Lê Phú Khải
Những nhà nghiên cứu kịch trên thế giới đã định nghĩa: “Shakespeare là trái đất”! Vì ông đã huy động cả nhân loại thời đó … lên sân khấu. Từ ông vua đến anh hề, anh phu đào huyệt trong nghĩa địa đều được ông “điều” lên sân khấu, và, nhân vật của Shakespeare đã nói những câu bất hủ mà hơn bốn thế kỷ sau, loài người còn nhớ trong tâm khảm của mình.
Hãy nghe anh phu đào huyệt trong nghĩa địa “luận” về con người: Người ta nuôi béo gia súc để rồi ăn cho béo, ăn cho béo để rồi làm mồi cho ròi bọ, với chúng thì, ông vua béo và anh hành khất gầy chỉ là hai món ăn khác nhau trên cùng một bàn tiệc mà thôi!!! (Hamlet)
Hãy nghe một nhân vật trong bi kịch Hamlet nói với hoàng tử xứ Đan Mạch: Xin điện hạ hãy nán lại cái phút giây cực lạc để sống thêm ít phút nhọc nhằn trên cõi đời ô trọc này! Hãy nghe viên dũng tướng si tình Othello soi mình xuống giếng, và than về số phận người da đen của mình: Hay là da ta đen đủi, hay bóng đời ta đã ngã dài xuống thung lũng của thời gian! Hãy nghe lời một chú hề “luận” về tình yêu cho nhà vua nghe: Tình yêu có cái râu mềm mại của loài ốc sên và thính giác đa nghi của thằng kẻ trộm!!!
Shakespeare sống ở thời đại mà chế độ phong kiến đang suy tàn và chủ nghĩa tư bản đang ở giai đoạn tích lũy như Marx từng nhận xét: “Mỗi lỗ chân lông của nó đều thấm đẫm máu và nước mắt”! Nhân loại đã kinh ngạc về dự báo của Shakespeare về cơn giông tố của chủ nghĩa tư bản đang ập xuống đầu nhân loại. Hãy nghe một nhân vật của Shakespeare nói về sức mạnh của đồng tiền: Hãy mạ vàng tội lỗi đi, anh sẽ bẻ gãy lưỡi gươm của công lý. Thần công lý sẽ bẻ gãy gươm thiêng quỳ dưới chân anh! Shakespeare là đại diện cuối cùng và vĩ đại nhất của chủ nghĩa nhân văn trong trào lưu Văn nghệ Phục hưng thế kỷ 16-17 ở châu Âu.
Shakespeare là đỉnh cao của nghệ thuật sân khấu thế giới. Ông sinh ngày 23.4.1564 tại thành phố Stratford-upon-Avon, trong một gia đình thương gia. Và ông cũng mất đúng ngày 23.4 vào năm 1616. Sinh và chết cùng ngày.
Thưở nhỏ, ông học ở trường Ngữ pháp ở thành phố quê hương, một loại trường của phong trào chủ nghĩa nhân văn, không giảng dạy theo giáo dục Trung cổ. Sau nhiều năm, gia đình ông sa sút, ông phải thôi học để đi kiếm sống. Năm 1585 ông lên London, gia nhập một đoàn hát của hầu tước Storengio hoạt động dưới sự bảo trợ của Hoàng gia. Mới đầu, ông làm công việc giữ ngựa ở cửa rạp hát, rồi làm người nhắc vở… sau đó làm diễn viên. Lặn lội với sân khấu, nhưng thiên tài bẩm sinh đã khiến ông trở thành nhà viết kịch vĩ đại nhất của mọi thời đại. Sự nghiệp sáng tác của Shakespeare vô cùng đồ sộ với hài kịch, kịch lịch sử và đặc biệt là bi kịch. Trước những năm 1600 ông đã sáng tác trên 30 vở kịch và nhiều bài thơ, nhiều bản trường ca nổi tiếng. Về hài kịch, những vở như Giấc mộng đêm hè (1590), Người lái buôn thành Venice (1596), Đêm thứ 12 (1600)… đã trở thành kinh điển, mang tiếng cười vượt năm tháng, vượt thời gian…
Trong giai đoạn từ 1601 đến 1608, ông cho ra đời nhiều vở bi kịch bất hủ mà đến nay nhân loại còn bàng hoàng về thiên tài sáng tạo của ông. Đó là những bi thảm về cuộc đời con người, về tình yêu, về xung đột giữa ý chí và tình cảm và những quy tắc đạo đức. Tiêu biểu là những bi kịch tình yêu như Romeo và Juliet (1594), Othello (1604), bi kịch xã hội như Vua Lia (King Liar-1605), Macbeth (1606) và đặc biệt là Hamlet (1600). Hamlet được xem như vở bi kịch lớn nhất của mọi thời đại. Hoàng tử xứ Đan Mạch với câu hỏi “Tồn tại hay không tồn tại” đã trở thành câu hỏi lớn nhất của nhân loại trước một bi kịch, một sự lựa chọn sống còn cho phẩm giá con người, của lòng dũng cảm, của thất bại hay chiến thắng. Trong con mắt của nàng Ophelia, Hamlet là “cánh tay của trang hiệp sĩ, con mắt của nhà thông thái, miệng lưỡi của kẻ hào hoa”. Đó là con người khổng lồ của thời đại Phục hưng. Và chỉ có thời đại Phục hưng mới sản sinh ra những con người như thế.
Shakespeare là bực thầy của nghệ thuật viết kịch. Mỗi chữ, mỗi từ, mỗi câu trong kịch của ông đều mang kịch tính rất cao. Shakespeare đã huy động cả loài người lên sân khấu và mỗi nhân vật của ông đều nói tiếng nói riêng của họ. Ông vua nói giọng của ông vua, thằng hề nói giọng của thằng hề. Chúng ta hãy đọc lại câu đầu của vở Hamlet. Khi toán lính đổi gác, lại quát toán lính đang đứng gác: Ai đó?! Các nhà phân tích kịch đã phân tích rằng: Vì triều đình nước Đan Mạch đang hoang mang, cả kinh thành đang hoảng loạn về bóng ma của tiên đế hiện về, nên đáng lý ra, toán lính đang canh gác phải quát “Ai đó?”, thì toán lính lên sân thượng đổi gác lại quát đám lính đang gác “Ai đó?”! Vì thế nhiều quốc gia đã có khoa “Shakespeare học” để chuyên nghiên cứu về kịch của Shakespeare. Các hãng phim lớn trên thế giới đều đã dựng phim từ các vở kịch của Shakespeare và xem đó là cách “thử sức” về nền điện ảnh của nước mình. Ở Việt Nam, kịch của Shakespeare được đưa vào giảng dạy ở các trường đại học Văn khoa ở cả hai miền trước năm 1975.
Chưa bao giờ chúng ta thấy Shakespeare có ý nghĩa như lúc này. Chúng ta đang ở giao thời như thời đại của Shakespeare. Khi mà chủ nghĩa xã hội đang tan rã và xã hội dân chủ chưa hình thành. Các nhóm lợi ích đang chia chác, tàn phá đất nước, tham nhũng tràn lan, đạo đức xã hội xuống cấp thê thảm, cái gì cũng có thể mua được bằng tiền thì tội phạm đang ra sức “mạ vàng tội lỗi” và đang “bẻ gãy lưỡi gươm của công lý”! Shakespeare vẫn còn nguyên ý nghĩa. Khi mà kẻ thù truyền kiếp ở phương Bắc đang muốn ăn tươi nuốt sống biển Đông của chúng ta thì câu hỏi của Hamlet lại vang lên bên tai mỗi người Việt Nam yêu nước chúng ta: Tồn tại hay không tồn tại? (To be or not to be).
Sài Gòn, 2.9.2020
L.P.K.