Tencent Weibo – Mạng xã hội lớn của Trung Quốc sẽ ngưng hoạt động vào cuối tháng
Vũ Dương
Mới đây, tập đoàn công nghệ Tencent cho biết, Tencent Weibo – một trong những mạng xã hội lớn nhất Trung Quốc – sẽ ngưng hoạt động.
Hôm thứ Sáu (4/9), Tencent Weibo chính thức ra thông báo cho biết từ 23h59 ngày 28/9/2020, Tencent Weibo sẽ ngừng mọi dịch vụ và hoạt động, người dùng sẽ không thể đăng ký hay đăng nhập vào thời điểm đó.
Trang “Tin tức kinh tế mỗi ngày” (mrjjxw.com) cho hay, tập đoàn Tencent ra mắt Tencent Weibo vào ngày 1/4/2010. Vào ngày 5/2/2011, Tencent thông báo rằng người dùng Weibo của Tencent đã vượt quá 100 triệu người; vào tháng 7/2014, có tin tức chỉ ra rằng bộ phận Weibo của Tencent đã bị thu hồi. Tính đến thời điểm hiện tại, ở Trung Quốc ngoài Sina Weibo ra, Weibo của Sohu và NetEase cũng lần lượt rớt hạng.
Còn mạng xã hội WeChat của Tencent gần đây đã thay đổi tên tiếng Anh “WeChat Work” của phiên bản WeChat ở nước ngoài thành “WeCom”, hạn chế kết nối với WeChat nhằm trốn tránh lệnh cấm của Hoa Kỳ. Giới chức bên công ty WeChat đã không đưa ra bất kỳ thông báo nào, mà chỉ thực hiện điều chỉnh tương ứng trên các trang web và cửa hàng ứng dụng chính thức ở nước ngoài như Apple và Google.
Ngoài ra, trong tình huống Mỹ sắp đưa ra lệnh cấm WeChat, giá cổ phiếu của Tencent rớt xuống trầm trọng. Ngày 11/8, báo cáo cuối ngày của cổ phiếu Tencent giảm 4,83% tại Hồng Kông, đây là một đợt sụt giảm nữa của cổ phiếu Tencent trong hai ngày giao dịch. Sự sụt giảm trong hai ngày liên tiếp đã khiến giá trị thị trường của Tencent bốc hơi 66 tỷ USD.
Theo Xiao Lusheng, Epochtimes
Vũ Dương biên dịch
TQ: 265 sinh viên ở Cam Túc lây nhiễm virus noro
- Thiên Bình
Gần đây, khuôn viên trường tại Du Trung của Đại học Dân tộc Tây Bắc thuộc thành phố Lan Châu tỉnh Cam Túc, liên tiếp có sinh viên xuất hiện triệu chứng tiêu chảy, nôn mửa, sốt. Phía trường học cho biết có 265 sinh viên phát bệnh, nhưng số sinh viên tại trường này bị lây nhiễm có thể không chỉ dừng lại ở con số 265 người.
Tối ngày 4/9, Weibo chính thức của Đại học Dân tộc Tây Bắc tỉnh Cam Túc công bố “Thông báo liên quan đến tình hình một bộ phận sinh viên trong trường xuất hiện các triệu chứng tiêu chảy, nôn mửa.”, theo đó, từ ngày 2/9, trường này liên tiếp có sinh viên xuất hiện các triệu chứng như tiêu chảy, nôn mửa. Cơ quan chức năng đã điều tra thực địa và lấy mẫu xét nghiệm, đã xác định là do lây nhiễm virus noro (virus gây nôn mửa mùa đông). Đến 6 giờ tối ngày 4/9, trong trường đã có tổng cộng 265 sinh viên xuất hiện triệu chứng liên quan.
Về vấn đề này, nhiều sinh viên liên tiếp lên mạng xã hội bình luận đưa ra nghi ngờ về con số người bị lây nhiễm virus mà nhà trường thông báo. “Không chỉ là 265 người! Bệnh viện của trường đã rất bận rộn rồi!” “Bệnh viện của trường mỗi ngày có 265 người xếp hàng? Mỗi ngày có nhiều người đến bệnh viện đến thế mà đã có 214 người đã khỏe lại?”, “Đến ngày hôm qua (ngày 4/9), còn có bạn bị nôn, tiêu chảy, đến bệnh viện trường xếp hàng 3 tiếng đồng hồ, sao lại chỉ có 256 người?”, “Không chỉ 256 người, còn có người cố chịu đựng, không đến bệnh viện.”
Sinh viên trường này còn phản ánh, trường học đang quản lý khép kín, sinh viên chỉ có thể ăn uống ở trong nhà ăn của trường, không thể tiếp xúc với đồ ăn bên ngoài, dù vậy trong trường vẫn bùng phát lây nhiễm virus trên diện rộng.
“Không phải là rêu rao phong tỏa trường sao? Đề cho nhà ăn của trường kiếm bộn tiền sao?”, “Phong tỏa trường học. Không cho sinh viên ra ngoài ăn, nhưng đồ ăn đồ uống của họ lại không đảm bảo vệ sinh! Điều này hài hước làm sao! Hãy làm tốt an toàn thực phẩm được không?”, “Trong tình huống phong tỏa, ngày nào cũng ăn ở nhà ăn mà vẫn bị nhiễm vi khuẩn, thực sự kỳ lạ.”
Cũng có cư dân mạng các nơi cho biết, “Trong lúc dịch bệnh, làm sao đảm bảo an toàn thực phẩm cho sinh viên trong trường, vì sao trong thời gian 3 ngày ngắn ngủi lại xảy ra sự kiện này, tôi nghĩ không phải là ngẫu nhiên, mà rất có thể là do sự lơ là của cơ quan quản lý giám sát, hoặc là cơ chế hoạt động của nhà ăn cần được cải tiến!”, “Từ đây có thể thấy phòng dịch của trường, không những phòng chống virus corona mới, mà cả những virus lây nhiễm khác như virus noro cũng không thể lơ là. Phòng dịch trong nhà trường, chú trọng vệ sinh môi trường là quan trọng nhất.”, “Nếu nguyên nhân là do nhà ăn của trường, vậy thì thật buồn cười”.
Virus noro là loại virus có tính lây nhiễm, bất cứ ai tiếp xúc trực tiếp với người lây nhiễm hoặc gián tiếp chạm vào đồ vật dính virus thì đều có thể bị lây nhiễm. Sau khi tiếp xúc với virus, bệnh nhân sẽ phát bệnh trong 12 – 48 tiếng đồng hồ, người bệnh có triệu chứng nôn mửa, tiêu chảy.
Tháng Hai năm nay, một trường học ở Quảng Đông cũng xuất hiện lây nhiễm tập thể virus noro, tuy nhiên thông tin được chính quyền công bố lại không rõ ràng, không nói cụ thể thời gian, cũng không tiết lộ là trường học nào xảy ra lây nhiễm. Trong cả năm 2019, chỉ riêng tỉnh Quảng Đông từng xảy ra 46 sự kiện y tế cộng đồng từ cấp độ thông thường đến đột phát, số người phát bệnh lên đến 4420 người, và 8 người tử vong.
Thiên Bình
Đến lượt Đài Loan kêu gọi tẩy chay phim “Hoa Mộc Lan” có Lưu Diệc Phi
- Xuân Lan
Theo Taiwan News, người Đài Loan đang bày tỏ tình đoàn kết với các nhà hoạt động Hồng Kông trong việc kêu gọi tẩy chay bộ phim gây tranh cãi “Hoa Mộc Lan” (Mulan) của hãng Disney khi hai trong số các diễn viên chính của bộ phim đã công khai lên tiếng ủng hộ cuộc đàn áp tàn bạo của cảnh sát đối với những người biểu tình Hồng Kông.
Cuộc tranh cãi nổ ra từ tháng 8 năm 2019 khi nữ diễn viên Trung Quốc Lưu Diệc Phi, người đóng vai Hoa Mộc Lan trong bộ phim được làm lại từ phiên bản hoạt hình năm 1998, bày tỏ sự ủng hộ đối với cảnh sát Hồng Kông bất chấp nhiều hành vi tàn bạo của cảnh sát đã được phơi bày trong các cuộc biểu tình giai đoạn 2019-2020.
Nữ diễn viên đã đăng một thông điệp trên mạng xã hội Weibo, trong đó viết “Tôi cũng ủng hộ cảnh sát Hồng Kông. Có giỏi thì đánh tôi xem” bằng tiếng Quan Thoại, rồi viết thêm bằng tiếng Anh: “Thật là xấu hổ cho Hồng Kông.”
Bài đăng của diễn viên họ Lưu nhanh chóng gây ra phản ứng dữ dội ở Hồng Kông và trên toàn thế giới, với phong trào tẩy chay phim Mulan cùng hashtag #BoycottMulan lan trộng trên mạng xã hội. Ban đầu, bộ phim dự kiến công chiếu ở Mỹ vào tháng 3 năm nay, nhưng đã bị hoãn hai lần do dịch virus Vũ Hán.
Lưu Diệc Phi cũng khiến cư dân Đại lục không hài lòng sau đó khi tỏ ra không muốn thừa nhận danh tính Trung Quốc của mình bằng cách tự giới thiệu mình đơn giản là “người châu Á” trong một cuộc phỏng vấn tại thảm đỏ hôm 9/3.
Khi được yêu cầu giải thích ý nghĩa của sự “trung thành, dũng cảm và chân chính” trong nhân vật mình thủ vai, Lưu Diệc Phi nói rằng cô trung thành, dũng cảm và trung thực với gia đình và với bản thân: “[Tôi] rất tự hào là một người châu Á và chỉ biết rằng nếu chúng ta nghĩ về điều gì đó, chúng ta sẽ có cơ hội trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình”.
Chân Tử Đan, người đóng vai Tư lệnh Tung trong phim, cũng thu hút sự chỉ trích của công luận khi đăng một bình luận trên Facebook vào ngày 1/7 ca ngợi kỷ niệm 23 năm Hồng Kông trở về “đất mẹ Trung Quốc”. Nam diễn viên cũng bày tỏ sự vui mừng khi nhớ lại buổi biểu diễn cho Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình một ngày sau khi Luật An ninh Quốc gia gây tranh cãi được áp dụng đối với Hồng Kông, khiến Hashtag #BoycottMulan tiếp tục quay trở lại.
Bộ phim được công chiếu tại Đài Loan hôm 4/9 một cách khá lặng lẽ trong khi cư dân mạng Đài Loan tiếp tục đăng lại hashtag #BoycottMulan và #BanMulan trên mạng xã hội. Cùng ngày hôm đó, quản trị viên của nhóm Facebook WantMoreMoviesInTaichung đã đăng những bức ảnh minh họa mô tả Hoa Mộc Lan trong trang phục cảnh sát chống bạo động Hồng Kông nhuốm máu với tiêu đề “Kẻ sát nhân Hồng Kông.”
Người này sau đó viết, “Tôi nghĩ sẽ là một hiện tượng đáng giá khi khám phá các con số phòng vé ở Đài Loan.” Sau đó, anh ấy nói thêm “Chúng ta sẽ là quốc gia cuối cùng trên thế giới ủng hộ cảnh sát Hồng Kông.”
Bài đăng nhanh chóng nhận được 15.000 lượt thích, 7.500 lượt chia sẻ và 1.900 lượt bình luận, bao gồm một số bình luận:
“Tiêu dùng là một lựa chọn. Tôi chọn ủng hộ nền dân chủ ở Hồng Kông.”
“Agnes Chow là Hoa Mộc Lan duy nhất mà tôi thừa nhận.”
“Tôi sẽ không xem bộ phim ngay cả khi nó miễn phí.”
“Xin lỗi, Disney. Tôi chắc chắn sẽ không xem bộ này.”
“Tôi xin lỗi, tôi thực sự cần những thứ quan trọng như tự do, dân chủ và nhân quyền.”
“Chúng tôi ủng hộ [gọi] Lưu Diệc Phi là thuốc độc phòng vé.”
Cư dân mạng Đài Loan cũng chỉ ra rằng bộ phim đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi virus corona và sự thật trớ trêu là Lưu Diệc Phi sinh ra ở Vũ Hán, nguồn gốc của đại dịch toàn cầu.
Nhiều cư dân mạng Hồng Kông đã xúc động trước lời kêu gọi tẩy chay bộ phim của người dân Đài Loan:
“Cảm ơn các bạn Đài Loan. Cảm ơn các bạn đã phản đối bạo lực của cảnh sát”.
“Người Hồng Kông khẩn cầu bạn hãy suy nghĩ kỹ trước khi quyết định vào rạp …”
“Cảm ơn những người bạn Đài Loan đã thấu hiểu.”
Nhóm Facebook Light4HK ngày hôm đó cũng đăng những bức ảnh minh họa không mấy đẹp đẽ về Hoa Mộc Lan và bày tỏ tình đoàn kết giữa Hồng Kông và Đài Loan.
Xuân Lan (theo Taiwan News)
Quan hệ Mỹ – Trung: Cả trăm kênh liên lạc đã đóng băng
- Đoan Mộc San
Tháng trước, Tổng thống Mỹ Trump cho biết “trong một thời gian dài” ông đã không đối thoại với Trung Quốc, cũng không có hứng thú về chuyện này. Gần đây Truyền thông Mỹ chỉ ra quan hệ Mỹ – Trung đã giảm sút nghiêm trọng ở mọi cấp độ, đã đến mức đóng băng.
Ngày 4/9 Bloomberg dẫn tin từ chuyên gia về Trung Quốc là Arthur Kroeber cho biết hồi năm 2017 khi ông Trump mới nhậm chức thì hai nước Mỹ và Trung Quốc đã có khoảng 100 diễn đàn trao đổi chính thức, những diễn đàn này liên quan mọi lĩnh vực từ dược phẩm cho đến kỹ nghệ…
Giờ đây, các kênh liên lạc còn lại ít, điều đó có nghĩa là các quan chức cấp cao của hai bên đang mù tịt về hành động và ý định của nhau.
Một trong những khuôn khổ đối thoại quan trọng giữa Mỹ và Trung Quốc là “Ủy ban Liên hợp về Thương mại” (JCCT) do chính quyền ông Reagan thành lập năm 1983. Ủy ban này có 16 nhóm làm việc trực thuộc, chịu trách nhiệm liên kết các tổ chức khác nhau của hai nước và xúc tiến các cuộc hội đàm cấp cao về các chủ đề như kinh doanh, năng lượng, môi trường và nông nghiệp.
Tháng 4/2017, ông Tập Cận Bình thăm Mỹ và gặp ông Trump, hai bên đã thiết lập đối thoại kinh tế toàn diện, nhưng chính quyền Trung Quốc đã không thực hiện lời hứa. Cũng trong năm đó, chính quyền Tổng thống Trump đã chấm dứt JCCT và đồng thời chấm dứt Đối thoại Kinh tế và Chiến lược Mỹ-Trung (S&ED) do Bộ Tài chính và Chính phủ chủ trì, thay thế bằng “Đối thoại Kinh tế Toàn diện” (CED) với phạm vi hạn chế hơn nhưng thiết thực hơn. Từ năm 2018 hai nước bắt đầu cuộc chiến thương mại và xu thế dần nóng lên. Mặc dù vào đầu năm nay hai bên đã đạt được thỏa thuận thương mại giai đoạn đầu, nhưng mối quan hệ đã vào lúc tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ.
Mặt khác, ông Trump rất không hài lòng về xử lý dịch tắc trách của Bắc Kinh, hành vi che giấu dịch bệnh đã khiến virus viêm phổi Vũ Hán lây lan trên toàn cầu và làm cho Mỹ phải chịu thiệt hại nghiêm trọng nhất. Tính đến ngày 4/9, hơn 6,1 triệu người đã bị nhiễm viêm phổi Vũ Hán với hơn 187.000 người đã mất mạng, nền kinh tế Mỹ mà Trump tự hào đã bị ảnh hưởng nặng nề.
Ngoài ra, “ngoại giao mềm” phi chính phủ giữa hai nước cũng ngày càng giảm. Tháng Giêng năm nay Mỹ đã thông báo rằng họ sẽ ngừng gửi Quân Hòa bình (Peace Corps) cung cấp dịch vụ dạy tiếng Anh trong các khu học xá Trung Quốc. Vào tháng Bẩy năm nay, Mỹ tuyên bố ngừng chương trình trao đổi Fullbright giữa Trung Quốc đại lục và Hồng Kông. Đây là dự án trao đổi giáo dục, văn hóa và nghiên cứu quốc tế được thúc đẩy và tài trợ bởi chính phủ Mỹ.
John Pomfret, tác giả cuốn “Đất nước tươi đẹp và Vương quốc trung lưu” (Beautiful Country and the Middle Kingdom), cho rằng việc hủy bỏ các kênh kết nối liên lạc này không phải là nguyên nhân khiến quan hệ hai nước xấu đi mà là hệ quả của việc quan hệ hai nước xấu đi.
Ngày 14/5, trong trả lời phỏng vấn kênh Fox (Fox Broadcasting Company), ông Trump lần đầu cho biết: “Hiện nay tôi không muốn nói chuyện với ông ấy (Tập Cận Bình)”; “Tôi rất thất vọng về Trung Quốc”… Ông Trump chỉ ra rằng hồi tháng Giêng khi chính phủ Trung Quốc ký thỏa thuận thương mại thì đã biết rằng dịch viêm phổi Vũ Hán đã bùng phát.
Hôm 18/8, một lần nữa ông Trump tiết lộ với giới truyền thông rằng “đã rất lâu không trò chuyện với Tập Cận Bình”, và không có hứng thú làm như vậy. Ông Trump cũng cho biết ông đã ngừng đàm phán thương mại cấp cao giữa hai bên mà dự kiến tổ chức vào ngày 15/8: “Tôi không quan tâm đến đối thoại với Trung Quốc (ĐCSTQ)”.
Đoan Mộc San
Nhật Bản: Ông Suga làm thủ tướng sẽ là lựa chọn an toàn cho Bắc Kinh
- Ngân Hà
Theo các nhà quan sát, chánh văn phòng nội các Nhật Bản, ông Yoshihide Suga, sẽ là một lựa chọn an toàn cho mối quan hệ với Trung Quốc nếu ông được lựa chọn tiếp quản vị trí Thủ tướng của ông Shinzo Abe.
Hôm thứ 4 (2/9), ông Suga chính thức thông báo ứng cử vào vị trí lãnh đạo đảng của mình và được nhiều người ủng hộ để kế nhiệm ông Abe, người đã thông báo tuần trước rằng sẽ từ chức.
Các nhà phân tích cho biết mặc dù ông Suga không có nhiều kinh nghiệm về chính sách đối ngoại, nhưng ông được trông đợi sẽ tiếp tục cải thiện mối quan hệ giữa Trung Quốc và Nhật Bản thông qua chuyến viếng thăm cấp nhà nước của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có khả năng sẽ diễn ra trong thời gian tới.
Ông Hu Lingyuan, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Nhật Bản thuộc Đại học Phúc Đán tại Thượng Hải, cho biết với tư cách chánh văn phòng nội các, ông Suga đã ở bên cạnh ông Abe khi ông Abe định hình mối quan hệ giữa hai nước.
Ông Hu nói rằng bất chấp căng thẳng gia tăng từ năm 2012 đến 2014 trong nhiệm kỳ thứ hai của ông Abe, mối quan đã ấm lên kể từ năm 2016 và xu hướng này sẽ tiếp tục nếu ông Suga trở thành thủ tướng.
Tờ Nikkei dẫn lời ông Hu cho biết: “Ông Abe đã có những đóng góp đáng kể trong việc cải thiện mối quan hệ giữa Trung Quốc và Nhật Bản. Ông Suga là người được ông Abe chọn làm chánh văn phòng nội các, vai trò quan trọng nhất trong nội các, vì vậy về cơ bản tư tưởng và thái độ của ông ấy cũng tương tự như ông Abe.”
Truyền thông Nhật Bản đưa tin rằng ông Suga đang nhận được sự ủng hộ của một số phe trong Đảng Dân chủ Tự do (LPD) cầm quyền, cho thấy ông có khả năng giành chiến thắng trong cuộc bỏ phiếu bầu lãnh đạo đảng dự kiến sẽ diễn ra trong vài tuần tới. LDP chiếm đa số trong hạ viện và lãnh đạo đảng sẽ trở thành thủ tướng.
Theo ông Hu, “Ông Yoshihide Suga là chánh văn phòng nội các của ông Abe trong hơn bảy năm qua. Họ hy vọng rằng với tư cách là nhân vật chuyển tiếp, ông Suga có thể kế thừa các chính sách của ông Abe trong năm tới. Ông ấy có tính cách đáng tin cậy và có thể ổn định tình hình chính trị ở Nhật Bản.”
Nếu đảm nhiệm chức vụ thủ tướng, ông Suga sẽ phải đối mặt với một loạt thách thức từ việc nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề do virus corona, mối quan hệ xuống dốc với Mỹ, cho đến việc Trung Quốc ngày càng tỏ thái độ gây hấn hơn.
Là đồng minh của Hoa Kỳ, Nhật Bản gắn kết với Washington về các vấn đề an ninh. Tuy nhiên Nhật Bản cũng cần phải duy trì mối quan hệ độc lập và thân thiện với Trung Quốc để hợp tác vì những lợi ích chung của hai bên, theo ông Victor Teo, chuyên viên nghiên cứu của Đại học Cambridge.
Ông Teo cho biết “Nhật Bản đang tận dụng hiệu quả mối quan hệ với Hoa Kỳ để cải thiện vấn đề an ninh của mình và mối quan hệ với Trung Quốc để cải thiện nền kinh tế của họ.”
Theo ông Teo, trong số các mục tiêu an ninh là tăng cường Hiệp ước an ninh Mỹ – Nhật và bình thường hóa quân đội Nhật Bản, những chính sách mà Trung Quốc có thể không ủng hộ.
Ông nói: “Mặc dù Bắc Kinh có thể không đồng ý với các mục tiêu này, nhưng ông Suga được dự đoán sẽ mang lại sự ổn định cần thiết cho mối quan hệ Trung – Nhật.”
Ngân Hà (theo Nikkei)
TT Trump nói sẽ dừng cấp tiền cho trường học dạy ‘Dự án 1619 của New York Times’
Tổng thống Donald Trump trong một tweet đăng hôm Chủ Nhật (6/9) đã nói rằng Bộ Giáo dục Mỹ sẽ dừng cấp tiền cho các trường học công tại California nếu họ dạy Dự án 1619 của New York Times.
Tổng thống Trump đăng lại một tweet có tên Ocitman tuyên bố: “California đã đưa dự án 1619 vào các trường học công. Sớm thôi các bạn sẽ không còn nhận ra nước Mỹ”, và ông Trump viết thêm bình luận: “Bộ Giáo dục đang tìm hiểu việc này. Nếu đúng vậy, họ sẽ không được cấp tiền”.
Theo Daily Caller, quan điểm của ông Trump là đồng điệu với tuyên bố của Thượng nghị sĩ Cộng hòa bang Arkansas Tom Cotton. Ông Cotton gần đây phát đi thông cáo báo chí cho hay: “Dự án 1619 là báo cáo chia rẽ chủng tộc, xét lại về lịch sử, trong đó phủ nhận những quy tắc đáng trân quý về tự do và bình đẳng mà đất nước ta dựa vào đó mà được lập nên. Không một xu nào của ngân sách liên bang nên rót vào việc tuyên truyền cho người trẻ Mỹ thứ rác rưởi cách tả này”.
Vào tháng Bảy, Thượng nghị sĩ Cotton đã đề xuất dự luật nhằm cấm chi tiền liên bang cho “chương trình giảng dạy Dự án 1619 tại các trường tiểu học, trung học cơ sở và cho các mục đích khác”.
Theo Forbes, Dự án 1619 là tập hợp các bài báo của New York Times đoạt giải báo chí Pulitzer, trong đó tranh luận rằng 1619 – năm con tàu chở nô lệ đầu tiên đến các thuộc địa Mỹ – mới thực sự là năm thành lập nước Mỹ, chứ không phải năm 1776. Tóm lại, đất nước này đã được thành lập dựa trên lý tưởng về chế độ nô lệ, không phải dựa trên tự do. Như Giám đốc Dự án 1619 Nikole Hannah-Jones viết trong lời giới thiệu về bài luận của bà: “Những ý tưởng về nền dân chủ của chúng ta là sai khi chúng được viết ra. Người Mỹ da đen đã đấu tranh để làm cho chúng thành sự thật”.
Bà Nikole Hannah-Jones tuyên bố rằng: “Một trong những lý do chủ yếu khiến những kẻ thực dân [tại Mỹ] quyết định tuyên bố độc lập từ Anh Quốc là bởi vì họ muốn bảo vệ thể chế nô lệ”.
Theo National Review, Dự án 1619 đã đang được kết hợp vào một số chương trình giảng dạy của các trường học công tại Mỹ. Các nhà phê bình cho rằng dự án này có “nhiều thứ xuyên tạc và không chính xác”.
Tuy nhiên, tờ CNN đưa ra quan điểm khác khi họ thực hiện phỏng vấn nhà sử học Nicole Hemmer về việc ông Trump dọa dừng cấp tiền cho các trường dạy Dự án 1619. Bà Nicole Hemmer nói: “Tôi không nghĩ có ai tin vị tổng thống này có tư duy sâu sắc về lý thuyết chủng tộc quan trọng hoặc ông ta đã từng đọc Dự án 1619”.
Daily Caller cho biết họ đã liên lạc với Bộ Giáo dục Mỹ để yêu cầu bình luận về tuyên bố của Tổng thống Trump, nhưng chưa nhận được phản hồi.
Xuân Thành