Bắc Kinh tuyên bố “đánh bại COVID-19” nhằm thực hiện mục đích chính trị?
- Alex Wu
ĐCSTQ tuyên bố “chiến thắng” đại dịch COVID-19 vào ngày 8/9, bất chấp các ca nhiễm bệnh vẫn xuất hiện tại Trung Quốc Đại lục.
Các nhà quan sát tin rằng việc nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình gấp rút tổ chức lễ mừng chiến thắng là nhằm mục đích đối phó với sự chỉ trích và áp lực từ cả trong Đảng và cộng đồng quốc tế khi ngày càng có nhiều quốc gia cáo buộc Bắc Kinh che giấu đợt bùng phát ban đầu khiến virus lây lan khắp thế giới.
Bảy thành viên của Ủy ban Thường vụ Bộ chính trị ĐCSTQ, cơ quan ra quyết định hàng đầu của Đảng, đã tham dự “lễ ăn mừng” được tổ chức tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh, theo The Epoch Times.
Trong bài phát biểu của mình, ông Tập tuyên bố rằng Đảng đã giúp đất nước “đã vượt qua một bài kiểm tra phi thường mang tính lịch sử.”
Ông cũng đã trao huy chương cho các nhân viên y tế bao gồm ông Chung Nam Sơn, chuyên gia về bệnh hô hấp và là viện sĩ của Học viện Khoa học Trung Quốc do nhà nước điều hành; và bà Chen Wei, người đứng đầu Viện kỹ thuật sinh học có liên kết với quân đội Trung Quốc (PLA). Bà là chuyên gia hàng đầu về nghiên cứu vũ khí sinh học của Trung Quốc.
Các đợt bùng phát virus Vũ Hán đã liên tục xảy ra tại nhiều vùng của Trung Quốc. Một đợt tái bùng phát đã xuất hiện tại Bắc Kinh vào tháng 6, sau đó lây lan ra các vùng khác của nước này. Vào giữa tháng 7, một đợt bùng phát tại Urumqi, Tân Cương dẫn đến việc phong tỏa toàn khu vực. Và vào cuối tháng 7, một đợt bùng phát “làn sóng thứ 3” đã tấn công vùng đông bắc Trung Quốc.
Số liệu thống kê COVID-19 của Trung Quốc khác với các tài liệu chính phủ bị rò rỉ khiến các chuyên gia phải đặt câu hỏi về tính chân thật của nó.
Trong lúc đó, tại buổi họp báo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm 7/9, Giám đốc điều hành các dự án khẩn cấp của WHO, ông Michael Ryan nhấn mạnh rằng cho đến khi đại dịch toàn cầu thực sự chấm dứt, bất cứ nơi nào đều có nguy cơ bùng phát trở lại.
Các nhà quan sát và các nhà hoạt động tin rằng ông Tập muốn sử dụng lễ mừng chiến thắng để làm giảm áp lực của các phe phái khác nhau trong Đảng và để củng cố vị thế và quyền lực lãnh đạo đảng của mình.
Nhà hoạt động nhân quyềnHu Jia đã nói trong một cuộc phỏng vấn với Đài Á châu Tự do: “Điều đầu tiên, ông Tập muốn giảm thiểu trách nhiệm của mình đối với đại dịch. Và điều thứ hai, ông muốn chứng tỏ mô hình chính trị của Trung Quốc có lợi thế độc nhất trong việc chống lại đại dịch và đây cũng là lợi thế của hệ thống xã hội chủ nghĩa Trung Quốc. Điều này sẽ củng cố lý tưởng của người dân Trung Quốc, vốn đang bị đảng cai trị.”
Học giả chính trị Trung Quốc Wu Qiang nói với BBC tiếng Trung rằng buổi lễ được tổ chức trước cuộc bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ và Hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc – EU sắp tới để chứng tỏ rằng “mô hình chống đại dịch của Trung Quốc đã thành công” và để chống lại sự chỉ trích của quốc tế đối với ĐCSTQ
Cư dân mạng Trung Quốc chỉ trích buổi lễ của Bắc Kinh như một màn trình diễn chính trị. Cư dân mạng “Quan Zhisheng” đưa ra một loạt câu hỏi: “Đại dịch đã hoàn toàn chấm dứt chưa? Vắc-xin đã có chưa? Cả nước đã tổ chức tưởng niệm các nạn nhân chưa? Các quan chức che giấu đại dịch đã bị xử lý chưa? Tuy nhiên…. buổi lễ đã được tổ chức!”
Trong khi đó, cư dân mạng RHBNg bình luận: “nhà nước độc đảng này thật giỏi khi biến đám tang thành lễ ăn mừng. Lễ tuyên dương lần này có thể là một cách để lừa gạt các quốc gia khác tin rằng Trung Quốc đã loại bỏ hoàn toàn đại dịch và mọi người có thể đến đây để du lịch, kinh doanh, du học như bình thường. Và Đảng này có thể lừa dối các quốc gia khác mở cửa cho Trung Quốc,” theo The Epoch Times.
Alex Wu/ The Epoch Times
Bài hát “Lật đổ Trung Cộng” đứng đầu danh sách tải về trên iTune
“Để tôi nói với bạn, tôi đã trải qua điều gì, sống một cuộc sống bất công, nhìn thấy rất nhiều việc khiến tôi phát điên, còn người lãnh đạo lại không hề ngó ngàng tới…”, bài hát này có tên tiếng Anh là “Take Down the CCP” (Lật đổ Trung Cộng) đang gây bùng nổ trên mạng.
Theo trang mạng The National Pulse tại Mỹ đưa tin, lượt tải của bài đơn ca bằng tiếng Anh này đã chiếm vị trí quán quân trong 72 tiếng đồng hồ trên iTunes.
Bài hát do tỷ phú Trung Quốc sống lưu vong tại Mỹ ra mắt, và được đăng tải trên các nền tảng nghe nhạc trực tuyến như iTunes và Spotify, còn có một bài hát tiếng Trung khác là “Một tiếng thét của biển cả” (Thương hải nhất thanh tiêu). Trong một video trực tiếp trên YouTube, ông Quách Văn Quý tiết lộ, ông sẽ ký hợp đồng với công ty âm nhạc nổi tiếng của Mỹ, tương lai sẽ ra mắt ít nhất 100 – 500 “bài hát diệt Trung Cộng”, dùng sức mạnh âm nhạc để đối kháng với ĐCSTQ.
Ông Quách Văn Quý cho biết, bản thân ông vốn là người “hát rất tệ”, nhưng được sự chỉ dạy của cựu ca sĩ nhạc pop Trung Quốc Đường Bình (Tang Ping), ông đã biến thành một ca sĩ nhạc rock, bài hát “Lật đổ Trung Cộng” là do “ca sĩ và nhà chế tác phim nổi tiếng Hollywood sáng tác”, đội ngũ 12 người này có 500 triệu fan hâm mộ cùng họ viết lên ca từ “Lật đổ Trung Cộng”.
“Lật đổ ĐCSTQ, đây là việc cần thiết để bạn và tôi duy hộ chính nghĩa!”, ông Quách Văn Quý hát. Ông cho biết, bài hát mới được ra mắt đã nhận được hưởng ứng rất tốt, đã có công ty âm nhạc nổi tiếng của Mỹ ký hợp đồng với ông. “Lần đầu tiên nghe, ai cũng sẽ thấy rất thuận miệng, rất nhiều bạn của tôi, bao gồm cả người bạn Mỹ, hiện giờ con cái ở nhà đều đang dùng bài hát này để khiêu vũ! Bởi vì đây là cộng hưởng, chúng tôi không những dùng tiếng hát và âm nhạc để diệt Trung Cộng, chúng tôi còn có thể thức tỉnh nhận thức chung của toàn thế giới.” Ông Quách nói, “’Take Down the CCP!’ đã trở thành tiết tấu cho mọi người khiêu vũ!”
Bài hát “Take Down the CCP!” có thể được nghe tại đây: https://music.apple.com/us/album/take-down-the-ccp-single/1530859183
Quan hệ Trung – Mỹ mấy tháng gần đây đã trượt dốc thậm tệ nhất trong 40 năm qua, Tổng thống Trump gần đây đã phát động hàng loạt hành động chế tài với ĐCSTQ, bao gồm ngoại giao, thương mại, tài chính, khoa học công nghệ, chính trị.
Khảo sát dân ý mới nhất cho thấy, 73% người Mỹ không thích ĐCSTQ, đây là mức cao nhất trong 15 năm qua.
Tiêu Nhiên
Huawei thay thế Google trên tất cả điện thoại thông minh
Hôm thứ 5 (10/9), Huawei Technologies vẫn tỏ ra coi thường sự trừng phạt của Hoa Kỳ, khẳng định rằng họ sẽ dùng hệ điều hành của chính mình cho tất cả các điện thoại thông minh, đồng thời mở rộng hệ sinh thái các ứng dụng để cố gắng sinh tồn trong cuộc chiến công nghệ giữa Washington và Bắc Kinh.
Công ty công nghệ khổng lồ của Trung Quốc Huawei cho biết bắt đầu từ năm sau, tất cả điện thoại của hãng sẽ chạy trên hệ điều hành HarmonyOS – một phiên bản của hệ điều hành Android (Google) do chính công ty này tạo ra, theo tờ Nikkei.
“Chúng tôi sẽ phát hành tất cả các công cụ phát triển cho điện thoại thông minh vào tháng 12 này,” ông Richard Yu, giám đốc điều hành của nhóm kinh doanh điện tử tiêu dùng của Huawei nói trong hội nghị các nhà phát triển của công ty hôm 10/9.
“Huawei sẽ đóng vai trò giúp đỡ tất cả các nhà phát triển Trung Quốc mở rộng ra thị trường toàn cầu và giúp tất cả các nhà phát triển toàn cầu phục vụ người dùng Trung Quốc tốt hơn. Giống như TikTok của ByteDance làm rất tốt việc phục vụ khách hàng ở nước ngoài … chúng tôi hy vọng sẽ trở thành cầu nối để giúp nhiều nhà phát triển Trung Quốc hơn vươn ra toàn cầu,” ông Yu nói thêm.
Động thái triển khai hệ điều hành HarmonyOS trên tất cả điện thoại thông minh của mình cho thấy nhà bán điện thoại thông minh lớn nhất thế giới trong quý gần đây không còn trông đợi tiếp tục hợp tác trở lại với Google. Trước đó, khi lần đầu tiên giới thiệu hệ điều hành của chính mình vào năm ngoái, Huawei cho biết họ sẽ vẫn ưu tiên sử dụng hệ điều hành Android và dịch vụ của Google nếu có thể.
Huawei, cùng với Samsung Electronics, Xiaomi, và những công ty khác là những thương hiệu chính sử dụng nền tảng Android của Google. Ngược lại, Apple sử dụng hệ điều hành iOS của riêng mình cho điện thoại iPhone.
Ông Yu cho biết hệ điều hành HarmonyOS 2.0 có thể dùng cho tất cả các thiết bị của công ty từ điện thoại thông minh, các thiết bị có thể đeo trên người và màn hình thông minh cho đến các thiết bị gắn trong ô tô.
Ông Yu nói: “Huawei hiện đang trải qua đợt trừng phạt thứ ba của Hoa Kỳ nhưng chúng tôi vẫn đang duy trì sự tăng trưởng trong tất cả các sản phẩm của mình từ điện thoại thông minh, máy tính bảng cho đến các thiết bị có thể đeo trên người … và chúng tôi nghĩ rằng không ai có thể dập tắt ánh sáng của ngôi sao trên bầu trời.”
“Mỗi nhà phát triển của chúng tôi là một ngôi sao và tất cả họ cùng nhau hình thành nên một mảng sáng rực rỡ. Điều đó sẽ chiếu sáng con đường.”
Tuy nhiên, vị giám đốc điều hành này cho biết việc thiếu hụt chip do lệnh cấm cung cấp cho Huawei của Washington đã bắt đầu ảnh hưởng đến đà tăng trưởng của doanh số bán điện thoại thông minh của Huawei trong tháng này.
Huawei cũng đang chuẩn bị xây dựng hệ sinh thái ứng dụng di động của mình để thay thế cho Google Mobile Service, vốn bao gồm tất cả các ứng dụng được sử dụng rộng rãi ở nước ngoài từ Google Map và Gmail cho đến YouTube và Google Play – cổng quan trọng đối với người dùng điện thoại thông minh hệ Android dùng để tải xuống các ứng dụng di động.
Mặc dù Google đã ngừng hợp tác với Huawei, nhưng công ty Trung Quốc này vẫn có thể sử dụng Android, một nền tảng nguồn mở. Tuy nhiên, họ không thể nhận được bản cập nhật hoặc hỗ trợ kỹ thuật và không thể truy cập vào Google Mobile Service (Dịch vụ di động của Google).
Hôm 10/9, Ông Zhang Ping’an, chủ tịch Công ty Dịch vu Đám mây Tiêu dùng Huawei, cho biết Huawei đã có 1,8 triệu nhà phát triển, tăng gấp đôi từ mức 900.000 nhà phát triển khi họ thông báo kế hoạch xây dựng hệ sinh thái phần mềm của mình vào tháng 8 năm ngoái.
Tuy nhiên, con số đó vẫn chưa bằng 1/10 số nhà phát triển ứng dụng trên nền tảng iOS của Apple hoặc Android.
Cam kết sử dụng hệ sinh thái của riêng mình được Huawei đưa ra vài ngày trước khi biện pháp kiểm soát xuất khẩu mới của Hoa Kỳ có hiệu luật đầy đủ. Từ ngày 14/9, tất cả các nhà cung cấp chip và linh kiện điện tử sẽ cần phải có giấy phép để giao dịch với Huawei nếu họ sử dụng các công cụ và phần mềm của Mỹ trong các quy trình phát triển và sản xuất.
Ông Yu cho biết sau một năm nỗ lực, dịch vụ di động của Huawei có tốc độ truyền dữ liệu không dây nhanh hơn 20% so với dịch vụ tương đương của Google, đồng thời giao diện lập trình ứng dụng cũng mạnh hơn.
Theo công ty, AppGallery của Huawei – một phiên bản của Google Play, đã nổi lên như một nhà cung cấp cửa hàng ứng dụng đang lên với hơn 70.000 ứng dụng quốc tế so với mức chỉ 6.000 vào năm ngoái.
Tuy nhiên tham vọng của Huawei về nền tảng ứng dụng di động và hệ điều hành của mình có thể gặp rủi ro khi chính phủ Mỹ đang mở rộng sáng kiến “Mạng lưới Sạch” nhằm loại bỏ các công ty có liên kết với chính phủ Trung Quốc ra khỏi nhiều lĩnh vực bao gồm cơ sở hạ tầng mạng, cáp ngầm dưới biển, ứng dụng di động và cửa hàng ứng dụng.
Vào đầu tháng 8, Washington đã kêu gọi các nhà phát triển ứng dụng Mỹ và nước ngoài tẩy chay nền tảng của Huawei.
Huawei đã vượt qua Samsung để trở thành nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn nhất thế giới trong thời gian từ tháng 4 đến tháng 6. Tuy nhiên, nhiều nhà quan sát thị trường nhận định việc kinh doanh điện thoại thông minh của Huawei có thể thu hẹp từ năm tới.
Ông Jeff Pu, nhà phân tích của GF Securities cho biết “lượng hàng tồn kho của Huawei dành cho mảng kinh doanh điện thoại thông minh có thể duy trì ít nhất cho đến cuối năm nay, nhưng họ sẽ gặp khó khăn to lớn vào năm tới nếu Hoa Kỳ không nới lỏng lệnh cấm.”
Theo ước tính của GF Securities, Huawei vẫn có thể cung cấp 195 triệu điện thoại thông minh trong năm nay nhưng con số có thể sẽ giảm xuống còn 50 triệu vào năm tới nếu quy định của Hoa Kỳ không thay đổi.
Ngân Hà (theo Nikkei)
Luật An ninh: Học sinh bị đình chỉ vì đăng khẩu hiệu “Tự do cho Hồng Kông”
Theo SCMP, một học sinh trung học tại Hồng Kông đã bị nhà trường đình chỉ học một tuần vì đã cho hiển thị khẩu hiệu “Tự do cho Hồng Kông – Cách mạng ngay bây giờ” (“Free Hong Kong, Revolution Now”) trong các lớp học trực tuyến.
Nhóm Quan tâm Bản địa Hồng Kông của Trường trung học Heung To ở khu Cửu Long Đường (Kowloon) hôm 7/9 đã đăng tải thông tin cho biết một học sinh tại trường đã được gọi đến gặp ban giám hiệu và nhận thông báo đình chỉ một tuần vì đã đăng “những từ ngữ mang tính chính trị” trong ảnh đại diện của mình khi học trực tuyến.
Em học sinh được cho là đã lấy hình ảnh lá cờ có câu khẩu hiệu “Tự do cho Hồng Kông – Cách mạng ngay bây giờ” làm hình đại diện của mình.
Các lớp học tại Hồng Kông đã được chuyển sang hình thức giảng dạy trực tuyến do đại dịch virus corona. Theo dự kiến, ngày 23/9 tới đây các lớp học sẽ quay trở lại giảng dạy như thường lệ sau khi số ca nhiễm bệnh mới giảm.
Vào tối 8/9, Văn phòng Giáo dục Hồng Kông cho biết họ đã liên hệ với nhà trường về vấn đề này, chỉ ra rằng cụm từ mang hàm ý về sự độc lập của Hồng Kông, ly khai và lật đổ quyền lực của chính phủ trung ương Trung Quốc theo Luật An ninh quốc gia mới của Hồng Kông.
Các khẩu hiệu tương tự như “Giải phóng Hồng Kông; cách mạng của thời đại chúng ta” đều bị chính quyền đặc khu xem là vi phạm pháp luật sau khi Luật An ninh có hiệu luật vào ngày 30/6.
Nữ phát ngôn viên Văn phòng Giáo dục cho biết “Chúng tôi tin rằng nhà trường đang giải quyết vấn đề này một cách nghiêm túc. Chúng tôi sẽ thường xuyên liên lạc với nhà trường và tiếp tục cung cấp cho họ những tư vấn chuyên môn phù hợp.”
Bà nói rằng không ai nên cố gắng thách thức Luật An ninh quốc gia, đồng thời cho biết thêm Văn phòng cũng tin rằng nhà trường sẽ tạo cơ hội cho học sinh sửa chữa bất kỳ hành vi sai trái nào.
Vào tháng 6, Bộ trưởng Giáo dục Kevin Yeung Yun-hung cũng đã cảnh báo học sinh không được phản đối Luật An ninh tại trường học, bao gồm việc hát các bài hát chứa các thông điệp chính trị, chẳng hạn như bài hát “Vinh quang cho Hồng Kông” (Glory to Hong Kong) mà ông cho biết là ”một tuyên truyền rõ ràng”.
Nhóm Quan tâm Bản địa Hồng Kông của Trường trung học Heung To gọi động thái này là “sự kiểm duyệt chính trị” và nói rằng hình phạt này là “quá khắc nghiệt”.
Nhóm này cũng cho biết ban quản trị nhà trường đã cảnh báo học sinh này rằng có thể bị điểm hạnh kiểm xấu, đồng thời cũng đề nghị học sinh đó xem xét chuyển sang trường khác.
Vào tháng 6, Trường trung học Heung To cũng liên quan đến một cuộc tranh luận chính trị khác khi một giáo viên tố cáo hợp đồng của cô không được gia hạn do cô đã không ngăn cản học sinh hát “Vinh quang cho Hồng Kông” trong các bài kiểm tra âm nhạc và không có “cùng quan điểm chính trị” với nhà trường.
Hơn 100 học sinh của trường Heung To và một số trường khác đã phản đối cách xử lý vấn đề này, mặc dù nhà trường cho biết họ chỉ xem xét liệu giáo viên có thể “đáp ứng triết lý và tầm nhìn của nhà trường” hay không khi quyết định về việc gia hạn hợp đồng.
Gia Huy (theo SCMP)
Mỹ: Ít nhất 33 người chết vì cháy rừng, nhiều người mất tích
Ít nhất 33 người đã chết trong các vụ cháy rừng dữ dội ở bờ Tây nước Mỹ, với con số tử vong được dự đoán sẽ còn tăng thêm. AP cho hay gần như toàn bộ hàng chục người mất tích tuần trước ở Oregon đã được tìm thấy, nhưng số người mất tích ở các nơi khác có nguy cơ tăng lên.
Ngọn lửa dữ dội bùng lên ở Bờ Tây đã thiêu đốt các khu dân cư, không để lại thứ gì ngoài các đống tro tàn và khung xe hơi cháy đen, khiến hàng chục nghìn người phải sơ tán. Khói bụi có mùi khét kim loại bốc lên khiến các thành phố Seattle bang San Francisco và Portland bang Oregon có chất lượng không khí tồi tệ nhất thế giới.
Cụ thể, theo NBC News, cháy rừng ở California đã lan ra ít nhất 3,2 triệu mẫu (12.950 km2) khiến ít nhất 22 người chết, tính đến thứ Bảy. Ở bang Oregon, cháy rừng giết chết ít nhất 10 người và khiến chính quyền ra lệnh sơ tán đối với 500.000 dân, hơn 10% dân số toàn bang.
Washington báo cáo một trường hợp tử vong, một em bé một tuổi tại Cold Springs fire hạt Okanogan. Cha mẹ em bé đã thoát nạn nhưng bị bỏng độ ba.
Tuần trước, chính quyền các bang cho hay khoảng 50 người mất tích trong đám cháy rừng ở thành phố Ashland, bang Oregon. Tới cuối tuần qua, cảnh sát nói số người chết trong vụ cháy này là bốn và số người mất tích giảm xuống một.
Tuy nhiên, hàng chục người vẫn chưa được tìm thấy, và chính quyền các bang đang chuẩn bị cho “sự cố thương vong quy mô lớn”. Hiện 16 người đang mất tích tại Hạt Butte bang California, nơi năm 2018 phải trải qua một trong những trận cháy rừng gây chết người nghiêm trọng nhất với 85 người tử vong.
Tổng thống Mỹ Donald Trump nói rằng các thống đốc của Đảng Dân chủ phải chịu trách nhiệm về việc cháy rừng liên tục xấu đi qua các năm và cáo buộc họ yếu kém trong việc quản lý rừng.
Nhà chức trách cũng cho hay số người mất tích và chết có thể còn tăng thêm.
AP đưa tin, các thống đốc thuộc phe Dân chủ của tất cả ba tiểu bang trên cho rằng các đám cháy rừng là hệ quả của biến đổi khí hậu, phản đối cáo buộc trước đó của ông Trump là các bang này có hệ thống quản lý cháy rừng tồi tệ.
Thống đốc California Gavin nói rằng trận cháy rừng chưa có tiền lệ này được gây ra do biến đổi khí hậu.
“Tranh cãi đã kết thúc. Đây là tình trạng khẩn cấp về khí hậu. Nó có thật và đang xảy ra”, ông Gavin nói trong cuộc họp báo.
Bà Kate Brown, Thống đốc tiểu bang Oregon, nói trên chương trình “Face the Nation” của CBS hôm 13/9 rằng tình trạng hạn hán, thời tiết khắc nghiệt và gió mạnh đã khiến các đám cháy rừng lan rộng.
Cuộc khủng hoảng này xảy ra trong lúc COVID-19 bùng phát, kinh tế suy thoái cũng như các cuộc bạo loạn sắc tộc bùng lên trên toàn quốc, dẫn tới các cuộc biểu tình ở Portland trong hơn 100 ngày qua.
Trần Minh
Cố vấn Anh: Ông Tập Cận Bình bị áp lực phải từ chức
Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Tập Cận Bình có thể đang bị áp lực phải trao lại quyền lực do những quyết định sai lầm trong xử lý đại dịch viêm phổi Vũ Hán, ông Nicholas Drummond, cố vấn quốc phòng của chính phủ Anh đánh giá, theo The BL.
Theo tờ Express của Anh, ông Tập đang chịu áp lực mạnh mẽ không chỉ ở Trung Quốc mà còn từ cộng đồng quốc tế do những quyết định sai lầm khi xử lý đại dịch Covid trong bối cảnh ngày có thêm các bằng chứng cho thấy Bắc Kinh che giấu dịch.
Ông Drummond được Express dẫn lời cho biết: “Ngày càng rõ ràng rằng đại dịch đã bắt đầu từ rất lâu trước tháng 12 năm ngoái, nó thực sự xuất hiện vào tháng 9 hoặc tháng 10. Đến tháng 11, họ [chính quyền Trung Quốc] biết mình gặp vấn đề nghiêm trọng, nhưng họ quyết định không nói với chúng ta cho đến ngày 22/1″.
Các chuyên gia và truyền thông quốc tế đều thống nhất một nhận định rằng, trong hai tháng dịch bị chính quyền Trung Quốc che đậy, virus Vũ Hán đã kịp lây lan ra toàn cầu. Trong trường hợp Bắc Kinh báo cáo sớm thì có thể thế giới đã tránh được một đại dịch nguy hiểm.
Vào năm 2018, Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc Trung Quốc đã thông qua luật xóa bỏ giới hạn hai nhiệm kỳ đối với chức vụ chủ tịch nước, điều này cho phép ông Tập có thể duy trì quyền lực suốt đời.
Tuy nhiên, trong trường hợp có một báo cáo bất lợi cho ông Tập, ông Drummond tin rằng ĐCSTQ có thể vì áp lực mà yêu cầu ông Tập phải rời vị trí lãnh đạo.
Ông Drummond cho rằng nếu Bắc Kinh nhận thấy rằng hành vi của họ đã gây thiệt hại cho nền kinh tế Trung Quốc cũng như vị thế của họ trong cộng đồng thế giới, họ có thể nhận thấy rằng đến luc cần phải thay đổi.
“Điều này có thể có nghĩa là ĐCSTQ buộc Tập Cận Bình từ chức. Đây sẽ là một hành động gây tranh cãi [nhưng] sẽ giúp mối quan hệ Trung Quốc và phương Tây trở nên tích cực hơn”, ông Drummond nói.
Trung Quốc lại tung đòn ‘ngoại giao cưỡng chế’, cấm nhập thịt lợn Đức
Các nhà phân tích cho rằng động thái này có động cơ chính trị nhiều hơn là mối lo ngại thực sự trước khả năng bùng phát dịch tả lợn.
Trung Quốc đã cấm nhập khẩu thịt lợn từ Đức trước thềm các cuộc đàm phán thương mại và đầu tư quan trọng, một động thái mà các nhà phân tích mô tả là một lời cảnh báo châu Âu không nên thách thức Bắc Kinh trong một loạt vấn đề, theo Financial Times.
Ngày 12/09, Bộ Nông nghiệp và Tổng cục Hải quan Trung Quốc cho biết Trung Quốc sẽ ngừng chấp nhận thịt lợn và các sản phẩm liên quan từ Đức. Với lý do “bảo vệ ngành chăn nuôi và ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh”, sau khi Đức báo cáo trường hợp đầu tiên bị dịch tả lợn châu Phi.
Lệnh cấm được đưa ra chỉ hai ngày trước khi tổng bí thư Tập Cận Bình thảo luận về các vấn đề thương mại trong một cuộc họp video với thủ tướng Đức Angela Merkel, chủ tịch Hội đồng châu Âu và Ủy ban châu Âu Charles Michel và Ursula von der Leyen hôm nay (14/9).
Các nhà phân tích cho biết lệnh cấm nhập khẩu liên quan nhiều đến các tính toán chính trị hơn là lo ngại về ngành chăn nuôi lợn của Trung Quốc. Zhuang Bo, nhà phân tích tại TS Lombard, cho biết: “Bắc Kinh muốn cảnh báo Berlin rằng chúng tôi có khả năng làm suy yếu các vị nếu các vị không lắng nghe chúng tôi”.
Đức đóng vai trò quan trọng trong các cuộc đàm phán đầu tư đang diễn ra với EU, mà Trung Quốc hy vọng có thể kết thúc vào cuối năm nay. Hồi tháng 6, EU cảnh báo có thể áp đặt những hạn chế mới đối với đầu tư của Trung Quốc vào châu Âu, trừ khi Bắc Kinh đồng ý thiết lập một sân chơi công bằng về thương mại và giảm bớt một loạt trở ngại cho các công ty châu Âu tại Trung Quốc.
Lệnh cấm nhập khẩu thịt lợn phản ánh mô hình “ngoại giao cưỡng chế”, trong đó Bắc Kinh áp đặt các hạn chế thương mại và đầu tư đối với các quốc gia mà họ có bất đồng ngoại giao.
Động thái này diễn ra ngay sau chuyến thăm châu Âu của ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị với sự tiếp đón nhiệt tình, đặc biệt là ở Berlin. Trong chuyến đi đó, ông Vương cố gắng thuyết phục các nhà lãnh đạo châu Âu công khai phản đối cách tiếp cận ngày càng đối đầu của Mỹ với Trung Quốc.
Bộ Nông nghiệp Đức cho biết họ đang đàm phán với chính phủ Trung Quốc, cố gắng thuyết phục nước này giảm quy mô lệnh cấm nhập khẩu và chỉ chặn thịt lợn được sản xuất tại các khu vực thực sự bị ảnh hưởng bởi dịch tả lợn. Tức là tương tự như một thỏa thuận đã được thực hiện trong EU.
Joachim Rukwied, chủ tịch hiệp hội nông dân Đức, nói với hãng thông tấn Đức DPA rằng nông dân Đức “rất lo ngại” về động thái của Trung Quốc, mà ông gọi là “quá đáng và không thể chấp nhận được”.
Lệnh cấm nhập khẩu sẽ giáng một đòn mạnh vào các nhà xuất khẩu thịt lợn của Đức, hiện đang phụ thuộc vào Trung Quốc với gần 2/3 hoạt động kinh doanh của họ.
Đức là nhà cung cấp sản phẩm thịt lợn lớn thứ ba của Trung Quốc sau Mỹ và Tây Ban Nha. Nhập khẩu thịt lợn của Trung Quốc từ Đức đã tăng hơn gấp đôi trong 4 tháng đầu năm nay so với cùng kỳ năm trước. Tính đến nửa đầu năm nay đã đạt 835 triệu euro, so với 1,2 tỷ euro của cả năm ngoái.
Tổng lượng nhập khẩu thịt lợn của Trung Quốc và giá thịt lợn đều tăng vọt do đàn lợn của nước này bị tàn phá bởi dịch tả lợn châu Phi trong hai năm qua. Sublime China Information (SCI), một công ty tư vấn, ước tính số lượng lợn của Trung Quốc đã giảm ít nhất một phần ba so với trước khi dịch tả châu Phi bùng phát tại đây năm 2018. Do đó, giá thịt lợn trung bình ở 22 thành phố lớn đã tăng hơn gấp đôi trong hai năm qua .
Một nhà phân tích tại SCI giấu tên cho biết: “Việc hạn chế nhập khẩu sẽ vừa ảnh hưởng đến các trang trại chăn nuôi lợn của Đức, vừa ảnh hưởng tới người tiêu dùng bình dân của Trung Quốc, vốn đang phải vật lộn với giá thịt lợn cao ngất trời”.
Thủ tướng Đức Angela Merkel đang chịu áp lực khi có thái độ quá thân thiện với chính quyền Bắc Kinh. Động thái “ngoại giao cưỡng chế” này từ Trung Quốc, đánh trực tiếp vào người nông dân Đức là một đòn cảnh tỉnh. Rằng chính quyền Bắc Kinh sẵn sàng trở mặt, kể cả với những bên được gọi là “đối tác thân thiện”.
Giáo sư Gordon Chang, chuyên gia về Trung Quốc tại Mỹ phát biểu trên Twitter:“Lệnh cấm củaTrung Quốc đối với thịt lợn Đức là một lời cảnh báo cho tất cả chúng ta. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc nghĩ rằng họ có thể khiến cả thế giới – kẻ thù, đối thủ, đối tác và bạn bè – phải phục tùng. Chúng ta phải chú ý đến những gì Bắc Kinh có thể làm tiếp theo”.
Yoshihide Suga – Tân Thủ tướng Nhật Bản
Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga gần như nắm chắc chiến thắng trong cuộc bầu cử lãnh đạo đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền và khả năng cao sẽ kế nhiệm Thủ tướng Shinzo Abe, theo Reuters.
Trong cuộc bỏ phiếu bầu chọn lãnh đạo đảng LDP sẽ diễn ra hôm nay (14/9), ông Suga dự kiến giành chiến thắng với đa số phiếu bầu từ 394 nhà lập pháp và có khả năng giành được đa số trong 141 phiếu bầu từ các chi hội địa phương của đảng.
Ông Suga, 71 tuổi, là trợ thủ đắc lực của Thủ tướng sắp mãn nhiệm Shinzo Abe. Yoshihide Suga cho biết ông sẽ kế thừa chiến lược kinh tế “Abenomics” của Thủ tướng Abe, trong đó có chính sách tiền tệ siêu nới lỏng. Ông cũng chú trọng giải quyết các thách thức do dịch Covid-19 và phục hồi nền kinh tế đang xuống dốc, đồng thời tìm giải pháp cho nhiều vấn đề dài hạn như già hóa dân số hay tỷ lệ sinh thấp của Nhật Bản.
Do các đảng viên LDP chiếm đa số ghế ở Hạ viện, nên người giành được vị trí lãnh đạo đảng gần như chắc chắn được bầu làm thủ tướng Nhật trong một cuộc bỏ phiếu khác diễn ra tại quốc hội vào ngày 16/9 tới. Nếu đắc cử, ông Suga sẽ thay ông Abe đảm nhận vị trí thủ tướng đến hết nhiệm kỳ vào tháng 9/2021.
Một cuộc thăm dò của Reuters cho thấy các nhà sản xuất Nhật Bản vẫn bi quan trong tháng thứ 14 liên tiếp, cho thấy vấn đề mà nhà lãnh đạo tiếp theo phải giải quyết. Không chỉ vậy, người kế nhiệm ông Abe còn phải đối mặt với những thách thức địa chính trị như xây dựng mối quan hệ với người chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sẽ diễn ra vào ngày 3/11 tới và cân bằng mối quan hệ với Trung Quốc liên quan đến biển và kinh tế.
Theo Reuters
Hải Lam dịch và biên tập
Oracle thắng thầu TikTok, sau khi Microsoft bị từ chối
ByteDance, chủ sở hữu Trung Quốc của ứng dụng video TikTok, đã chọn Oracle làm đối tác công nghệ của TikTok tại Hoa Kỳ, và Oracle sẽ được mua lại cổ phần đáng kể trong mảng hoạt động của TikTok sắp tới, một nguồn tin trong cuộc chia sẻ với CNBC. Đồng thời, hôm Chủ nhật, Microsoft cho biết ByteDance đã quyết định không bán tài sản của TikTok tại Mỹ cho hãng này.
Tổng thống Trump trước đó đã đặt ra thời hạn giữa tháng 9 để công ty mẹ ByteDance của TikTok bán lại các hoạt động tại Mỹ của ứng dụng này.
Microsoft hôm 13/9 đã xác nhận trong một tuyên bố rằng lời đề nghị của họ đã bị từ chối.
“ByteDance hôm nay vừa cho chúng tôi biết họ sẽ không bán các hoạt động của TikTok tại Hoa Kỳ cho Microsoft”, tuyên bố có đoạn.
“Chúng tôi tin tưởng đề xuất của mình sẽ mang lại lợi ích cho người dùng TikTok, đồng thời bảo vệ lợi ích an ninh quốc gia Mỹ. Để làm được điều này, chúng tôi sẽ thực hiện những thay đổi đáng kể để đảm bảo dịch vụ của chúng tôi đáp ứng các tiêu chuẩn cao nhất về bảo mật, quyền riêng tư, mức độ an toàn trực tuyến và chống việc lan truyền thông tin sai lệch, và chúng tôi đã nêu rõ những nguyên tắc này trong tuyên bố tháng 8 của mình. Chúng tôi mong muốn quan sát xem dịch vụ này sẽ phát triển như thế nào trong những lĩnh vực quan trọng này”.
TikTok đã nhận được lời đề nghị mua lại từ Oracle, Microsoft và tập đoàn bán lẻ Walmart.
“Tôi đã bảo họ rằng họ phải chốt được một thỏa thuận chậm nhất vào ngày 15/9. Nếu không, chúng tôi sẽ chặn hoạt động của nó ở đất nước này”, ông Trump nói với các phóng viên vào ngày 1/9.
Mối đe dọa từ TikTok
Chính quyền Trump đã đưa ra quan ngại TikTok có thể bị buộc phải chuyển thông tin người dùng cho chính quyền Trung Quốc. Theo luật tình báo quốc gia năm 2017, các công ty Trung Quốc được yêu cầu cung cấp dữ liệu của mình cho ĐCSTQ, theo The Epoch Times.
“TikTok tự động thu thập rất nhiều thông tin từ người dùng, bao gồm các hoạt động trên Internet ví như dữ liệu vị trí, lịch sử duyệt web và tìm kiếm”, sắc lệnh hành pháp của ông Trump nêu rõ.
Việc thu thập dữ liệu này có thể cho phép “Trung Quốc theo dõi vị trí các nhân viên và nhà thầu Liên bang, xây dựng hồ sơ thông tin cá nhân để tống tiền và thực hiện hoạt động gián điệp đối với các doanh nghiệp”.
Bộ An ninh Nội địa, Cục Quản lý An ninh Vận tải và Lực lượng Vũ trang Mỹ đã cấm cài ứng dụng TikTok trên các thiết bị của chính phủ.
TikTok cũng đã vấp phải chỉ trích từ người dùng vì kiểm duyệt nội dung liên quan đến biểu tình Hồng Kông và việc đàn áp người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.
Tờ The Epoch Times gần đây đã đưa tin rằng thống kê có đến hơn 130 nhân viên của ByteDance là thành viên của một ủy ban của ĐCSTQ. Nhiều người trong số này nắm giữ các vị trí quản lý, theo các tài liệu nội bộ.
Bên cạnh TikTok và WeChat, chính quyền Trump có thể bóp nghẹt các ứng dụng khác của Trung Quốc, theo Cố vấn thương mại Nhà Trắng Peter Navarro.
“Điều quan trọng là đất nước này không sử dụng các ứng dụng “made in China”, nếu không chúng có thể thu thập dữ liệu của chúng ta và chuyển chúng đến máy chủ ở Trung Quốc. Dữ liệu này sau đó sẽ được sử dụng để theo dõi và giám sát bạn”, ông Navarro chia sẻ với Fox Business hồi tháng trước.