lãnh đạo lâm thời của quốc gia Đông Phi này, Abdel Fattah al-Burhan, đã gặp Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tại Uganda vào tháng 2, báo hiệu rằng các cuộc đàm phán sớm để bình thường hóa quan hệ đã được khởi động.

Ngay sau khi thông báo của UAE được đưa ra, Sudan – hiện đang rơi vào tình trạng hỗn loạn và chuyển đổi sau khi lật đổ nhà cầm quyền lâu năm Omar al-Bashir vào tháng 4/2019 – tuyên bố họ cũng đang trong quá trình bình thường hóa quan hệ nhưng đã từ chối đưa ra thông cáo của mình trong bối cảnh phản ứng dữ dội của công chúng.

“Sudan, vốn từ lâu đã trở thành đơn độc trên thế giới do sự tài trợ cho tổ chức khủng bố Al Qaeda cũng như những vi phạm nhân quyền nghiêm trọng ở Darfur và các nơi khác, đang hy vọng đưa mình ra khỏi danh sách ‘nhà nước bảo trợ khủng bố’”, ông Raphael Marcus, thành viên nghiên cứu tại Khoa Nghiên cứu Chiến tranh, trường đại học King’s College London, giải thích. “Đã có những dấu hiệu cho thấy kể từ khi Omar al-Bashir sụp đổ, chính phủ mới của Sudan tin rằng vị thế của họ với Hoa Kỳ và trên toàn cầu sẽ được cải thiện nhờ quan hệ với Israel”.

Morocco cũng được liệt vào danh sách các quốc gia đang chuẩn bị cho một số bước tiến cải thiện quan hệ với Israel. Đất nước này có một cộng đồng Do Thái nhỏ, từng vượt qua con số 250.000 người vào giữa thế kỷ 20 nhưng đã giảm xuống chỉ còn 3.000 người.

Harley Lippman, một doanh nhân có trụ sở tại Miami, người từ lâu đã hợp tác với UAE trong việc tạo dựng mối quan hệ với Israel ở Washington, nói với Fox News rằng Israel và Morocco đã đàm phán trong nhiều năm và đôi khi đã tiến rất gần đến một thỏa thuận.

Ông phỏng đoán: “Bahrain có khả năng đạt được thỏa thuận gần nhất, tiếp theo là Oman và Sudan”. “Sudan là dễ dàng nhất, vì họ chỉ muốn các lệnh trừng phạt được dỡ bỏ và họ cần làm hòa với Israel như một bước để đạt được điều đó”.

Vấn đề Palestine không còn là mối quan tâm chính? Iran đáng lo ngại hơn?

Các quốc gia Ả Rập theo truyền thống từ chối quan hệ ngoại giao chính thức với Israel, khi mà xung đột giữa Israel và Palestine vẫn chưa được giải quyết.

Nhưng hiện tại nhiều quốc gia Ả Rập vùng Vịnh có quan điểm chung cho rằng thù hằn với Iran đã trở thành một nguyên nhân nổi bật gây lo ngại về an ninh quốc gia hơn là hoàn cảnh của người Palestine.

Đi đầu trong cuộc chiến đó là Saudi Arabia. Thái tử và người cai trị trên thực tế của Vương quốc Mohammad bin Salman vào năm 2018 ám chỉ rằng các mối quan hệ trực tiếp với Israel có thể cùng có lợi, và hai nước được cho là đã hợp tác để chống lại Tehran (Iran) một cách lặng lẽ và bí mật.

Mặc dù quan hệ tan băng trong những năm gần đây, Saudi vẫn công khai khẳng định rằng các quan hệ ngoại giao là chưa sẵn sàng – tuy nhiên, hôm thứ Tư, Riyadh tuyên bố rằng họ sẽ cho phép các chuyến bay giữa Israel và UAE sử dụng không phận của mình.

John Glaser, giám đốc nghiên cứu chính sách đối ngoại tại Viện CATO cho biết: “Nhìn chung, đây được coi là một dấu hiệu cho thấy sự coi trọng ‘vấn đề Palestine’ trong các nước Ả Rập đang dần suy giảm”. “UAE hy vọng nhận được tín nhiệm vì quan tâm đến số phận của người Palestine, nhưng vì thỏa thuận này chỉ tạm thời dừng kế hoạch thôn tính Israel, [do đó] người Palestine đã chỉ trích gay gắt UAE vì đã ‘phản bội’ họ”.

Để vượt qua thành tích trong những tuần gần đây, tất cả mọi người từ Tổng thống Trump và Kushner, đến cố vấn an ninh quốc gia Robert O’Brien và đương kim thủ tướng Israel Netanyahu, đã ủng hộ các quốc gia Ả Rập và Hồi giáo khác đang trên con đường – hoặc sẽ sớm – thiết lập các liên minh với Israel. Một điểm tiếp thị mạnh mẽ khác nằm ở những gì có được về mặt kinh tế.

Các quốc gia khác có thể sẽ tìm cách phân tích lợi ích của UAE trước khi thực hiện các bước chốt tiếp theo của riêng họ. Ngay cả trước khi thỏa thuận Israel-UAE được ký kết, các nhà đầu tư hai bên đã nhanh chóng tìm hiểu và chuẩn bị cho các cơ hội mới, từ tài chính, du lịch đến hàng không và y tế.

Theo Hollie McKay, Fox News
Hương Thảo biên dịch

Related posts