Học giả: Cộng hòa Séc đã cho châu Âu bài học đối phó với Bắc Kinh như thế nào

Vũ Dương

Phó Tổng thống Đài Loan Lại Thanh Đức và Chủ tịch Thượng viện Séc Miloš Vystrčil cùng tham dự bữa tiệc tối tri ân phái đoàn Cộng hòa Séc vào tối ngày 3/9. (Ảnh: Phủ Tổng thống)

“Cộng hòa Séc đã thức tỉnh, các nước châu Âu khác đến bao giờ mới chịu thức tỉnh đây?”.

Chủ tịch Thượng viện Séc Miloš Vystrčil dẫn đầu phái đoàn gồm 89 thành viên đã có chuyến công du Đài Loan kéo dài 5 ngày từ hôm thứ Hai (31/8) bất chấp những lời đe dọa và uy hiếp của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Một bài bình luận được đăng trên tờ Washington Post cho biết, Cộng hòa Séc (CH Séc) đã nhìn thấu bản chất thật sự của ĐCSTQ, và thái độ đối với ĐCSTQ của họ cũng đã chuyển đổi từ lợi ích kinh tế sang định hướng dựa trên các giá trị đạo đức, điều này đã để lại cho các nước châu Âu khác một bài học sâu sắc.

Theo báo cáo của Hãng thông tấn Trung ương (CNA), Chủ tịch Thượng viện Séc Miloš Vystrčil đã dẫn đầu phái đoàn gồm 89 thành viên trong chuyến công du đến Đài Loan. Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị khi đó đang có chuyến viếng thăm châu Âu đã công khai đe dọa sẽ khiến ông Miloš Vystrčil “phải trả giá đắt cho hành vi thiển cận và đầu cơ chính trị” của mình. Những lời này của ông Vương Nghị ngay lập tức đã vấp phải chỉ trích mạnh mẽ từ các nước Slovakia, Đức, Pháp, Liên minh châu Âu và Mỹ.

Dalibor Roháč, một học giả tại Viện Doanh nghiệp Hoa Kỳ (American Enterprise Institute), một Viện nghiên cứu ở Washington từng làm việc trong văn phòng Tổng thống Cộng hòa Séc, hôm qua (4/9) trong bài viết có tiêu đề “Làm thế nào để đối phó với ĐCSTQ? Cộng hòa Séc đã cho châu Âu một bài học” được đăng trên “The Washington Post” chia sẻ kinh nghiệm đi lại với ĐCSTQ của CH Séc trong quá khứ.

Ông Dalibor Roháč chỉ ra rằng mối quan hệ giữa Trung Quốc và CH Séc đã có những thay đổi lớn trong vài thập kỷ qua. Tổng thống đương nhiệm của Cộng hòa Séc, Milos Zeman, đã tới thăm Trung Quốc 5 lần trong nhiệm kỳ của mình. Khi lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình có chuyến thăm Praha – thủ đô của CH Séc vào tháng 3/2016, Tổng thống Milos Zeman cũng đã có buổi đón tiếp long trọng với tiêu chuẩn cao nhất trong lịch sử từ trước đến nay.

Ông Dalibor Roháč nói rằng lập trường đối với ĐCSTQ của Tổng thống đương nhiệm Milos Zemen so với ông Vaclav Havel – cố Tổng thống đầu tiên của CH Séc, qua đời vào năm 2011 quả thật khác nhau một trời một vực. Cố Tổng thống Vaclav Havel thường hào phóng thể hiện tình hữu nghị của mình với nhà lãnh đạo tinh thần Tây Tạng Đức Đạt Lai Lạt Ma, khiến các quan chức ĐCSTQ không khỏi tức giận.

Tại Cộng hòa Séc, các nhân sĩ phản đối ĐCSTQ trước đây thường điểm danh các hồ sơ nhân quyền tồi tệ của ĐCSTQ, nhưng họ bị các nhân sĩ phe chủ nghĩa thực dụng chỉ trích là quá ngây thơ. Những người theo chủ nghĩa thực dụng của CH Séc tin rằng phong thái đạo đức cao thượng không nên thành trở ngại cho sự phát triển thương mại song phương và nguồn đầu tư của Trung Quốc. Ông Diệp Giản Minh (Ye Jianming) – chủ tịch tập đoàn CEFC (China Energy Company Limited), một tập đoàn tài chính và năng lượng nằm trong danh sách Fortune 500 toàn cầu, thậm chí còn được bổ nhiệm làm cố vấn kinh tế của Tổng thống Milos Zeman.

Dù vậy, những cơ hội kinh doanh béo bở mà ĐCSTQ hứa hẹn chưa bao giờ trở thành hiện thực. Mặc dù tập đoàn CEFC đã đầu tư vào các câu lạc bộ bóng đá và nhà máy sản xuất bia ở Séc với số lượng lớn, nhưng chỉ riêng số tiền mà các công ty Đài Loan đầu tư vào lĩnh vực sản xuất của CH Séc đã cao gấp 14 lần của ĐCSTQ.

Ông Dalibor Roháč mỉa mai rằng bên ngây thơ không phải là những người tuân theo cố Tổng thống Vaclav Havel lấy tiêu chuẩn đạo đức làm cốt lõi để đối phó với ĐCSTQ, mà là những kẻ mù quáng tin vào lời hứa của ĐCSTQ.

Ông Dalibor Roháč nói rằng sau khi ông Diệp Giản Minh mất quyền lực trong ĐCSTQ vào năm 2018, đồng thời cũng đã làm suy yếu mạng lưới lợi ích thương mại bên người Tổng thống Zeman. 

Người dân CH Séc cũng chỉ trích ĐCSTQ. Các cuộc thăm dò dân ý có liên quan cho thấy thiện cảm mà người dân CH Séc dành cho ĐCSTQ còn thấp hơn so với Nga, trong đó 71% người dân lên án hành vi che giấu dịch bệnh của Bắc Kinh, dẫn đến sự lây lan của dịch viêm phổi Vũ Hán.

Cuối cùng, ông Dalibor Roháč chỉ ra rằng kinh nghiệm của CH Séc chứng minh rằng cái giá của việc lấy các giá trị quy phạm của đạo đức làm nền tảng đối phó với ĐCSTQ rẻ hơn rất nhiều so với việc cứ lưỡng lự mãi giữa “đối tác” và “đối thủ cạnh tranh của thể chế” của các nước châu Âu khác. “Cộng hòa Séc đã thức tỉnh, các nước châu Âu khác đến bao giờ mới chịu thức tỉnh đây?”.

Theo Zhong Yuan, Epochtimes
Vũ Dương biên dịch

Related posts