- Đức Thiện
Những người nhập cư đến từ các nước xã hội chủ nghĩa hiện đã ổn định cuộc sống tại Mỹ nói rằng sự chuyển dịch chính trị gần đây tại xứ cờ hoa đang bắt đầu khiến họ nhớ lại những gì mà họ đã để lại phía sau để rời đi.
Một trong những khoảnh khắc đáng nhớ nhất tại Đại hội Quốc gia Đảng Cộng hòa diễn ra vào tháng trước là khi ông Maximo Alvarez gốc Cuba đã nhắc nhở người Mỹ cần chống lại chủ nghĩa xã hội đang trỗi dậy.
“Tôi đã từng chứng kiến những phong trào giống như thế này trước đây”, ông Maximo Alvarez cảnh báo.
Doanh nhân định cư tại Florida không phải là người duy nhất trốn chạy tới Mỹ từ các quốc gia xã hội chủ nghĩa. Trên mạng xã hội và các cuộc phỏng vấn với Fox News, những người nhập cư khác đã ổn định cuộc sống tại Mỹ nói rằng chuyển dịch chính trị gần đây tại Mỹ – trong đó có đấu tranh giai cấp, bạo loạn và kiểm soát ngôn luận, chưa tính đến những kêu gọi về các chương trình chính phủ mở rộng – đang bắt đầu nhắc họ nhớ về những gì họ đã bỏ lại phía sau.
Và họ mang theo thông điệp giống như ông Alvarez, kêu gọi người Mỹ đừng lặp lại lịch sử.
Venezuela
Cô Elizabeth Rogliani, một phụ nữ trẻ đã rời Venezuela tới Mỹ vào năm 2008 và định cư tại Florida, nói về cố hương: “Tại Venezuela, những triệu phú, và bất cứ ai giàu có đều là ‘kẻ thù của nhân dân’”.
Cô Rogliani đã đang sử dụng kênh TikTok cá nhân để cố gắng nói cho mọi người về câu chuyện đó.
Cô Rogliani nói cô nhìn thấy sự tương đồng trong các cuộc tấn công thường xuyên của các chính trị gia Mỹ đối với “những triệu phú và tỷ phú”.
“Chia rẽ giai cấp là điều mà Hugo Chavez muốn, để đảm bảo rằng những nhóm người nghèo hơn trong xã hội ghét bỏ bất cứ ai giàu có”, cô Rogliani nói.
Cố Tổng thống Venezuela Hugo Chavez thường tuyên bố rằng trở nên giàu có là xấu.
Ông Chavez định nghĩa chủ nghĩa tư bản là “vương quốc của vị kỷ và bất bình đẳng”, trong khi gọi chủ nghĩa xã hội là “vương quốc của tình yêu, công bằng, đoàn kết, hòa bình và dân chủ thực sự”.
Trước khi ông Chavez trở thành tổng thống năm 1999, Venezuela đã từng là quốc gia giàu có nhất Nam Mỹ. Venezuela cũng có trữ lượng dầu mỏ dưới lòng đất chưa khai thác nhiều hơn bất cứ quốc gia nào khác trên thế giới, kể cả Ả Rập Saudi.
Thế nhưng sau khi ông Chavez cầm quyền hơn một thập kỷ và ban hành các chính sách kiểm soát giá chặt chẽ và thâu tóm các doanh nghiệp tư nhân, đã khiến nền kinh tế sụp đổ. Tháng trước, sau nhiều thập kỷ quản lý yếu kém, giàn khoan dầu cuối cùng của Venezuela đã dừng hoạt động. Hàng triệu người dân quốc gia Nam Mỹ này bây giờ đã phải trốn chạy ra nước ngoài để thoát khỏi cảnh nghèo đói và bạo lực diễn ra trên diện rộng.
Cô Rogliani nói rằng tại Mỹ, nỗi sợ lớn nhất của cô không phải đến từ bất kỳ một đề xuất chính sách nào mà là đến từ cách ứng xử văn hóa nói chung.
“Chứng kiến những kẻ bạo động đập phá các tượng đài… nó rất tương tự [như ở Venezuela]”, cô Rogliani nói.
Trong trang sử ít người biết đến, chính quyền Chavez vào năm 2002 đã chính thức đổi tên “Ngày Columbus” thành “Ngày Kháng chiến Bản địa”.
“Năm 2004, tượng Columbus tại Venezuela đã bị kéo đổ. Đám đông náo loạn đã làm việc này. Họ được khuyến khích bởi những phát ngôn của ông Chavez”, cô Rogliani nói.
Tất nhiên, nguồn cơn của bất ổn tại Mỹ là rất khác và là điều đặc trưng tại đây. Các nhà hoạt động nhiều năm qua đã gây áp lực để phá bỏ các tượng đài tưởng niệm các nhân vật lịch sử thuộc lực lượng Liên minh miền Nam trong cuộc nội chiến Mỹ (1861-1865), kêu gọi nước Mỹ không nên vinh danh những người từng chiến đấu bảo vệ chủ nghĩa nô lệ. Tuy nhiên, nỗ lực này đã được mở rộng trong những tháng gần đây nhắm tới cả các nhân vật lịch sử ít gây tranh cãi hơn nhưng có liên quan tới chủ nghĩa nô lệ hoặc các thể chế khác. Trong khi đó, các cuộc biểu tình và cướp phá bùng phát tại nhiều thành phố ở Mỹ trong mùa hè này xuất phát từ sự giận dữ về bất công chủng tộc và hành vi bạo hành của cảnh sát, sau khi người đàn ông da đen George Floyd tại Minneapolis chết dưới tay cảnh sát.
Một số cuộc biểu tình vẫn là ôn hòa, nhưng trong các thành phố như Chicago, Portland và Seattle, biểu tình đã biến thành bạo loạn trong nhiều tháng.
Cô Rogliani nói thêm rằng sự bất ổn như vậy có thể bị lợi dụng. Ông Chavez đã khuyến khích những tư duy đấu tranh bạo động như vậy bởi vì ông ta nhìn thấy đám đông tức giận là một công cụ chính trị đắc lực.
Nicaragua
Nhiều quốc gia Mỹ Latinh đã từng chứng kiến làn sóng người dân trốn chạy hàng loạt để thoát khỏi chủ nghĩa xã hội. Nicaragua là một trong số đó.
Ông Roberto Bendana, một người nhập cư Nicaragua đang sống tại bang Texas, nói với Fox News về tình hình bạo lực gần đây ở Mỹ: “Những gì chúng ta chứng kiến bây giờ, tất cả đều có đặc điểm giống với điều tôi đã thấy ở đó… bạo lực, cướp phá, phá hủy tài sản tư nhân”.
Ông Bendana đã rời bỏ Nicaragua sau khi những người xã hội chủ nghĩa cách mạng lên cầm quyền vào năm 1981 và tịch thu đồn điền cafe của cha ông.
“Thậm chí cả những lá cờ! Những người biểu tình tại Mỹ đang sử dụng những lá cờ màu đỏ và đen”, ông Bendana nói, nhấn mạnh rằng các cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa Nicaragua cũng đã sử dụng những lá cờ với màu sắc tương tự.
Cuba
Từ khi ông Fidel Castro lên cầm quyền vào năm 1959, hơn một triệu người Cuba đã trốn chạy ra nước ngoài, trong số đó có ông Maximo Alvarez.
“Tôi đã nghe những lời hứa của Fidel Castro và tôi không bao giờ có thể quên được tất cả những người đã lớn lên quanh tôi… những người đã chịu đau khổ, đói khát và chết chóc bởi vì họ tin vào những lời hứa sáo rỗng đó”, ông Alvarez nói trong bài phát biểu tại Đại hội Quốc gia Đảng Cộng hòa hồi tháng Tám.
“Các bạn có thể vẫn nghe thấy thanh âm của những lời hứa hão huyền này. Nó là âm thanh của những con sóng trên đại dương mênh mông mang theo những gia đình bám víu vào những mảnh gỗ. Nó là âm thanh của những giọt nước mắt rơi xuống trang giấy của tờ đơn xin được trở thành công dân Mỹ”, ông Alvarez nói thêm.
“Cha tôi mới học hết lớp sáu đã nói với tôi rằng đừng đánh mất nơi này”, ông Alvarez nói về nước Mỹ. “Gia đình tôi đã nếm trải việc phải từ bỏ những gì chúng tôi kiếm được một cách chính đáng”.
Ông Alvarez dù xuất thân nghèo khó, đã sáng lập được công ty Sunshine Gasoline và trở thành triệu phú. Ông nhấn mạnh rằng ông Joe Biden đề xuất “các loại thuế mới hàng nghìn tỷ USD”.
Trung Quốc
Bà Lily Tang Williams, một người nhập cư từ Trung Quốc đang sống tại bang New Hampshire, đã từng trải qua thời kỳ “Cách mạng Văn hóa” và các chính sách kinh tế của ông Mao Trạch Đông.
Bà Tang nói bà thấy có sự tương đồng giữa Trung Quốc thời Mao với thực trạng bất ổn tại Mỹ ngày nay.
“Bạo loạn, cướp phá, phá hủy tài sản, đó là điểm rất giống nhau. Điều đó khiến tôi sợ hãi bởi vì tôi đã trải qua như thế”, bà Tang nói. “Những người tấn công các doanh nghiệp nhỏ trong các thành phố, các bạn thấy họ lấy đi tài sản tư nhân, và họ nói ‘chúng tôi xứng đáng có thứ này. Đây là các khoản bồi thường’. Và đó là cách làm kiểu Marxist. Đó là lời xin lỗi trước họng súng”.
Gần đây, những người biểu tình tại D.C đã xáp lại gần người dân tại một quán ăn và yêu cầu họ giơ nắm đấm biểu thị ủng hộ người biểu tình; những ai từ chối làm thế đã bị quấy rối.
Bà Tang đề cập tới khái niệm “im lặng là bạo lực”. “Bạn không thể giữ im lặng. Bạn phải công khai đồng ý với họ. Điều đó cơ bản không phải là điều đúng tại Mỹ”, bà Tang nói. “Chiến thuật mà họ sử dụng rất Marxist, rất cộng sản. Họ đã làm điều này ở Trung Quốc. Mọi người phải là PC”.
“Tự do ngôn luận, tự do suy nghĩ và tự do tư tưởng – đó là những điều làm nước Mỹ vĩ đại. Chúng ta không phải lúc nào cũng đồng ý với nhau, nhưng chúng ta nên có thể có một cuộc thảo luận dân sự”, bà Tang nói.
“Tôi có một vài người bạn tham dự Đại hội Quốc gia Đảng Cộng hòa. Họ đã bị quấy rối khi vừa bước ra khỏi hội trường. Ơn Chúa họ đã không làm sao… Nhưng điều đó thật đáng sợ”, bà Tang nói.
Trong cùng đêm đó, những người biểu tình đã quấy rối Thượng nghị sĩ Rand Paul và phu nhân Kelley Paul. Bà Kelley đã gọi thời điểm đó là “khoảnh khắc khủng khiếp nhất” trong đời bà.
Bà Tang cho rằng một số người Mỹ đang mê mệt với chủ nghĩa xã hội chỉ bởi vì họ chưa từng có kinh nghiệm sống trong chế độ đó.
“Mọi người ở đây được phép biểu tình hòa bình. Những người biểu tình này không đánh giá cao sự tự do mà họ có được trong đất nước này. … Họ chưa bao giờ bị đói, nghèo đói thực sự”, bà Tang nói.
Đức Thiện (Theo Fox News)