Nguyệt Cầm – Chủ đề Suối Nguồn – Tamar Lê & Quynh Lê
Sáng ni thức dậy, tưởng như là mình đã được đi qua một giấc mộng triền miên. Thật ra không phải mộng mị chi đâu, tất cả chỉ vì dư âm của chương trình nhạc hôm qua còn vấn vương trên hoa cỏ, giòng sông Maribyrnong còn mê mẩn sững sờ, và mùa xuân hình như có thêm hoa đẹp tô lên thanh phố Melbourne đang ngủ yên trong mùa dịch Covid.
Tối Saturday 05/09/2020 vừa rồi, đến 8:30 pm, tim tôi bắt đầu đập theo nhịp điệu của chương trình livestream: Nguyệt Cầm – Chủ đề Suối Nguồn. Chương trình này bắt đầu từ hai tuần trước, và tuần này thì phong phú hơn, gồm đủ màu sắc hương vị của cầm kỳ thi họa.
Đúng vậy, vừa mở đầu với bài tứ ca Bức Họa Đồng Quê của Văn Phụng, khán thính giả lại được trở về quê hương Vietnam thăm đồng lúa chín, bầu trời xanh bao la, tia nắng chiếu trên đồng lúa vàng, và nhất là bốn cô thôn nữ duyên dáng Hồng Yến, Nghiêm Lệ, Trâm Anh và Thanh Lan bên đồng lúa hát lời ca mơ màng.
Với con tim thích vui hơn buồn, vậy mà tôi lại say sưa dù thấy đôi mắt mình buồn buồn với lời thầm thì thương nhớ mẹ khi Trâm Anh cất tiếng hát bài Mẹ Tôi của Trần Tiến:
Mẹ ơi con đã già rồi! Con ngồi nhớ mẹ khóc như trẻ con. Mẹ ơi con đã già rồi! Con ngồi ngớ ngẩn nhớ ngôi nhà xưa. Nghe hai câu này tôi chỉ ước có mẹ ở cạnh, ôm tôi vào lòng.
Chữ ‘mẹ’ ngắn gọn đơn giản nhưng chất chứa một tình thương bao la vô bến bờ, từ làng mạc tiêu điều xác xơ cho đến những thành phố hoa lệ như London hay Paris, tâm hồn của mẹ là đà sinh lực và niềm hạnh phúc với nhớ thương của đàn con, như Thanh Lan dịu dàng, nhẹ nhàng truyền cảm:
Maman, oh Maman, toi qui m'as donné Tant de tendresse depuis tant d'années Tu le sais bien, quand je serai grand Je penserai à toi, Maman
Hình ảnh của ‘mẹ’ thì lung linh và đa dạng, khi thì với áo gấm ở hội làng, khi thì nằm ôm con trên chiếc giường tre xiêu vẹo, và những lúc chen đua với đời cho đàn con thơ dại:
Trên con phố khuya có một người đang bán hàng rong; Cơn mưa vẫn rơi tiếng rao buồn lạc lõng chơi vơi; Bao năm vẫn ngược xuôi lòng vui thấy con thơ mỉm cười; Mưa ơi thôi đừng rơi để mẹ về còn chút niềm vui.
Cứ nghe Nghiêm Lệ diễn tả trong lời ca thật ngọt ngào, những hình ảnh của mẹ hiện về trong ký ức, tôi cũng ước gì “Mưa ơi thôi đừng rơi để mẹ về còn chút niềm vui.”
Hai chữ ‘Mẹ Cha’ luôn luôn có một chỗ đứng vững chắc trong trái tim của đàn con và trong sự hiện hữu thiêng liêng của tình đời. Hồng Yến với giọng ca trầm buồn, nhẹ nhàng diễn tả và nhắc nhở:
Ơn cha như bóng cây xanh trên ngàn; Tình cha tha thiết, lòng cha âu yếm; Ơn cha như mái hiên che nông trường; Gió mưa xa gần, nắng sương không sờn.
Trong những bài hát tây phương, tôi thích nhất là bài “Donna Donna” của Sholom Secunda và Aaron Zeitlin. Bài hát thật thương tâm: một con bê bị mang đến một lò làm thịt, trong khi đó trên bầu trời xanh bao la có một con chim vươn mình tung cánh thênh thang trong gió.
On a wagon bound for market There's a calf with a mournful eye High above him there's a swallow Winging swiftly through the sky
Bài ca thì buồn thật, nhưng thấy Nghiêm Lệ và Trâm Anh nhẹ nhàng chia sẻ nỗ niềm, ai cũng thấy lòng mình lôi cuốn theo khúc nhạc lời ca.
Ngoài mục thơ văn và những hình ảnh tuyệt vời thích hợp với bài nhạc, mỗi MC có một phong cách và lời nói quyến rũ của riêng của mình, làm cho chương trình càng sôi động và phong phú thêm.
Hồi xưa có ban Thăng Long với không khí gia đình, ngày nay Melbourne có Nghiêm Lệ, Neil Tạ và Vy, cô bé duyên dáng đa tài. Bài hợp ca của gia đình Nghiêm Lệ là một trong những trình bày linh hoạt nhất của chương trình.
Vấn đề kỹ thuật được Andy Ngô phụ trách như âm thanh, hình ảnh, ánh sáng làm tăng thêm sự hấp dẫn của chương trình.
Hôm nay là ngày Father’s Day và mùa xuân cũng bắt đầu ở Melbourne, chương trình Nguyệt Cầm với chủ đề Suối Nguồn đến thật đúng lúc và mang lại cho mọi người một món quà xuân đầy tình người.