- Katsuji Nakazawa
Đảng Cộng sản Trung Quốc đang bắt đầu một đợt thanh trừng mới, được nhiều người tin rằng là một phần trong nỗ lực của Tổng Bí thư Tập Cận Bình nhằm củng cố quyền lực trước Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 20 sẽ diễn ra hai năm tới.
Quyết định bắn bốn tên lửa đạn đạo tại biển Đông hôm 26/8 chắc chắn đã được Quân uỷ trung ương, cơ quan ra quyết sách hàng đầu của quân đội Trung Quốc phê duyệt.
Uỷ ban này do Tập Cận Bình, Chủ tịch nước kiêm Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc làm chủ tịch.
Tên lửa mà Quân đội Giải phóng Nhân dân bắn đi bao gồm một vài loại khiến cộng đồng quốc tế phải dè chừng, như “sát thủ hàng không mẫu hạm” có khả năng đánh chìm tàu chiến lớn nhất của Mỹ, và “sát thủ đảo Guam”, có khả năng vươn đến các căn cứ quân sự Mỹ ở Bắc Thái Bình Dương.
Các vụ bắn tên lửa đã khiến căng thẳng leo thang và cũng đánh dấu sự khởi đầu của đối đầu Trung – Mỹ trong địa hạt nguy hiểm hơn, với khả năng xảy ra những cuộc xung đột thực sự.
Một trí thức châu Á am hiểu chính trường Trung Quốc ghi nhận rằng vụ phóng tên lửa xảy ra cùng ngày với một sự kiện chính trị lớn khác: “Tôi cảm thấy bất an. Nó có thể cho chúng ta một dấu hiệu về những gì sắp xảy ra trong nền chính trị Trung Quốc.”
Cũng trong ngày 26/8, ông Tập triệu tập cuộc họp khoảng 300 quan chức cảnh sát và an ninh quốc gia cấp cao toàn quốc tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh.
Trong buổi lễ khoa trương đó, ông Tập đã trao cho lực lượng cảnh sát một lá cờ xanh đỏ mới được thiết kế.
Người ta diễn giải phần màu đỏ ở nửa trên của lá cờ tượng trưng cho đảng và có ý dùng để mô tả sự trung thành tuyệt đối của lực lượng cảnh sát đối với đảng.
Đó là một động thái mang tính biểu tượng cao.
Hầu hết các tổ chức công an và cảnh sát Trung Quốc từ lâu đã gắn liền với Quốc vụ viện, nghĩa là với chính phủ. Uỷ ban chính trị và pháp luật trung ương đảng thực hiện việc giám sát.
Ông Tập đã phá vỡ hệ thống này bằng cách đặt lực lượng cảnh sát quốc gia dưới sự kiểm tra trực tiếp của đảng, nơi đồng thời kiểm soát quân đội.
Cũng như vậy, lực lượng Cảnh sát Vũ trang Nhân dân – một tổ chức bán quân sự chịu trách nhiệm về an ninh nội địa, kiểm soát bạo loạn và các nỗ lực chống khủng bố – đã được đặt dưới quyền chỉ huy hoàn toàn của Uỷ ban Quân sự Trung ương. Trước đây nó thuộc về quân đội và chính phủ.
Hồi tháng 1/2018, ông Tập cũng phong tặng một lá cờ mới cho lực lượng Cảnh sát Vũ trang Nhân dân, nhưng nó khác với lá cờ của Quân đội Giải phóng Nhân dân.
Mỗi lần ông Tập tìm cách nắm quyền kiểm soát một nhánh thực thi pháp luật, ông lại tặng một lá cờ.
Hai hôm sau, rõ ràng là động thái của ông Tập nắm quyền kiểm soát hoàn toàn lực lượng cảnh sát có một ý nghĩa còn sâu sắc hơn.
Vương Tiểu Hồng, một phụ tá thân cận của ông Tập, cũng là Thứ trưởng cao cấp nhất của bộ công an, đã đăng một bài báo với các dấu hiệu về kỷ luật chính trị trên tờ báo chính thức của lực lượng cảnh sát.
Ông Vương đặc biệt cảnh báo “những kẻ hai mặt” công khai vờ tuân lệnh nhưng ngấm ngầm chống đối, những kẻ “chân trong chân ngoài” sẽ bị loại bỏ triệt để.
Điều quan trọng ở đây là sự gần gũi giữa ông Vương với ông Tập.
Ba thập kỷ trước, ông Tập đã gặp ông Vương trong thời gian làm ở tỉnh Phúc Kiến, nơi ông Vương phục vụ ông Tập. Một nguồn tin ở Phúc Kiến đã miêu tả ông Vương như “một trong số ít những người bạn cũ mà Chủ tịch Tập có thể tin tưởng thực sự.”
Năm ngoái, ông Vương được yêu cầu làm người đứng đầu cơ quan mật vụ mới được thành lập tại Bộ Công an. Mặc dù kiêm nhiệm chức Thứ trưởng Bộ Công an, việc ông đứng đầu cơ quan mật vụ thu hút sự chú ý nhiều hơn.
Cơ quan mật vụ được thiết lập như một phần của việc tái cơ cấu các tổ chức cảnh sát và công an được thực hiện với sự hậu thuẫn đầy đủ của ông Tập.
Cơ quan này được cho là chịu trách nhiệm bảo vệ toàn thể ban lãnh đạo của đảng, ngoại trừ các thành viên Uỷ ban thường vụ bộ Chính trị quyền lực nhất.
Trong số những người được cơ quan bảo vệ có phó Chủ tịch Trung Quốc, phó Chủ tịch Uỷ ban thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc, các phó Thủ tướng, Uỷ viên hội đồng nhà nước, người đứng đầu Tòa án Nhân dân Tối cao và viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao Trung Quốc.
Nhưng việc này còn có mục đích khác: trong khi bảo vệ, nhiệm vụ quan trọng hơn của cơ quan là theo dõi các vị chức sắc và báo cáo cho lãnh đạo. Đó là vì sao ông Tập tự tay chọn ông Vương làm người đứng đầu cơ quan.
Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây là các thông tin về kỷ luật chính trị dường như đều theo lệnh của ông Tập.
Thuật ngữ “kẻ hai mặt” có ý nghĩa đặc biệt trong ngôn ngữ riêng của đảng. Nó được dùng trong quy định về kỷ luật của đảng.
Và đó là một thuật ngữ chính trị đặc biệt được ông Tập sử dụng nhiều lần trong chiến dịch “chống tham nhũng” mang đậm dấu ấn của mình.
Có một thuật ngữ nữa không ai dám coi nhẹ: chỉnh đốn.
Trên khắp đất nước đang diễn ra một chiến dịch học tập chính trị tại các tổ chức liên quan đến chính trị và pháp luật như lực lượng cảnh sát, các cơ quan công tố và tư pháp với “tinh thần chỉnh phong.” Nó nhấn mạnh đến “Phong trào Chỉnh đốn Diên An” mà Mao Trạch Đông đã phát động đầu những năm 1940 tại Diên An, tỉnh Thiểm Tây, căn cứ địa cách mạng của đảng.
Phong trào kêu gọi người dân đẩy mạnh tính cách mạng của họ với tinh thần chỉnh phong. Trên thực tế, đó là một chiến dịch thanh trừ các đối thủ chính trị của Mao.
Sự tái hiện phong trào chỉnh phong đã làm nổi lên bóng ma về một cuộc thanh trừng to lớn mới nhằm vào những người bị ông Tập và các đồng minh coi là kẻ thù chính trị.
Động thái của Vương Tiểu Phong cũng thu hút sự chú ý của các lực lượng chính trị không thuộc nhóm chính trị của Tập, gồm phe Đoàn Thanh niên cộng sản, và chi tiết về nó đã lan rộng, trên cả truyền thông xã hội.
Bằng cách lan truyền những chi tiết về hành động của Vương, thành viên của những lực lượng chính trị như vậy cũng được báo động. Họ ngầm cảnh báo thành viên phe phái cần thận trọng về một chiến dịch chính trị mới sắp xảy ra chống phe của họ.
Trên thực tế, đã có một bước tiến triển đáng kể.
Vào giữa tháng Tám, có thông báo là ông Gong Dao’an, phó Thị trưởng Thượng Hải và là một quan chức công an hàng đầu, đã bị điều tra vì những vi phạm kỷ luật và pháp luật nghiêm trọng.
Gong là quan chức cấp Thứ trưởng Bộ Công an thứ ba bị thất sủng trong năm nay.
Câu hỏi hiện nay là liệu chiến dịch chính trị gợi lại Phong trào Chỉnh đốn Diên An của Mao có lan rộng ra ngoài bộ máy công an hay không.
Năm 2013, ngay sau khi trở thành lãnh đạo hàng đầu của Trung Quốc, ông Tập đã phát động một chiến dịch học tập chính trị gọi là “các hoạt động thực tiễn giáo dục quần chúng nhân dân” trong đảng, sau dẫn tới chiến dịch “chống tham nhũng” dữ dội.
Trong suốt quá trình đó, có nhiều lời kêu gọi cấm sự xa xỉ, gắn liền với tầm quan trọng của tiết kiệm.
Ông Tập lại một lần nữa kêu gọi người dân Trung Quốc coi trọng việc tiết kiệm tiền, cả khi họ đặt món ăn ở nhà hàng. Có phải ông ta đang nhằm vào việc lặp lại thành công của những chiến dịch chính trị đã qua của ông ta không? Một bầu không khí tương tự đang ngự trị.
Trước đại hội toàn quốc lần trước của đảng, năm 2017, lần lượt nhiều sĩ quan quân đội cao cấp bị bắt vì tham nhũng. Một số người cuối cùng đã tự sát.
Chiến dịch đã gài bẫy một chính trị gia có ảnh hưởng, người từng được coi là có triển vọng nhất để một ngày kế tục ông Tập trở thành nhà lãnh đạo cao nhất Trung Quốc.
Điều lạ lùng là cuối tháng trước, chương trình thời sự chính buổi tối của đài truyền hình trung ương nhà nước Trung Quốc đã chạy một phóng sự về ngành kinh doanh táo của Diên An, ngành đang hỗ trợ đời sống của nhiều người dân.
Đây có phải là tuyên truyền cho phong trào chỉnh đốn Diên An không?
Trong điềm báo trước của cuộc thanh trừng đang ló dạng, người dân đang bàn tán về những dấu hiệu dù nhỏ nhất của những điều sắp xảy ra.
Katsuji Nakazawa/ Nikkei