Bố trí hơn 200,000 quân nhưng Trung Quốc vẫn run tay!

Bố trí hơn 200.000 quân ở biên giới, vì sao Trung Quốc không dám chơi tất tay với Ấn Độ? - Ảnh 1.
Binh lính Trung Quốc

Phúc trình của Trung tâm Khoa học và Quốc tế vụ Belfer (The Belfer Center for Science and International Affairs) thuộc phân khoa quản trị công quyền Kennedy của Đại học Havard cho thấy rằng các lực lượng Ấn Độ đóng quân ở dãy Himalaya hoàn toàn có khả năng đánh bại Quân đội Trung Quốc (PLA).

Nếu so sánh về quân số thì ít nhất cho đến từ tháng Ba năm nay Trung Quốc đã khai triển khoảng từ 200,000 đến 230,000 binh sĩ, phiên chế trong bộ huy Quân khu miền Tây hay các đơn vị quân sự khác tại vùng Tây Tạng cũng như Tân Cương. Lực lượng này tương đương với các lực lượng bộ binh của Ấn Độ trong khu vực.

Tuy nhiên, một phần đáng kể lực lượng của Trung Quốc sẽ không thể được sử dụng bởi họ còn đảm trách cả nhiệm vụ đối phó với Nga hoặc để chống lại cuộc nổi dậy ở Tân Cương và Tây Tạng.

Phần lớn các lực lượng PLA cũng được bố trí ở những vị trí xa biên giới hơn so với Ấn Độ, trong khi Quân đội Ấn Độ được bố trí với một nhiệm vụ duy nhất là đối phó với Trung Quốc.

Lục quân Ấn Độ được chia thành các lực lượng tấn công theo thế trận đối diện với Trung Quốc, gồm Bộ Tư lệnh miền Bắc, Bộ Tư lệnh miền Trung và Bộ Tư lệnh miền Đông.

Binh lính Ấn Độ

 Lực lượng Không quân cũng được tổ chức thành các Bộ Tư lệnh Không quân Miền Tây, Bộ Tư lệnh miền Trung và Bộ Tư lệnh miền Đông.

Tổng số lực lượng thường trực mà Lục quân Ấn Độ khai triển gần các khu vực biên giới với Trung Quốc vào khoảng 225,000 người.

Con số này gồm cả khoảng 3,000 binh lính trực thuộc Lữ đoàn xe tăng T-72 đóng tại Ladakh và hơn 1,000 quân nhân thuộc Trung đoàn hỏa tiễn tuần thám BrahMos ở Arunachal Pradesh.

Khi đề cập tới thế trận phòng thủ chiến lược, báo cáo của Trung tâm Belfer cho thấy số máy bay chiến đấu của Không quân Trung Quốc (PLAAF) khai triển gần biên giới cũng mất cân đối so với Không quân Ấn Độ (IAF).

Chiến khu miền Tây PLA đảm trách việc kiểm soát toàn bộ các máy bay chiến đấu tại đây với tổng số gồm khoảng 157 chiếc cùng một kho máy bay không người lái thuộc nhiều chủng loại.

Trong khi đó, Không quân Ấn Độ ước tính có khoảng 270 máy bay tiêm kích và 68 máy bay tấn công mặt đất khai triển tại 3 bộ chỉ huy đối diện với Trung Quốc.

IAF cũng đang mở rộng mạng lưới các Phi trường Dã chiến Tiên tiến (ALG), gồm nhiều căn cứ không quân cỡ nhỏ ở các vị trí tiền phương đóng vai trò làm bãi đáp và trung tâm hậu cần cho các nhiệm vụ không kích.

Nếu so sánh về tiềm lực không quân thì máy bay chiến đấu J-10 của Trung Quốc, xét về tính năng kỹ thuật có thể tương đương với Mirage-2000 của Ấn Độ, trong khi Su-30MKI của Ấn Độ lại vượt trội hơn tất cả các máy bay chiến đấu của Trung Quốc, kể cả các mẫu J-11 và Su-27.

Trung Quốc có khoảng 101 máy bay chiến đấu thế hệ 4 trong khu vực nhưng một phần phải giữ lại để làm nhiệm vụ phòng thủ với Nga, còn tất cả 122 máy bay tương ứng của Ấn Độ chỉ để đối phó với Trung Quốc.

Để giải quyết tình trạng thiếu hụt lực lượng trong trường hợp xảy ra chiến tranh, Trung Quốc có thể tăng cường sức mạnh từ nội địa ra biên giới.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, với ưu thế của mình IAF có thể cắt đứt các tuyến đường hậu cần quan trọng, chẳng hạn như căn cứ không quân và các tuyến đường bộ và đường sắt của Trung Quốc bằng đánh bom hoặc sử dụng hỏa tiễn tấn công từ ngoài ô phòng không của PLA.

Việt Luận

Related posts