Tin thế giới tối thứ Năm

Trung Quốc ‘thủ phạm’ phá huỷ hệ sinh thái và làm cạn kiệt tài nguyên Biển Đông

Tàu cá Trung Quốc đồng loạt ra khơi ngày 16/8 (ảnh chụp từ video).

Hoạt động xây dựng đảo nhân tạo phi pháp và đánh bắt quá mức của Trung Quốc có nguy cơ hủy hoại hệ sinh thái và làm cạn kiệt nguồn hải sản ở Biển Đông – đó là nhận định của chuyên gia sinh học biển Mỹ, truyền thông trong nước trích dẫn.

Hôm 16/9, trong buổi trao đổi trực tuyến do Tổng lãnh sự quán Mỹ tại TP.HCM tổ chức, chuyên gia John McManus tại Đại học Miami (Mỹ) dẫn lại các dữ liệu cho thấy ước tính có khoảng 3,7 triệu người tham gia vào hoạt động đánh bắt ở Biển Đông, trong đó Trung Quốc chiếm 649.000 người.

Với hơn 4 triệu thuyền viên, Trung Quốc sở hữu đội tàu cá thuộc hàng lớn nhất thế giới. Chính quyền Trung Quốc cho biết đội tàu đánh bắt xa bờ của họ có 2.600 chiếc, nhưng nhiều nghiên cứu khác nhau, ví dụ của tổ chức Viện Phát triển hải ngoại (ODI, Vương quốc Anh), ước tính con số ít nhất phải lên đến 17.000 chiếc, trong đó phần lớn không được đăng ký và hoạt động lén lút.

Mới đây, Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) đăng tải đoạn video trên Twitter hôm 16/8 cho rằng hơn 16.000 tàu cá từ đảo Hải Nam đã ra khơi cùng ngày sau khi lệnh cấm đánh bắt do Bắc Kinh đơn phương áp đặt ở Biển Đông kết thúc. Tổ chức Global Fishing Watch (Theo dõi Đánh bắt Toàn cầu) đã sử dụng ảnh chụp vệ tinh xác nhận đội tàu cá xa bờ của Trung Quốc có đến 16.966 chiếc.

Theo Enternews, hầu hết tàu cá xa bờ của Trung Quốc là cỡ lớn, lượng tôm cá một tàu cào vét một tuần có khi nhiều bằng một tàu cá Senegal hoặc Mexico đánh bắt trong cả năm. Bắc Kinh trợ cấp cho ngành công nghiệp này hàng tỷ nhân dân tệ mỗi năm. Tàu Trung Quốc có thể đi xa như vậy cũng nhờ khoản trợ cấp nhiên liệu vốn đã tăng gấp 10 lần từ năm 2006 đến 2011 (dữ liệu sau đó không còn được công bố). Ngoài ra, các tàu cá Trung Quốc thường được tàu cảnh sát biển hộ tống khi đánh bắt xa bờ.

Chuyên gia McManus cũng cho biết, chính quyền và quân đội Trung Quốc tài trợ đáng kể cho các đội tàu cá tiến hành hoạt động đánh bắt ở Biển Đông. “Điều này dẫn đến tình trạng đánh bắt quá mức, làm cạn kiệt nguồn tài nguyên sinh vật biển”, Thanh Niên dẫn lời cảnh báo của ông McManus.

Ngoài ra, Trung Quốc không chỉ là nhà xuất khẩu hải sản lớn nhất thế giới, gần 1,4 tỷ dân nước này còn tiêu thụ đến hơn 1/3 lượng hải sản trên toàn cầu.

Mặt khác, kể từ năm 2013, chính phủ Trung Quốc đã điều nhiều tàu nạo vét và phá hủy hầu hết các rạn san hô để bồi đắp, xây dựng đảo nhân tạo tại 7 thực thể bị Bắc Kinh chiếm đóng phi pháp tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam ở Biển Đông.

Theo ước tính, các hoạt động của Trung Quốc tại Biển Đông đã gây thiệt hại cho khoảng 159/162 km2 san hô tại vùng biển này. Trong đó hoạt động bồi lấp, xây dựng đảo trái phép của Trung Quốc gây thiệt hại khoảng 14/15 km2; hoạt động nạo vét của Trung Quốc gây thiệt hại khoảng 39/40 km2; hoạt động nạo vét làm bến đỗ, kênh rạch cho tàu thuyền đi lại của Trung Quốc gây thiệt hại khoảng 2/3 km2; hoạt động khai thác trai khổng lồ của Trung Quốc gây thiệt hại khoảng 104/104 km2.

Bình luận về vấn đề này, chuyên gia John McManus cho rằng, hoạt động xây dựng đảo nhân tạo phi pháp và đánh bắt quá mức của Trung Quốc có nguy cơ hủy hoại hệ sinh thái và làm cạn kiệt nguồn hải sản ở Biển Đông.

Mới đây, Mỹ hôm 26/8 công bố lệnh cấm vận đối với 24 công ty nhà nước cùng những quan chức của Trung Quốc có liên quan đến hoạt động xây dựng các đảo nhân tạo phi pháp ở Biển Đông.

Bộ Thương mại Mỹ đang tung ra đòn trừng phạt đối với các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc, khi liệt vào danh sách cấm vận vì đã tạo điều kiện cho Bắc Kinh xây dựng và quân sự hóa các đảo nhân tạo ở Biển Đông. Trong tuyên bố liên quan đến lệnh cấm vận, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nêu rõ: “Kể từ năm 2013, Trung Quốc sử dụng các doanh nghiệp nhà nước để bồi đắp hơn 1.200 ha tại các thực thể có tranh chấp ở Biển Đông, gây mất ổn định khu vực, chà đạp quyền chủ quyền của các nước láng giềng và tàn phá môi trường”.

Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ sẽ đến Đài Loan: Mỹ tiếp tục chọc giận Trung Quốc

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, Keith Krach (ảnh: Facebook Keith Krach).

Trong chiến thắng chính trị mới nhất cho Đài Bắc và một chút coi thường đối với Bắc Kinh, hôm 16/9, Hoa Kỳ thông báo sẽ cử một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao đến dự tang lễ của cựu tổng thống Đài Loan Lý Đăng Huy, được gọi là “cha đẻ của nền dân chủ” quốc đảo này. 

Chuyến thăm của Thứ trưởng Ngoại giao Keith Krach chắc chắn sẽ khiến chính quyền Trung Quốc khó chịu. Họ vẫn coi hòn đảo là một tỉnh nổi loạn và sẽ được thống nhất bằng vũ lực nếu cần thiết, theo SCMP.

Tổng thống Donald Trump bắt đầu chính quyền của mình vào tháng 1/2017 với cuộc điện đàm với người đồng cấp Đài Loan Thái Anh Văn. Kể từ đó, Đài Bắc đã tiếp đón thành viên nội các cao cấp nhất của Mỹ kể từ năm 1979, ký bảy thỏa thuận vũ khí lớn trị giá 13,3 tỷ USD, đồng ý cho bà Thái “dừng chân” 12 ngày tại Mỹ và được hưởng lợi từ một số luật và thỏa thuận đối tác mới của Mỹ”.

Hoa Kỳ tôn vinh di sản của Tổng thống Lý bằng cách tiếp tục mối quan hệ bền chặt của chúng tôi với Đài Loan và nền dân chủ sôi động, thông qua việc chia sẻ các các giá trị chính trị và kinh tế “, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết hôm 16/9 khi thông báo về chuyến đi của ông Krach.

Lễ tưởng niệm dự kiến sẽ diễn ra ​​vào hôm thứ Bảy (19/9) và Bộ Ngoại giao Đài Loan thông báo rằng ông Krach sẽ đến Đài Bắc vào hôm nay.

Sự lựa chọn ông Krach, người phụ trách các vấn đề kinh tế tại Bộ Ngoại giao, hầu như không phải là một sự tình ngẫu nhiên hay bất ngờ. Tháng trước, ông David Stilwell, người phụ trách Bộ Ngoại giao Mỹ về khu vực Đông Á đã thông báo về một cuộc đối thoại kinh tế mới giữa Mỹ với Đài Loan, thông báo rằng ông Krach sẽ dẫn đầu phái đoàn Mỹ. 

Các báo cáo về chuyến thăm sắp tới của ông Krach đã phổ biến trên các phương tiện truyền thông. Điều này đã dẫn đến các phản ứng như dự đoán từ Bắc Kinh, vốn ngày càng lo ngại rằng chính sách xuyên eo biển của họ nhằm đảm bảo Đài Loan trong tầm kiểm soát đang ngày càng suy yếu. 

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Vương Bân cho biết hôm thứ Hai (14/9) tại Bắc Kinh rằng Mỹ nên “ngừng mọi hình thức trao đổi chính thức với Đài Loan để tránh thiệt hại nghiêm trọng cho quan hệ Trung – Mỹ cũng như hòa bình và ổn định trên eo biển Đài Loan”.

Mục tiêu cuối cùng của Đài Loan là biến cuộc đối thoại thành một hiệp định thương mại tự do với Mỹ, ràng buộc chặt chẽ hơn giữa hai nền kinh tế.

Bonnie Glaser, Giám đốc Dự án “Sức mạnh Trung Quốc” tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, cho biết: “Vẫn còn phải xem liệu có thể bắt đầu bất cứ điều gì trên mặt trận đó hay không. Tất nhiên cuộc đối thoại mới này là quan trọng, nhưng những gì Đài Loan muốn là một thỏa thuận thực tế”.

Nhưng các nhà phân tích lưu ý rằng, phần lớn động lực cho các mối quan hệ thương mại chặt chẽ hơn, bao gồm kêu gọi Đài Loan chuyển chuỗi cung ứng công nghệ ra khỏi Trung Quốc đến từ Bộ Ngoại giao Mỹ và các quan chức chính quyền khác, chưa không phải xuất phát từ Văn phòng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ (USTR), vốn là cơ quan phụ trách bất kỳ cuộc đàm phán nghiêm túc nào.

Bắc Kinh, vốn coi Đài Loan là một vấn đề “sống còn”, trong nhiều thập kỷ đã tìm cách ngăn cản việc trang bị vũ khí, thiết lập đồng minh hoặc các mối quan hệ quốc tế.

Cho đến nay, rất ít thông tin chi tiết về chuyến thăm đã được tiết lộ. Ông Lohman Walter Lohman, giám đốc nghiên cứu châu Á tại Tổ chức Di sản bảo thủ cho biết, hai bên có khả năng sẽ trao đổi về hợp tác kinh tế chặt chẽ hơn, an ninh chuỗi cung ứng và các vấn đề khác theo nghĩa rộng, các chi tiết có thể sẽ được các nhà kỹ trị xử lý sau.

Ông nói thêm, nếu các cuộc đàm phán tiến tới một hiệp định thương mại tự do, xu hướng có thể sẽ vẫn duy trì ngay cả khi ứng viên Đảng Dân chủ Joe Biden thắng cử tổng thống.

Lohman, một cựu chuyên viên tại Thượng viện cho biết: “Tôi nghĩ chính quyền Biden sẽ vẫn tiếp tục. “Sẽ sớm có một số thúc đẩy trong chính quyền như mọi khi. Quốc hội sẽ cân nhắc. Nhưng cuối cùng thì những người bạn của Đài Loan sẽ chiến thắng”.

Ông Lý Đăng Huy qua đời vào cuối tháng 7 ở tuổi 97. Ông là tổng thống sinh ra ở Đài Loan đầu tiên của hòn đảo, được ghi nhận là người đảm bảo chấm dứt chế độ chuyên chế và ủng hộ chủ nghĩa đa nguyên sôi động. Ông muốn thách thức những nỗ lực của Trung Quốc nhằm kiềm chế những nỗ lực của hòn đảo để đạt được sự công nhận trên toàn cầu. Điều này thể hiện rõ trong một bài phát biểu của ông tại Đại học Cornell vào năm 2001. 

Sean King, phó chủ tịch cấp cao của công ty tư vấn chiến lược Park và là cựu quan chức Bộ Thương mại Hoa Kỳ cho biết: 

“Lễ tưởng niệm ông Lý Đăng Huy vô cùng có ý nghĩa về tính biểu tượng. Vì ông Lý là nhà lãnh đạo được bầu cử dân chủ đầu tiên của hòn đảo, ông ấy là một anh hùng thực sự cho chính người dân của mình”.

Theo SCMP
Đại Nghĩa biên dịch

Khủng hoảng thiếu bình ôxy điều trị bệnh nhân Covid ở Ấn Độ

Số ca xác nhận nhiễm Covid-19 ở Ấn Độ đã vượt quá 5 triệu theo ghi nhận hôm thứ Tư (16/9), khiến áp lực cần bình ô-xy khẩn cấp càng đè nặng hơn lên các bệnh viện hiện đang điều trị cho hàng chục nghìn bệnh nhân đang trong tình trạng nguy kịch, bởi nguồn cung cấp ô-xy trị liệu tại địa phương không ổn định.

Bộ Y tế Ấn Độ hôm qua (16/7) thông báo rằng nước này đã có thêm 90.123 ca nhiễm mới được xác nhận, nâng tổng số ca nhiễm lên đến 5,02 triệu, trở thành quốc gia có số ca nhiễm đứng thứ hai thế giới chỉ sau Mỹ. Ngoài ra, có 1.290 ca tử vong ngày hôm qua, nâng số ca tử vong bởi dịch bệnh này lên 82.066 ca, theo AP.

Các bác sĩ và quan chức chính phủ Ấn Độ tuyên bố rằng các khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất là các bang Maharashtra, Gujarat và Uttar Pradesh, khiến nhu cầu về bình ô-xy trong quá trình trị liệu tăng gấp đôi và đang cần hỗ trợ khẩn cấp.

Rishikhesh Patil, một nhà cung cấp ô-xy ở thành phố Nashik, miền tây Ấn Độ, nói với hãng tin Reuters rằng: “Các bệnh nhân lo lắng đã gọi điện cả đêm, và tôi cũng không biết khi nào họ có thể nhận được hàng”.

Quan chức Bộ Y tế Ấn Độ Rajesh Bhushan nói rằng ít nhất 6% trong số gần một triệu ca bệnh trong nước cần dùng ô-xy. Ông Bhushan cũng nói rằng nguồn cung hiện tại đã đủ và chính quyền địa phương nên giám sát việc sử dụng và cảnh báo tình trạng thiếu hụt.

“Nếu quản lý hàng tồn kho không được thực hiện tốt, vấn đề sẽ xảy ra ở các đơn vị trị liệu y tế. Chính quyền mỗi tỉnh đều phải làm được một cách thiết thực”, ông Bhushan nói.

Các quan chức chính phủ cho biết, tại các tỉnh phía bắc vốn là nơi đông dân nhất, tổng nhu cầu về bình ô-xy ở Lucknow, thủ phủ của bang Uttar Prades, lên tới 5.000 bình, trong khi lượng nhu cầu lúc bình thường chỉ có 1.000 bình.

Trong trường hợp các bệnh viện lớn cần ô-xy gấp để điều trị cho những bệnh nhân nguy kịch, các xe chở bình ô-xy có thể kích hoạt báo động để đưa bình ô-xy đến bệnh viện càng sớm càng tốt.

Ravindra Khade Patil, một bác sĩ quản lý hai bệnh viện ở ngoại ô Mumbai, nói về áp lực đảm bảo cung cấp ô-xy cho bệnh nhân trong bệnh viện.

 Bác sĩ Battier nói rằng hai ngày trước, nhà cung cấp ô-xy của bệnh viện không xuất hiện như thường lệ, ông đã cố gắng gọi cho nhà cung cấp, các bệnh viện gần đó và các Nghị viên Quốc hội. Bác sĩ Battier hiểu rằng nếu bình ô-xy không được chuyển đến bệnh viện ngay lập tức, bộ phận bệnh nhân nguy kịch có thể không cầm cự được.

Cuối cùng, dưới áp lực của một quan chức chính phủ, bình ô-xy cuối cùng đã được chuyển đến bệnh viện sau nửa đêm.

Bác sĩ Battier nói: “Chỉ cần đến muộn hơn vài giờ đồng hồ, chúng tôi có thể có 5 hoặc 6 bệnh nhân thiệt mạng. Mỗi ngày chúng tôi đều lo lắng về việc liệu các bình ô-xy có được cung cấp kịp thời hay không”.

Theo Chen Yanjun, CNA
Vũ Dương biên dịch

Indonesia: Không đeo khẩu trang thì đi đào huyệt!

Indonesia: Không đeo khẩu trang, bị phạt đào huyệt chôn người chết vì  COVID-19Chính quyền tỉnh Đông Java của Indonesia đã trừng phạt 8 người không tuân thủ quy định đeo khẩu trang bằng cách bắt đi đào huyệt để mai táng những người chết vì bệnh Covid-19.

Báo Jakarta Post dẫn lời một chức sắc tại địa phương, ông Suyono, cho biết ông phạt 8 người dân ở huyện Gresik, tỉnh Đông Java phải đi đào huyệt chôn những người đã chết vì Covid-19 sau khi họ không tuân thủ quy định đeo khẩu trang phòng bệnh.

Tờ báo dẫn lời ông Suyono: “”Hiện chỉ có ba phu đào huyệt làm việc ở đây, vậy nên tôi nghĩ mình có thể đưa những người này vào làm cùng họ. Hi vọng việc này sẽ có tác dụng răn đe trong việc vi phạm các quy định.”

Cũng theo ông Suyono với trang Tribunnews.com, chính quyền địa phương bảo đảm những người vi phạm không dự các lễ chôn cất.

Để hỗ trợ các phu đào huyệt, ông Suyono phân bổ hai người đào một huyệt. Một người được giao nhiệm vụ đào huyệt, người còn lại sẽ lót các tấm ván gỗ bên trong huyệt.

Cũng theo ông Suyono, số ca bệnh COVID-19 vẫn tiếp tục tăng tại khu vực Cerme nơi ông quản lý. Theo đó chính quyền sở tại đã phải siết chặt các biện pháp phòng dịch trong làng.

Theo luật của địa phương này, những người vi phạm các quy định chung của chính quyền sẽ phải nộp phạt hoặc lao động công ích.

Theo thống kê thời gian thực của trang Worldometers, tới 15h ngày 15.9.2020, Indonesia ghi nhận tổng cộng 221,523 ca nhiễm Covid -19, trong đó 8,841 người đã chết và 158,405 người đã hồi phục.

Bloomberg góp 100 triệu Mỹ kim để Biden vận động tại Florida

Đầu tuần này (14.9.2020) Tỷ phú Mike Bloomberg cho hay sẽ đóng góp ít nhất 100 triệu Mỹ kim cho chiến dịch vận động tranh cử tổng thống của ứng cử viên đảng Dân chủ Joe Biden tại Florida.

Trong số các tiểu bang “sinh tử” Florida cung ứng số phiếu đại cử tri đoàn lớn nhất cần thiết để giành chiến thắng. Tiểu bang Florida cung cấp 29 trong số 270 cử tri đại cử tri đoàn cần thiết để đắc cử, chỉ sau hai tiểu bang California (55) và Texas (38). Tuy nhiên trong khi California được xem là an toàn của đảng Dân chủ thì Texas là thành trì của đảng Cộng hòa (Texas), còn Florida lại là tiểu bang ngang ngửa, không hẳn đứng về đảng nào nên bên nào cũng muốn tung tiền ra để thuyết phục cử tri.

Hiện ông Biden đang dẫn đầu các cuộc thăm dò trên toàn quốc mặc dù khoảng cách cuộc đua ở Florida đã thu hẹp trong tuần qua,

Trong một dòng tweet, Donald Trump phản ứng bằng cách chỉ trích việc Bloomberg chạy đua thành ứng cử viên tổng thống của Đảng Dân chủ, cuộc đua ông được cho là đã chi 409 triệu Mỹ kim:

“Tôi tưởng Mini Mike đã chấm dứt với chính trị của Đảng Dân chủ”, ông viết về cựu thị trưởng thành phố New York.”

Đầu tuần này, khi được các nhà báo hỏi liệu ông có đang cân nhắc việc bỏ tiền túi ra để vận động tranh cử ở Florida hay không, ông Trump nói “Nếu phải làm như vậy, tôi sẽ làm. Làm bất kể điều gì, chúng tôi phải giành chiến thắng.”

Ông Trump ban đầu có lợi thế đáng kể về mặt tài chánh so với đối thủ nhưng việc gây quỹ thành công của ông Biden đã thu hẹp khoảng cách.

Ông Bloomberg đã tuyên bố ủng hộ ông Biden sau khi không giành được đề cử của đảng Dân chủ và phát biểu trong khung giờ vàng tại đại hội đảng Dân chủ vào tháng 8.

Related posts