Thập niên 1960 – 1970, các ca khúc Pháp, Mỹ, Ý… ồ ạt du nhập vào VN, trong đó nhạc Mỹ, Pháp rất được giới trẻ Sài Gòn ưa thích. Những bài hát này có giai điệu hiện đại, nội dung gần gũi được liên tục phát trên đài phát thanh, truyền hình, đã ảnh hưởng đến cách nghe nhạc của giới trẻ Sài Gòn.
Các ca khúc The house of the rising sun, Reviens la nuit, Tous les garçons et les filles, Capri c’est fini, Bang Bang, Besame mucho, Only you, My prayer, Be bop be lu la, Love story, Yesterday, Michelle… được nghe nhiều nhất thời ấy. Các ca sĩ, nhóm nhạc thập niên 1960 – 1970 của Mỹ như The Platters, Paul Anka, Elvis Presley; của Pháp như Johnny Halliday, Sylvie Vartan, Françoise Hardy, Christophe, Dalida; của Anh như Cliff Richard, The Shadows, The Beatles, The Rolling Stones…. được giới trẻ Sài Gòn thần tượng, say mê.
Nhạc sĩ Vũ Xuân Hùng (người chuyển ngữ gần 100 ca khúc ngoại sang tiếng Việt) được coi là một trong những “thủ lĩnh” của phong trào chuyển ngữ nhạc ngoại tại Sài Gòn thập niên 1960 – 1970. Ông biết các thứ tiếng Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Ý, hiện sống ở TP.HCM và là biên tập – đạo diễn cho phòng trà Tiếng Xưa. Nhắc tới thời kỳ sôi động của nhạc ngoại ở Sài Gòn, nhạc sĩ cho biết đây cũng là thời điểm hàng loạt ca sĩ, ban nhạc VN mang tên Tây ra đời như: The Enterprise, C.B.C, The Dreamers, The Uptight, The Blue Jets, The Strawberry Four (ban nhạc Việt đầu tiên và duy nhất được lên đài truyền hình Mỹ thời điểm đó), The Apple’s Three, Peanuts Company, Vampires… Các ca sĩ nổi tiếng cũng lấy nghệ danh vừa Việt, vừa Mỹ như: Elvis Phương, Prosper Thắng, Julie Quang, Carol Kim, Pauline Ngọc, Cathy Huệ… Họ thường biểu diễn các ca khúc nước ngoài và nhạc Việt ở các quán bar, sân khấu, có thu nhập rất cao.
Lo ngại giới trẻ sẽ chạy theo phong trào nhạc ngoại quá mức, năm 1972 nhạc sĩ Vũ Xuân Hùng, nhạc sĩ Trường Kỳ, nhà văn Mai Thảo đã chủ động mời gọi các nhạc sĩ bạn bè cùng thời để thảo luận vấn đề Việt hóa nhạc trẻ tại tòa soạn tập san Kịch Ảnh. “Chúng tôi còn mời các ca sĩ nổi tiếng như Elvis Phương, Tuấn Ngọc, Đức Huy, Tùng Giang, Thanh Lan, Pauline Ngọc, Kim Anh, Thúy Hà, Anh Tú… đến dự. Chúng tôi nói với họ rằng tại sao chúng ta phải hát lời Mỹ, Tây mà không hát lời Việt được soạn cho ca khúc ngoại? Chúng ta cũng nên lấy tên VN làm nghệ danh cho mình hay ban nhạc…”, nhạc sĩ Vũ Xuân Hùng kể.
Sau buổi làm việc ấy, ban nhạc Phượng Hoàng ra đời, chỉ trình diễn những bản nhạc Việt do chính họ sáng tác. Một số nhóm nhạc lấy tên ngoại như The Cats Trio, The Apple three, The Golden Bells, The Blue Stars… cũng chuyển tên của mình sang tiếng Việt, lần lượt là Ba Con Mèo, Ba Trái Táo, Ba Quả Chuông, Sao Xanh…
Các ca khúc nước ngoài được nhạc sĩ VN soạn lời Việt được trình diễn rầm rộ khắp nơi và được giới trẻ nhiệt tình hưởng ứng: nhạc sĩ Vũ Xuân Hùng có Búp bê không tình yêu (Poupée De Cire, Poupée De Son), Chuyện phim buồn (Sad Movies), Xin em gõ 3 tiếng (Knock Three Times), Ngày xưa yêu dấu (Yesterday Once More), Nếu không có em bên đời (Et Si Tu N’existais Pas), Dòng sông tuổi nhỏ (La Maritza), Nói sao cho em hiểu (How can I tell her)… Nhạc sĩ Phạm Duy có Khi xưa ta bé (Bang Bang), Em đẹp nhất đêm nay (La Plus Belle Pour Aller Danser), Những nụ tình xanh (Tous Les Garcons Et Toutes Les Filles), Ôi! Giàn thiên lý đã xa (Chèvrefeuille Que Tu Es Loin), Tình yêu mùa đông (J’aime Bien L’Hiver), Chàng (Lui), Nàng (Elle Etait Belle); nhạc sĩ Nguyễn Duy Biên có Thôi ta xa nhau (Adieu, sois heureuse)… Các ca sĩ hát nhạc ngoại lời Việt được yêu thích nhất thời đó có thể kể đến Thanh Lan, Duy Quang, Chánh Tín, Jo Marcel…
Khi được hỏi về chuyện bản quyền ca khúc chuyển ngữ trong giai đoạn bùng nổ tại Sài Gòn trước 1975, nhạc sĩ Vũ Xuân Hùng cho biết: “Hồi ấy tôi không phải xin phép tác giả bài hát hay trả tiền bản quyền, vì lúc đó VN chưa áp dụng Công ước Berne về bản quyền. Khi xin phép ra băng đĩa hay tờ nhạc gấp có nhạc chuyển ngữ thì phải qua cơ quan chức năng duyệt. Sau khi nghe qua, xem qua bài hát không có vấn đề gì thì họ sẽ duyệt cho mình mang đi in và phát hành”.
NGUỒN: Dạ Ly – 18/04/2017 5 THANH NIÊN