Hà Nhật
Cao Xuân Hạo hơn tôi khá nhiều tuổi, nhưng rồi tôi có lúc trở nên thân thiết với anh, có những kỷ niệm đẹp thật đáng ghi nhớ.
Quê gốc của anh là xã Diễn Thịnh thuộc huyện Diễn Châu, Nghệ An. Thuở tôi bị “phát vãng” dạy cấp hai tại một làng nằm ở cuối huyện, tôi từng có lúc đi ngang qua làng anh để từ đó leo núi Mụ Giạ, viếng An Dương Vương, thắp hương trước tượng nàng Mỵ Châu.
Họ Cao Xuân là một gia tộc vẻ vang ở Diễn Châu, từng có một vị đại thần nổi tiếng thời Nguyễn: Cao Xuân Dục.
Thân phụ của Hạo là giáo sư Cao Xuân Huy. Tôi đã biết giáo sư Huy, là học trò của thầy Huy trước khi quen và trở thành bạn của Hạo.
Trong mắt lũ sinh viên chúng tôi thời đó, thầy Cao Xuân Huy là một con người khá lạ lùng. Thầy dạy chúng tôi ngay năm thứ nhất, môn thầy dạy là: Tâm lý học. Hơi lạ.
Thật ra, thầy là người cực kỳ uyên thâm vào loại nhất thời đó ở các địa hạt: Hán học, Đông Phương học. Chắc chắn không ai có thể vượt được thầy về các thứ triết học Phương Đông, nhất là các thứ gọi là “tam giáo”: Khổng, Phật, Lão Trang.
Cách sống của thầy Huy thì đúng là “rất lão trang”.
Cao Xuân Hạo là học sinh trường dòng Providence, một trong ba trường trung học nổi tiếng thời ấy ở Huế. Theo cách nghĩ của học sinh ngày đó: học sinh Pellerin giỏi toán, học sinh Khải Định giỏi văn, học sinh Providence giỏi ngoại ngữ.
Không biết có phải thế không, nhưng quả là Hạo rất giỏi ngoại ngữ. Theo cách nói của bạn bè thì Hạo giỏi tiếng Pháp ngang như tiếng Việt, giỏi tiếng Anh bằng tiếng Pháp. Anh còn biết được cả tiếng Latin. Rồi Hạo còn rành cả âm nhạc. Quái quỷ, không biết cái trường Providence ấy nó dạy dỗ kiểu gì.
Sau này, khi ở miền Bắc có phong trào học tiếng Nga, Hạo mua sách về tự học lấy.
Thế mà sau này, khi các giáo sư và giảng viên từ Nga sang giảng dạy, luôn luôn Hạo được giao làm người phiên dịch trực tiếp trong các giờ dạy của họ. Một lần một cô giáo trẻ người Nga (tôi còn nhớ tên cô ấy là: Maria Vladimirovna Glushkova) đã ngạc nhiên hỏi Hạo:
– Anh Hạo từng ở Moscow mấy năm mà giọng anh đặc Moscow như vậy?
Có lẽ cô ta còn ngạc nhiên hơn khi biết ông Hạo nhà ta chưa từng biết Moscow là gì. Ai cho anh ta đi Nga chứ. Đó là đặc quyền đặc lợi chỉ dành cho những “hạt giống đỏ”!
Vậy mà với cái tiếng Nga tự học ấy, Cao Xuân Hạo trở thành người phiên dịch chính, kiêm luôn cả hiệu đính cho các tác phẩm, từ bộ tiểu thuyết Chiến tranh và Hoà bình, rồi Phục sinh, của Lev Tolstoy, đến Núi đồi và thảo nguyên của Aitmatov…
Trong mấy năm không được đứng trên bục giảng, nguồn thu nhập chính của anh là các thứ này (hồi đó khá lắm).
Dạo ở Hà Nội, tôi chỉ quen chứ chưa thân với Hạo. Chủ yếu là những lần Hạo không thể ngủ ở nhà, mà phải đến ngủ nhờ nhà Phùng Quán ở Nghi Tàm. Trong hôn nhân, Hạo có vợ đẹp con ngoan, nhưng hình như không có thứ gọi là hạnh phúc gia đình.
Ở trường đại học lúc ấy, Hạo bị coi như một thứ của bỏ đi. Tôi biết ở cái nơi ấy tài năng của Hạo hơn tất cả một cái đầu, nhưng anh trở thành một chân sai vặt, chuyên dịch tài liệu cho người ta “nghiên cứu”.
Có lần thấy một thứ lý thuyết về ngôn ngữ học mà anh cho là quái gở, có ý chống lại, thì anh bị phê phán quyết liệt, kiểu như người ta từng đánh bè lũ Nhân Văn – Giai phẩm trước đó:
– Tôi đấu tranh, phải thắng anh, vì đây không phải chỉ giữa anh với tôi, mà là giữa địch và ta. Ta phải thắng.
Thời gian đầu tôi ở Phan Thiết nên không mấy khi gặp Cao Xuân Hạo. Sau khi tôi chuyển vào Sài Gòn, nhất là sau khi Tuân Nguyễn gặp nạn rồi qua đời, đặc biệt là trong những ngày lo đám tang cho đến khi cúng “mở cửa mả” cho Tuân, chúng tôi trở nên gắn bó.
Dạo ấy Hạo do tự ý vào Sài Gòn nên không thuộc cơ quan nào. Anh ở một ngôi nhà ở đường Huỳnh Văn Bánh, cũng khá rảnh rang.
Nhà tôi (nhà bố mẹ vợ tôi) ở Tân Bình nhưng khá gần, cứ vài buổi chiều tôi lại ghé qua chơi với anh.
Tôi khuyên anh, ngoài việc dịch thuê kiếm tiền (như dịch Đèn không hắt bóng, Khải Hoàn Môn, Papillon người tù khổ sai…), nên viết gì về nghiệp chính của mình là Ngôn ngữ học.
Biết cái gì mình viết ra lúc này chắc cũng chẳng có ai dùng, Hạo bèn viết… tiếng Pháp. Vả lại, theo anh, viết bằng tiếng Pháp thì… dễ hơn!
Rồi tác phẩm được hoàn thành, có nhan đề là: Phonologie et linéarité (Âm vị học và tuyến tính – còn trong phần tóm tắt bằng tiếng Việt nội dung cuốn sách, không biết do ai viết, với thứ chữ Quốc ngữ không có dấu, thì Phonologie et linéarité được dịch là Am-vân-hoc va chinh-dao-tinh!).
Tôi vốn là kẻ ngoại đạo về cái môn khoa học này nên cũng chẳng quan tâm gì đến các thứ nội dung mà Hạo viết. Thứ tôi quan tâm duy nhất là Cao Xuân Hạo đã viết.
Không lâu sau đó, không biết bằng cách nào mà bản thảo của Hạo được chuyển sang Pháp. Rồi nhà xuất bản SELAF của Hội Nghiên cứu Ngôn ngữ học và Nhân học của Pháp quyết định đem in!
Trong khoảng thời gian này, chuyện đáng nhớ nhất là lúc thầy Cao Xuân Huy ốm nặng, phải đưa vào bệnh viện Thống Nhất.
Rồi một buổi sáng Hạo ghé qua nhà tôi:
– Ông cụ tôi mất rồi!
Thế là tôi theo Hạo vào bệnh viện, rồi hai người ngồi trực tại nhà quàn của bệnh viện.
Sáng ấy là di quan. Để phòng xa, Hạo thuê những hai cái xe buýt đi theo dành cho những người có thể đến tiễn đưa một người thầy của nhiều thế hệ. Và cả bạn bè đồng nghiệp trong bao nhiêu năm…
Nhưng rồi Hạo phải xin trả lại một chiếc xe, chỉ giữ lại một chiếc xe duy nhất. Vậy mà lúc xe chuyển bánh, trên xe chỉ có hai người: tôi và anh Mai Quốc Liên, một môn đồ của thầy Cao Xuân Huy về Hán học.
Cũng may là lúc xe sắp chuyển bánh, có một bệnh nhân từ trên lầu bước xuống, bắt tay chúng tôi và nói những lời chia buồn. Người ấy là nhà sử học, giáo sư Trần Văn Giàu.
Chúng tôi đưa giáo sư Cao Xuân Huy đến địa chỉ cuối cùng: Nghĩa trang Bình Hưng Hoà.
Một chi tiết không thể nào quên:
Sau khi đã đưa thầy lên bậc thềm để từ đó quan tài được đưa xuống giàn lửa, chúng tôi tôi dựng lại mấy cái vòng hoa hiếm hoi, trong đó có một cái có ghi dòng chữ:
Kính viếng giáo sư Cao Xuân Huy – Phạm Văn Đồng.
Lúc đó, có mấy người, chắc là đi viếng mộ, ghé lại, nhìn thấy dòng chữ thì nói nhỏ với nhau:
– Chắc là ai đó cùng tên.
Họ có cái lý của họ. Đám tang lèo tèo này sao có thể là một người được ông Thủ tướng gửi vòng hoa.
Thế rồi, thật là may:
Trời còn để sống đến nay
Tan sương đầu ngõ vén mây giữa trời
Cái gì đến cứ thế mà đến. Chuyện sau đó thì ai cũng biết rồi…
Tôi nhớ, mùa hè năm đó, sau một chuyến về miền Trung, có ghé thăm Đền Cuông, tôi định ghé thăm Cao Xuân Hạo để khoe về chuyến đi có ghé qua quê anh, nhưng rồi phải vào thăm anh trong bệnh viện. Anh đã mê man. Cạnh giường anh là Kim Thanh – vợ Hạo – và Trà Giang – bạn học cùng lớp với Kim Thanh, khóa đầu tiên của Trường Điện ảnh Việt Nam.
Rồi tôi phải vào viếng anh tại nhà tang lễ Phạm Ngũ Lão. Tất nhiên đám tang này không lèo tèo như đám tang ngày ấy của giáo sư Cao Xuân Huy!
Lúc này Cao Xuân Hạo đã là phó giáo sư, được rất nhiều người gọi là thầy Hạo, cảm thấy vinh dự được là học trò thầy Hạo. Đặc biệt, lý thuyết của anh về ngữ pháp tiếng Việt đã được thừa nhận và đem giảng dạy trong một số trường đại học.
Mừng quá! Mừng cho Cao Xuân Hạo. Mừng cho một ngành khoa học của nước nhà. Mừng cho bạn bè của Hạo, kẻ mất người còn. Mừng cho các lứa môn đồ của Hạo đã tìm được đúng người để học, đúng kiến văn để học!