Hà Nội triệu tập họp bất thường bãi nhiệm ông Chung, bầu chủ tịch mới
HĐND TP. Hà Nội đã triệu tập kỳ họp bất thường vào ngày 25/9 tới, để bãi nhiệm chức Chủ tịch TP. Hà Nội đối với ông Nguyễn Đức Chung và bầu ông Chu Ngọc Anh – Phó Bí thư Thành ủy lên thay.
Trao đổi với báo Thanh Niên hôm 22/9, bà Phùng Thị Hồng Hà – Phó chủ tịch HĐND TP. Hà Nội cho biết, phiên họp bất thường tới sẽ bãi nhiệm ông Nguyễn Đức Chung, người đã bị Bộ Công an khởi tố, bắt tạm giam hôm 28/8 để phục vụ điều tra về một số vụ án liên quan; đồng thời, bầu ông Chu Ngọc Anh, người vừa được Bộ Chính trị điều động về giữ chức Phó bí thư Thành ủy Hà Nội hôm 18/9, làm Chủ tịch UBND TP thay cho ông Chung.
Ông Chu Ngọc Anh tuy đã được điều động về TP.Hà Nội, nhưng cũng vẫn giữ chức Bộ trưởng Bộ KH-CN. Phải đến kỳ họp Quốc hội tháng 10 tới, ông Chu Ngọc Anh mới được miễn nhiệm chức danh này.
Trước đó, vào hôm 11/9, Bộ Chính trị đã quyết định đình chỉ sinh hoạt Ban chấp hành Đảng bộ, Ban thường vụ Thành ủy Hà Nội và đình chỉ chức vụ phó bí thư Thành ủy Hà Nội với ông Nguyễn Đức Chung.
Cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký quyết định tạm đình chỉ công tác đối với ông Chung với thời hạn 90 ngày.
Đến ngày 28/8 ông Chung đã bị Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can và thực hiện lệnh bắt tạm giam (4 tháng). Ngày 3/9, thường trực HĐND TP Hà Nội đã có quyết định tạm đình chỉ việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn đại biểu HĐND TP Hà Nội khóa 15, nhiệm kỳ 2015-2021 với ông Chung để các cơ quan liên quan tiến hành quy trình tố tụng.
Cựu chủ tich Hà Nội xin tại ngoại điều trị ung thư
Luật sư Trương Trọng Nghĩa – Đoàn luật sư TP.HCM (bào chữa cho ông Nguyễn Đức Chung) xác nhận vào hôm 18/9, gia đình ông Chung đang làm thủ tục xin cho ông được áp dụng biện pháp cho tại ngoại để điều trị bệnh ung thư.
Theo luật sư Nghĩa, đối với nguyện vọng của ông Nguyễn Đức Chung và gia đình, các cơ quan tố tụng sẽ xem xét, quyết định cho tại ngoại hay không là căn cứ theo nhu cầu tố tụng.
Đồng thời, cơ quan tố tụng cũng sẽ cân nhắc đến vấn đề sức khỏe của ông Chung và khả năng điều trị bệnh ung thư mà bên trong trại tạm giam khó đáp ứng được các yêu cầu về thuốc và thiết bị hỗ trợ.
Khởi tố hàng loạt giám đốc ở Hà Nội gây thất thoát tài sản nhà nước
Liên quan đến vụ gây thất thoát 11,4 tỷ đồng của nhà nước, hàng loạt lãnh đạo Unimex Hà Nội, Artex Hà Nội và những đơn vị liên quan khác bị khởi tố.
Báo Pháp Luật đưa tin, ngày 22/9, cơ quan điều tra Bộ Công an(C03) cho biết đang điều tra vụ án: thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng và vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí xảy ra tại Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên xuất nhập khẩu và đầu tư Hà Nội (Công ty Unimex Hà Nội), trung tâm xuất nhập khẩu hàng tiêu dùng và thủ công mỹ nghệ Hà Nội (Trung tâm Artex Hà Nội) cùng một số đơn vị liên quan.
Căn cứ vào những tài liệu thu thập được, C03 đã ra quyết định khởi tố, lệnh khám xét đối với 5 bị can về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí theo Điều 219 Bộ luật Hình sự năm 2015, gồm:
Phạm Văn Thắng, nguyên Giám đốc Trung tâm Artex Hà Nội.
Trần Thị Lan Hương, nguyên Kế toán trưởng Trung tâm Artex Hà Nội.
Nguyễn Văn Quân, nguyên Trưởng phòng kinh doanh Trung tâm Artex Hà Nội.
Nguyễn Thị Ngọc Uyên, Giám đốc Công ty Cổ phần thương mại dịch vụ sản xuất An Ninh
Nguyễn Đắc Phước, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn thương mại Đắc Nguyên.
C03 cũng ra quyết định khởi tố, lệnh khám xét đối với 3 bị can về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng theo Điều 360 Bộ luật Hình sự 2015, gồm:
Trần Quốc Hùng, nguyên Tổng Giám đốc Công ty Unimex Hà Nội.
Đặng Thị Minh Chi, nguyên Phó Tổng Giám đốc Công ty Unimex Hà Nội.
Nguyễn Thị Phương Liên, nguyên Trưởng phòng Kế toán trưởng Công ty Unimex Hà Nội.
Theo báo Thanh Niên, trong số 8 bị can nêu trên, C03 đã bắt tạm giam Trần Thị Lan Hương, Nguyễn Văn Quân, Nguyễn Thị Ngọc Uyên, Nguyễn Đắc Phước và cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Trần Quốc Hùng, Đặng Thị Minh Chi, Nguyễn Thị Phương Liên, Phạm Văn Thắng.
Unimex Hà Nội được thành lập năm 1962, có 100% vốn nhà nước và trực thuộc Tổng công ty thương mại Hà Nội. Unimex Hà Nội khởi đầu từ một công ty thu mua hàng nông sản xuất khẩu, hiện hoạt động đa ngành và có kim ngạch xuất nhập khẩu hằng năm trên 50 triệu USD. Còn Artex Hà Nội là chi nhánh, hạch toán phụ thuộc Unimex Hà Nội.
Năm 2017, các cơ quan tố tụng TP. Hà Nội đã phát hiện nhiều sai phạm tại 2 đơn vị này gây thất thoát 11,4 tỷ đồng của nhà nước và đã khởi tố vụ án cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Đang làm việc, nhân viên sân bay Nội Bài bị sét đánh trúng tử vong
Đang làm thủ tục kiểm tra kỹ thuật máy bay, chuẩn bị cho chuyến bay Hà Nội – Vinh, nam nhân viên kỹ thuật của Vaeco bị sét đánh tử vong tại sân bay Nội Bài.
Báo Lao động dẫn thông tin từ đại diện Cảng vụ Hàng không miền Bắc, sự viêc xảy ra lúc 18h05′ hôm 22/9 khi Hà Nội đang có mưa giông.
Nhân viên tên là N.V.B. (40 tuổi), là thợ máy của Công ty TNHH Kỹ thuật máy bay Vaeco đang kiểm tra kỹ thuật đối với chuyến bay VN7715 chuẩn bị khởi hành đi Vinh (Nghệ An) thì trời mưa giông to kèm theo sấm sét, bất ngờ anh N.V.B. bị sét đánh trúng. Ngay sau đó anh N.V.B. đã được đưa đi cấp cứu nhưng không qua khỏi.
Ông Trần Hoài Phương – Giám đốc Cảng vụ Hàng không miền Bắc nói trên Dân Việt: “Đây không phải lần đầu tiên sét đánh tại khu vực sân bay, tuy nhiên, sự việc hi hữu sét đánh trúng nhân viên đang làm việc trong sân bay dẫn tới tử vong là lần đầu”.
Đăng bản đồ Việt Nam sai chủ quyền, 1 người TQ bị phạt 12,5 triệu
Một công dân người Trung Quốc làm việc tại TP. Hải Phòng bị xử phạt 12,5 triệu đồng vì đăng tải hình ảnh bản đồ Việt Nam thể hiện sai chủ quyền lên mạng xã hội.
Báo Zing thông tin, ngày 22/9 giới hữu trách TP. Hải Phong đã xử phạt vi phạm hành chính mức tiền 12,5 triệu đồng đối với ông C.B.G (sinh năm 1982, quốc tịch trung Quốc, hiện đang tạm trú và làm việc tại Hải Phòng).
Người đàn ông này bị xử phạt do có hành vi đăng bản đồ Việt Nam thể hiện sai chủ quyền quốc gia trên tài khoản Facebook (Richard Chen).
Dừng sử dụng cột dự ứng lực sau khi 400 cột điện gãy
Bão số 5 quét Thừa Thiên Huế khiến 408 cột điện tỉnh này bị gãy đổ, ảnh hưởng hơn 280.000 khách hàng.
Điều khiến dư luận băn khoăn là bão không lớn nhưng lại có rất nhiều cột điện bị gãy, đổ? Số cột điện bị hư hỏng cũng được cho là nhiều chưa từng thấy sau một trận mưa bão tại tỉnh Thừa Thiên-Huế trong vòng 10 năm lại đây.
Hôm 22/9, báo Lao động dẫn lời ông Nguyễn Đại Phúc – Phó Giám đốc Công ty Điện lực Thừa Thiên Huế cho biết về cột ly tâm dự ứng lực sử dụng trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, là công trình điện chịu được gió trên cấp 12, thiết kế sử dụng cột ly tâm theo TCVN 5487:2016, được Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng thẩm định và Bộ KHCN công bố.
Ông Phúc cho hay, cột khi đưa vào sử dụng cho công trình đều tuân thủ các quy định hiện hành. Cột xuất xưởng tại nơi sản xuất được thử nghiệm chặt chẽ với 2 nội dung: thử nghiệm chịu lực và thử nghiệm phá hủy.
Tuy nhiên, theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, bão số 5 sau khi đi vào đất liền các tỉnh từ Quảng Bình đến Thừa Thiên Huế có sức gió mạnh nhất cấp 8-9 (tức 60-90km/giờ), giật cấp 11 sau đó suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.
Chiều 22/9, VOV, Tiền Phong đưa tin Tập đoàn Điện lực Việt Nam vừa chỉ đạo tạm dừng sử dụng loại cột bê tông dự ứng lực để nghiên cứu đánh giá lại chất lượng của cột điện này. Tổng Công ty Điện lực miền Trung cũng đang khẩn trương rà soát, báo cáo Bộ Công thương về tình hình này.
Việt Nam xuất khẩu lô gạo thơm đầu tiên sang EU theo EVFTA
Báo Lao động thông tin, lô hàng gạo thơm đầu tiên 0% thuế đã trên đường xuất khẩu sang Liên minh Châu Âu (EU) theo Hiệp định Mậu Dịch Tự Do Việt Nam – EU (EVFTA).
Tin cho biết Tập đoàn Lộc Trời, tỉnh An Giang, đã chuẩn bị 126 tấn gạo thuộc giống Jasmine 85 được đóng gói theo quy cách 18 kg/bao để xuất khẩu.
Ông Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, tại buổi lễ công bố xuất khẩu lô gạo thơm đầu tiên ngày 22/9, nói rằng “Đây là cơ hội lớn cho ngành hàng lúa gạo”.
Hiệp định EVFTA có hiệu lực từ đầu tháng 8. Theo Bộ NN & PTNT, Việt Nam đến cuối tháng 8 đã xuất khẩu 4,6 triệu tấn gạo, trị giá 2,25 tỷ Mỹ kim. Trong đó 15.800 tấn gạo được xuất khẩu qua EU, trị giá xấp xỉ 8,5 triệu Mỹ Kim. Tổng số lượng xuất khẩu gạo tăng 13% so với cùng kỳ năm 2019.