Đập Trung Quốc – Pakistan đe dọa nhấn chìm hàng nghìn di tích Phật giáo cổ đại

  • Venus Upadhayay

Pakistan và Trung Quốc gần đây đã ký hiệp ước trị giá 14 tỷ đôla để xây một con đập có thể đe dọa nhấn chìm hơn 50.000 di tích Phật giáo cổ trong khu vực tranh chấp Gilgit-Baltistan.

Hình khắc trên đá dọc đường Karakoram gần Chilas ở quận Diamer, Gilgit-Baltistan (Ảnh: Wikipedia)

 Bị trì hoãn nhiều lần, con đập Diamer-Bhasha đã được Thủ tướng Pakistan Imran Khan khánh thành lần thứ tư hôm 15/7 sau một thỏa thuận được ký hồi tháng Năm giữa Công ty Điện lực của nhà nước Trung Quốc và Tổ chức công trình biên giới của quân đội Pakistan.

“Nó sẽ nhấn chìm hơn 100km mặt đất dọc theo đường cao tốc Karakoram. Nó cũng sẽ nhấn chìm nhiều khối đá và tảng đá làm nền cho nhiều bức chạm khắc nghệ thuật quý giá từ thời đại Sogdian, Scythian và Tây Tạng,” Senge Sering, giám đốc viện nghiên cứu Gilgit-Baltistan có trụ sở ở Washington, nói với Epoch Times.

Burzine Waghmar, một nhà ngữ văn tại Trung tâm nghiên cứu Iran, Đại học SOAS tại London đã định nghĩa thuật khắc đá của Gilgit-Baltistan như một “phòng trưng bày nghệ thuật đá sống.”

“Hơn 50.000 bản khắc đá và 5.000 câu khắc đá bằng các ngôn ngữ Sinitic, ‘Semitics Indic, và Iran (Hebrew, Sogdian, Bactrian, Parthian, Sanskrit, Tây Tạng của Trung Quốc) thuộc mười hệ thống chữ viết (Brahmi, Kharoshthi, Sogdian, Trung Quốc v.v) được phát hiện sau khi con đường cao tốc Karakoram thông xe năm 1978,” ông Waghman nói trong một thư điện tử gửi cho Epoch Times.

“Vẫn có thêm các di chỉ mới tiếp tục được phát hiện thời gian gần đây cho tới khi công việc nghiên cứu bị dừng vì các hoạt động khủng bố ở trong và xung quanh Chilas,” ông nói thêm.

Gilgit-Baltistan nằm tại vùng cao châu Á được Ấn Độ tuyên bố là một phần của lãnh thổ Jammu và Kashmir hợp nhất. Khu vực này hiện do Pakistan cai quản, tuyên bố đó là phần lãnh thổ tranh chấp. Ấn Độ và Pakistan đã bốn lần giao tranh tại khu vực này.

Trung Quốc và Pakistan cũng đang xây dựng hành lang kinh tế Pakistan- Trung Quốc qua Gilgit-Baltistan như một phần của Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc. 

Adnan Aamir, một nhà báo độc lập ở Pakistan nói với Epoch Times rằng sự đe dọa đối với các di tích là một mối lo ngại với những người bản xứ vùng Gilgit-Baltistan nhưng nó lại không phải là vấn đề lớn trên truyền thông ở Pakistan. 

“Không một chút nào. Trên các phương tiện truyền thông ở Pakistan hầu như không đề cập đến vấn đề này. Người ta khó có  tìm thấy một tin bài về điều này trên một tờ báo hay kênh truyền hình quốc gia. Nó hoàn toàn nằm ngoài sự chú ý của truyền thông,” ông nói. 

Một hãng truyền thông địa phương ít được biết đến, Pamir Times, cáo cáo rằng con đập sẽ nhấn chìm 95 di chỉ khảo cổ, bao gồm 75 tổ hợp nghệ thuật khắc đá. 

Tầm quan trọng lịch sử của Gilgit-Baltistan

Câu chuyện về những di tích ở Gilgit-Baltistan là câu chuyện về việc truyền bá đạo Phật dọc theo con đường Tơ lụa cổ xưa. 

“Tầm quan trọng mang tính lịch sử của Gilgit-Baltistan là ở vị trí của nó trên các tuyến đường cổ rẽ nhánh ra từ con đường Tơ lụa nổi tiếng. Di sản nghệ thuật đá độc đáo này nằm trên tuyến đường cũ giữa vùng đồng bằng Indus thấp hơn của dãy Karakoram và Trung Á,” ông Waghmar nói.

“Được khắc sâu vào những sườn đá và đá tảng của hẻm núi Indus, kéo dài khoảng 100km dọc theo cả hai bờ sông Indus, đây thực sự là bộ sưu tập hình ảnh và chữ khắc đá lớn nhất từ thiên niên kỷ thứ tám trước Công nguyên tới ‘Kỷ nguyên vàng của Phật giáo’ và thậm chí tận đến khi Hồi giáo xuất hiện vào thế kỷ thứ mười sáu,” ông bổ sung.

Phật giáo truyền tới vùng này 300 năm sau khi Phật Thích Ca Mâu Ni, được biết đến là đức Phật Gautama, nhập Niết Bàn.  

Ông Waghmar nói nhiều bản chữ đã được khắc hình trên tường bởi những người hành hương và thương nhân đi ngang và tạo thành một “cuốn sách của du khách.” 

Một nhóm công khai của người Pakistan trên Facebook với tên gọi “Hãy cứu những di tích Phật giáo được phát hiện ở công trường đập thuỷ điện Diamer-Bhasha” đã từ lâu kêu gọi công đồng toàn cầu giúp đỡ bảo tồn các di tích.

Nhóm này cho biết Phòng khảo cổ vùng miền bắc Pakistan đã xác định sự hiện diện của các di tích tại địa điểm xây dựng đập, và chúng cần được quan tâm ngay lập tức.

“Gần 37.116 bản khắc đá, gồm 3.618 bản khắc chữ trên 5.928 hòn đá (tại 95 khu khai quật) sẽ bị nhấn chìm vĩnh viễn nếu con đập Bhasha hoàn thành. Một số sẽ bị chìm vĩnh viễn, còn số kia được cho là có thể nhìn thấy một phần theo mùa,” ông Waghmar cho biết.

Ông Sering nói bất cứ thiệt hại nào đối với di tích cũng có nghĩa là tấn công vào bản sắc của người dân địa phương.

“Người dân địa phương ở những nơi như Manthal, Skard, đã gom góp tiền để xây dựng tường bảo vệ quanh một tảng đá lớn có khắc hình đức Phật. Những người địa phương tiếp tục yêu cầu chính phủ gây quỹ để bảo vệ di sản phi Hồi giáo này vì họ rất tự hào về mối quan hệ văn hoá và ngôn ngữ với Ladakh và Tây Tạng,” ông Sering bổ sung thêm.

Ông Aamir cho rằng xã hội dân sự tại Gilgit-Baltistan đang kêu gọi bảo tồn các di tích, nhưng không nhận được sự ủng hộ từ những người Pakistan  khác.

Tượng Phật khắc vào đá ở Skardu, Gilgit (Ảnh: Wikimedia)

Các nhà chính trị với di tích

Vị trí địa chính trị của các di tích,  tình trạng tranh chấp tại các khu vực lớn hơn và tình hình chính trị và kinh tế gần đây tại Pakistan đã gây khó khăn cho việc  bảo tồn di tích. 

“Tại Pakistan các con đập là một vấn đề rất dễ gây tổn thương. Pakistan cần chúng để trữ nước và phát điện. Việc lựa chọn con đập Diamer-Bhasha được đưa ra sau rất nhiều bất đồng về vị trí những con đập khác. Vì thế, có một sự đồng thuận quốc gia nhằm xây dựng con đập này bằng mọi giá,” ông Aamir nói.

“Tôi sợ rằng bất cứ ai vận động tích cực để bảo tồn những di tích này sẽ bị gán cho là kẻ phản bội đất nước, muốn phá hoại việc xây dựng con đập này.”

Ông Sering thúc giục cộng đồng quốc tế bảo tồn các di tích, và cho biết không thể trông cậy chính phủ Pakistan sẽ làm điều đó. 

“Islamabad không có khả năng tài chính để điều hành công việc hàng ngày ở Gilgit-Baltistan. Pakistan đã từ bỏ dự án trường cao đẳng y khoa đầu tiên ở Gilgit-Baltistan vì thiếu vốn. Vì thế, mong đợi Pakistan tạo thêm được ngân sách để bảo tồn văn hoá địa phương là  điều vọng tưởng,” ông nói.

Venus Upadhayaya/The Epoch Times

Ngân Hà dịch và biên tập

Related posts