Một hiệp ước giao thương mới có thể làm thay đổi mối quan hệ giữa Úc và Trung Quốc

Tarric Brooker

Phạm Hoài Nam dịch

Một kế hoạch bí mật đang hình thành giữa Ấn Độ, Nhật và Úc – đó sẽ là một tin xấu cho Bắc Kinh nhưng lại là tin tốt cho nền kinh tế của Úc.

Đại dịch coronavirus đã làm thay đổi cục diện của thế giới, trước mắt đã gây ra một cuộc khủng hoảng về y tế và kinh tế trên toàn cầu, đồng thời nó cũng tạo ra sự căng thẳng về quan hệ ngoại giao giữa một số quốc gia trên thế giới.

Hơn một thập niên qua, cả hai đảng lớn của chính phủ liên bang đều tin tưởng rằng nước Úc có thể khéo léo đi hàng hai giữa một bên là đồng minh quân sự với Hoa Kỳ và bên kia là đối tác thương mại chính yếu với Trung Quốc.

Nhưng nay thời cuộc đã thay đổi. Mối quan hệ ngoại giao giữa Úc và Trung Quốc càng lúc càng xấu hơn.  Chỉ vì bày tỏ một quan điểm độc lập mà Úc đã bị Trung Quốc liên tục trừng phạt kinh tế. Đã đến lúc Canberra bắt buộc phải đi một phương cách khác để giảm thiểu phụ thuộc vào nguồn xuất cảng qua Trung Quốc.

Gần đây nhất, chính phủ Morrison đang soạn thảo đạo luật không cho phép các chính phủ tiểu bang và các đại học có những thỏa ước riêng với các chính quyền ngoại quốc và chính phủ liên bang có quyền phủ quyết những thỏa ước đã ký.

Trước mắt đạo luật mới này muốn nhắm đến thỏa ước mà chính quyền tiểu bang Victoria tham dự đã ký với Trung Quốc để tham dự vào vào dự án “Một Vòng Đại và Một Con Đường”.

Sáng kiến này là chương trình quy mộ xây dựng hệ thống đường bộ và đường biển để nối kết giữa Trung Quốc với thế giới và để mở rộng ảnh hưởng chính trị của Bắc Kinh trên toàn cầu.

Hành động liên kết giữa Canberra với New Delhi và Tokyo chắc chắn sẽ làm cho Bắc Kinh thêm tức giận sau khi Úc kêu gọi thế giới mở một cuộc điều tra về nguồn gốc của vi khuẩn corona.

Khi sự căng thẳng quân sự đang gia tăng tại Biển Đông, Úc không phải là quốc gia duy nhất đi tìm một phương cách khác để bảo đảm sự ổn định cho một đường dây cung cấp chính yếu.

Những tin tức mới nhất tiết lộ cho thấy Ấn Độ, Nhật và Úc đang tiến hành một hiệp ước tay ba để bảo đảm một đường dây cung cấp toàn cầu và giảm lệ thuộc vào Trung Quốc, với sự ra đời của hiệp ước “Supply Chain Resilience Initiative”, (SCRI), tạm dịch là Sáng Kiến Bảo Đảm Đường Dây Cung Cấp.

Những cuộc thảo luận không chính thức đã diễn ra giữa New Delhi và Tokyo trong một tháng qua, nước Úc mặc dầu chưa chính thức tham dự hiệp ước này nhưng cũng đã có những cuộc thảo luận riêng.

Mối quan hệ đang căng thẳng

Khi Trung Quốc tiêu thụ đến 48% tổng số hàng xuất cảng của Úc và mối quan hệ ngoại giao giữa Bắc Kinh và Canberra càng lúc càng căng thẳng, việc Canberra đi tìm một phương cách để giảm sự lệ thuộc vào Trung Quốc là điều rất cần thiết.

Ngoài sự giao thương đang gia tăng giữa Ấn Độ, Nhật và Úc, cơ hội cho nước Úc còn nhiều  hơn thế nữa, theo ông Mark Goh, giáo sự trường thương mại thuộc Đại Học Quốc Gia Singapore và kiêm giám đốc Học viện Vận chuyển Á Châu Thái Bình Dương (the Logistics Institute-Asia Pacific).

“Nhật đang có những nhà máy sản xuất tại Ấn Độ, trong quá khứ chủ yếu chỉ có lãnh vực xe hơi, hiện đang khuếch trương sang những lãnh vực khác, trong lúc đó Ấn Độ xem đây như một cơ hội để nhảy vào thị trường Úc và Nhật về lãnh vực dược phẩm. Úc và Nhật xem Ấn Độ như một trung tâm để xuất cảng sản phẩm của họ sang vùng Trung Đông và Phi Châu – điều này sẽ giúp căng bằng sự hiện diện của Trung Quốc tại vùng này của thế giới,” ông Goh cho biết.

Ông cho biết thêm là hiệp ước này dần dần sẽ bao gồm thêm 10 thành viên của khối ASEAN.

KHÔNG THỂ PHÍ THỜI GIAN

Triển vọng của hiệp ước mới: Màu xanh là các thành viên sáng lập và màu đỏ là các thành viên có thể gia nhập trong tương lai

Không giống như những hiệp ước thương mại trước đây có khi kéo dài đến cả chục năm mới hoàn tất, chính phủ Nhật rất muốn sáng kiến này được hoàn thành trong thời gian sớm nhất. Có nguồn tin cho biết Tokyo muốn khởi động sáng kiến này vào tháng 11 năm nay.

Úc và Ấn Độ cũng không muốn phí thời gian, Canberra và Delhi đã đồng ý làm việc chung với nhau để đa dạng hòa nguồn cung cấp vào thời điểm sớm nhất của năm nay.

Về phần nước Nhật, chính phủ nước đã đồng ý chi ra một ngân sách hào sảng để hồi phục nền kinh tế thời hậu đại dịch, trong đó đã dành riêng ra 3 tỉ Mỹ Kim để dời những nhà máy của họ ra khỏi Trung Quốc.

Vào tháng rồi, chính phủ Nhật chi ra 746 triệu Mỹ kim để hỗ trợ cho 57 công ty đầu tư sản xuất tại Nhật và hỗ trợ thêm cho 30 công ty khác để đầu tư vào nguồn sản xuất tại nhiều quốc gia ở Đông Nam Á.

MỘT SỰ XUNG ĐỘT CHẾT NGƯỜI

Trong mấy tháng gần đây, cách hành xử hung hăn của Bắc Kinh đã gây ra nhiều biến cố đáng chú ý trên toàn khu vực. Vào tháng Năm và tháng Sáu, sự căng thẳng giữa Ấn Độ và Trung Quốc đã đưa đến những cuộc đụng độ chết người tại vùng tranh chấp biên giới giữa hai nước.

Trong lúc đó tại Biển Đông, vào tuần rồi Bắc Kinh đã thử những hỏa tiễn giữa đại dương, bao gồm những hỏa tiễn tối tân nhất mà truyền thông Trung Quốc gọi là hỏa tiễn dùng để tiêu diệt hàng không mẫu hạm (aircraft-carrier killer)  như một lời cảnh báo đối với Hoa Kỳ.

Biến cố này nhắc nhở thế giới về những cuộc thử nghiệm hỏa tiễn đầy khiêu khích của Bắc Hàn trong mấy thập niên qua. Lần này không thuần túy là sự phô trương về sức mạnh mà Bắc Kinh còn muốn gởi đến thế giới một thông điệp khác.

CON ĐƯỜNG TRƯỚC MẶT?

Với bức tranh địa chính trị của thế giới thay đổi mỗi ngày như hiện nay, nước Úc đang đứng trước một giao lộ có thể tìm ra một hướng đi mới cho tương lai.

Con đường đã đi qua mặc dầu tiêu thụ gần phân nửa nguồn xuất cảng của Úc nhưng chứa đựng nhiều rủi ro khi phải lệ thuộc quá nhiều vào đối tác thương mại nhiều mưu mô và hiếu chiến.

Con đường trước mặt là cơ hội trở thành một thành của hiệp ước có thể giúp làm cân bằng sức mạnh kinh tế thế giới và bắt đầu giảm sự lệ thuộc của Úc vào Bắc Kinh để phát triển đất nước.

CƠ HỘI DUY NHẤT CỦA ÚC

Úc muốn nhắc nhở thế giới về tầm quan trọng của đất nước này, tuy là một góc nhỏ của vùng nam Thái Bình Dương nhưng lại quan trọng đối với thế giới. Với sự ra đời của hiệp ước thương mại này – không chỉ là cơ hội cho đất nước này mà còn cho cả thế giới tự do.

Đây là cơ hội duy nhất của Úc để làm chủ vận mệnh của mình trên diễn đàn thế giới, trở một thành viên sáng lập của một hiệp ước hứa hẹn một cái gì lớn hơn trong tương lai.

Điều này không chỉ giúp chúng ta nhanh chóng phục hồi kinh tế mà còn giúp chúng ta giảm thiểu tối đa sự rủi ro khi phải lệ thuộc quá nhiều vào Bắc Kinh.

Nguồn: Trilateral trade agreement that could change Australian relations with China

Tarric Brooker is a freelance journalist and social commentator | @TarricBrooker

Related posts