Lê Văn Ngọc
Các nhà nho Việt Nam, kể từ những buổi đầu vào những thời nhà Tiền Lê và nhà Lý mới học theo Nho giáo Trung Hoa. Thời nhà Lý còn có Tống Nho đã dời xa Nho học truyền thống của Khổng Mạnh, để đưa Nho giáo thành một học thuyết phục vụ chính thể Quân chủ, với Vua là đấng con Trời, kẻ sĩ được đào tạo để thành bề tôi giúp Vua trị nước an dân.
Từ cái học theo khuôn phép Khổng Mạnh, đến hành động cũng khư khư theo khuôn phép ấy, nó làm cho nhà Nho mất dần tinh thần tự chủ. Mớ kiến thức văn hoá lấy từ sách vở Trung Hoa, về mặt tinh thần có làm cho họ phát triển hơn các lớp người khác trong xã hội, nhưng tổ chức Phong kiến trì trệ, làm cho họ lệ thuộc vào trật tự cũng như ý thức tôn quân tuyệt đối, biểu hiện ra bằng chữ “Trung” và chữ “Hiếu”. Từ việc người đàn ông là địa vị gia trưởng trong gia đình, đến ông Vua là địa vị tuyệt đối trong quốc gia, khiến trật tự trong xã hội mới cho phép người ta gọi dân chúng là “con đỏ” của Vua, Quan.
Như vậy việc phê bình những hành động cùng tư tưởng của những nhân vật lịch sử, nhất là của Trung Hoa là điều hiếm thấy. Một điều hạn chế là Việt Nam đối với Trung Hoa tuy mang tiếng là “cầu phong”, nhưng vẫn là một quốc gia độc lập, không bị cai trị trực tiếp như Vân Nam hay Tân Cương.
Các nhà nho khi đi thi, có những câu hỏi về Nam sử và Bắc sử (sử Tàu), mà trong thời gian đi học, họ không có dịp để thảo luận và phê bình, vì một là quá xa, hai là vốn vẫn coi Tàu là khuôn mẫu, nên không dám đụng đến. Nếu có người đụng đến thì lại dựa vào khuôn mẫu ấy mà chê đè kết tội. Thí dụ: “Quý Ly làm 14 thiên Minh Đạo dâng lên, đại khái lấy Chu Công làm tiên thánh, Khổng Tử làm tiên sư, ở văn miếu đặt Chu công ngồi chính giữa, nhìn về hướng Nam. Khổng Tử ngồi bên cạnh nhìn hướng Tây. Sách Luận Ngữ có bốn điều nghi như: Khổng Tử ra mắt Nam Tử; ở nước Trần hết lương thực; Công Sơn Phật Hốt triệu, Khổng Tử muốn đến… Cho Hàn Dũ là bậc nho trộm cắp; Trình Hạo, Trình Di, Dương Thì, La Trọng Tố. Lý Diên Bình, Chu Tử học rộng nhưng tài kém (ý nói chỉ toàn kiến thức sách vở, không có ứng dụng thực tế.) không quan thiết sát đến sự tình mà chuyên cóp nhặt. Thượng Hoàng ban chiếu khen ngợi.”
Những phê bình cơ bản về Tống Nho này của Hồ Quý Ly đã bị nho thần đời Lê là Ngô Thì Sĩ gay gắt phê bình: bênh Tàu mà kết tội Quý Ly: “Nhan Uyên nói: Đạo của Khổng Tử rất lớn, thiên hạ không thể hình dung được, cho nên ở Lỗ bị trục xuất, ở Tề bị cùng khốn, ở Vệ phải dấu hình tích, ở Trần, Thái bị bao vây. Yến Anh gièm pha, Vũ Thúc hủy báng, Liễu Chích làm nhục, đấy còn là người đồng thời. Nay sau hàng nghìn năm lại có kẻ chê là bậc trung hiền, giáng làm Tiên sư như người mù chê mặt trăng, mặt trời không có ánh sáng, sao đủ làm vết xấu cho cả vùng trời. Còn như bậc tiên sinh ở nhà Quốc tử mà có người coi là bậc nho trộm cắp. Các bậc hiền triết ở Liêm, Mân cũng có người chê là trộm cắp. Đạo ở phương Bắc đã không được sáng tỏ với đương thời, đạo vào phương Nam cũng bị đời sau bài bác, vận rủi của các nhà Nho đến như thế thực đáng than thở lắm thay. Còn như cái ngu của Hồ Quý Ly thì tội không kẻ xiết”.(1)
Sử gia đời Lê không có cảm tình với Hồ Quý Ly, nên ngay trong sự phê phán những ý kiến của họ Hồ về Tống Nho cũng tỏ ra chủ quan và áp đặt. Đúng ra cần phải phân tích để thấy những nhận định của Hồ Quý Ly có phần nào xác thực. Cứ dựa vào quyền uy chính trị để áp chế tư duy của người khác thì làm sao có khả năng tiếp cận chân lý.
Những khuôn phép Tống Nho đã làm cho các nhà nho Việt Nam ở thời Hậu Lê rất bạc nhược, từ chương, bảo thủ. Khi xã hội có những biến động uy hiếp đến cái trật tự giai cấp thống trị và bị trị ấy, thì các nhà nho tỏ ngay sự mất phương hướng và bất lực trước thời cuộc. Những người, hiển nhiên là từ giới nho sĩ mà ra, nhưng khi hành động lại phải tìm cho mình một thứ triết lý hành động khác, nó tóm gọn trong hình ảnh “tang bồng hồ thỉ”. Như thế, ngoài sự nghiệp chính trị có thể thành đạt, nhà nho ấy còn có sự lịch duyệt và nhất là sự phong phú về tư duy.
Hai trường hợp điển hình là hai ông Nguyễn Du, một ở Tiên Điền chỉ đỗ Tam trường; một ở Bắc Hà đỗ tiến sĩ. Ông Tiến sĩ được triệu vào Kinh làm một chức thị độc và chìm lấp cho đến chết. Còn ông Nguyễn Du chỉ đỗ Tam trường, trải nghiệm trong hành động khiến tư duy phong phú mà tạo nên một tên tuổi trong văn học sử.
Thử so sánh về nhận định lịch sử của một ông Tiến sĩ triều Lê là Phan Huy Ích với ông Tam trường Nguyễn Du, ta sẽ thấy rõ ảnh hưởng của hành động trên tư duy. Cùng là đọc truyện về một nhân vật trong lịch sử Trung Hoa là Giả Nghị, mà Phan Huy Ích chỉ là than tiếc cho kẻ sĩ không được Vua tin dùng:
Dừng lại ở Trường Sa nhớ Giả Nghị
Đầy thành hoa lệ ngóng bên sông,
Cùng cực lầu, non Nhạc Lộc thông.
Nam Sở cảnh quan no mắt ngắm,
Buồn thương Thái phó những ngày không.
Giáng, Quán công thần đâu dễ cãi,
Hà, Tương trăng sáng nước mênh mông.
Mối hận muôn đời trang tuấn kiệt,
Phường Tây nhà cũ mảng rêu phong.
Phan Huy Ích nơi bài trên viết về Giả Nghị với tình cảm đôn hậu, xót thương người tài không gặp chân chúa. Đó cũng là thân phận của các nhà nho trước sự ganh ghét của các võ thần có công giúp Vua dựng nghiệp. Nhà nho an phận thủ thường, vui với hoàn cảnh để giữ khí tiết.
Nguyễn Du là một nhà nho hành động, trải qua rất nhiều gian truân, nhất là tận mắt chứng kiến những biến động xã hội, nên nhận định dứt khoát hơn về sự kiện “khuất Giả Nghị ở Trường Sa” là những bất xứng của đám võ biền cậy công, cùng sự nhu nhược của vua Hán:
Thái Phó Giả Nghị ở Trường Sa
Giáng, Quán võ quan biết được gì?
Hiếu Văn vua ấy lại ù lì.
Chốc lát bàn xuông hoài sở học,
Quan xa buồn chết có hề chi.
Tài tuấn Trời sinh không chỗ đứng,
Chiều tà cú rúc nỗi sầu bi.
Tương Đàm chốn ấy gần gang tấc,
Tâm sự ngàn năm vẫn cố tri.
Cả hai người Phan Huy Ích và Nguyễn Du đều đi sứ Tàu, qua Trường Sa, cảm hứng nói về nhân vật Giả Nghị này, với hai lập luận khác hẳn nhau. Phan Huy Ích không dám động đến cái trật tự phong kiến, Vua là cao cả, tội lỗi là do các quan tùy thuộc gây ra.Còn Nguyễn Du tỏ ra “dân chủ” hơn, thương người giống mình, không được trọng dụng bằng những công thần lập quốc.
Tinh thần độc lập với hãnh diện quốc gia “Kinh đô cũng có người rồ, Man di cũng có sinh đồ Trạng nguyên” khiến Nguyễn Du có rất nhiều nhận định phê bình về lịch sử cũng như văn hoá Trung Hoa trên đường đi sứ. Con đường đi từ Thăng Long qua Yên Kinh trải dọc gần như hết chiều dài nước Tàu; nó cũng kinh qua nhiều di tích lịch sử và văn hoá. Các sứ thần V.N. ngày trước, vì phương tiện giao thông khó khăn, nên những chuyến đi sứ tuy có chiếm mất nhiều thời gian (có khi lâu đến hàng năm), cho nên sứ bộ có nhiều thời gian để ngừng lại chiêm ngưỡng các cổ tích ở trạm xá cũng như xung quanh. Thí dụ như đến Hàng Châu, là phải đi xem cảnh Tây Hồ, thăm đền thờ Nhạc Phi và đi xa hơn là xem nước triều sông Tiền Đường.(*) Cái hay lúc ấy của sứ bộ mà cũng là cái may cho hậu sinh là các bài thơ vịnh, hoặc những cảm tác trên đường đi sứ ấy đã cho chúng ta hiểu được tình trạng xã hội cùng tâm tư của sứ bộ.
Ngoài những bài thơ có tính chất thù tạc, lịch sự trong việc khen chê (thường các sứ Tàu có mặc cảm mình là nước lớn, nên ban lời “khuyên bảo, cũng như đe doạ; còn các sứ thần nước nhỏ cũng chỉ đối đáp lịch sự và nhún nhường”, các bài thơ có tính chất ký sự hay cảm hứng lại chất chứa nhận định lịch sử, xã hội của các sứ thần. May mắn cho chúng ta là tập thơ “Bắc hành thi tập” của Nguyễn Du làm khi đi sứ Tàu lại rất phong phú. Có lẽ vì đất nước thanh bình, lại được Vua Minh Mệnh và Tự Đức chuộng văn, nên giúp đỡ việc sưu tầm và gìn giữ các tác phẩm của nho thần không những ở thời Nguyễn, mà còn ở các tiền triều. Như thế, ta thấy rõ các nhà nho tuy học sử và văn hoá Tàu, nhưng cũng có những nhận định độc lập. Ít ra là không có những bài thơ nịnh bợ kiểu “cung văn” như núi Các-Mac, suối Lenin, hay “Thấy mặt trời lên nhớ Bác Mao”.
Sử Tàu có lẽ còn kỹ hơn sử Ta, nên những nhân vật lịch sử Tàu được ghi chép đầy đủ với nhiều lời xưng tụng về các chiến công của họ. Các nhà nho xưa của ta trong lúc học thi và cả khi đi thi làm bài hằn cũng chỉ bàn luận theo ý sách. Chỉ khi một người nào có tinh thần phê phán độc lập, mới theo ý mình mà có cái nhìn khách quan lịch sử. Thí dụ như trong bài thơ “Quỷ môn quan”, Nguyễn Du đã chê việc hy sinh quân lính của mình cho chiến thắng Hai Bà Trưng của Mã Viện:
Xương trắng ngàn năm gió lạnh thổi,
Công lênh Hán tướng có ai khen.
Trên đường đi sứ, Nguyễn Du gặp miếu thờ Phục Ba tướng quân Mã Viện, nên có bài thơ “Giáp Thành Mã Phục Ba miếu”. Trong bài này, Ông phê bình tư cách Mã Viện vì ham danh mà làm thương tổn luân lý cũng như gia đình:
Miếu Mã Viện ở Giáp Thành
Sáu chục người ta sức mỏi mòn,
Riêng ông yên giáp nhảy bon bon.
Được lời vua chúa cười là thích,
Quên nỗi anh em thấy đã buồn.
Những tưởng cột đồng loè gái Việt,
Chẳng dè xe ngọc lụy đàn con.
Đài mây tên họ sao không để,
Tuần tiết phương Nam chết vẫn bòn.
Tính chất mai mỉa đả kích rất kín đáo trong những chi tiết mà bài thơ dịch, vì để cho thành câu thơ nên không nêu lên rõ được.
Tựa bài thơ có chữ “Giáp thành”, theo chú thích của Nguyễn Quảng Tuân là: Giáp thành: Thành Kép, chỉ thành lũy ở khoảng giáp Đông thuộc châu Lạng Giang, ở phía Nam ải Chi Lăng. Địa điểm quân sự quan trọng ở miền này phải là ở khoảng Kép ngày nay, Giáp và Giáp là phe giáp là đồng âm. Nếu ở đây có đền thờ Mã Viện (Phục Ba tướng Quân)thì là do người đời sau tưởng lầm rằng Mã Viện đã tiến quân theo đường Lạng Sơn.(2).
Chỗ này có thể đặt nghi vấn là: đền thờ Mã Viện lập ở Kép không hẳn là đánh dấu đường tiến quân của Mã Viện khi đánh Hai Bà Trưng. Trong sử chép cuộc tiến binh của Mã Viện rất gay go và men theo đường biển từ Khâm Châu xuống Nam, rồi đánh lên Lãng Bạc (3).
Phê bình một nhân vật lịch sử Trung Hoa, Nguyễn Du đã chỉ căn cứ vào sách Tàu, nên đương nhiên khó chính xác. Nhưng vì Nguyễn Du không phải là một sử thần hay sử gia như sau này gọi, nên chỉ coi lịch sử như là cái cớ để bày tỏ cảm xúc và trí thức của mình, trong đó tinh thần dân tộc được đề cao. Nó xác định một điều các triều đình cùng nhân dân Việt Nam, nhất là giới trí thức (nhà nho) học văn hoá Trung Hoa, nhưng rất độc lập và chỉ chịu tiếng vương thần, nhưng:
Sơn hà cương vực đã chia,
Phong tục Bắc Nam cũng khác
Tinh thần dân tộc ấy đã cho Nguyễn Du nhận định rằng Mã Viện chỉ là “anh hùng “đối với Tàu thôi, và tư cách anh hùng của Mã Viện cũng không có gì đáng làm gương. Mã chỉ là một tên tướng tham công, đến tuổi hưu rồi mà cũng vẫn còn cố đem hơi tàn ra mà lập công. Theo trong điển tích, khi vua Hán Quang Vũ muốn chọn người đi giẹp Man động Ngũ Khê ở miền tỉnh Hồ Nam. Mã Viện lúc ấy đã ngoài 60 tuổi xin đi đánh. Vua Hán nghĩ Mã Viện đã già nên không muốn cho. Viện bèn mặc giáp, nhảy lên ngựa chứng tỏ mình còn khoẻ. Vua cười khen: “Quắc thước tai, thị ông” (Ông này quắc thước lắm). Đã háo danh thì phải tàn nhẫn và tham lam. Sử Tàu không chép khi Mã Viện giẹp yên Man động Ngũ Khê thì tàn sát bao nhiêu người và cướp bóc được gì. Nhưng khi Mã Viện đem quân đi đánh Hai Bà Trưng thì chiến công người rất hiển hách. Sau khi thành công về quân sự thì Mã Viện cũng chịu cướp bóc, rồi tổ chức guồng máy cai trị. Có lẽ tiếng đồn hành vi xấu xa của Mã Viện về đến Kinh đô, nên Vua Hán cũng không có thiện cảm với Mã Viện mấy. Sau này Vua muốn hỏi tội về vụ một xe châu ngọc mà Viện đem từ Giao Châu về.
Hai câu kết của bài thơ nói rõ ta và thù:
Tính danh hợp thướng vân đài họa,
Do hướng Nam trung sách tuế thì.
(Tên tuổi của ông rất đáng được ghi trên vân các của nhà Hán; hà cớ gì ông còn đòi người Việt phải cúng bái cho ông hưởng lộc.)Nghĩa là việc thờ phụng Mã Viện là chuyện phi lý đối với dân Việt.
Ở ngôi miếu thờ Má Viện trên đất Trung Hoa, Đại Than, chính là nơi người Tàu thờ Mã Viện. Khi Nguyễn Du đi sứ qua đó, gặp miếu, cũng làm bài thơ có tinh thần đả kích hư danh cùng chiến công của Mã Viện:
Đề miếu Phục Ba ở Đại Than
Đục thông đường núi bình Giao Chỉ,
Danh lớn trùm đời sử sách ghi.
Bạc tóc râu rồi còn khoẻ gớm,
Ngoài cơm áo nọ có mong gì.
Ghềnh sâu ngợp sóng công lao để,
Miếu cổ xa nhà, sam bách che.
Chiều xuống thành tây gai góc ngập,
Dâm Đàm hận cũ vấn vương chi.
Ngô Linh Ngọc dịch
Bản dịch của Ngô Linh Ngọc vì muốn tôn trọng thơ luật nên rất khó hiểu nếu không phân tích điển tích và ý ẩn sâu trong những câu cố theo luật. Trong bài thơ này, Nguyễn Du đã dùng lại điển tích của bài trước, nhằm nhấn mạnh tính háo danh, tham công của Mã Viện. Rõ rệt nhất là hai câu luận:
Đại Than phong lãng lưu tiền liệt,
Cổ miếu tùng sam cách cổ lư.
(Sóng gió Đại Than còn ghi công lao to lớn ngày trước; cổ miếu um tùm cây sam cây tùng lại ở xa chốn quê nhà.)
Nguyễn Du đã dùng ý niệm cổ “chết được chôn gần mồ mả tổ tiên” để chê trách Mã Viện, coi ông là một thứ “chết đường chết chợ”. Theo văn hoá xưa, điều bất hạnh là chết ở quê người; “Sống nhờ đất khách, chết chôn quê người”. Công lao của Mã Viện thì Vua hưởng, người đời hưởng, riêng mình bỏ xác quê người:
Nhật mộ thành Tây kinh cức hạ.
(chiều tà chiếu xuống lớp gai góc ở phía tây thành.)
Đây là nói mộ của Mã Viện chôn ở phía tây thành không ai săn sóc nên gai góc mọc đầy, tức là người đời đã quên chuyện lịch sử cũ.
Theo sử thì “Mã Viện ở Giao Chỉ hay ăn hạt ý dĩ (bo bo)để chống chướng khí, khi trở về nước có chở về một xe ý dĩ để dùng. Người ta đồn đó là hạt trai (châu) ở phương Nam. Sau khi mã Viện chết, có người tố cáo là Viện đã chở về nhà một xe hạt trai. Vua Hán nổi giận. Vợ con Viện phải chôn cất ông ở phía Tây thành, chỗ Mã Viện đang đóng quân ở Hồ Nam, không dám đem xác về.”
Dâm đàm di hối cánh hà như?
(Nỗi hối tiếc ở Dâm đàm ngày trước bây giờ ra sao?) Tức là đã nguôi chưa?
Nhắc đến mối di hận này là để mỉa mai Mã Viện chứ không khen. Chuyện kể rằng: Mã Viện đem quân “nghiêng nước” (Bọn Mã Viện bèn phát binh hơn một vạn lấy ở các quận Trường Sa, Quế Dương, Linh Lăng, Thương Ngô. Theo lời tâu của Mã Viện lên vua Hán, tháng 9 năm 19 hiệu Kiến Vũ. Mã Viện đã lấy tám nghìn người ở các quận trên làm đại binh, và lấy một vạn hai nghìn tinh binh ở các quận thuộc về bộ Giao Chỉ.) đến Lãng Bạc bị cầm chân và hao tổn binh mã. Theo lời Mã Viện về sau nói với thuộc hạ (hẳn là những quân sĩ được tiếp viện sau này) thì chúng ta biết rằng khi Mã Viện đóng quân ở miền Lãng Bạc và Tây Vu, trời thì dưới nước lụt, trên mây mù, khí độc bốc lên ngùn ngụt, trông lên thấy diều hâu đương bay bỗng rớt xuống nước chết. Các sách đều chép rằng: Trưng Trắc từ Mê Linh tiến đánh Mã Viện một trận lớn ở Lãng Bạc, nhưng không thắng lợi nên phải rút về Cấm Khê. Về phía Mã Viện tuy đẩy lui được quân của Hai Bà, nhưng không phải là không thiệt hại và mệt mỏi. Câu thơ của Nguyễn Du là nhắc lại điều di hối của Mã Viện tức là: “Hối không nghe ời khuyên của người em họ: “Kẻ sĩ chỉ cần lo cơm áo cho đủ mà ở quê hương trông nom mồ mả ruộng vườn chứ không cần vất vả đi kiếm công danh mà khổ thân.””
Qua bài thơ này ta thấy tinh thần dân tộc của Nguyễn Du rất mạnh mẽ, nên mới chọn cổ tích tới hai bài để nói lên lập trường chống Tàu của các nho sĩ Việt Nam, dù đang trên đường đi làm công việc lép vế là triều cống.
Nói về kết cục bi thảm của cuộc tình Đường Minh Hoàng và Dương Quý Phi, Bạch Cư Dị viết “Trường Hận Ca” có nội dung rất lãng mạn, diễn tả nỗi sầu khổ của Đường Minh Hoàng, nhưng lập trường của nhà nho đời Đường này vẫn thiên lệch về người nam hơn. Những cuộc khuynh đảo triều chính có liên quan đến người nữ, thì quy tội cho người nữ làm hỏng việc nước, vì dùng nhan sắc mê hoặc Vua. Thí dụ bên Việt Nam, thì việc làm mất ngôi của nhà Trịnh là do Đặng Thị Huệ muốn tranh ngôi cho con, mà không trách sự hồ đồ và yếu đuối của Trịnh Sâm.
Nguyễn Du tỏ ra rất mới so với ý thức trọng nam khinh nữ “truyền thống” mà đưa ra ý kiến quy trách nhiệm cho Vua và các quan trong Triều. Trong bài thơ “Dương Phi cố lý” (quê cũ của Dương Phi):
Núi mây thưa thớt hoa đầy bến,
Đất ấy Dương Phi đã xuống đời.
Cũng bởi quan triều toàn phỗng đá,
Khuynh thành thiên cổ tội riêng người.
Cung Nam u ẩn cỏ lan khắp,
Vắng ngắt Tây giao mất núi đồi.
Phấn rã hương tàn tìm đâu thấy,
Dưới thành gió lạnh dạ khơi vơi.
Nguyễn Du chỉ trích các quan triều đình không lo việc nước bằng sử dụng điển tích “không lập trượng”. Theo điển tích này là chữ “lập trượng mã” tức là những con ngựa được luyện tập đứng im, làm nghi vệ của nhà Vua, con nào kêu bị đuổi ra. Ở đây chỉ những ông quan không dám mở miệng can gián Vua để xảy ra cuộc bạo loạn An Lộc Sơn.
Ở trường hợp Vua Đường Minh Hoàng, các nhà nho đời Đường ở trong triều chưa đến nỗi thụ động như các đời về sau này, khi Tống Nho đã củng cố hàng ngũ nho sĩ phục vụ triều đình rất nô lệ. Ở đời Đường Minh Hoàng, ông vua này thật sự chỉ hưởng lạc với Dương Quý Phi thôi, chứ Dương Phi không dùng địa vị của mình khuynh đảo triều chính. Ý Nguyễn Du ở đây là trách các quan trong triều chỉ thụ động, không để ý đến quốc sự. Loạn An Lộc Sơn không hẳn là nguyên nhân tranh đoạt người đẹp họ Dương. Nó cũng như loạn Hoàng Sào chẳng phải chỉ vì bất mãn hỏng thi nhiều lần.
Việc các nhà viết sử đổ lỗi cho các “mỹ nhân khuynh quốc” trong lịch sử chỉ là đẩy cái tội bất lực và nhu nhược của mình sang cho những người không có phương tiện chống đỡ. Dương Quý Phi thật sự là một nạn nhân của các thế lực Phong kiến.
Theo Nguyễn Du, những người đáng trách trong biến cố An Lộc Sơn này là cả triều đình nhà Đường từ Vua đến quan. Vua không lo triều chính chỉ lo ăn chơi là một thứ Vua thất đức, phải tự trách trước; Các quan thụ động không có tài năng giúp nước. Nhất là cái đám võ tướng, binh lính làm áp lực giết một người đàn bà đẹp được Vua sủng yêu.Tất cả chỉ là ích kỷ mà gây nên thảm cảnh cho người đẹp. Ở những dòng phê bình trong bài thơ này, Nguyễn Du thật sự đã nhận định tính chất vô lý của nam tôn nữ ty của Tống Nho. Ở những nhà nho tiến bộ mới có được ý tưởng nam nữ bình quyền đó. Cũng như một nhà nho ở thời Hậu Lê đã nói mỉa hàng ngũ nho sĩ bạc nhược, mất lý tưởng của mình:
Thương ôi nước cũ hai trăm lẻ,
Giữ vẹn cương thường một phụ nhân.
Nói rằng các nhà nho dựa vào “tam cương, ngũ thường” để nhận định các nhân vật lịch sử, là nói một cách tổng quát. Nguyễn Du tuy cũng dựa vào cương thường, nhưng lại phóng khoáng hơn để bênh vực nhân phẩm của con người. Đối với trường hợp Tô Tần, ông chê trách thứ chính khách cầu danh cầu lợi, buôn vua buôn quan:
Đình thờ Tô Tần (4)
Điêu cừu rách nát bỏ trời Tây,
Triệu đô múa mép lại vung tay.
Tung, hoành kế lớn lừa vua dốt,
Phú quý loè chăng quả phụ này.
Sáu nước ấn tan, cồn cát lạnh,
Đình hoàng thu muộn cỏ lan đầy.
Lợi quyền nhân thế đều vô vị,
Kim cổ ai người tĩnh mộng đây?
So sánh thời gian từ khi Tô Tần thành danh đeo ấn Tướng Quốc sáu nước với thời Nguyễn Du đi sứ là có đến hơn hai nghìn năm. Sau khi Tần Thủy Hoàng thống nhất Trung Hoa, lập ra chế độ Trung ương tập quyền cai trị các quận huyện. Trước đó trong thời các nước còn tranh nhau, những người gọi là thuyết khách thường đi tìm các vua chư hầu để “bán” kiến thức cũng như nhãn quan chính trị của mình mà cầu công danh phú quý. Được làm Tướng Quốc cho một nước chư hầu, là một dịp để thi thố tài kinh bang tế thế và gặt hái phú quý. Có thể nói những thuyết khách thời ấy không có tổ quốc. Có lẽ họ cũng chẳng có ý niệm gì về “trung, hiếu, tiết, nghĩa”, hơn nữa, ý niệm về quốc gia dân tộc. Có thể nói như ngày nay, những thuyết khách là những chính trị gia, đi tìm một thế lực chính trị để thi hành những hiểu biết và tư duy chính trị của mình. Họ không có cái khí phách của đấng trượng phu “xé gan bẻ cột phù cương thường”, mà chỉ luyện cách làm sao cho vừa lòng người có quyền thế. Câu chuyện kẻ sĩ Tô Tần có một chi tiết thú vị là khi Tô Tần thất bại trong việc du thuyết, về sống cực khổ ở quê nhà, có hỏi: “Lưỡi của ta còn không?” đáp là còn. Ông bảo không sợ gì. Bèn cố công học hỏi. Buồn ngủ lấy dùi chọc vào chân để thức. Như thế ít năm lại đi du thuyết. Kỳ này thành công, đeo ấn Tướng quốc sáu nước, nghênh ngang về nhà. Công danh phú quý ấy, theo Nguyễn Du không hẳn là chính đạo của người quân tử. Kẻ sĩ phải phò ông Vua sáng suốt đức độ gọi là minh quân để yên thiên hạ. Còn Tô Tần chỉ là “loè mấy ông vua dốt” để thi hành chính sách của mình. Như thế chẳng để lại được đức gì, mà thời gian đã xoá hết những thành quả nhất thời ấy.
Trong bài thứ hai cũng viết về Tô Tần, Nguyễn Du nói rõ cái khí độ hẹp hòi của trang thuyết khách đại tài này trong lịch sử Trung Hoa:
Bình sinh chí nguyện lúc này thôi,
`Trước khinh sau trọng’ lời thô bỉ.
Hợp tung đâu để chống cường Tần.
Nhằm với người thân khoe phú quý.
‘Dùi đâm vế cốt mưu lợi quyền’,
Khí độ người này sao nhỏ thế.
(Ngô Linh Ngọc – dịch)
Viết hai bài thơ “Tô Tần đình” Nguyễn Du khi đi sứ gặp đình Tô Tần là lúc đã đứng tuổi, trải qua thời kỳ nhiễu nhương, thử thách tư cách và khí độ của kẻ sĩ, nó khiến cho nhận định về lịch sử của Nguyễn Du thực tế và nhân bản, trở thành triết lý hành động của nhà nho đích thực. Trong cuộc chiến ở cuối thế kỷ 18 đã gây ra biết bao nhiêu đổ vỡ về vật chất và tinh thần. Đổ vỡ lớn lao nhất của hàng ngũ nho sĩ là chính nghĩa triều đình. Nhà Lê từ khi được trung hưng hầu như không còn khí độ anh hùng của những cha ông xưa chống quân Minh dành độc lập nữa, mà chỉ là cái hư vị để người ta làm bung xung tranh chấp nhau. Ngay đối với nhân dân thì vua Lê lại càng như những cái bóng mờ, xa cách quần chúng, không hiểu hay không muốn hiểu những nỗi khổ đau do chiến cuộc gây ra:
Nức hơi mạnh ơn dầy từ trước,
Trải chốn nghèo tuổi được bao nhiêu.
Non Kỳ quạnh quẽ trăng trao,
Bến Phì gió thổi đìu hiu mấy gò.
Hồn tử sĩ gió ù ù thổi,
Mặt chinh phu trăng dõi dõi soi.
Chinh phu tử sĩ mấy người,
Nào ai mạc mặt nào ai gọi hồn.
(Chinh phụ ngâm – Đoàn thị Điểm)
Hẳn rằng cái chết của Nguyễn Nghiễm (Dù không chết ở trận tiền, nhưng vì lao khổ khi đi đánh Chúa Nguyễn miền Nam, rồi bị ốm, xin về quê nhà ở Hà Tĩnh dưỡng bịnh được gần một năm thì chết) cùng một số thân thích nội ngoại trong thời biến động cũng làm thay đổi nhận định của Nguyễn Du về ý nghĩa của chiến tranh.:
Kể từ gây cuộc binh đao,
Nấm xương Vô Định đã cao bằng đầu.
Làm chi để tiếng mai sau,
Nghìn năm ai có khen đâu Hoàng Sào?
Khi phê bình các nhân vật lịch sử, Nguyễn Du đặt nặng tinh thần hiệp sĩ hơn là chính thống Vương quyền. Thật sự cuộc biến loạn mấy chục năm trải qua cuộc đời Nguyễn Du đã cho ông thấy cái hư danh của Vương quyền mà người ta dùng làm chiêu bài để tranh giành quyền lực. Ngay trong gia đình của Nguyễn Du, anh em cũng chia hai phe phò và chống người thắng trận(5). Tinh thần hiệp sĩ vụ ở hành động chính trực, thể hiện sự tự do nhận định và chọn lựa đối tượng để phục vụ của mình. Thế nên khi Nguyễn Nễ làm quan “lớn” với Tây Sơn, Nguyễn Du còn đang theo đuổi công cuộc phục Lê, nhưng ông không hề mâu thuẫn công kích ông anh ruột của mình, mà lại còn thương cho hoàn cảnh vất vả trên đường hoạn lộ của anh. Bài “Ức gia huynh” cực tả tình thân thiết của anh em trong thời loạn ly phân cách:
Nhớ anh
Quan nơi sáu tháp buộc ràng thân,
Đá gập ghềnh đêm vượt Hải Vân.
Sương gió đồn xa hiu hắt phận,
Khói hoa quê cũ lạnh lùng xuân.
Bèo chia chẳng biết phương nào trú,
Ruột đứt đành cam kiếp khác gần.
Trời biển chơi vơi đường lối cách,
Tìm nhau nẻo mộng cũng đều ngăn.
(Quách Tấn – dịch)
Rõ ràng những người có tinh thần hiệp sĩ như anh em nhà Nguyễn Du cùng một số bạn hữu, không có sự cuồng tín đối với một thế lực chính trị. Có lẽ họ không thấy những thế lực chính trị đương thời là quyến rũ hứa hẹn một triều đại hoàng kim. Nhà nho hiệp sĩ như Nguyễn Du chủ trương nhân trị để phân biệt chính vì Thiên tử cùng thứ bạo chúa bất nhân tranh đoạt ngai vàng.
Thái độ nhút nhát gần như bất cộng tác của Nguyễn Du đối với Vua Gia Long cũng do ảnh hưởng của tinh thần hành động nhân bản của nhà nho hiệp sĩ này. Có lẽ trong con mắt Nguyễn Du, Gia Long cũng chỉ như những Nguyễn Hữu Chỉnh, Nguyễn Huệ, nghĩa là: “nhà Tần để xổng mất con hươu, thiên hạ tranh nhau đi đuổi bắt.” Gia Long may mắn là người cuối cùng thành công.
Trong bài thơ: “Mộng Kỳ lân”, Nguyễn Du đã chê trách vua Minh Thành Tổ toàn dùng thủ đoạn nham hiểm, tàn độc mà chiếm được ngai vàng:
Lân ơi, lân ơi, mày khổ thế,
Huống chi Yên đệ là phường gì?
Cướp ngôi cháu thì có nhân chi?
Giết mười họ để hả cơn giận.
Bổng lớn, vạc dầu trị trung thần,
Năm năm giết trăm vạn người dân.
Núi xương sông máu thảm trùm lấp.
Nếu lân ra để mừng kẻ ấy,
Mày chính là yêu vật xuất thân.
Ông bạo chúa Minh Thành Tổ đã từng xử Hồ Quý Ly tội “cướp ngôi nhà Trần”, không biết có nghĩ lại cảnh cướp ngôi cháu của mình không? Chỉ biết là đã lưu đầy cả triều đình nhà Hồ rải rác khắp nước Tàu. Sự mai mỉa Minh Thành Tổ của Nguyễn Du phần nào cho thấy quan niệm nhân bản trong triết lý hành động của ông. Ở thuở thiếu thời, các nhà nho theo triết lý hành động của Nho giáo thể hiện nơi hai chữ “Trung, Hiếu”:
Có Trung, Hiếu nên đứng trong trời đất,
Không công danh thà nát với cỏ cây.
Chí tang bồng hồ thỉ dạ nào khuây.
Lập được công danh với Vua tức cũng là tròn chứ hiếu. Giúp Vua an dân là mục đích tối hậu của nhà nho. Còn như hưởng bổng lộc phú quý là phần thưởng tất yếu dành cho những hành động đúng khuôn phép này.
Nguyễn Du trải qua một thời chinh chiến điêu linh, những giá trị đạo đức bị thử thách nghiêm trọng, nên ông đã thay đổi nhận định hành động trong xã hội. Đối với lịch sử, nhất là lịch sử Trung Hoa, các sách “Bắc sử” mà các sĩ tử bắt buộc phải học để thi, ông cũng không coi đó là những mẫu mực hành động nữa. Do đấy ông không ca tụng những thành công của các vua chúa, mà lại đề cao những hành động có tính cách hiệp sĩ như của Dự Nhượng, Kinh Kha. Họ tuy thất bại, nhưng lại lưu danh thiên cổ. Bài thơ “Kinh Kha cố lý” (Làng cũ của Kinh Kha) nói rõ hành động của người hiệp sĩ vì cái ơn tri ngộ hơn là vinh hoa phú quý. Tất cả những gì gọi là “sự nghiệp đế vương” rồi sẽ tàn theo thời gian, chỉ còn nghĩa khí là trường tồn:
Làng cũ của Kinh Kha
Nghĩ cũng là một trang ẩn sĩ,
Cùng Yên Đan tình nghĩa chửa sâu.
Chỉ vì đã biết đến nhau,
Liều mình một thác để hầu trả ơn.
………….
Cùng một lúc chết ba liệt sĩ,
Mà Tần Hoàng ngôi quý không lay.
Đất Yên cát bụi tung bay,
Trời thu gió lạnh thổi đầy đường quan.
Tiếng ca hát hết vang trên chợ,
Sông Dịch xưa vẫn cứ chảy hoài,
Nơi làng cũ ngập giong gai,
Bia tàn còn mãi đến rày chưa nghiêng.
(Phan Khắc Khoan và Lê Thước dịch)
Rõ rệt nhất là câu kết trong bài “Dự Nhượng kiều chủy thủ hành”:
Chủy thủ đương thời thất thốn trường,
Độc hữu vạn trượng quang mang cắng kim cổ.
(Dao găm bảy tấc ngày xưa ấy; ngàn thuở hào quang mãi vút cao.)
Tôi nhớ sau này, Vũ Hoàng Chương cũng tán đồng tư tưởng của Nguyễn Du đối với Kinh Kha, nên có những câu thơ rất đẹp, tuy gây tranh cãi với một số người vụ thành công:
Một nét dao bay ngàn thuở đẹp,
Dù sai hay trúng cũng là dư.
Ta có quan tâm gì việc thành hay bại:
Thế gian ơi kìa bãi bể nương dâu.
Cung điện Hàm Dương ba tháng đỏ,
Thành xây cõi dựng là đâu?
Cuộc đời hoạt động của Nguyễn Du là một chuỗi những thất bại, cho nên sau này ra làm quan, ông luôn luôn buồn rầu. Bất mãn thì có lẽ chẳng có gì bất mãn. Cái chết của Nguyễn Văn Thành, Nguyễn Thuyên, cũng như việc phải đi đầy của người anh rể ông là Vũ Trinh càng cho ông buồn vì tình cảnh:
Trói chân kỳ ký (*) tra vào rọ,
Rút ruột tang bồng trả nợ cơm.
Bàng bạc trong thơ văn của Nguyễn Du khi nói về lịch sử đều là phân trần cho những hành động thất bại và đề cao mục đích hành động hơn là thành công.
Quy chiếu mọi hoạt động cũng như tâm tư của Nguyễn Du vào việc hoài Lê và phục Lê là điều giản dị và nông nổi. Tư duy của người ta phức tạp hơn nhiều, nhất là của một người có tâm lý không đơn giản như Nguyễn Du. Tâm hồn của Nguyễn Du là tâm hồn của một người sinh ra đúng là được đào tạo theo một quan niệm xã hội đã định sẵn là Nho giáo. Sự thất bại khi hành động không những là riêng của Nguyễn Du, mà còn của cả thế hệ nhà nho trước sự thành công của những “anh hùng thảo khấu” – hay nói chung là “võ biền” gần như cho một quy luật về biến động lịch sử. Các nhà nho hay trí thức sau này chỉ là những người xây dựng và hưởng thụ thời bình. Cho nên những nhận định lịch sử của Nguyễn Du tuy rất nhân bản, nhưng lại không thực tế và có mang chút lãng mạn. Thí dụ như nhận định về Hoàng Sào, ông chỉ chú trọng đến nguyên nhân ích kỷ của Hoàng Sào vì đi thi nhiều lần không đỗ, nên giận các khảo quan mà làm loạn. Theo ý Nguyễn Du thì nếu các quan dễ dãi một chút, ắt sẽ không có loạn này:
Ngộ quốc mỗi nhân câu hạn lượng.
(Làm lỡ việc nước chỉ vì câu nệ hẹp hòi.)(*)
Các nhà sử học tất nhiên không thể tin vào yếu tố chủ quan này, mà phải hỏi tới nguyên nhân lớn hơn là xã hội đói loạn, mất phương hướng khiến Hoàng Sào huy động được quần chúng làm loạn.Về mặt tích cực thì như thế. Còn tiêu cực thì phải nói tới quan quân bê trễ, hèn nhát,(hoặc có khi cũng bất mãn, nên giặc nổi đến đâu là tháo chạy đến đó).
Triết lý hành động cũng như nhân sinh quan của Nguyễn Du trưởng thành theo thời đại. Sự thất bại của những hoạt động gọi là “tang bồng hồ thỉ” đã cho Nguyễn Du nhận rõ “phận người” trong triết lý nhân bản. Người tráng sĩ tài có thừa mà không có phận đã thể hiện ra những câu thơ rất bi tráng:
Bạc đầu tráng sĩ ngẩng Trời than,
Tráng trí sinh cơ cũng lỡ làng.
Thu cúc xuân lan thôi cũng nhảm,
Hạ nồng, đông buốt giết thanh xuân.
“Bi hướng thiên” (ngẩng nhìn Trời) là một tứ Nguyễn Du đã lấy ý của những tráng sĩ trong lịch sử thất bại, ngẩng đầu lên Trời mà than:(ngưỡng thiên nhi thán viết – ngẩng đầu nhìn trời mà than rằng:) Ở đây phải kể đến ảnh hưởng của bài “Thuật hoài” của Đặng Dung ở thời Hậu Trần:
Quốc thù vị phục đầu tiên bạch,
Kỷ độ long tuyền đới nguyệt ma.
(Thù nước chưa xong đầu đã bạc, Gươm mài bóng nguyệt biết bao rày.)
Cái “phận người” ấy đều theo quy luật: “Thành, tru, hoại, không”.
Ngẫu hứng giữa đường
Tán thông chân núi che mồ mả,
La liệt nằm bao lớp cổ nhân.
Tự tại, tự do, nào biết chết,
Hoa tàn, hoa nở mãi còn xuân.
Lễ bầy, rượu tưới, phiền con cháu,
Chúc tụng, tiền nhiều mây hợp tan.
Kết cục trăm năm đều thế cả,
Ngoảnh trông một áng bụi mơ màng.
(Ngô Linh Ngọc dịch)
Lê Văn Ngọc
Sydney 9/2020
________________
Chú thích:
- Đại Việt Sử ký Tiền biên,trg 497
(*) Nguyễn Du có câu thơ để diễn tả sóng triều rất cao của sông Tiền Đường:
Ngọn triều non bạc trùng trùng,
Vời trông còn tưởng cánh hồng lúc gieo.
- Nguyễn Quảng Tuân – Nguyễn Du toàn tập, trg 285
- Đào Duy Anh – Lịch sử Việt Nam – trg 9
- Tô Tần, người đất Lạc Dương (naythuộc tỉnh Hà Nam) đi du thuyết mấy năm, khng ai nghe theo. Tiền hết, áo cừu rách, trở về nhà bị cả nhà rẻ rúng. Tô Tần cố học thuật nghị luận, sang nước Tần, Tần không dùng. Tô Tần bèn đi du thuyết sáu nước: Yên, Triệu, Hàn, Ngụy, Tề, Sở từ Bắc xuống Nam, gọi là “Hợp tung” chống Tần. Tô Tần được làm tung ước trưởng, đeo ấn Tướng quốc của sáu nước. Mười lăm năm sau, Trương Nghi du thuyết sáu nước từ Đông sang Tây thần phục nước Tần gọi là “Liên hoành” với nhau, phá thuyết hợp tung của Tô Tần.
- Người anh cùng cha mẹ với Nguyễn Du là Nguyễn Nễ phò Tây Sơn; trong khi người anh cùng cha khác mẹ là Nguyễn Khản lại chống. Chính Nguyễn Du cũng chống Tây Sơn.