Tin thế giới sáng thứ Tư

Nông dân Tây Tạng bị yêu cầu giao lại tài sản trước khi trở thành công nhân bất đắc dĩ

Viện nghiên cứu Hoa Kỳ (USRT) cho biết chính quyền Trung Quốc đang buộc những người chăn nuôi và nông dân Tây Tạng tham gia các chương trình lao động cưỡng bức tương tự như những gì được áp dụng ở khu vực Tân Cương.

Báo cáo hôm thứ Ba (22/9) của USRT nhận định: các động thái này của chính quyền Trung Quốc có nguy cơ làm “mất di sản văn hóa” ở khu vực nhạy cảm về chính trị.

Trong khi đó, giới chức Tây Tạng quảng cáo rằng kế hoạch đưa công nhân nông thôn vào làm việc trong các nhà máy chính là một phương thức để xóa đói giảm nghèo.

Báo cáo của USRT cho biết hơn 500.000 lao động nông thôn, chủ yếu là người chăn nuôi và các nông dân vốn trước này sinh sống theo cách tự cung tự cấp, đã được đào tạo trong bảy tháng đầu năm 2020. Mỗi huyện trong khu vực Tây Tạng đều được giao chi tiêu “công nhân hóa nông dân”.

Các chương trình đào tạo nhằm mục đích tăng cường “kỷ luật làm việc, tiếng phổ thông Trung Quốc và đạo đức trong công việc”, theo một kế hoạch hành động khởi xướng vào năm 2019 của chính phủ Trung Quốc.

Những nông dân trước khi đi học nghề để trở thành “công nhân” được yêu cầu giao lại gia súc và đất đai của họ cho hợp tác xã.

Gần 50.000 nông dân đã bị chuyển đến các khu vực khác của Tây Tạng để học nghề, và hơn 3.000 người được đưa đến các khu vực khác của Trung Quốc, báo cáo cho biết.

“Trong bối cảnh Bắc Kinh thúc đẩy mạnh chính sách đồng hóa dân tộc thiểu số, có khả năng gây ra sự mất mát lâu dài của các di sản ngôn ngữ, văn hóa và tinh thần”, Adrian Zenz tác giả của báo cáo, và cũng là nhà nghiên cứu tại Tổ chức Nạn nhân có trụ sở tại Mỹ, viết.

Miltary Review: Hoa Kỳ nên thiết lập căn cứ quân sự tại Đài Loan

Một cuộc tập trận của quân đội Đài Loan (ảnh: Từ video của CNA)

Một bài viết trên tạp chí Miltary Review, trực thuộc Quân đội Hoa Kỳ, đã đưa ra đề xuất rằng Mỹ nên thiết lập một căn cứ quân sự ở Đài Loan.

Trong ấn bản tháng 9-10 của Miltary Review, tác giả Walker D. Mills thuộc lực lượng Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ đề nghị rằng Hoa Kỳ nên xem xét việc bố trí các đơn vị quân đội ở Đài Loan để ngăn chặn cuộc tấn công của quân đội Trung Quốc vào quốc đảo này.

Ông Walker cho rằng điều này là cần thiết để làm rõ lập trường của chính phủ Mỹ và cũng là để tránh các sai lầm với Trung Quốc.

Đại úy Walker nói rằng Bắc Kinh rất khó đoán định và Hoa Kỳ đã từng sai lầm trong Chiến tranh Triều Tiên khi dự đoán quân đội Trung Quốc sẽ không trực tiếp tham dự.

Tác giả của bài viết trên Miltary Review lập luận rằng vì Mỹ-Đài cắt đứt quan hệ chính thức từ năm 1979 nên mối liên kết giữa hai bên ở thời điểm hiện tại không rõ ràng, do vậy cam kết bảo vệ hòn đảo của Hoa Kỳ đã bị hạ thấp. Điều này sẽ tạo điều kiện cho quân đội Trung Quốc mở một cuộc tấn công Đài Loan.

Vì thế ông Walker đề nghị: Mỹ nên thiết lập lại các căn cứ quân sự ở Đài Loan để chấm dứt tình trạng mơ hồ và đặt ra ranh giới đỏ rõ ràng cho chính quyền Trung Quốc.

Ông Walker nhận định, nếu quân đội Hoa Kỳ đồn trú tại Đài Loan, Bắc Kinh sẽ phải suy nghĩ kỹ về việc tấn công hòn đảo, vì nếu chính quyền Trung Quốc liều lĩnh có thể sẽ khiến họ vướng vào một cuộc chiến kéo dài.

Đại úy Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ đưa thêm đánh giá rằng, việc có sự hiện diện của quân đội Mỹ tại quốc đảo cũng cho thấy một điều rõ ràng: Hoa Kỳ “sẽ bảo vệ Đài Loan theo những điều kiện cụ thể nhất”.

Mỹ đang nỗ lực kéo Bangladesh ra khỏi vùng ảnh hưởng của Bắc Kinh

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo và người đồng cấp Bangladeshi Abdul Momen (ảnh: Từ video của U.S. Department of State)

Trong những tuần gần đây Hoa Kỳ đang nỗ lực thuyết phục Bangladesh mua thêm khí tài quân sự của mình nhằm không để quốc gia Nam Á này rơi vào vòng ảnh hưởng của Bắc Kinh.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper hồi đầu tháng đã gọi điện cho Thủ tướng Bangladesh Sheikh Hasina đề xuất rằng Hoa Kỳ sẽ giúp quân đội nước này đạt được tiêu chuẩn hiện đại hóa vào năm 2030.

Vào năm ngoái, Bangladesh đã có các cuộc đàm phán với Hoa Kỳ để hỏi mua các loại vũ khí quân sự tiên tiến như trực thăng Apache và tên lửa.

“Chúng tôi đang tìm cách làm sâu sắc hơn mối quan hệ hợp tác an ninh với Bangladesh, hai bên cùng có lợi, với sự tôn trọng đầy đủ đối với chủ quyền và sự độc lập trong hành động của Bangladesh”, bà Laura Stone, quan chức Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, viết trong một email trả lời các câu hỏi của Nikkei. “Chúng tôi sẵn sàng trở thành đối tác được lựa chọn của Bangladesh trong việc cung cấp các mặt hàng quốc phòng”.

Bangladesh đã mua của Mỹ nhiều vũ khí hơn kể từ những năm 1990. Trong khoảng thời gian từ năm 2009 tới 2019 nước này đã chi 110 triệu USD để mua vũ khí Hoa Kỳ. Tuy nhiên con số này vẫn thấp hơn nhiều so với 2,59 tỷ USD tiền vũ khí mà nước này mua của Trung Quốc kể từ năm 2010, theo báo cáo của Viện nghiên cứu hòa bình Stockholm.

Giáo sư chuyên ngành khoa học chính tri tại Đại học Bang Illinois, Ali Riaz, nói rằng việc Bộ trưởng Esper gọi điện cho Thủ tướng Bangladesh vào một thời điểm “rất quan trọng” vì mối quan hệ giữa Dhaka và Bắc Kinh đang ấm lên.

Bắc Kinh đang lấy lòng Bangladesh bằng nhiều cách, nhất là trong đại dịch Covid, chính quyền Trung Quốc đã gửi đồ bảo hộ và cử chuyên gia tới trợ giúp quốc gia Nam Á chống dịch.

Lực lượng cầm quyền ở Trung Quốc gần đây cũng đã dỡ bỏ thuế quan đối với 97% hàng hóa nhập khẩu của Bangladesh sau khi hưa hẹn xây dựng nhà ga sân bay trị giá 250 triệu USD cho nước này ở thành phố Sylhet, giáp với Ấn Độ.

Ngoại giao quốc phòng là một phần trong chiến lược xây dựng một Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do cởi mở. Vào tháng 6/2019, Bộ Quốc phòng Mỹ đã công bố báo cáo đầu tiên về chiến lược này, trong đó công nhận Bangladesh là “đối tác mới nổi”, cùng với những quốc gia ở Nam Á khác như Sri Lanka, Nepal và Maldives.

“Tầm nhìn Ấn Độ – Thái Bình Dương của chúng tôi bắt nguồn từ thực tế rằng Hoa Kỳ, giống như Bangladesh, là một quốc gia Ấn Độ – Thái Bình Dương”, Bà Stone nói với Nikkei. “An ninh hàng hải và khu vực Nam Á đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do, cởi mở, hòa bình và thịnh vượng vì lợi ích của tất cả các quốc gia, đó là lý do tại sao chúng tôi ưu tiên các nỗ lực thúc đẩy an ninh”.

Mỹ và Bangladesh đã hợp tác về an ninh trong nhiều lĩnh vực, từ chống khủng bố đến gìn giữ hòa bình, theo một kế hoạch được thực hiện từ năm 2005. Washington cũng đã hỗ trợ thêm 60 triệu USD để giúp Bangladesh bảo vệ an ninh hàng hải và giải quyết các vấn đề khác.

Theo Nikkei

Nga điều hàng nghìn binh sĩ đến biên giới Trung Quốc

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã bắt đầu tăng cường hiện diện quân sự ở khu vực Viễn Đông dọc biên giới với Trung Quốc trong bối cảnh các mối đe dọa quốc tế tăng cao, Eurasian Times ngày 22/9 đưa tin.

Theo Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu, quyết định gửi quân tiếp viện của Moscow được đưa ra sau khi căng thẳng gia tăng ở “hướng chiến lược phía đông”, khu vực gồm vùng biên giới phía đông của Nga với Trung Quốc.

Ông Shoigu không tiết lộ chi tiết về những mối đe dọa mới hay địa điểm chính xác mà quân đội Nga được triển khai bổ sung. Ông cam kết điều động 500 đơn vị thiết bị mới và hiện đại đến khu vực cũng như cải tiến Hạm đội phương Bắc của hải quân.

Bộ Quốc phòng Đài Loan khẳng định có đủ tên lửa để tự vệ

Bộ Quốc phòng Đài Loan hôm 21/9 khẳng định có đủ tên lửa chính xác tầm xa để tự vệ trước một cuộc tấn công có thể khởi phát từ Trung Quốc, qua đó bác bỏ báo cáo trước đó rằng cuộc tập trận gần đây cho thấy nguồn cung tên lửa của Đài Loan là không đủ.

Trong một tuyên bố được Focus Taiwan trích dẫn, Bộ Quốc phòng Đài Loan cho biết: “Quân đội thường xuyên bổ sung các tên lửa chính xác của mình phù hợp với các kế hoạch tái cơ cấu quân đội”.

Tuyên bố nhấn mạnh: “Kho dự trữ tên lửa chính xác của quân đội là đủ cho nhu cầu phòng thủ ở giai đoạn hiện tại.”

Trước đó, các phương tiện truyền thông Đài Loan như Taiwan News, CNA dẫn các nguồn tin quân sự cho biết, kết quả của cuộc tập trận máy tính Hán Quang 36 kết thúc ngày 18/9 cho thấy số lượng tồn kho tên lửa của Đài Loan không đủ để chống lại một cuộc tấn công tập trung của Trung Quốc nếu kịch bản này xảy ra.

Tổng thống Đài Loan khen phi công chặn máy bay Trung Quốc

FILE PHOTO: Taiwan President Tsai Ing-wen attends an inauguration ceremony of a maintenance centre for F-16 fighter jets, in Taichung, Taiwan August 28, 2020. REUTERS/Ann Wang

Tổng thống Đài Loan Thái Văn Anh nay ca ngợi “màn trình diễn anh dũng” của các phi công không quân khi đã đánh chặn các máy bay phản lực của Trung Quốc áp sát hòn đảo, Reuters đưa tin.

Bà Thái phát biểu trong chuyến thăm căn cứ của lực lượng phòng vệ trên không ở Bành Hồ: “Tôi tin tưởng mọi người. Là những người lính của Trung Hoa Dân Quốc, làm sao chúng ta có thể để kẻ thù xung quanh rình rập trong không phận của chúng ta?”.

Bà nhấn mạnh: “Tôi biết rằng khi đối mặt với hành vi khiêu khích của tiêm kích Trung Quốc trong việc bao vây hòn đảo và làm tổn hại hòa bình khu vực trong những ngày gần đây, nhiệm vụ của mọi người ở tuyến đầu trên không phận ở Bành Hồ càng nặng nề hơn”.

Căn cứ ở Bành Hồ, nơi đồn trú của các tiêm kích phòng vệ nội địa, được đưa vào hoạt động lần đầu năm 1997 và là tuyến đầu trong phản ứng của Đài Loan trước quân đội Trung Quốc đại lục. Một sĩ quan chỉ huy phi đội ở Bành Hồ cho biết, họ chỉ có 5 phút để triển khai chiến đấu cơ ngăn chặn sau khi phát hiện máy bay Trung Quốc đến gần hòn đảo.

Carrie Lam nói không thể yêu cầu bảo vệ cho 12 người bị Trung Quốc bắt giữ

Reuters cho biết, 12 nhà hoạt động dân chủ này đã bị bắt vào ngày 23/8 vì xâm nhập trái phép vùng biển Trung Quốc sau khi khởi hành từ Hồng Kông trên một chiếc thuyền đi đến Đài Loan tị nạn, trong bối cảnh Bắc Kinh tăng cường đàn áp trung tâm tài chính của châu Á. 12 người này đang bị giam tại Thâm Quyến, thành phố giáp ranh Hồng Kông.

Trong cuộc họp báo hôm nay, trưởng đặc khu Hồng Kông Carrie Lam (Lâm Trịnh Nguyệt Nga) được hỏi về việc liệu bà có thể đảm bảo 12 người sẽ được hỗ trợ các biện pháp bảo vệ nhân quyền như quyền giả định vô tội, xét xử công bằng và đại diện hợp pháp hay không.

Bà đáp: “Chúng tôi không có cơ sở pháp lý để làm những việc mà mọi người muốn chúng tôi làm”.

Trưởng đặc khu cũng cho biết, 12 người Hồng Kông này phải đối mặt với việc xét xử ở đại lục.

Hôm 16/9, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo bày tỏ lo ngại việc chính quyền Trung Quốc bắt giữ 12 người Hồng Kông. “Chúng tôi chất vấn cam kết mà bà đặc khu trưởng Carrie Lam đã tuyên bố về việc bảo vệ quyền lợi của người dân Hồng Kông, và kêu gọi các nhà chức trách đảm bảo thủ tục tố tụng hợp pháp”, ông Pompeo cho biết.

Related posts