COVID-19: Toàn cầu gần chạm mốc 30 triệu ca nhiễm
Theo thống kê của Đại học Johns Hopkins, tính đến sáng 16/9 (giờ Việt Nam), toàn thế giới có 29.190.588 ca nhiễm COVID-19 được chính phủ các nước xác nhận. Số ca tử vong toàn cầu là 927.245 ca và được dự đoán sẽ vượt qua mốc 1 triệu ca tử vong vào tháng Mười.
Giới quan sát cho rằng cả tổng số ca nhiễm và tử vong do COVID-19 trên toàn cầu thực tế là cao hơn số liệu chính thức, bởi vì có sự khác nhau về tỷ lệ xét nghiệm và ca nhiễm, báo cáo chậm và một số quốc gia được cho là báo cáo số liệu không trung thực.
Bác sĩ David Nabarro – đặc phái viên của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về COVID-19 – hôm 15/9 cảnh báo rằng thế giới vẫn đang ở vào thời kỳ đầu của đại dịch virus corona.
Trong 24h qua, các thông tin đáng chú ý khác về đại dịch COVID-19 trên toàn cầu như sau:
– Mỹ đã xét nghiệm COVID-19 cho gần 90 triệu người. Số ca nhiễm tại nước này hiện là hơn 6,6 triệu và số ca tử vong là hơn 195 nghìn.
– CDC Trung Quốc dự kiến vắc-xin COVID-19 của Trung Quốc sẽ sớm cung cấp diện rộng cho công chúng trong tháng Mười Một hoặc tháng Mười Hai.
– Thủ tướng Hàn Quốc Chung Sye-kyun trong cuộc họp nội các hôm 15/9 đã nói chính phủ nước này sẽ đảm bảo cung cấp sớm vắc-xin COVID-19 an toàn cho 30 triệu dân (tương đương 60% dân số).
– Bộ trưởng Y tế Nam Phi Zweli Mkhize hôm 15/9 cho biết gần 1/5 người dân nước này có thể đã nhiễm virus corona. Nam Phi hiện tại ghi nhận 650.749 ca, nhưng theo ông Zweli Mkhize, số ca nhiễm COVID-19 thực tế tại nước này có thể “khoảng 12 triệu”.
– Thụy Điển hôm 15/9 ghi nhận số ca nhiễm mới COVID-19 ít nhất kể từ tháng Ba. Trung bình 7 ngày tính đến 15/9, số ca nhiễm mới tại Thụy Điển là 108 ca, mức thấp nhất kể từ ngày 13/3.
– Hà Lan hôm 15/9 ghi nhận số ca nhiễm mới cao kỷ lục với tổng cộng 1.379 ca mới – đa số được báo cáo tại Amsterdam và The Hague.
– Giám đốc điều hành Unicef Henrietta Fore nói rằng khoảng 872 triệu trẻ em ở độ tuổi đi học (tương đương một nửa số học sinh trên toàn cầu) vẫn chưa thể tới trường vì đại dịch COVID-19. Bà Henrietta Fore cho biết vào lúc đại dịch cao điểm trường học tại 192 quốc gia đã phải đóng cửa khiến 1,6 triệu học sinh phải ở nhà.
Châu Âu đang trải qua đợt dịch Covid-19 thứ hai?
Các quốc gia trên khắp châu Âu đang chứng kiến sự bùng phát trở lại các trường hợp mắc COVID-19 sau khi kìm hãm thành công đợt bùng phát vào đầu năm, theo Euro News,
Nhưng sự trở lại của virus corona mạnh đến mức nào và nó có tương đồng với số lượng ca nhiễm bệnh đã được ghi nhận hồi đầu năm không?
Một số quốc gia – chẳng hạn như Albania, Bulgaria, Cộng hòa Séc, Montenegro, Bắc Macedonia – đang chứng kiến số ca mắc bệnh trong tháng 8 cao hơn so với đầu năm.
Bỉ, Ý và Anh – trong số các quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất ở châu Âu – đang chứng kiến chiều hướng gia tăng trở lại. Nhưng ít nhất cho đến nay, chưa có gì giống như tháng 3 và tháng 4. Trong ba quốc gia này, số liệu của Vương quốc Anh là đáng lo ngại nhất. Quốc gia này đã xác nhận 3.539 trường hợp vào hôm 12/9.
Pháp, Ba Lan, Hà Lan và Tây Ban Nha có khả năng đang đối phó với làn sóng thứ hai rất đáng sợ và đã bắt đầu có hành động để kiềm chế dịch. Trong đó, Pháp đã công bố 10.561 ca nhiễm mới vào ngày 12/9, con số cao nhất từng được ghi nhận.
Nhưng một số trường hợp tăng đột biến có thể chỉ đơn giản là do thử nghiệm nhiều hơn – nhiều quốc gia không có khả năng thực hiện các thử nghiệm với số lượng lớn như vậy vào đầu năm.
Trong các quốc gia châu Âu, đáng lưu ý là trường hợp của Thụy Điển. Nước này không áp dụng phong tỏa, các hoạt động kinh tế xã hội nhìn chung vẫn diễn ra bình thường.
Quan điểm “miễn dịch cộng đồng” của Thụy Điển đã bị chỉ trích nặng nề trong giai đoạn từ tháng 4 đến tháng 6 khi số ca dương tính và tử vong tại đây tăng cao. Nhưng từ tháng 7 đến nay, các con số này đột ngột giảm và hiện ổn định ở mức thấp, trong khi nhiều nước châu Âu đang tái bùng phát khi mở cửa trở lại.
Có thể nói, hiểu biết của thế giới về loại virus này còn khá hạn chế. Vậy nên cách thức ứng phó và diễn biến kết quả đang rất khác nhau ở các nơi trên toàn cầu.
Cho đến nay, Việt Nam và Đài Loan được coi là những nước thành công nhất trong việc kiểm soát đại dịch Covid-19, mặc dù ngay từ đầu là những nơi có nguy cơ cao nhất do lượng người qua lại Trung Quốc rất lớn.
Cho đến ngày 16/9, theo Worldometers, Đài Loan chỉ có 7 trường hợp tử vong trong số 499 ca dương tính, trong đó chỉ có hơn 50 ca nội địa. Theo tờ The Diplomat, trong 5 tháng liên tục tính đến ngày 12/9, Đài Loan không có ca dương tính nội địa. Kể từ đầu dịch, các hoạt động tại Đài Loan nhìn chung vẫn diễn ra bình thường mà chưa bị gián đoạn, kể kả việc đi học của học sinh các cấp.
Bầu cử Mỹ: Cháy rừng trở thành vấn đề tranh cử nổi bật, Biden tố Trump phớt lờ khoa học
Không phải đại dịch virus corona hay các cuộc biểu tình đòi công bằng chủng tộc, trong 24 giờ qua, vấn đề nổi bật nhất trong cuộc đua tới Tòa Bạch Ốc giữa Tổng thống Trump và đề cử viên tổng thống Đảng Dân chủ Joe Biden là nạn cháy rừng.
Ông Joe Biden tố cáo Tổng thống Donald Trump là “kẻ phá hoại khí hậu” vì không chịu thừa nhận sự nóng lên toàn cầu là nguyên nhân gây ra các vụ cháy rừng chết người ở khu Bờ Tây nước Mỹ. Ông Trump, ngược lại chỉ trích các bang do Đảng Dân chủ quản lý kém cỏi khiến cháy rừng diễn ra liên miên hết năm nay đến năm khác.
Cựu phó tổng thống Biden bị Đảng cộng hòa chỉ trích vì không đến thăm các khu vực thảm họa. Từ bang nhà Delaware của mình, ông nhắc lại lập trường của Đảng Dân chủ rằng biến đổi khí hậu là nguyên nhân chính dẫn đến cháy rừng cũng như các điều kiện thời tiết ngày càng cực đoan.
Ở phía bên kia, ông Trump sau khi bị chỉ trích vì hầu như giữ im lặng trong khi hỏa hoạn xảy ra, đã tới California để thăm hỏi động viên lính cứu hỏa và gặp mặt các quan chức địa phương.
Chính quyền Trump nói rằng các quan chức Đảng Dân chủ quản lý cả ba bang cháy rừng trên phải chịu trách nhiệm vì để xảy ra thảm họa. Giới chức nói rằng các khu rừng cây khô, bụi rậm dễ cháy phải được cắt tỉa thường xuyên hơn, các khoảng cách chống cháy phải được tạo thêm và các vật liệu dễ cháy đáng ra cần loại bỏ khỏi nền rừng.
Ông Trump cũng cho biết việc quản lý rừng dễ dàng thực hiện hơn là chống biến đổi khí hậu vốn tốn thời gian và yêu cầu sự hợp tác quốc tế mà hiện không tồn tại.
Tổng thống Trump đã phê chuẩn trợ cấp thảm họa liên bang cho California và Oregon. Ông cũng tỏ ra nghi ngờ khoa học.
“Trái đất sẽ bắt đầu mát hơn, các bạn cứ chờ xem. Tôi không nghĩ khoa học biết”, ông Trump nói.
Đáng chú ý, ngay sau khi Tổng thống Trump tới California và phát biểu về cháy rừng và biến đổi khí hậu, tạp chí khoa học Scientific American đã tuyên bố ủng hộ đề cử viên tổng thống Đảng Dân chủ Joe Biden. Scientific American chưa bao giờ chứng thực bất kỳ ứng cử viên tổng thống nào trong lịch sử 175 năm của tờ tạp chí khoa học này.
Theo AP, Tổng biên tập Laura Helmuth nói rằng chính quyền của Tổng thống Donald Trump là tồi tệ hơn nhiều cho cộng đồng khoa học so với những gì tạp chí này đã từng lo sợ.
Trong 24 giờ qua, một số tin tức liên quan tới bầu cử Mỹ đáng chú ý khác là chiến dịch Biden chuyển hướng tập trung vào cử tri người Puerto Rico và địa điểm tổ chức chiến dịch Trump tại bang Nevada bị chính quyền thành phố phạt 3.000 USD vì vi phạm quy định hạn chế tụ tập đông người phòng dịch COVID-19.
Ông Joe Biden và Đảng Dân chủ đang nhắm tới hàng trăm nghìn người Puerto Rico đã chuyển tới sống tại các bang Florida và Pennsylvania sau khi hòn đảo này bị bão Maria tàn phá nặng nề vào năm 2017. Chiến dịch Biden đã công bố kế hoạch “phục hồi, đổi mới và tôn trọng Puerto Rico” trước sự kiện Tháng Di sản Hispanic tại Florida vào tối thứ Ba 15/9 (giờ Mỹ).
Xtreme Manufacturing, địa điểm trong nhà tổ chức buổi tập trung chiến dịch Trump gần đây, đã bị chính quyền thành phố Henderson, bang Nevada phạt hành chính 3.000 USD.
Đây là buổi tập trung chiến dịch trong nhà đầu tiên của chiến dịch Trump kể từ tháng Sáu. Trước sự kiện, chính quyền thành phố Henderson đã cảnh báo rằng đơn vị cho thuê địa điểm sẽ bị phạt hành chính vì chứa đông người khi đang trong thời gian đại dịch COVID-19.
Quan hệ Mỹ – Trung: Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc từ chức, Washington vẫn cảnh báo công dân về rủi ro bị bắt giữ tùy tiện tại Trung Quốc
Tin tức nổi bật nhất trong quan hệ Mỹ – Trung 24 giờ qua là Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc Terry Branstad sẽ từ chức vào đầu tháng Mười để trở về nước làm việc cho chiến dịch tái cử của Tổng thống Donald Trump.
Đại sứ Branstad, 73 tuổi, trước khi phục vụ trong chính quyền Trump đã từng là thống đốc tại vị lâu nhất của Iowa – bang nằm trong Vành đai Nông nghiệp Hoa Kỳ (Farm Belt) đã góp phần không nhỏ vào chiến thắng của ông Trump trong cuộc bầu cử năm 2016.
Ông Branstad cũng thiết lập quan hệ tốt với cá nhân ông Tập Cận Bình từ khá lâu. Ông Branstad kết bạn với ông Tập từ nhiều thập kỷ trước đây khi ông Tập tới thăm Iowa.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng đã từng gọi ông Branstad là “người bạn lâu năm của nhân dân Trung Quốc”.
Việc ông Branstad từ chức vào thời điểm này sẽ khiến vị trí đại sứ Mỹ tại Bắc Kinh bị khuyết một thời gian và đúng vào thời điểm hai quốc gia đang đối đầu quyết liệt trong mọi vấn đề từ luật an ninh mới tại Hồng Kông, tới cách xử lý đại dịch virus corona chủng mới và các vấn đề lãnh thổ trên Biển Đông.
Washington có thể không có đại sứ tại Trung Quốc trong vài tháng ngay cả khi ông Trump tái cử sau ngày 3/11. Thượng viện Mỹ chỉ lên lịch họp khoảng 2 tuần trước Ngày Bầu cử mà vị trí đại sứ lại phải do viện này chuẩn thuận.
Trong khi đó, trong cập nhật về khuyến cáo di trú mới nhất, Bộ Ngoại giao Mỹ vẫn cảnh báo công dân về nguy cơ bị “bắt giữ tuỳ tiện” tại Trung Quốc, bao gồm cả đặc khu hành chính Hồng Kông khi Luật An ninh quốc gia mới có hiệu lực tại đây từ 30/6.
Bộ Ngoại giao Mỹ cảnh báo Luật An ninh quốc gia mới có thể khiến các công dân Mỹ – những người công khai chỉ trích Trung Quốc – sẽ phải đối mặt với nguy cơ bị bắt giữ, giam cầm, trục xuất hoặc truy tố cao hơn. Những người bị bắt cũng có thể bị dẫn độ về Đại lục để xét xử.
Trước hạn chót 15/9 về việc TikTok phải chuyển giao mảng kinh doanh tại Mỹ hoặc sẽ bị cấm hoạt động ở đây, ByteDance – công ty chủ quản của TikTok – đã gửi đề xuất lên chính phủ Mỹ trong việc chọn lựa người mua, theo Nikkei.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin xác nhận trong một cuộc phỏng vấn hôm 14/9 với CNBC rằng ông đã nhận được đề xuất của ByteDance, trong đó đề cập đến việc Oracle là “đối tác công nghệ đáng tin cậy”. Ngoài ra, đề xuất còn cam kết thành lập TikTok Global có trụ sở tại Mỹ với 20.000 việc làm mới.
Hôm 14/9, Oracle đã xác nhận tuyên bố của Bộ trưởng Mnuchin, nói rằng công ty là một phần của đề xuất được ByteDance đệ trình lên Bộ Tài chính vào cuối tuần.
Cùng ngày 15/9 cũng là hạn chót mà tất cả các nhà cung cấp trên toàn thế giới sẽ phải ngừng giao hàng cho Huawei nếu sản phẩm của họ chứa công nghệ của Mỹ. Các nhà cung cấp này sẽ cần giấy phép từ Bộ Thương mại Mỹ nếu họ muốn duy trì hoạt động kinh doanh với gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc theo các biện pháp kiểm soát xuất khẩu được đưa ra hôm 17/8.
Và sau nhiều đồn đoán, hôm 14/9, Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới Hoa Kỳ (CBP) đã chính thức ban hành 5 lệnh ủy thác hay Lệnh hủy bỏ (Withhold Release Order – WRO) đối với nhiều loại hàng hóa tại Tân Cương nhằm trấn áp “các hành vi sử dụng lao động cưỡng bức bất hợp pháp, vô nhân tính và bóc lột”.
WRO không phải là lệnh cấm nhập khẩu, nhưng hàng hóa bị áp dụng WRO sẽ được tái xuất hoặc tiêu hủy nếu CBP xác định chúng được sản xuất từ lao động cưỡng bức, theo Nam Hoa Tảo báo.
Quan hệ EU – Trung Quốc: Đối đầu tại thượng đỉnh, EU từng bước áp sát ông Tập Cận Bình
Quan chức từ Liên minh châu Âu (EU) và Trung Quốc hôm 14/9 đã tổ chức hội nghị thượng đỉnh Trung – Âu. Hội nghị được tiến hành theo phương thức truyền hình trực tuyến. Tại hội nghị, EU đã buộc chính phủ Trung Quốc phải có cải tiến về các vấn đề thương mại, Luật An ninh Hồng Kông, nhân quyền, virus corona Vũ Hán và Biển Đông, v.v.
Tại hội nghị, lãnh đạo EU đã nói với phía Trung Quốc rằng EU sẽ không còn bị lợi dụng, và yêu cầu phía Trung Quốc cùng EU thiết lập một mối quan hệ thương mại công bằng hơn.
Thủ tướng Đức Angela Merkel đã cùng Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel, đã gửi thông điệp đối thoại mạnh mẽ tới Bắc Kinh.
Bà Angela Merkel cho biết, lãnh đạo EU hôm 14/9 đã nói với phía Trung Quốc phải tăng tốc đàm phán để quyết định thỏa thỏa thuận đầu tư Trung Quốc – EU. Bà bổ sung thêm, cạnh tranh với Trung Quốc cần phải công bằng.
Về chủ đề virus corona Vũ Hán, tại hội nghị, EU nhấn mạnh tính quan trọng của hợp tác quốc tế, thúc giục phía Trung Quốc hợp tác. EU nói, không chỉ việc nghiên cứu vắc-xin là quan trọng, mà việc tìm ra nguồn gốc virus cũng rất quan trọng.
Ông Tập Cận Bình có tham gia cuộc họp thượng đỉnh nhưng không tham gia họp báo, hai bên cũng không công bố tuyên bố chung của hội nghị thượng đỉnh.
Hòa bình Trung – Đông: “Bình minh hòa bình mới” đã đến, nhưng phải cẩn trọng với Iran
Theo hãng tin AP, trước sự chứng kiến của Tổng thống Trump và khoảng 800 khách mời có mặt tại Bãi cỏ phía nam (South Lawn), Tòa Bạch Ốc hôm 15/9, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và các ngoại trưởng của UAE và Bahrain đã ký các thỏa thuận hòa bình với các phiên bản tiếng Anh, tiếng Hebrew và tiếng Ả rập.
Như vậy UAE và Bahrain trở thành quốc gia Ả rập thứ ba và thứ tư thiết lập hòa bình với Israel. Theo WashPost, quốc gia Ả rập đầu tiên bình thường hóa quan hệ với Israel là Ai Cập vào năm 1979, sau đó đến Jordan vào năm 1994.
Với các thỏa thuận hòa bình này, cùng với việc hòa giải thành công quan hệ giữa Serbia và Kosovo, trong tuần trước Tổng thống Donald Trump đã hai lần được đề cử giải Nobel Hòa bình 2021.
Tuy nhiên, chặng đường mang lại hòa bình cho khu vực luôn xảy ra xung đột này vẫn còn nhiều khó khăn trước mắt. Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas đã phản đối mạnh mẽ các thỏa thuận hòa bình giữa Israel và các nước Ả Rập. Ông Abbas phát đi tuyên bố hôm 15/9 cho hay “không có hòa bình, an ninh hay ổn định nào sẽ đạt được cho mọi người trong khu vực này” nếu không chấm dứt được sự chiếm đóng của Israel và không thành lập được nhà nước Palestine độc lập.
Một thách thức khác với nền hòa bình Trung Đông đến từ chế độ Iran. Hôm 14/9, Tổng thống Trump đã mạnh mẽ tuyên bố sẽ đáp trả Tehran gấp 1.000 lần nếu chế độ này nhắm mục tiêu tấn công người Mỹ.
Ông Trump dẫn các báo cáo gần đây cho biết Tehran đang tính toán một nỗ lực ám sát nhằm vào Đại sứ Mỹ tại Nam Phi Lana Marks. Các quan chức Washington đã nghe nói về các mối đe dọa đối với viên chức ngoại giao này từ mùa xuân năm nay, nhưng tình báo Mỹ cho biết những đe dọa đối với bà Lana Marks đã trở nên cụ thể hơn trong những tuần gần đây.
Một nguồn tin tình báo nói với Fox News rằng cộng đồng tình báo Mỹ đang xem xét cẩn trọng mối đe dọa đối với Đại sứ Lana Marks và tin rằng chế độ Iran có thể có khả năng hành động theo một âm mưu ám sát. Bà Lana Marks chỉ là một trong nhiều quan chức Mỹ mà các cơ quan tình báo tin rằng Tehran đang xem xét nhắm vào để trả đũa cho vụ Mỹ tiêu diệt Tướng Soleimani. Chính quyền Iran đã phủ nhận các báo cáo về âm mưu nêu trên.
***
Ngoài ra, thế giới 24h giờ qua cũng có một số diễn biến khác đáng chú ý như: Tổng thống Belarus cầu viện Nga và lãnh đạo đối lập người Nga Aleksei Navalny đã nói chuyện được, tuyên bố chỉ hợp tác với các nhà điều tra Đức, không làm việc với Điện Kremlin.
Theo Reuters, một ngày sau khi có hơn 100.000 người biểu tình tại các đường phố thủ đô Minsk, gọi ông Lukashenko là con chuột nhắt, Tổng thống Belarus đã bay sang Nga gặp người đồng cấp Putin tại khu nghỉ dưỡng Sochi bên bờ Biển Đen. Tại đây, ông Lukashenko đã kêu gọi sự giúp đỡ của ông chủ Điện Kremlin để có thể tiếp tục duy trì quyền lực mà ông đã nắm giữ 26 năm qua tại quốc gia từng thuộc Liên Xô cũ.
Tổng thống Putin đã đồng ý cho chính quyền Lukashenko vay 1,5 tỷ USD. Tuy nhiên, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết Nga sẽ rút các sĩ quan lực lượng thực thi pháp luật và vệ binh quốc gia mà tháng trước ông Putin đã cho triển khai ở gần biên giới Belarus, sẵn sàng can thiệp vào Minsk trong trường hợp các cuộc biểu tình chống chính quyền vượt ra ngoài tầm quyền soát của ông Lukashenko.
Trong khi đó, tại Đức, ông Aleksei Navalny hiện đã tỉnh lại và bắt đầu hồi phục các chức năng. Lãnh đạo đối lập người Nga sáng 15/9 đã viết trên Instagram: “Tôi vẫn hầu như chưa làm được gì, nhưng hôm qua tôi có thể tự thở cả ngày”.
Theo New York Times, ông Navalny đã nói chuyện với một công tố viên người Đức về vụ việc ông bị đầu độc tại Nga. Ông cũng từ chối hợp tác với các nhà điều tra Nga.
Nam Sơn