Bắc Kinh vô tình tiết lộ số người bị bắt giam trong các trại cải tạo ở Tân Cương

Hương Thảo

Ảnh chụp màn hình Youtube/War on Fear战斗恐惧

ĐCSTQ gián tiếp thừa nhận bắt giam 8 triệu người trong trại cải tạo ở Tân Cương.

Một tài liệu được Bắc Kinh công bố đã gián tiếp phơi bày quy mô các trại tập trung ở Tân Cương, khi các quan chức cho biết có tới 8 triệu người đã trải qua các “khóa đào tạo” tại các “trại cải tạo” của nhà nước tại tỉnh tự trị phía Tây Bắc Trung Quốc này, theo tờ The Sun hôm 18/9.

Từ lâu, Trung Quốc đã bị cáo buộc sử dụng các trại tra tấn địa ngục để trấn áp những người bất đồng chính kiến ​​và đàn áp người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở tỉnh Tân Cương.

Có tới 8 triệu người đã từng sống trong các trại huấn luyện ‘ở Tân Cương’, theo một tài liệu được công bố bởi Bắc Kinh (ảnh chụp màn hình The Sun dẫn từ AFP).
Quy mô các trại cải tạo của ĐCSTQ lần đầu tiên được tiết lộ (ảnh chụp màn hình The Sun dẫn từ AFP).
Người Duy Ngô Nhĩ bị giam giữ tại trụ sở khu vực nhập cư gần biên giới Thái Lan-Malaysia ở Hat Yai (ảnh: The Sun).

Năm 2018, một phụ nữ may mắn đào thoát, cô Mihrigul Tursun, 29 tuổi, nói với các chính trị gia Hoa Kỳ rằng cô đã bị họ tra tấn bằng cách sốc điện. 

“Tôi đã nghĩ tôi thà chết đi còn hơn phải trải qua cuộc tra tấn này. Tôi đã cầu xin họ giết tôi”, cô nói.

Một nạn nhân khác, anh Kayrat Samarkand đã kể lại việc các lính canh đã bắt anh mặc bộ đồ làm bằng sắt lên người. 

Anh nói với hãng tin NPR: “Họ bắt tôi mặc thứ mà họ gọi là ‘quần áo sắt’- một bộ đồ làm bằng kim loại nặng hơn 23kg.

“Bộ đồ này ép tay và chân của tôi ra thành một tư thế dang rộng. Tôi không thể cử động chút nào và lưng của tôi thì đau khủng khiếp”.

Simon Cheng, nhân viên lãnh sự quán Anh tại Hồng Kông nói rằng anh ta đã bị bắt cóc và tra tấn trong một trại như vậy. Anh nói rằng anh đã bị “bịt mắt, còng tay và cùm chân”, bị treo lên bằng cổ tay, bị buộc phải quỳ hoặc ngồi xổm trong những tư thế căng cứng, không được ngủ và bị đánh đập.

Nhưng các nhà lãnh đạo Trung Quốc bác bỏ các cáo buộc, nói rằng các trại giam chỉ đơn giản là các “trung tâm dạy nghề”.

Đoạn phim ghi hình cảnh sát Trung Quốc đưa các tù nhân bị bịt mắt, cùm chân đến các “trại tra tấn” (ảnh chụp màn hình Youtube/War on Fear战斗恐惧).

Một báo cáo của chính phủ Trung Quốc có ghi: 

“Thông qua các chính sách chủ động về lao động và việc làm, Tân Cương đã không ngừng cải thiện đời sống vật chất và văn hóa cho người dân, đồng thời đảm bảo và phát triển quyền con người trong mọi lĩnh vực”.

Các số liệu trong báo cáo đã tiết lộ quy mô của chương trình “dạy nghề”.

Hơn một triệu công nhân – trong đó có 415.000 người từ miền nam Tân Cương – đã từng bị bắt vào trại hàng năm trong giai đoạn 2014 – 2019.

Con số này không chỉ rõ liệu có nhiều người bị bắt vào trại nhiều hơn một lần hay không. Nhưng tổng cộng, gần 8 triệu người trong tổng dân số khoảng 25 triệu người dân Tân Cương có thể đã phải trải qua chương trình này, số liệu mới cho thấy.

Và các nhà vận động nhân quyền nói rằng người dân ở Tân Cương đã phải chịu sự giám sát, hạn chế về tín ngưỡng tôn giáo và văn hóa, bị cưỡng bức triệt sản đối với phụ nữ – những hành vi cấu thành nên chính sách “diệt chủng văn hóa”.

Trong tuần, một nghị sĩ Anh đã ví các trung tâm này như trại tập trung. 

Nghị sĩ Đảng Bảo thủ Anh Tom Tugendhat nói với tờ Telegraph: “Việc giam giữ hàng loạt người Duy Ngô Nhĩ và các nhóm sắc tộc khác ở Tân Cương gợi lại những ký ức kinh hoàng mà chúng ta đã chứng kiến ​​vào thời kỳ những năm 1930 [ở Đức Quốc xã]”.

“Đã có những hành động tàn bạo tương tự kể từ đó, và mỗi lần như vậy thế giới đều hứa sẽ không bao giờ cho phép những hành động như vậy tái diễn.

“Tuy nhiên, giờ đây chúng ta đã có bằng chứng rõ ràng và không thể phủ nhận về cuộc đàn áp hàng triệu người trong cái gọi là trại cải tạo, với những báo cáo đáng tin cậy về lạm dụng thể chất, cưỡng bức triệt sản, điều kiện sống bẩn thỉu và chương trình tẩy não do nhà nước chỉ đạo”.

Bắc Kinh phủ nhận các tuyên bố vi phạm nhân quyền – và nói rằng các chính sách dạy nghề này là cần thiết để trấn áp khủng bố và giúp đỡ những người nghèo.

Tuy nhiên, các nhà báo và các nhóm nhân quyền bị hạn chế tiếp cận các khu vực trại cải tạo.Chính phủ Mỹ đã có một loạt các biện pháp đối với vấn đề Tân Cương, bao gồm chế tài các quan chức đàn áp quyền tự do tín ngưỡng đối với nhóm dân tộc thiểu số theo sắc tộc Turk, cấm nhập bông và các sản phẩm sử dụng lao động cưỡng bức, cũng như trừng phạt một tập đoàn quân sự có dính líu đến vi phạm nhân quyền tại khu vực.

Related posts