Hơn 300 nhóm dân sự kêu gọi điều tra quốc tế về vi phạm nhân quyền của ĐCSTQ

  • Eva Fu

Một liên minh gồm hơn 300 nhóm nhân quyền đang kêu gọi Liên Hợp Quốc (LHQ) tạo ra “một cơ chế giám sát” để buộc chế độ cộng sản Trung Quốc phải chịu trách nhiệm cho những vi phạm nhân quyền mà họ gây trong và ngoài nước Trung Quốc, theo tin từ The Epoch Times.

Bắc Kinh, Thiên An Môn
Cảnh sát Trung Quốc (Ảnh: Songquan Deng/ Shutterstock).

321 nhóm, bao gồm Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, Tổ chức Ân xá Quốc tế, Tổ chức Dịch vụ Nhân quyền Quốc tế, và 50 chuyên gia của LHQ đã soạn thảo một bức thư chung gửi LHQ vào ngày 9/9 chỉ trích việc Bắc Kinh đàn áp tự do tại Hồng Kông, Tây Tạng và Tân Cương cũng như việc che giấu thông tin trong đại dịch virus corona và đàn áp những người ủng hộ nhân quyền.

Bà Sarah Brooks, liên lạc viên của Tổ chức Dịch vụ Nhân quyền Quốc tế tại Brussels, cho biết “Việc Trung Quốc coi thường nhân quyền không còn chỉ ảnh hưởng đến công dân của họ. Việc họ ủng hộ các nhà độc tài và nỗ lực viết lại các tiêu chuẩn quốc tế đang khiến công việc bảo vệ nhân quyền khó khăn hơn bao giờ hết.” Bà cho biết thêm bức thư chung đã đoàn kết các tổ chức nhân quyền trên toàn thế giới lại để “đấu tranh vì mục đích chung cho các cộng đồng của họ.”

Tập thể này kêu gọi thành lập “một cơ chế độc lập và khách quan của LHQ” để giám sát và điều tra việc vi phạm nhân quyền của Trung Quốc, góp phần tăng thêm tiếng nói chỉ trích quốc tế đối với các chiến thuật của Bắc Kinh, từ việc đàn áp mạnh tay các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ ở Hồng Kông cho đến việc kiểm duyệt các nhà báo phương Tây và các nhà phê bình Trung Quốc.

Khi được phóng viên hỏi về bức thư, phát ngôn viên bộ ngoại giao Trung Quốc cho biết trong một cuộc họp báo hôm 9/9 rằng “các cáo buộc vô căn cứ của các tổ chức này không xứng đáng để phản biện.”

Chỉ vài ngày trước đó, 7 chuyên gia nhân quyền của LHQ đã gửi một lá thư đến chính phủ Trung Quốc chỉ trích Luật An ninh quốc gia mới mà Bắc Kinh áp đặt lên Hồng Kông. Họ cho biết những điều khoản của Luật An ninh quá rộng, “vi phạm một số quyền cơ bản” và cho phép chính quyền nhắm vào những người bất đồng chính kiến, chẳng hạn coi các hoạt động hợp pháp của những người bảo vệ nhân quyền là bất hợp pháp.

Vào tháng 6, khoảng 50 chuyên gia nhân quyền của LHQ cũng đã kêu gọi “các biện pháp mạnh mẽ để bảo vệ quyền tự do cơ bản tại Trung Quốc.” Họ cho biết mặc dù đã gửi nhiều yêu cầu, nhưng chính phủ Trung Quốc chỉ cho các chuyên gia bên ngoài đến viếng thăm nước này năm lần trong hơn một thập kỷ qua và bác bỏ mối quan ngại của họ.

Trong bức thư ngày 9/9, các tổ chức này đã bày tỏ “sự thất vọng trước những nỗ lực của Bắc Kinh nhằm bóp méo vai trò của Hội đồng Nhân quyền LHQ (UNCHR) bằng cách đề xuất “sự hợp tác” đối với trách nhiệm giải trình.”

Các tổ chức này cho biết chính phủ Trung Quốc, lợi dụng tư cách ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an LHQ của mình để bảo vệ những người vi phạm nhân quyền nghiêm trọng khỏi bị truy tố. Họ đã bác bỏ “vô căn cứ” sự công nhận của LHQ đối với các tổ chức phi chính phủ, và cấm các nhà hoạt động nhân quyền tiếp cận các cơ quan LHQ.

Một quan chức LHQ trước đây đã nói với Tổ chức Theo dõi Nhân quyền rằng Trung Quốc là “một trong rất ít quốc gia đã rất cố gắng để hạn chế sự tham gia của một số tổ chức phi chính phủ nhất định” bằng cách miêu tả họ là những kẻ khủng bố. Các đại diện Trung Quốc đã ngắt lời các nhà hoạt động, chẳng hạn như ca sĩ Hồng Kông Denise Ho trong các buổi làm chứng của họ trước các cơ quan LHQ. 

Ông John Fisher, giám đốc Tổ chức Theo dõi Nhân quyền ở Geneva, cho biết “tiếng nói chung ngày càng tăng lên” sẽ khiến LHQ phải hành động và chấm dứt việc không trừng phạt đối với những vi phạm nhân quyền ngày càng nghiêm trọng của Bắc Kinh.

Các nhóm trong bức thư chung viết: “Một quốc gia cố gắng tiếp tục kéo dài bất kỳ hình thức giám sát nào sẽ trở thành mối đe dọa cơ bản đối với nhân quyền.”

Eva Fu/ The Epoch Times

Related posts