Máy bay Trung Quốc xâm phạm Đài Loan, chuyên gia bình luận về số phận hòn đảo

Lục Du

Hình ảnh 2 máy bay Trung Quốc xâm phạm vùng trời Đài Loan năm 2019. (ảnh: Từ video của RTI English)

Theo Bộ Quốc phòng Đài Loan, một nhóm máy bay chiến đấu Trung Quốc đã bay cắt ngang không phận Đài Loan vào hôm thứ Tư (9/9). Nhân sự kiện này, một số chuyên gia đã đưa ra những bình luận về số phận của hòn đảo đang phải đối mặt với sức ép ngày càng lớn từ Bắc Kinh.

Máy bay Trung Quốc xâm phạm vùng trời Đài Loan diễn ra trong bối cảnh Đài Bắc và Washington đang trở nên thân thiết hơn, và chính quyền hòn đảo cũng đang kêu gọi sự ủng hộ nhiều hơn từ cộng đồng quốc tế vì lo ngại quê hương của họ có thể trở thành “Hồng Kông tiếp theo” bất cứ lúc nào.

“Bắc Kinh không thể giành được trái tim và khối óc của người Đài Loan, do đó, ĐCSTQ đã chọn chiến lược trừng phạt – tăng cường đe dọa quân sự, nỗ lực cô lập Đài Loan trên bình diện quốc tế, và nhiều nỗ lực khác nhau nhằm làm suy yếu tính hiệu quả của các thể chế dân chủ ở Đài Loan, làm suy yếu các hành động ủng hộ các thể chế đó, và làm xói mòn sự gắn kết trong xã hội của hòn đảo này”, Michael Cole, thành viên cấp cao của Viện Đài Loan Toàn cầu ở Washington, DC và Viện Macdonald-Laurier ở Ottawa, Canada, nói với Fox News.

Ông Cole cũng đưa thêm nhận xét rằng sự tồn tại của Đài Loan với tư cách là một xã hội tự do, dân chủ là một sự chế giễu rõ ràng đối với Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Hồng Kông cũng là một xã hội như thế trước khi trở về nằm dưới sự quản lý của Bắc Kinh, và hiện tại người dân xứ cảng thơm đang dần bị chính quyền Trung Quốc lấy đi các quyền cơ bản của con người. Chuyên gia Cole cho rằng người Đài Loan đã nhận ra điều đó và đang cố gắng không để quê hương của họ trở thành một “Hồng Kông thứ hai”.

“Rủi ro là một lúc nào đó, Bắc Kinh sẽ hết lựa chọn và/hoặc kiên nhẫn và quyết định rằng họ phải ‘giải quyết’ vấn đề thông qua sử dụng vũ lực”, ông Cole nói. “ĐCSTQ đã nuôi dưỡng một thứ chủ nghĩa dân tộc cực đoan nguy hiểm dẫn tới việc gần như họ sẽ không thừa nhận thất bại, lùi bước hoặc giảm leo thang. Đối mặt với việc người Đài Loan từ chối sự cai trị của Trung Quốc, đối diện với thực tế đó của mình, ĐCSTQ sinh ra phẫn nộ với điều đó”.

Dan Blumenthal, giám đốc Nghiên cứu Châu Á tại Viện Doanh nghiệp Hoa Kỳ (AEI) và là tác giả của cuốn sách sắp xuất bản, “Cơn ác mộng Trung Quốc: Tham vọng lớn của một quốc gia đang suy tàn”, lưu ý rằng Đài Loan và Hồng Kông về cơ bản khác nhau – Đài Loan là một thực tế là một quốc gia dân chủ độc lập chứ không phải là một “khu tự trị đặc biệt” – có nghĩa là Trung Quốc sẽ “phải sử dụng vũ lực quân sự để khuất phục Đài Loan”.

Tuần trước, chính phủ Đài Loan đã công bố kế hoạch cấp hộ chiếu mới, nhấn mạnh hơn chủ quyền của hòn đảo qua động thái này. Hộ chiếu mới của Đài Loan đã giảm thiểu việc sử dụng tên cũ là “Trung Hoa Dân Quốc” thay vào đó làm nổi bật tên gọi “Đài Loan” bằng chữ in hoa lớn trên trang bìa.

Người Đài Loan cũng càng ngày càng có cái nhìn tiêu cực về Trung Quốc. Một cuộc khảo sát hồi tháng Năm của Viện nghiên cứu Academia Sinica cho kết quả, chỉ 23% cư dân Đài Loan coi Trung Quốc là “bạn của Đài Loan”, giảm mạnh so với con số 38% một năm trước đó.

Quan hệ Mỹ-Đài gần đây đã trở nên thân thiết hơn, sự hợp tác chặt chẽ giữa hai bên đã được mở rộng ra trên nhiều lĩnh vực.

Vào tháng trước, Bộ trưởng Bộ Y tế và Nhân sinh Hoa Kỳ Alex Azar đã có chuyến thăm lịch sử tới Đài Loan. Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Keith Krach được cho là đang lên kế hoạch thăm hòn đảo vào cuối tháng này. Ngoài ra, Mỹ cũng đã liên tục bán cho Đài Loan nhiều gói vũ khí tân tiến, tàu và máy bay Hoa Kỳ cũng thường xuyên tiếp cận quốc đảo để gửi thông điệp cứng rắn tới Bắc Kinh.

“Đài Loan đang ở trên đỉnh của cuộc chiến chống lại sự xâm lược của Trung Quốc, vì vậy hoàn toàn dễ hiểu khi họ sẽ hợp tác với Hoa Kỳ về thương mại, chuỗi cung ứng an ninh và an ninh mạng”, Eric Noonan, Giám đốc điều hành của CyberSheath, cho biết. “Với việc Trung Quốc biến Hoa Kỳ thành nạn nhân trong vụ trộm IP lớn nhất trong lịch sử, và Đài Loan gần đây đã tiết lộ rằng họ phải gánh chịu các cuộc tấn công nhắm vào ít nhất 10 cơ quan chính phủ và tài khoản email của 6.000 quan chức, nên Mỹ và Đài Loan có kẻ thù chung trong không gian mạng và cơ hội to lớn để chia sẻ mối đe dọa thông tin để phòng thủ tốt hơn trước các cuộc tấn công của Trung Quốc”.

Ông Blumenthal cũng chỉ ra rằng Đài Loan từ lâu đã thẳng thắn chống lại “ảnh hưởng cưỡng bức và ác ý” của chính quyền Trung Quốc, nhưng chỉ đến năm nay, khi dịch Covid bùng phát thì cộng đồng thế giới mới chú ý hơn tới cuộc chiến bảo vệ chủ quyền của hòn đảo này.

“Hoa Kỳ đang đi đúng hướng bằng cách tương tác công khai hơn với Đài Loan và ủng hộ quốc đảo này. Nhưng họ cần tăng cường khả năng răn đe chống lại việc [chính quyền] Trung Quốc sử dụng vũ lực”, ông Bumenthal nói. “Về vấn đề Đài Loan, Hoa Kỳ nên tiếp xúc với ĐCSTQ để chỉ ra cho họ thấy những thiệt hại về chính trị và quân sự mà lực lượng này phải đối mặt nếu sử dụng vũ lực chống lại Đài Loan”.

Related posts