- Như Ngọc
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo trong một tuyên bố phát đi hôm thứ Sáu (11/9) đã nói rằng Washington “quan ngại sâu sắc” về vụ việc 12 nhà hoạt động Hồng Kông bị giam giữ tại Trung Quốc nhiều tuần qua kể từ khi họ bị bắt khi đang trên đường trốn chạy tới Đài Loan.
12 người Hồng Kông đã bị hải cảnh Trung Quốc bắt giữ khoảng 3 tuần trước tại vùng biển Trung Quốc ngoài khơi bờ biển tỉnh Quảng Đông. Những người Hồng Kông này được cho là bị bắt khi ở trên một chiếc thuyền đang di chuyển tới Đài Loan, nơi họ sẽ xin tị nạn chính trị.
Tối thiểu một trong những nhà hoạt động Hồng Kông bị hải cảnh Trung Quốc bắt giữ trước đó đã từng bị bắt giam do vi phạm luật an ninh quốc gia mới mà Bắc Kinh áp đặt lên Hồng Kông từ ngày 1/7. Các chính trị gia ủng hộ dân chủ tại Hồng Kông và thân quyến của các nhà hoạt động bị bắt giữ đã lên án tình trạng thiếu bảo vệ pháp lý tại Trung Quốc đại lục và họ kêu gọi mọi người giúp đỡ cho hoàn cảnh khó khăn của họ hiện nay.
Ông Pompeo là quan chức Mỹ đầu tiên công khai đưa ra quan điểm về vụ việc 12 nhà hoạt động Hồng Kông bị giới chức Trung Quốc bắt. Ông nói rằng ông thấy lo lắng khi nghe tin các nhà hoạt động này đang bị tước quyền tiếp cận luật sư.
“Chúng tôi hoài nghi cam kết đã tuyên bố của Trưởng Đặc khu Carrie Lam về việc bảo vệ quyền của công dân Hồng Kông và kêu gọi các nhà chức trách phải đảm bảo quyền tiếp cận pháp lý phù hợp”, ông Pompeo nói hôm 11/9. Ông cho biết thêm rằng hiện không có nhiều thông tin về tình hình các nhà hoạt động Hồng Kông và các tội danh chính thức mà họ bị cáo buộc.
Một phát ngôn viên văn phòng Hồng Kông của Bộ Ngoại giao Trung Quốc trong tuyên bố hôm thứ Bảy (12/9), không nêu đích danh ông Pompeo, nhưng đã “cực lực phản đối” các chính trị gia Mỹ nói chung và yêu cầu họ “lập tức dừng can thiệp vào các sự vụ của Hồng Kông và các công việc nội bộ của Trung Quốc”.
Tại Hồng Kông, các gia đình của những nhà hoạt động Hồng Kông bị bắt giữ, hôm 12/9 đã có mặt trong một buổi họp báo lần đầu kêu gọi sự hỗ trợ của công chúng. Đội những chiếc mũ rộng vành và đeo khẩu trang để ẩn danh tính, một số người đã khóc, họ cầu xin cho người thân đang bị bắt được phép tham vấn luật sư do gia đình lựa chọn và có cơ hội được nói chuyện với họ.
Người trẻ nhất trong nhóm 12 người bị Trung Quốc bắt mới 16 tuổi. Nhiều người trong số này cũng cần điều trị y tế, trong đó có một người bị hen suyễn và một người bị dị ứng da, những người thân của nhóm bị bắt nói.
Mẹ của của một người đàn ông bị bắt 29 tuổi tên Li Tsz-yin cho biết: “20 ngày này là thời gian rất khắc nghiệt đối với chúng tôi. Tôi không biết liệu con trai mình có được an toàn hay còn sống không”. Bà mẹ này nói thêm rằng bà hy vọng các nhà chức trách có thể sớm cung cấp thông tin về những gì đang diễn ra và cho phép các nhà hoạt động trở về Hồng Kông.
Đầy tuần này, khi được các phóng viên hỏi liệu chính quyền Đặc khu sẽ tìm cách đưa những người bị bắt tại đại lục trở về Hồng Kông, bà Carrie Lam nói rằng nếu họ “đã bị bắt vì phạm pháp tại đại lục, thì họ phải bị xử lý theo luật pháp đại lục”.
Các luật sư bị đe dọa
Một số luật sư Trung Quốc đại lục do gia đình của các nhà hoạt động thuê, nói rằng các quan chức Trung Quốc đã cảnh báo họ phải tránh xa vụ án này.
Reng Quanniu, luật sư nhân quyền đến từ tỉnh Hà Nam, nói Cục Tư pháp Quận Trung Nguyên, thành phố Trịnh Châu hôm 9/9 đã gọi cho ông hai lần yêu cầu ông phải rút khỏi vụ án, thậm chí họ còn cáo buộc ông “không phải là người yêu nước”.
“Việc đó khác nào mạng sống của chúng tôi gặp rủi ro. Họ làm cho mọi việc nghe thực sự đáng sợ”, luật sư Ren nói, theo các bản tin của truyền thông Hồng Kông. Ông Ren nhấn mạnh rằng ông sẽ không thoái lui trước áp lực của chính quyền.
Ông Ren cho biết những người Hồng Kông bị giới chức Trung Quốc bắt có thể phải đối mặt với tội danh vượt biên trái phép, nhưng ông cũng nói thêm rằng các cáo buộc có thể thay đổi.
Ông Lu Siwei đến từ tỉnh Tứ Xuyên, một luật sư khác cũng do các gia đình của những nhà hoạt động thuê, nói rằng ông đã bị từ chối gặp mặt thân chủ của mình bởi vì các nhà chức trách đã lựa chọn hai luật sự khác đại diện cho nhà hoạt động bị bắt này.
Một quan chức của Cục Tư pháp tỉnh Tứ Xuyên nói với ông Lu Siwei rằng đây là một vụ án quan trọng để “duy trì ổn định xã hội” và được chính quyền trung ương Trung Quốc giám sát, ông Lu nói với truyền thông Hồng Kông.
Trại giam Diêm Điền tại tỉnh Thâm Quyến nơi các nhà hoạt động Hồng Kông bị giam giữ, tương tự cũng đã từ chối luật sư Ji Zhongjiu từ tỉnh Chiết Giang tới thăm nhà hoạt động Li Tsz-yin. Một quan chức của trại giam Diêm Điền nói qua điện thoại với luật sư Ji Zhongjiu rằng ông Li Tsz-yin đã tự lựa chọn hai luật sư khác và cúp máy khi ông Ji cố gắng hỏi thêm thông tin.
Theo truyền thông Hồng Kông, ít nhất 3 luật sư tại Thâm Quyến do các gia đình người Hồng Kông đang bị bắt thuê, đã bị các nhà chức trách Trung Quốc ép buộc phải rút khỏi vụ án này.
Luật sư, nhà lập pháp Đảng Dân chủ Hồng Kông James To nói rằng quyền được có đại diện pháp lý của các nhà hoạt động đang bị bắt, đã bị xâm hại.
“Đó là bất thường khi các luật sư đại lục được người thân và các thành viên gia đình của họ chỉ định, đã bị thuyết phục phải rút khỏi vụ án này”, ông James To nói trong buổi họp báo hôm 12/9 cùng với các gia đình của người Hồng Kông bị giới chức đại lục bắt giam.
Eva Fu/ The Epoch Times
Như Ngọc biên dịch