Tin Thế giới chiều thứ Sáu

Ngoại trưởng Mỹ cổ vũ ASEAN không làm ăn với công ty Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông

Quý Khải

Nhà ngoại giao hàng đầu nước Mỹ hôm thứ Năm (10/9) đã kêu gọi các nước Đông Nam Á đứng lên chống lại thái độ bắt nạt trên biển của Trung Quốc và tái xem xem mối quan hệ làm ăn với các doanh nghiệp nhà nước của Bắc Kinh, động thái góp phần vào các cuộc cạnh tranh nảy lửa trên nhiều mặt trận giữa hai nước.

Trao đổi với các ngoại trưởng Hiệp hội 10 quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) qua diễn đàn trực tuyến, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết ASEAN nên tin tưởng vào Hoa Kỳ và biết rằng Mỹ luôn đứng hậu thuẫn đằng sau, theo Reuters.

“Hôm nay, tôi nói rằng mọi người hãy tiếp tục. Đừng chỉ nói mà nên hành động. Hãy tái xem xét mối quan hệ làm ăn với những công ty quốc doanh bắt nạt các quốc gia ven Biển Đông.  Đừng để Trung Quốc lấn lướt chúng ta và người dân của chúng ta. ASEAN hãy tự tin và Mỹ sẽ là người bạn của ASEAN”, ông Pompeo phát biểu.

Ngoại trưởng Michael Pompeo tham gia hội nghị trực tuyến với các ngoại trưởng 10 nước ASEAN hôm 9/9 (ảnh: Bộ Ngoại giao Mỹ).

Tuyên bố của ông Pompeo được đưa ra sau khi Washington gần đây liệt vào danh sách đen 24 công ty Trung Quốc vì “vai trò của họ trong việc giúp quân đội Trung Quốc xây dựng và quân sự hóa các đảo nhân tạo bị quốc tế lên án ở Biển Đông”.

Trao đổi với các bộ trưởng ASEAN hôm thứ Tư (9/11), Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã cáo buộc Mỹ can thiệp trực tiếp vào các tranh chấp trên Biển Đông và là tác nhân lớn nhất thúc đẩy việc quân sự hóa khu vực.

Trung Quốc nói họ có chủ quyền lịch sử đối với hầu hết Biển Đông với yêu sách “đường 9 đoạn”, nhưng Mỹ và các nước láng giềng của Trung Quốc đã bác bỏ yêu sách này, tuyên bố chúng không dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế, bao gồm cả Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS), mà Trung Quốc là bên ký kết.

ASEAN cho biết họ không muốn chọn phe trong bối cảnh xích mích nổ ra sau sự gia tăng đột biến các hoạt động quân sự gần đây của cả hai cường quốc tại Biển Đông và trước thềm cuộc bầu cử vào tháng 11 tới, trong đó Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ đưa ra quan điểm cứng rắn chống lại Trung Quốc.

Khi được hỏi về mối quan hệ căng thẳng Trung-Mỹ trong một cuộc phỏng vấn với hãng tin Reuters, Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia Retno Marsudi cho biết: “Chúng tôi không muốn bị mắc kẹt vào mối tranh chấp này”.

Philippines nằm trong số các quốc gia mà các công ty Trung Quốc trong danh sách đen của Mỹ ký kết được các hợp đồng béo bở. Tổng thống nước này cho biết các hợp đồng vẫn sẽ tiếp tục.

Trong một tuyên bố chung được công bố cuối thứ Năm, các quốc gia thành viên ASEAN cho biết đã đạt được tiến bộ trong các cuộc đàm phán nhằm soạn thảo một bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS.

“Một số Bộ trưởng các nước ASEAN bày tỏ quan ngại về việc cải tạo đất, các hoạt động và các sự cố nghiêm trọng trong khu vực, vốn đã làm xói mòn lòng tin, gia tăng căng thẳng và có thể phá hoại hòa bình, an ninh và ổn định trong khu vực”, tuyên bố cho biết.

Các bộ trưởng ASEAN cũng đã tổ chức các cuộc họp từ xa hôm thứ Năm với Nhật Bản và Australia.

Bộ trưởng Ngoại giao Marise Payne cho biết Australia chia sẻ cam kết với ASEAN về việc thiết lập một khu vực Ấn Độ Thái Bình Dương hòa bình và thịnh vượng, tuân thủ luật quốc tế, tôn trọng quyền và chủ quyền của tất cả các quốc gia. 

Giờ đến lượt Philippines bắt nạt Trung Quốc trong tranh chấp biển?

Triệu Hằng

Bên trái: Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte. Bên phải: Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (ảnh: Flickr).

“Bộ Ngoại giao Trung Quốc quả là xảo quyệt”, Jarius Bondoc bình luận trên tờ Philstar.

Hồi tuần trước, Trung Quốc nài nỉ Manila: “Hãy dừng lại các hành động khiêu khích bất hợp pháp”, và Bắc Kinh kêu ca rằng Philippines “xâm phạm chủ quyền và an ninh của Trung Quốc”. Đó chỉ vì hoạt động không vận bình thường của Manila tới các cư dân trên đảo Thị Tứ [phía Philippines gọi là đảo Pagasa, trên vùng biển tranh chấp] ở Biển Đông.

Bộ Ngoại giao của Bắc Kinh quả là xảo quyệt. Khi được một phóng viên hỏi về công hàm ngoại giao của Manila phản đối sự xâm lược của Trung Quốc trên biển. Cụ thể, tàu chiến của Trung Quốc đã quấy rối ngư dân Philippines và nhắm vũ khí vô cớ vào đội tuần tra của Philippines. Ngay lập tức, người phát ngôn của Bộ này đã dùng đến cái cách tuyên truyền và ngụy tạo mà loa lên rằng gã khổng lồ có vũ khí hạt nhân đã trở thành nạn nhân của Philippines bé nhỏ. Chẳng khác gì một kẻ bắt nạt nhăn mặt chế giễu rằng các đốt ngón tay của hắn ta bị đau do cú đấm của một kẻ yếu đuối, theo Jarius Bondoc, trên trang báo Philippines.

Đừng để bị lừa phỉnh. Việc Bắc Kinh đóng vai nạn nhân thì có ý nghĩa với các công dân của họ và một số quốc gia đồng minh. Nhưng đối với Philippines, việc Trung Quốc giả vờ có một ý nghĩa khác – đó là sự đe dọa không ngừng và chủ nghĩa cơ hội. Trong những tuần gần đây, Trung Quốc đã tăng cường thăm dò bất hợp pháp dầu khí tại bãi Cỏ Rong (Recto Bank) trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines và bên ngoài Trung Quốc.

Bãi Cỏ Rong là khu vực từng bị lo ngại là điểm nóng xung đột mới trên Biển Đông vào năm 2014, sau khi Trung Quốc bắt đầu gia tăng các yêu sách phi lý đối với gần như toàn bộ vùng biển này. Đây được biết là nơi có trữ lượng dầu khá lớn và Philippines cũng rục rịch các kế hoạch khai thác, nhưng bị Bắc Kinh phản đối. Trung Quốc cũng tuyên bố bãi Cỏ Rong nằm trong yêu sách chủ quyền “đường lưỡi bò”.

Quan hệ nóng lạnh thất thường giữa chính quyền tổng thống Duterte và chính quyền Bắc Kinh có lúc giảm nhiệt với tiềm năng về một thỏa thuận hợp tác khai thác chung giữa hai bên tại các khu vực tranh chấp. Nhưng vào ngày 9/6 năm ngoái, ở vùng biển gần bãi Cỏ Rong, một tàu dân quân biển Trung Quốc bằng thép đâm chìm một tàu đánh cá bằng gỗ Philippines đang neo đậu và sau đó tàu Trung Quốc rời đi bỏ mặc 22 ngư dân Philippines trôi nổi trên biển. Những ngư dân này sau đó đã được tàu cá Việt Nam cứu. Sự hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông không phải là điều xa lạ, nhưng lần này, vụ tàu Trung Quốc đâm tàu Philippines diễn ra chỉ ít ngày trước Ngày độc lập (12/6) của Philippines. 

Theo Philstar, mỗi năm Trung Quốc đánh cắp 1,2 tỷ kg cá từ Bãi cạn Scarborough và Đá Vành Khăn (phía Philippines gọi là Panatag và Panganiban) và 1,9 triệu kg cá khác bị giết chết do hoạt động bê tông hóa bảy rạn san hô thành các pháo đài. Bằng cách chiếm các rạn san hô, Trung Quốc tước đoạt tài nguyên biển của người dân Philippines như nhiên liệu, kim loại hiếm.

Ấn – Trung đồng ý giảm căng thẳng, rút bớt quân ở biên giới

Từ trái qua phải: Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ S. Jaishankar, Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov và Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị tại Moskva hôm 10/9 (ảnh): Reuters.

Trung Quốc và Ấn Độ hôm 10/9 ra tuyên bố chung cho biết hai bên đã đồng ý giảm căng thẳng ở vùng biên giới đang tranh chấp và thực hiện các bước để khôi phục hoà bình.

Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị và Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ S. Jaishankar đã gặp nhau tại Moscow (Nga) vào hôm 10/9 và đạt được các đồng thuận sau:

1. Hai Bộ trưởng nhất trí rằng hai bên cần tuân thủ một loạt các đồng thuận mà lãnh đạo hai nước đã đạt được về sự phát triển của quan hệ Ấn Độ – Trung Quốc, trong đó có việc không để sự bất đồng giữa hai nước trở thành tranh chấp.

2. Hai Bộ trưởng nhất trí rằng, tình hình hiện nay ở khu vực biên giới không có lợi cho bên nào. Do đó, hai bên nhất trí rằng quân đội biên giới hai nước cần tiếp tục đối thoại, nhanh chóng rút quân, duy trì khoảng cách thích hợp và hạ nhiệt căng thẳng.

3. Hai Bộ trưởng nhất trí rằng hai bên cần tuân thủ tất cả các thỏa thuận và nghị định thư hiện có về vấn đề biên giới Trung Quốc – Ấn Độ, cũng như duy trì hòa bình và yên ổn ở khu vực biên giới, đồng thời tránh mọi hành động có thể làm leo thang căng thẳng.

4. Hai bên cũng nhất trí tiếp tục đối thoại và liên lạc thông qua cơ chế Đại diện đặc biệt về vấn đề biên giới Ấn Độ – Trung Quốc. Trong bối cảnh này, hai bên cũng đồng ý rằng Cơ chế làm việc về tham vấn và phối hợp về các vấn đề biên giới (WMCC) nên tiếp tục các cuộc họp.

5. Hai Bộ trưởng nhất trí rằng khi tình hình bớt căng thẳng, hai bên cần xúc tiến ký kết các biện pháp mới về xây dựng lòng tin, nhằm duy trì và tăng cường hòa bình, yên ổn ở khu vực biên giới.

Theo Reuters, Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm nay ra tuyên bố cho biết, ông Vương nói với ông Jaishankar trong cuộc họp rằng “điều cấp thiết là phải ngừng ngay lập tức các hành động khiêu khích như nổ súng cũng như các hành động nguy hiểm khác vi phạm các cam kết mà hai bên đã đưa ra”. Ngoài ra, tất cả nhân sự và thiết bị quân sự xâm phạm biên giới phải được chuyển đi và biên phòng hai bên phải “nhanh chóng rút lui” để giảm căng thẳng.

Reuters bình luận, những tuyên bố trên tương phản với các cuộc phô trương lực lượng gần đây của quân đội Trung Quốc. Thời báo Hoàn cầu, cơ quan ngôn luận của ĐCSTQ, hôm 9/9 đưa tin Quân đội Giải phóng Nhân dân đang điều binh lính, máy bay ném bom và xe bọc thép vào biên giới. Truyền thông nhà nước Trung Quốc gần đây cũng đưa tin về cuộc tập trận nhảy dù có vũ trang của quân đội nước này ở Tây Tạng. Trong một bài xã luận được xuất bản vào cuối ngày 10/9, Thời báo Hoàn cầu viết rằng bất kỳ cuộc đàm phán nào với Ấn Độ đều cần đi đôi với việc “sẵn sàng cho chiến tranh”.

Mỹ gần chạm mốc 200.000 ca tử vong do COVID-19, vắc-xin triển vọng nhất dừng thử nghiệm lâm sàng

Theo Axios, tính đến sáng 11/9 (giờ Việt Nam), toàn thế giới có tổng cộng 27.991.630 ca nhiễm COVID-19, tổng số ca tử vong là 906.122 và tổng số ca phục hồi là 18.848.768.

Nếu không xét đến số liệu công bố không chính xác của một số quốc gia như Trung Quốc, thì Mỹ vẫn đang là nước có số ca nhiễm COVID-19 cao nhất với 6.394.655 ca và tổng số ca tử vong do virus corona Vũ Hán tại Mỹ là 191.702. Tổng số ca hồi phục là 2.403.511 và cho đến nay Mỹ đã xét nghiệm COVID-19 cho 85.181.078 người.

Tạp chí TIME thậm chí đã thiết kế trang bìa cho tuần san mới với đồ họa biểu thị con số 200.000 ca tử vong tại Mỹ và ghi rõ số lượng ca tử vong do COVID-19 tại Mỹ từng ngày từ 29/2 đến ngày 8/9 trên nền màu đen. Đây mới là lần thứ hai trong lịch sử Tạp chí TIME đặt đồ họa trang bìa trên nền màu đen, lần thứ nhất là sau vụ khủng bố 9/11/2001.

Thông tin nổi bật nhất liên quan tới đại dịch COVID-19 trong 24 giờ qua là việc hãng dược phẩm Anh Quốc AstraZeneca đã quyết định đình chỉ vòng thử nghiệm lâm sàng cuối cùng đối với vắc-xin ngừa COVID-19 tiềm năng của hãng này kết hợp cùng Đại học Oxford. AstraZeneca ra quyết định này sau khi một người tham gia thử nghiệm vắc-xin đã biểu hiện triệu chứng liên quan tới bệnh viêm tủy ngang cấp.

Giám đốc điều hành AstraZeneca, ông Pascal Soriot phát biểu trong một sự kiện trực tuyến hôm 10/9 rằng AstraZeneca chưa chắc chắn về bệnh tình của tình nguyện viên tham gia thử nghiệm lâm sàng vắc-xin ngừa COVID-19 và cần phải xét nghiệm thêm để đưa ra kết luận chính xác.

Ông Soriot nói rằng sau khi một ủy ban an toàn độc lập kiểm tra cho bệnh nhân nêu trên thì công ty mới quyết định có nối lại vòng thử nghiệm lâm sàng cuối cùng này hay không.

Viện Serum của Ấn Độ, một trong các đối tác phát triển và sản xuất của AstraZeneca, hôm 10/9 cho biết họ cũng tham gia vào việc đình chỉ này.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) từng đánh giá vắc-xin AstraZeneca là loại vắc-xin ngừa COVID-19 có triển vọng nhất.

Liên quan đến thử nghiệm vắc-xin, Thổ Nhĩ Kỳ hôm 10/9 nói rằng họ đang cân nhắc yêu cầu từ Nga về việc tiến hành thử nghiệm Giai đoạn III vắc-xin COVID-19 của Nga. Bộ Y tế Thổ Nhĩ Kỳ cho biết vào tuần tới họ sẽ đưa ra quyết định có hợp tác với Moscow hay không.

Bộ trưởng Y tế Thổ Nhĩ Kỳ Fahrettin Koca tiết lộ nước này đã bắt đầu thử nghiệm Giai đoạn III đối với một loại vắc-xin từ Trung Quốc và vắc-xin của công ty Pfizer, Mỹ.

Tổng thống Trump bị chỉ trích “lừa đối dân Mỹ”, ông Biden lại nói nhịu

Theo trang tổng hợp các cuộc khảo sát dân ý Real Clear Politics, trong 24 giờ qua, đề cử viên Tổng thống Đảng Dân chủ Joe Biden vẫn đang dẫn sâu Tổng thống Trump từ 7 đến 8 điểm trên toàn quốc và tại hai bang chiến địa Wisconsin và Michigan.

Khảo sát của hãng Emerson công bố hôm 11/9 cho thấy tại bang Wisconsin 51% chọn ông Biden và 44% chọn ông Trump.

Khảo sát của hãng Rasmussen tại bang Michigan công bố hôm 10/9 cho kết quả tương tự, 51% chọn ông Biden, 43% chọn ông Trump.

Khảo sát của Monmouth trên toàn quốc công bố hôm 10/9 cho thấy 51% chọn ông Biden và 44% chọn ông Trump.

Theo báo cáo Cook Political công bố hôm 10/9, tổ chức này đã chuyển dự đoán kết quả bầu cử 2020 tại bang Florida từ bang “cân bằng” sang bang nghiêng về Đảng Dân chủ.

Trong 24 giờ qua, Tổng thống Trump cũng gặp nhiều chỉ trích từ đối thủ sau khi nhà báo điều tra Bob Woodward của Washington Post xuất bản cuốn sách “Rage” (tức giận) tiết lộ nhiều thông tin bất lợi về Tổng thống Trump. Trong đó, đặc biệt ông Woodward cho biết qua các cuộc phỏng vấn riêng với ông Trump, tổng thống đương nhiệm đã nói virus corona rất nguy hiểm, khác hẳn với các phát ngôn của ông chủ Tòa Bạch Ốc với công chúng trong cùng thời điểm. Để viết cuốn sách này, nhà báo Woodward đã thực hiện 18 cuộc phỏng vấn Tổng thống Trump từ đầu năm nay.

Ông Biden và bà Harris cũng như nhiều thành viên Đảng Dân chủ đã lên tiếng chỉ trích Tổng thống Trump lừa dối công chúng về đại dịch virus corona.

Từ cuộc phỏng vấn với nhà báo Woodward hồi tháng Ba, ông Trump đã nói: “Tôi luôn muốn đánh giá thấp nó. Tôi vẫn thích đánh giá thấp nó, vì tôi không muốn tạo ra một sự hỗn loạn”.

Ông Trump hôm 10/9 cũng nói thêm rằng ông Woodard đã không tiết lộ những phát biểu của tôi về virus bởi vì “ông ta biết chúng là tốt và là những câu trả lời hợp lý”.

Trong khi đó, cựu Phó Tổng thống Biden trong 24 giờ qua đã lần đầu tiên lên tiếng chỉ trích nhóm Antifa – nhóm cánh tả cực đoan. Đặc biệt, ông tiếp tục cho thấy sức khỏe tinh thần của mình có vấn đề không nhỏ khi nói sai về số liệu quân nhân Mỹ bị chết do COVID-19.

“Ca nhiễm COVID-19 trong quân đội là 118.984 và số quân nhân đã tử vong do dịch bệnh là 6.114. Mỗi sinh mạng trong số này đều quan trọng”, ứng viên tổng thống Đảng Dân chủ Joe Biden nói tại một cuộc vận động tranh cử ở bang Michigan hôm 9/9.

Tuy nhiên, theo số liệu của Bộ Quốc phòng Mỹ, quân đội nước này hiện ghi nhận 40.026 ca nhiễm, trong đó 7 người tử vong.

Theo The Hill và Axiso, chiến dịch của ông Biden đã loan báo rằng họ sẽ không chạy các quảng cáo chiến dịch tranh cử trong ngày thứ Sáu 11/9 (giờ Mỹ), thời điểm kỷ niệm 19 năm vụ tấn công khủng bố 11/9.

Liên quan đến bầu cử Mỹ, công ty công nghệ Microsoft hôm thứ Năm (10/9) đã tiết lộ rằng các cuộc tấn công mạng được tổ chức tại Nga, Trung Quốc và Iran đã đang nhắm mục tiêu vào cuộc bầu cử Mỹ 2020, vào các chiến dịch của Tổng thống Trump và cựu Phó Tổng thống Joe Biden.

Microsoft trong một bài đăng trên trang blog của hãng này hôm 10/9 cho biết các tin tặc Nga từ tháng Chín năm ngoái đã liên tục nhắm mục tiêu vào các nhà tư vấn, các nhóm vận động chính trị và các tổ chức đảng toàn quốc của cả Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa có liên quan tới cuộc bầu cử 2020.

Trong khi đó, các tin tặc tại Trung Quốc đã thực hiện hàng nghìn cuộc tấn công mạng thời gian giữa tháng Ba tới tháng Chín, một vài trong số đó bao gồm các cuộc tấn công bất thành vào chiến dịch Biden và một nhân vật cấp cao đã từng liên quan tới chiến dịch Trump.

Một nhóm hoạt động tại Iran từ tháng Năm đến tháng Sáu đã nỗ lực thực hiện các cuộc tấn công bất thành vào các tài khoản của các quan chức chính quyền Trump cũng như đội ngũ nhân viên trong chiến dịch tái cử của ông Trump.

Cùng ngày 10/9, Bộ Tài chính Mỹ đã thêm nhà lập pháp Andrii Derkach của Ukraine vào danh sách “Những Công dân bị Chỉ định Đặc biệt” vì người này bị cáo buộc nỗ lực can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, trong đó có việc thúc đẩy các cáo buộc “sai và không có bằng chứng” nhắm vào ông Joe Biden.

Mỹ thu hồi thị thực của hơn 1000 công dân Trung Quốc, không gia hạn cho TikTok

Quan hệ Mỹ – Trung trong 24 giờ qua nổi bật với thông tin Mỹ thu hồi thị thực của hơn 1000 công dân Trung Quốc.

Nữ phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ nói: “Tính đến ngày 8/9/2020, Bộ Ngoại giao đã thu hồi hơn 1000 thị thực của công dân Trung Quốc, những người bị phát hiện là đối tượng bị điều chỉnh bởi Tuyên bố Tổng thống 10043 và theo đó không còn đủ điều kiện sở hữu thị thực [Mỹ]”.

Phản ứng với động thái mới nhất của Mỹ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên hôm 10/9 khẳng định việc Mỹ thu hồi thị thực của các sinh viên và nhà nghiên cứu Trung Quốc là hành động “vi phạm nhân quyền”.

Cũng trong ngày 10/9, Tổng thống Donald Trump cho biết ông sẽ không gia hạn đối với hạn chót 15/9 để hãng ByteDance của Trung Quốc bán mảng kinh doanh tại Mỹ của ứng dụng TikTok.

“Chúng tôi sẽ đóng cửa TikTok ở đất nước này vì lý do an ninh, hoặc nó sẽ được bán. Sẽ không có việc gia hạn hạn chót cho TikTok”, Tổng thống Trump nói với các phóng viên hôm 10/9 trước khi lên chuyến bay tới Michigan để vận động bầu cử.

Hy vọng hòa bình đến với Trung Đông nhờ chính quyền Trump làm trung gian hòa giải

Tổng thống Donald Trump cùng với các thành viên cấp cao chính phủ Mỹ, đã công bố tuyên bố loan báo về thỏa thuận bình thường hóa quan hệ toàn diện giữa Israel và UAE tại Phòng Bầu Dục, Tòa Bạch Ốc hôm 13/8/2020. (Ảnh: oyce N. Boghosian/White House)

Trung Đông luôn là một trong những điểm nóng nhất của thế giới trong nhiều thập kỷ qua. Tin tức trong 24 giờ gần nhất đến từ khu vực này có khá nhiều điểm tích cực, nhưng các điểm nóng dai dẳng cũng vẫn chưa có dấu hiệu giảm nhiệt.

Sau khi chính thức loan báo phái đoàn hai nước Israel và UAE sẽ tới Washington vào ngày 15/9 để ký thỏa thuận hòa bình lịch sử, Tổng thống Donald Trump hôm 10/9 cho biết thêm rằng khả năng sẽ có một quốc gia khác cũng sẽ tham gia vào thỏa thuận ngoại giao bước ngoặt giữa Israel và UAE.

Ông Trump cho biết trong buổi họp báo hôm 10/9 rằng các nhà đàm phán của chính quyền Mỹ đã đang cố gắng mời thêm các quốc gia Vùng vịnh khác như Bahrain và Oman cùng tiến hành bình thường hóa quan hệ với nhà nước Do Thái Israel.

Ông Trump nói thêm rằng ông tin những người Palestine cuối cùng cũng sẽ “đi vào cung đường này” và mở cuộc đàm phán hòa bình với Israel.

Một tin tốt nữa củng cố cho tham vọng đem lại hòa bình tại Trung Đông của chính quyền Trump là các bên đã xác nhận tham gia vào cuộc đàm phán hòa giải nội bộ của những người Afghanistan: chính phủ đương nhiệm và nhóm Taliban.

Bộ Ngoại giao Qatar hôm 10/9 phát đi tuyên bố nói rằng họ sẽ là chủ nhà của các cuộc đàm phán hòa bình nội bộ Afghanistan, bắt đầu từ ngày 12/9. Các cuộc đàm phán này theo sau việc Mỹ và Taliban đã ký thỏa thuận hòa bình hồi đầu năm nay.

Theo Reuters, phát ngôn viên văn phòng chính trị Taliban Muhammad Naeem đã lên tiếng xác nhận nhóm này sẽ tham gia vào các cuộc đàm phán với chính phủ Afghanistan tại Doha, Qatar bắt đầu từ thứ Bảy (12/9).

Đội ngũ đàm phán của chính phủ Afghanistan cũng đã lên lịch bay tới Doha vào ngày 11/9, theo tuyên bố của Phủ Tổng thống Afghanistan.

Tổng thống Donald Trump trong cuộc họp báo hôm 10/9 đã loan báo rằng Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đang trên đường tới Doha để tham gia các cuộc đàm phán từ 12/9. Ông Pompeo cũng đã nói rằng những cuộc đàm phán này là cơ hội lịch sử không được bỏ lỡ.

Tuy nhiên, trong 24 giờ qua, Trung Đông cũng không bình yên khi vẫn có những vụ bắn tên lửa qua lại và đặc biệt là màn tập trận thị uy sức mạnh hải quân của Iran trên vùng biển gần Eo biển Hormuz.

Truyền hình nhà nước Iran hôm 10/9 loan báo rằng quân đội nước này đã tiến hành cuộc tập trận thường niên ba ngày với tên gọi Zolfaghar-99 tại Vùng vịnh gần đường biển Eo biển Hormuz chiến lược. Cuộc tập trận này có sự tham gia của hải quân, không quân và lực lượng bộ binh, trong đó có nhiều tàu ngầm và máy bay không người lái.

Chỉ huy cuộc diễn tập Đô đốc Habibollah Sardari nói trên truyền hình nhà nước Iran rằng cuộc tập trận ba ngày ở vùng biển phía đông của Vịnh Oman là nhằm mục đích nâng cao sức mạnh quân sự của Tehran để đối phó với “các mối đe dọa nước ngoài và bất kỳ cuộc xâm lược tiềm năng nào”.

Cũng trong ngày 10/9 Quân đội Israel cho biết một máy bay không người lái (drone) của họ đã bị rơi trong lãnh thổ Li Băng sau khi thực hiện “hoạt động tuần hành” dọc theo biên giới hai nước. Quân đội Li Băng nói rằng họ đã bắn rơi chiếc drone của Israel do nó bay vào không phận của nước này tại thị trấn Aita al-Shaab. Theo Reuters, một sự vụ tương tự cũng đã xảy ra vào hai tuần trước.

Trong 24 giờ qua, căng thẳng giữa nhóm Houthi tại Yemen và Vương Quốc Ả Rập Saudi tiếp tục leo thang khi phía Houthi loan báo họ đã tấn công vào “một mục tiêu quan trọng” tại thủ đô Riyadh bằng tên lửa đạn đạo và drone.

Liên minh do Ả Rập Saudi lãnh đạo tham gia chiến tranh với nhóm Houthi tại Yemen từ năm 2015 đã không xác nhận một vụ tấn công vào Riyadh, nhưng họ cho biết đã đánh chặn và phá hủy một số tên lửa đạn đạo và các drone được phóng ra nhắm vào thủ đô Riyadh hôm 10/9.

Nhóm Houthis đã tiếp quản thủ đô Sanaa và nhiều thành phố khác tại Yemen từ năm 2014 sau khi lật đổ chính phủ Abd-Rabbu Mansour Hadi do Ả Rập Saudi hậu thuẫn.

Liên minh do Ả Rập Saudi lãnh đạo đã can thiệp vào Yemen từ năm 2015 để khôi phục quyền lực cho ông Hadi, nhưng cuộc chiến tranh này đã cướp đi sinh mạng của 100.000 người và rơi vào bế tắc trong nhiều năm qua. Liên Hiệp Quốc gọi cuộc xung đột này là cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất thế giới hiện nay.

Ngoài ra, tại Beirut, Li Băng hôm 10/9 lại xảy ra một vụ hỏa hoạn lớn sau vụ nổ hôm 4/8 cướp đi sinh mạng của 190 người, làm 6.000 người khác bị thương và khiến 300.000 người mất nhà cửa.

Thông tin này do một nguồn tin quân sự của Li Băng tiết lộ với Reuters. Đám cháy hôm 10/8 tại cảng Beirut tạo thành cột khói đen khổng lồ ở thủ đô Li Băng.

Nguồn tin của Reuters cho hay, nguyên nhân vụ nổ hiện vẫn chưa được làm rõ. Trong khi theo tờ Independent, quân đội Li Băng xác định vụ nổ ở “kho dầu và lốp xe” thuộc Khu Tự do của cảng Beirut.

Các nước nỗ lực lên án và cô lập Trung Quốc?

Đài Loan hôm 10/9 đã lên án Trung Quốc thực hiện tập trận không quân, hải quân quy mô lớn ở ngoài khơi bờ biển phía tây nam của đảo quốc dân chủ. Đài Bắc gọi động thái mới nhất của Bắc Kinh là khiêu khích nghiêm trọng và là mối đe dọa đối với vận chuyển hàng không quốc tế.

Theo Reuters, màn diễn tập quân sự của Trung Quốc đã diễn ra trong khu vực nhận diện phòng không của Đài Loan, nằm giữa đảo Đài Loan và Quần đảo Đông Sa (Pratas) do Đài Loan kiểm soát. Bộ Quốc phòng Đài Loan nói rằng Trung Quốc đã điều động các chiến đấu cơ Su-30 và J-10 tới tham gia cuộc diễn tập này.

Tuần trước, Đài Loan đã thực hiện các vụ thử vũ khí bằng hoạt động bắn đạn thật ở ngoài khơi bờ biển đông nam và phía đông của quốc đảo này.

Cũng trong ngày 10/9, Bộ Quốc phòng Ấn Độ cho biết nước này và Nhật Bản đã ký một thỏa thuận cho phép quân đội hai nước được tiếp cận các căn cứ quân sự của nhau để cung cấp và sử dụng dịch vụ.

Hai nước Ấn Độ và Nhật Bản trong những năm gần đây đã xây dựng mối quan hệ quốc phòng ngày càng gần gũi hơn và họ cùng nằm trong nhóm “Bộ Tứ” tại Ấn Độ – Thái Bình Dương do Mỹ khởi xướng và dẫn dắt. Động thái hợp tác mới nhất giữa New Delhi và Tokyo diễn ra trong bối cảnh Ấn Độ đang leo thang căng thẳng với Trung Quốc ở biên giới phía tây.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hôm 10/9 cũng kêu gọi các nước Đông Nam Á hãy đứng lên chống lại các hành vi bắt nạt trên biển của Trung Quốc, và đánh giá lại các giao dịch kinh doanh với các công ty nhà nước của nước này.

“Hôm nay, tôi nói [các bạn] hãy tiếp tục. Đừng chỉ lên tiếng mà hãy hành động. Hãy xem xét lại các giao dịch kinh doanh với các doanh nghiệp nhà nước bắt nạt các quốc gia ven biển ASEAN ở Biển Đông. Đừng để Đảng Cộng sản Trung Quốc lấn lướt chúng ta và nhân dân của chúng ta”, ông Pompeo nói.

Brexit lại bế tắc, Navalny đã tỉnh, Kolesnikova bị dọa giết

Tại châu Âu, 24 giờ qua nổi lên các vấn đề như: Brexit lại lâm vào bế tắc. Câu chuyện ông Navalny nghi bị đầu độc vẫn chưa có hồi kết và các nhà hoạt động dân chủ tại Belarus tiếp tục bị chính quyền Lukashenko trấn áp.

Chín tháng sau khi ông Boris Johnson đắc cử thủ tướng Anh với chiến thắng áp đảo nhờ lời hứa về thỏa thuận Brexit “sẵn sàng”, đến nay chính phủ Anh đang đe dọa phá vỡ các thỏa thuận thương mại với Liên minh châu Âu (EU) bằng tuyên bố họ có ý định vi phạm thỏa thuận Brexit đã ký với EU.

Lãnh đạo đối lập người Nga Navalny đang được điều trị tại thủ đô Berlin Đức đã tỉnh lại, nhưng được dự báo còn phải mất thời gian dài để hồi phục.

Mỹ  hôm 10/9 cho biết họ sẽ làm việc với các đồng minh để buộc những người tham gia vụ đầu độc ông Navalny phải chịu trách nhiệm, trong đó gồm cả biện pháp “hạn chế tài chính cấp cho các hoạt động gây hại”.

Trong khi đó, Đại sứ Nga tại Liên Hiệp Quốc Vassily Nebenzia nói rằng Moscow muốn biết những gì đã xảy ra với ông Navalny, nhưng giới chức Nga không có cơ sở nào để mở một cuộc điều tra khi họ không có bất cứ bằng chứng gì.

Đại sứ Đức tại Liên Hiệp Quốc Christoph Heusgen cho biết Berlin đang làm việc với tổ chức giám sát vũ khí hóa học toàn cầu về vấn đề này và đã kêu gọi Nga thực hiện điều tương tự.

Về trường hợp của chính trị gia đối lập người Belarus Maria Kolesnikova, Reuters cho biết bà này hôm 10/9 đã nói với truyền thông rằng bà đã bị các sĩ quan an ninh chùm túi vào đầu và đe dọa giết bà khi họ cố gắng cưỡng chế bà tới Ukraine hồi đầu tuần này.

Bà Kolesnikova nói rằng bà đã ngăn chặn nỗ lực bị trục xuất bằng cách xé hộ chiếu của mình.

Luật sư của bà Kolesnikova, bà Lyudmila Kazak đã nộp đơn kiện lên giới chức Belarus cáo buộc hành vi bắt cóc và giam giam giữ bất hợp pháp, cũng như đe dọa giết người, theo trang tin Tut.by.

Viện nghiên cứu Mỹ: Thế giới sẽ đối mặt với “Tháng 12 chết chóc”

Một báo cáo của Viện Đo lường và đánh giá sức khỏe (IHME) thuộc Đại học Y Washington dự đoán, khi Bắc bán cầu bước vào mùa đông, trong “Tháng 12 chết chóc”, virus viêm phổi Vũ Hán (COVID-19) có thể sẽ cướp đi 30.000 sinh mạng trên toàn thế giới mỗi ngày.

COVID-19
Khai báo y tế tại Sân bay quốc tế Sheremetyevo Nga ngày 4/3/2020 (Ảnh: Roman Sigaev/Shutterstock)

Theo dự báo của Viện Đo lường và đánh giá sức khỏe (IHME) thuộc Đại học Y Washington, Hoa Kỳ chỉ ra, tính đến ngày 1/1/2021, tổng số ca tử vong do viêm phổi ở Vũ Hán dự kiến ​​sẽ lên đến 2,8 triệu người, trong đó, từ nay đến cuối năm sẽ có khoảng 1,9 triệu ca. Số ca tử vong trong tháng 12 sẽ lên tới gần 30.000 người mỗi ngày. Tỷ lệ tử vong ở Canada hiện nay là cứ mỗi 100.000 người sẽ có 24,91 người tử vong, con số này sẽ tăng lên 66,91 người.

Giám đốc Viện IHME, ông Christopher Murray cho biết, đây là dự đoán đầu tiên trên thế giới về dịch viêm phổi Vũ Hán ở nhiều quốc gia. Tháng 12 sẽ là tháng của cái chết, đặc biệt là ở Trung Á, Châu Âu và Hoa Kỳ.

Một phần nguyên nhân tại sao báo cáo dự đoán số người chết sẽ tăng mạnh là do tính lây nhiễm theo mùa ở Bắc bán cầu. Nếu tình hình kéo dài, các quốc gia ở Bắc bán cầu sẽ chứng kiến ​​nhiều ca nhiễm hơn vào cuối mùa thu và mùa đông năm nay.

Ông Murray cho hay, virus viêm phổi Vũ Hán tương tự như bệnh viêm phổi sẽ phổ biến hơn khi thời tiết lạnh, do vậy khi trời chuyển lạnh, người dân Bắc bán cầu nên cẩn thận hơn.

Dự đoán của Cậu bé Ấn Độ: sẽ có nhiều thảm họa hơn vào tháng 12 

Tháng 8/2019, cậu bé chiêm tinh Ấn Độ 14 tuổi Abhigya Anand đã đăng tải một đoạn phim ngắn có tựa đề “Nguy hiểm nghiêm trọng đối với thế giới từ tháng 11/2019 đến tháng 4/2020” (Severe Danger To The World From Nov 2019 To April 2020). Trong đoạn phim, cậu cho biết, khoảng thời gian này sẽ có dịch bệnh nguy hiểm quy mô toàn cầu, và thế giới phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng.

Abhigya Anand nhận Giải Thần đồng thế giới tháng 1/2020 tại New Dehli (nguồn: praajnajyotisha.com/.com)

Cậu bé cũng nói rằng các nước giàu sẽ bị ảnh hưởng nặng nề về mặt kinh tế – điều này mở ra một dấu hiệu đáng lo ngại về suy thoái kinh tế có thể xảy ra trong tương lai.

Dự đoán của Anand gần như trùng khớp với mốc thời gian của dịch viêm phổi Vũ Hán khiến nhiều cư dân mạng bàng hoàng.

Tháng Tư năm nay, Anand tiếp tục đăng tải một đoạn phim ngắn mang tên “Tương lai của Thế giới 2020-21” (Future of The World 2020-21), một lần nữa dự đoán tương lai dựa trên chiêm tinh học.

Cậu bé dự đoán, một thảm họa khác sẽ xảy ra vào ngày 20/12/2020, còn tồi tệ hơn cả dịch viêm phổi Vũ Hán, và tác động của thảm họa này sẽ còn kéo dài đến tháng 3/2021.

Cậu bé cũng dự đoán, có thể có nhiều virus hơn, và với suy thoái kinh tế, có khả năng xuất hiện siêu vi khuẩn.

Cậu bé còn đề cập đến việc mọi người không biết ai đã gây ra virus, nhưng cậu tin rằng đây là Trời cao đang giảm bớt nghiệp tội của loài người.

Mỹ Huyên

Related posts