Đại Nghĩa
Những ngày qua, Đài Loan nổi lên như một điểm gây chú ý hàng đầu của thời sự thế giới. Diễn biến tại Đài Loan đang phản ánh sinh động cuộc xung đột Mỹ – Trung, mà thực chất là cuộc xung đột giữa thế giới tự do tiến bộ và chính quyền Trung Quốc ngông cuồng.
Sơ lược lịch sử từ 1949 – 2020
Trung Hoa Dân Quốc là chính thể tại Trung Quốc đại lục do lãnh tụ Tôn Trung Sơn thành lập. Sau cuộc kháng chiến chống phát xít Nhật thành công năm 1945, đến năm 1949 lại bị đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) cướp mất quyền lực tại Trung Quốc đại lục.
Chính quyền Trung Hoa Dân Quốc rời đến Đài Loan, nhưng vẫn chủ trương phục quốc. Từ cuối những năm 1980 bắt đầu quá trình cải cách chính trị, dẫn đến bầu cử dân chủ năm 1996. Từ đó đến nay hai chính đảng lớn là Quốc dân đảng (KMT) và Dân tiến đảng (DPP) thay nhau nắm quyền.
Trong mối quan hệ hai bờ eo biển, Đài Loan và Trung Quốc đại lục, có tồn tại một thỏa thuận ngầm là “Đồng thuận 1992”. Đại ý rằng mỗi bên đều tự mình hiểu rằng chính thể của mình đại diện cho toàn Trung Quốc, bao gồm cả đại lục và Đài Loan cùng các lãnh thổ như Hồng Kông, Macao.
Ngày nay, chính quyền ĐCSTQ với lợi thế áp đảo về nhiều mặt đã lấn lướt gần như hoàn toàn chính quyền Đài Loan trong các quan hệ quốc tế chính thức. Chủ trương rõ ràng của ĐCSTQ là thống nhất Đài Loan theo hình thức một quốc gia hai chế độ như áp dụng với Hồng Kông. Trong khi đảng DPP của tổng thống Thái Anh Văn lại chủ trương tự chủ và không công nhận “Đồng thuận 1992”.
Trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ cuối năm 2018, ĐCSTQ đã tác động vào tâm lý người Đài Loan bằng cách chi phối truyền thông, dẫn đến thất bại nặng nề của đảng DPP.
Tuy nhiên đầu năm 2019, tổng bí thư ĐCSTQ Tập Cận Bình đã phát biểu đe dọa thu hồi Đài Loan bằng vũ lực. Tiếp theo đó, chính quyền đại lục hậu thuẫn Hồng Kông đàn áp mạnh phong trào tự do dân chủ, khiến thái độ của cử tri Đài Loan xoay chuyển 180 độ.
Đảng KMT thân Trung Quốc thất bại nặng nề trong cuộc bầu cử đầu năm 2020, khiến tổng thống Thái Anh Văn tiếp tục chủ trương tự chủ một cách mạnh mẽ. Nhưng chuyển biến tác động lớn nhất đến Đài Loan là sự xoay chuyển quan điểm của chính phủ Hoa Kỳ Donald Trump.
Biến chuyển ngày càng nhanh
Sau loạt bài phát biểu của 4 quan chức Mỹ vào cuối tháng 07/2020, lần đầu tiên sau hơn 40 năm đã có một quan chức cấp bộ trưởng tới thăm chính thức Đài Loan. Các phát biểu của Bộ trưởng Y tế Mỹ thay mặt cho tổng thống Donald Trump ghi nhận vai trò của Đài Loan, đã bắt đầu cho một quá trình tái chính thức hóa vai trò của quốc đảo này trên trường quốc tế.
Phản ứng từ chính quyền Trung Quốc nhìn chung không có gì quá đặc biệt ngoài phát ngôn phản đối, điều chiến cơ bay trên vùng trời eo biển và thông báo tập trận. Nhưng động thái từ hai phía Mỹ – Đài Loan không dừng lại ở đó.
Trả lời câu hỏi của kênh Fox News ngày 26/08, tổng thống Mỹ Donald Trump nói, “Trung Quốc biết tôi sẽ làm gì nếu họ tấn công Đài Loan”. Tiếp theo, ngày 31/08 Viện Hoa Kỳ tại Đài Loan (thực chất là đại sứ quán Mỹ) công bố tài liệu mật từ thời Ronald Reagan về “6 đảm bảo” nếu Trung Quốc tấn công. Về thương mại, tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn đã chủ động dỡ bỏ lệnh cấm nhập thịt heo, bò của Mỹ. Đây được coi là rào cản lớn khiến cho đàm phán thương mại hai bên bế tắc nhiều năm. Hai bên cũng thông báo về dự kiến chuyến thăm của thứ trưởng ngoại giao Mỹ Keith Krach tới Đài Loan.
Tiến trình đi đến một thỏa thuận thương mại song phương Mỹ – Đài sẽ là một bước tiến lớn để Đài Loan giảm liên hệ với Trung Quốc đại lục. Hiện cả Mỹ và Đài Loan đều có động lực mạnh mẽ để nhanh chóng đi đến thỏa thuận này.
Tiếp sau chuyến thăm lịch sử của Bộ trưởng Y tế Mỹ, Đài Loan có thêm vị khách đặc biệt từ châu Âu, đó là chủ tịch Thượng viện Séc Milos Vystrcil. Nhưng phần kịch tính nhất lại bắt đầu từ phản ứng từ ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị khi tuyên bố: “Chúng tôi sẽ bắt ông ta trả giá đắt cho hành vi thiển cận và chủ nghĩa cơ hội chính trị của mình”.
Không những ngoại trưởng Séc tuyên bố sẽ triệu tập đại sứ Trung Quốc yêu cầu giải thích vì thái độ đi quá giới hạn của Vương Nghị, mà các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) cũng đồng loạt lên tiếng ủng hộ chủ tịch Thượng viện Séc. Do vậy, chính quan chức Trung Quốc đã vô tình thúc đẩy sự ủng hộ và chú ý của EU đối với Đài Loan.
Tổng thống Slovakia Zuzana Caputova cho biết trên Twitter: “Các mối đe dọa nhắm thẳng vào một trong những thành viên EU là mâu thuẫn với bản chất của mối quan hệ đối tác của chúng tôi và như vậy là không thể chấp nhận được”. Bộ ngoại giao Đức, Pháp… cũng thể hiện quan điểm ngay trong chuyến thăm của Vương Nghị.
Ngày 05/09, Nikkei Asian Review cho biết ngày 04/09 Viện Hoa Kỳ tại Đài Loan đã tổ chức Diễn đàn “Tái cấu trúc chuỗi cung ứng thúc đẩy khả năng phục hồi giữa các đối tác có cùng ý tưởng”. Trong đó có đại diện Liên minh châu Âu, Nhật Bản và trực tiếp chủ tịch Thượng viện Séc cũng tham dự.
Diễn biến bên trong Đài Loan
Sau thất bại trong cuộc bầu cử tổng thống Đài Loan, ứng viên Hàn Quốc Du của đảng KMT thân Trung Quốc lại tiếp tục bị cử tri thành phố Cao Hùng bãi miễn chức thị trưởng. Sự nếm trải của người Đài Loan trong hàng chục năm qua, giờ đây khiến quan điểm thân Trung Quốc của KMT ngày càng ít có cơ hội trên chính trường.
Động thái gây chú ý nhất cuối tháng 8 của đảng KMT là cựu tổng thống Mã Anh Cửu đã cáo buộc tổng thống Thái Anh Văn “đứng về phía Mỹ chống lại Trung Quốc và biến mối quan hệ căng thẳng xuyên eo biển thành một cuộc khủng hoảng”.
Tổng thống Thái Anh Văn đáp lại bằng tuyên bố mạnh mẽ: “Những người được nhân dân giao phó vị trí lãnh đạo của đất nước không thể ảo tưởng rằng, cúi đầu trước vấn đề chủ quyền và im lặng về giá trị dân chủ sẽ mang lại hòa bình”.
Để hạn chế Trung Quốc chi phối nền kinh tế, trong tháng 8 chính phủ Đài Loan đã cấm công ty nước ngoài đầu tư vào Đài Loan nếu có góp vốn của quan chức, chính quyền hoặc quân đội Trung Quốc.
Bà Thái Anh Văn cũng xúc tiến áp dụng Đạo luật chống xâm nhập và Luật an ninh quốc gia, để truy quét đặc vụ mà chính quyền Trung Quốc đưa vào dưới vỏ bọc của Mặt trận thống nhất, một cơ quan thuộc ĐCSTQ. Nhằm loại bỏ gián điệp đi theo làn sóng nhập cư từ Hồng Kông, chính phủ Đài Loan cũng cấm nhập cư đối với những người Hồng Kông có hộ chiếu Trung Quốc.
Chính quyền Trung Quốc có thể làm gì?
Có lẽ tổng bí thư Tập Cận Bình phải hối tiếc khi đe dọa Đài Loan quá sớm, nhất là việc chống lưng cho chính quyền Hồng Kông đàn áp phong trào tự do dân chủ năm 2019. Nếu cả hai việc đều “kiềm chế” đến sau cuộc bầu cử 2020, khi đảng KMT thân Bắc Kinh có thể đã chiếm được quyền bính, thì Trung Quốc giờ đây đã dễ dàng xoay sở tại Đài Loan.
Một Đài Loan dân chủ giờ đây được cả thế giới tiến bộ chú ý và ngưỡng mộ. Sự ủng hộ rộng khắp này cùng với cam kết bảo vệ của Mỹ, sẽ làm chính quyền Trung Quốc không dám động thủ quân sự.
Công luận Đài Loan cũng đã nếm trải tuyên truyền giả dối từ truyền thông đỏ thân Bắc Kinh, nên hướng tác động đó giờ đã hết thiêng. Mạng lưới đặc vụ khổng lồ từ Trung Quốc đang trực tiếp bị chính phủ Đài Loan truy quét.
Về kinh tế, vai trò của doanh nghiệp Đài Loan tại Trung Quốc là không nhỏ. Trong bối cảnh khó khăn bởi đại dịch, chính quyền Trung Quốc không thể quá mạo hiểm để gây khó dễ. Thậm chí việc Tập đoàn sản xuất chip hàng đầu thế giới TSMC của Đài Loan, còn đang góp phần khai tử “móng vuốt” của ĐCSTQ là Huawei khi tuân thủ lệnh cấm vận của Mỹ.
Với tình hình hiện tại, sự lựa chọn cho chính quyền Trung Quốc với Đài Loan rất hẹp. Nói lớn quá nhưng không làm được gì hay nói nhẹ quá thì cũng đều khiến chính quyền Trung Quốc bị mất mặt trước hơn 1 tỉ người Trung Quốc.
Diễn biến tiếp theo
Trong bài phát biểu lịch sử của ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo có đoạn: “Chúng ta đã gạt những người bạn Đài Loan sang bên lề, nhưng họ vẫn phát triển thành một nền dân chủ mạnh mẽ”. Giờ đây khi người Mỹ nhận ra sự thật phũ phàng về chế độ Trung Quốc, có thể nói họ đang chủ động nắm lấy tay người Đài Loan, nhằm khôi phục lại những gì người Đài Loan nên có.
Đài Loan vẫn luôn tỏ thái độ lịch sự và có văn hóa trước cộng đồng quốc tế, mặc dù những năm qua đã bị chèn ép một cách quá đáng từ chính quyền Trung Quốc. Bối cảnh tự do dân chủ, kết hợp với nền văn hóa truyền thống sâu sắc, đã giúp Đài Loan có mức độ phát triển về kinh tế, giáo dục, công nghệ… hàng đầu thế giới.
Có thể nói Đài Loan, nơi mà 95% dân số là người Hoa, thực chất mới là một hình ảnh đại diện cho một quốc gia mà người Trung Quốc nên có. Nhiều người thực sự đã nghĩ đến viễn cảnh, rằng nếu được tự do lựa chọn thì đa số người dân Trung Quốc đại lục sẽ lựa chọn mô hình Đài Loan.
Xét trên góc độ khác, Đài Loan đang là nơi biểu hiện sinh động của cuộc xung đột giữa thế giới tự do tiến bộ, đứng đầu là Mỹ với chính quyền Trung Quốc hung tàn. Diễn biến tiếp theo tại Đài Loan sẽ là chỉ báo, cũng là thể hiện cho sự lựa chọn của thế giới trong cuộc xung đột quan trọng nhất của thế giới ngày nay.