Mượn ‘găng tay trắng’, tầng lớp quyền thế Trung Quốc di dời của cải ra nước ngoài

Ảnh minh họa: pxhere/ Creative Commons CC0.

Tầng lớp quyền thế và tinh tú Trung Quốc đang chuyển dần tài sản lẫn bản thân họ ra nước ngoài nhờ dựa vào phương thức gọi là “găng tay trắng”, trong đó có các kênh rửa tiền.

Của cải trong xã hội Trung Quốc đang bị phân tán nghiêm trọng, nền kinh tế vận hành theo chiều hướng đi xuống và đối mặt với nhiều rủi ro và áp lực. Trong bối cảnh đó, những năm gần đây, tầng lớp quyền thế của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) bắt đầu chuyển lượng lớn tài sản và vốn trong tay ra nước ngoài thông qua nhiều kênh khác nhau. Quy mô của dòng vốn chảy ra nước ngoài càng ngày càng lớn, số dư dự trữ ngoại hối liên tục giảm mạnh, đây là một thực tế không thể chối cãi.

Tờ Vision Times trong một bài báo đã cho biết hiện trạng nói trên, và nêu tỉ mỉ những hình thức di chuyển tài sản ra nước ngoài của tầng lớp quyền lực của ĐCSTQ.

Bài báo chỉ ra các định nghĩa để xác định các khái niệm về chủ đề này (trong phạm vi nhất định), cụ thể như sau:

1. Tầng lớp quyền thế: Chủ yếu bao gồm các nhóm quan liêu đặc quyền, thế hệ đỏ thứ hai (hồng nhị đại), thế hệ quan chức thứ hai (quan nhị đại), thương gia đỏ (doanh nghiệp nhà nước), một số doanh nghiệp tư nhân hạng sao, các tầng lớp trong vòng tròn lợi ích nhóm, v.v…

2. Của cải: Tiền mặt, tiền gửi bằng nhân dân tệ, trái phiếu, cổ phần, bất động sản, vàng và đồ trang sức, vốn và tài sản trong nước khác bằng đồng nhân dân tệ. Ở đây không xét đến việc tài sản đó có được như thế nào và nó có hợp pháp hay không.

3. Di dời: Chủ yếu bao hàm hai khía cạnh. Một là, di dời của cải từ trong nước ra nước ngoài (châu Âu, Mỹ, Canada, Úc, Nhật Bản, New Zealand, v.v.), bao gồm cả vốn và bản thân con người. Hai là, chuyển đổi tài sản và vốn bằng nhân dân tệ sang đô la Mỹ (hoặc euro, bảng Anh, yên Nhật…) và đầu tư “thẻ xanh” – một dạng đầu tư vốn ra nước ngoài để đổi lấy trạng trạng thái thường trú nhân chờ nhập tịch vào các nước (bao gồm châu Âu, Nhật Bản, Úc, v.v…).

4. Găng tay trắng: Các kênh và phương thức được sử dụng để thực hiện việc “di dời” nói trên. Thông qua việc di dời như vậy, tiền đen được tẩy trắng, hoàn toàn bảo hiểm rủi ro nguồn vốn cho tầng lớp quyền thế, bảo mật và tái phân bổ tài sản của giới cao tầng trên phạm vi toàn cầu.

Bài viết này chủ yếu phân tích về khái niệm “găng tay trắng” nghĩa là các kênh và phương thức di dời của cải ra nước ngoài. Nói trắng ra, là làm thế nào để các quan chức ĐCSTQ mang tiền ra nước ngoài?

Theo quy tắc quản lý ngoại hối hiện hành của Trung Quốc, tổng số tiền thanh toán ngoại hối hàng năm cho các cá nhân được đặt ở hạn mức 50.000 đô la Mỹ. Quy mô hạn ngạch như vậy rõ ràng là khó thực hiện được sự chuyển giao vốn cá nhân nhanh chóng. Nhưng nếu áp dụng cách di dời tài sản theo kiểu “kiến tha mồi về tổ” với lượng tiền nhỏ và tần số chuyển tiền cao thì cũng có thể thực hiện. Tuy nhiên, cách thức này quá mất thời gian và có quá nhiều người tham gia, phương pháp bản địa này đương nhiên khó được giới tai to mặt lớn đánh giá cao. Thêm nữa, nếu chỉ có thể bám vào loại phương pháp này thì không xứng “tầng lớp quyền thế”. Theo đặc điểm của tình hình hiện nay, nhìn chung, các cường giả có thể thực hiện việc di dời của cải ra nước ngoài chủ yếu thông qua 4 kênh sau:

Phương thức đơn giản và thô sơ nhất: Ngân hàng ngầm

Đây là một kênh được sử dụng phổ biến và ai cũng biết, đó là thông qua nghiệp vụ kinh doanh của ngân hàng, tiền được gửi vào tài khoản được chỉ định, sau đó ngoại tệ có thể được rút ra từ tài khoản mở ở nước ngoài. Để giảm thiểu sự chú ý của các cơ quan quản lý, quy mô hoạt động thường là chuyển tiền dưới 1 triệu nhân dân tệ cho mỗi tài khoản mỗi lần và phí xử lý nói chung là từ 1% đến 2%. Phương thức này không quá tốn kém, không lộ liễu, được lựa chọn bởi các nhóm giàu sang nhưng chưa phải là thành phần hiển hách, và có số vốn trong tay ở ngưỡng 50 triệu nhân dân tệ. Qua kênh này, dấu vết của việc chuyển tiền không dễ bị phát hiện, vì vậy, những người có thế lực cũng xem đây là một lựa chọn cho việc phân tán tài sản của họ.

Các kênh thương mại xuất nhập khẩu

Đây là kênh trung chuyển theo thương mại, được chia thành hai phương thức hoạt động chủ yếu sau:

Một là, cắt lợi nhuận trong nước. Cụ thể là, sử dụng công ty hợp danh ở nước ngoài, hoặc đơn giản là đăng ký sở hữu công ty thương mại ở nước ngoài, giữ lợi nhuận ở nước ngoài bằng việc hạ giá đầu xuất khẩu và tăng giá đầu nhập khẩu. Các tài khoản như vậy thường được rửa tương đối sạch sẽ.

Hai là, phương thức mậu dịch giả. Nói trắng ra, đó là sử dụng phương thức thương mại tái xuất nước ngoài để gian lận khoản hoàn thuế xuất khẩu quốc gia. Hoạt động cụ thể là thông qua công ty thương mại có thể xuất hóa đơn thuế giá trị gia tăng, lợi dụng hải quan, kho ngoại quan, mạng lưới các công ty hậu cần ở nước ngoài để giao dịch thương phẩm hoặc hàng hóa (không thành vấn đề nếu bạn không có nguồn hàng, bạn có thể lấy bằng cách thuê hàng). Hàng hóa được đóng gói và khai báo hải quan, được chuyển đi đi lại lại khắp trong nước và nước ngoài, kho ngoại quan, hải quan, v.v… để kiếm tiền chênh lệch. Điểm mấu chốt là chỉ cần tổng số thuế xuất khẩu được hoàn (lên đến 17%) cao hơn chi phí nhập khẩu (chủ yếu là thuế giá trị gia tăng, chi phí vận chuyển và các khoản lợi ích và phí do hải quan và cơ quan thuế đưa ra trong chuỗi chia lãi v.v…) thì có thể hoạt động. Nếu quan hệ giữa các bên tương đối suôn sẻ, lợi nhuận trên mỗi hoạt động có thể đạt 10%, tức là nếu trị giá thương mại tờ khai xuất khẩu là 100 triệu nhân dân tệ thì có thể thu được 10 triệu nhân dân tệ.

Hai phương thức này có thể phát huy hiệu quả, miễn là mối quan hệ giữa hải quan, thuế và hậu cần thấu đáo thông suốt. Chúng phù hợp với các doanh nhân tư nhân, quan chức địa phương và giám đốc điều hành doanh nghiệp nhà nước thông thường.

Kênh ngân hàng trong nước và nước ngoài

Chủ yếu là bằng cách cho vay ngoại tệ (bao gồm bảo lãnh trong nước và vay nợ nước ngoài). Hoạt động cụ thể là gửi tiền vào các ngân hàng trong nước hoặc cung cấp bảo lãnh thông qua các công ty trong nước, sau đó nhận các khoản vay tương ứng từ các chi nhánh ngân hàng ở nước ngoài. Loại nghiệp vụ này có thể được xử lý bởi các ngân hàng trong nước có chi nhánh ở nước ngoài, chẳng hạn như Ngân hàng Trung Quốc, Ngân hàng Công thương Trung Quốc và Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc, sau khi các tài liệu liên quan có thể được ngân hàng xử lý. Các ngân hàng ở nước ngoài, miễn là họ có chi nhánh ở Trung Quốc, chẳng hạn như HSBC, Standard Chartered và Citibank, cũng có thể xử lý hoạt động này.

Với mục đích di dời của cải, những người sử dụng kênh này thậm chí sẽ không tính đến việc hoàn trả các khoản vay bằng đô la Mỹ (hoặc các loại ngoại tệ lưu hành tự do khác). Trong trường hợp, tiền gửi trong nước là nhân dân tệ, cứ việc chuyển đi, dù sao thì tôi cũng rút được đồng đô la Mỹ tương ứng ở nước ngoài. Nếu đó là một tài sản bảo lãnh trong nước, thì cũng là loại tài sản mà bạn không còn muốn nữa, ngân hàng chỉ cần đem nó ra bán đấu giá là được, dù sao thì của cải của bạn cũng an toàn ra nước ngoài rồi. Sử dụng loại kênh này, dấu vết của các hoạt động để lại là rõ ràng, và nếu bạn muốn quay trở lại Trung Quốc, sẽ có tương đối di chứng và nhiều ràng buộc khác nhau. Vì vậy, nó phù hợp hơn cho các nhóm người muốn hoàn toàn nhập cư nước ngoài và cần phải chạy trốn.

Các kênh đầu tư ra nước ngoài và mua bán sáp nhập

Bắt đầu từ năm 2011, Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia đã tăng cường phê duyệt cho các hoạt động đầu tư, mua bán và sáp nhập (M&A) ở nước ngoài. Điểm khởi đầu để phê duyệt các dự án tài nguyên đã được nâng lên 300 triệu đô la Mỹ, và các dự án phi tài nguyên được nâng lên 100 triệu đô la Mỹ.

Từ góc độ quy mô nguồn vốn mà xét, phương pháp này là lối chơi mà giới tinh anh của nhóm quyền lực thực sự sẽ quan tâm. Chỉ có tầng lớp quyền lực cốt lõi mới có thể xin được lượng lớn hạn ngạch ngoại hối để chuyển khoản và thanh toán ra nước ngoài.

Tiếp theo, nhìn vào quy trình phê duyệt cụ thể cho các hoạt động M&A. Trước tiên, hãy đến Trụ sở Cục Quản lý Ngoại hối Trung Quốc (SAFE) để đăng ký hồ sơ, sau đó xin phê duyệt dự án từ Ủy ban Cải cách và Phát triển và Bộ Thương mại, và quay lại SAFE để xin phê duyệt ngoại hối. Bằng cách này, của cải tài sản quy mô lớn có thể được chuyển trực tiếp ra nước ngoài dưới dạng đô la Mỹ (hoặc euro, bảng Anh, v.v…).

Cho dù đó là doanh nghiệp nhà nước hay doanh nghiệp tư nhân (nhìn chung đều có nền tảng hoặc quan hệ mật thiết với ĐCSTQ), miễn là tiền dưới dạng vốn đầu tư có thể xuất cảnh ra nước ngoài một cách an toàn và hợp pháp, thì đến bước tiếp theo là các thao tác cụ thể để tiền chảy vào tài khoản cá nhân của các bên liên quan, chẳng hạn như lập các báo cáo sai, thua lỗ đầu tư và đăng ký công ty nước ngoài v.v…. cuối cùng tiền cũng vào bờ.

Có thể vận hành một quỹ quy mô lớn như vậy để xuất cảnh của cải dưới hình thức đầu tư và sáp nhập, và cách tiến hành ra sao để di dời mọi tài sản một cách an toàn v.v… Đối với các quan chức hàng đầu của ĐCSTQ, hay những người nắm giữ các doanh nghiệp trung ương và các tài phiệt đỏ, bạn không phải lo lắng thay cho họ, họ không thiếu sự khôn ngoan và điều kiện lợi hại.

Các kênh ở trên, với các cấp độ khác nhau được cho là những cách chính để tầng lớp quyền thế di dời của cải khỏi Trung Quốc.

Có một vài phân tích giả thuyết khác, giả sử việc di dời của cải đang được tiến hành hoặc chưa hoàn tất, thì xét từ góc độ nhu cầu và hành vi của những cá nhân quyền quý mà nói, có thể đưa ra vài tiên liệu:

1. Tỷ giá nhân dân tệ sẽ không bùng nổ mạnh trong ngắn hạn. Bởi vì tỷ giá hối đoái so với đô la Mỹ duy trì ở mức cao tương đối ổn định, có lợi cho việc chuyển nhượng tài sản và vốn bằng nhân dân tệ.

2. Bong bóng giá bất động sản sẽ không bị xuyên thủng hoàn toàn trong ngắn hạn. Vì thế chấp bằng bất động sản là một trong những phương thức chính để di dời của cải, nên giá trị tài sản cần phải được duy trì ở một mức mà người có quyền lực công nhận.

3. Bong bóng nợ sẽ không bị thủng hoàn toàn trong ngắn hạn, bởi giới quyền lực và chức sắc ĐCSTQ sử dụng hình thức quỹ nợ tích lũy và tài sản ở nước ngoài để chuyển của cải, y nhiên cần duy trì một bối cảnh bong bóng.

Điều gì sẽ xảy ra nếu việc di dời của cải của giới quyền thế về cơ bản hoàn tất? Có kịch bản là, sau khi các quỹ quy mô lớn rút khỏi Trung Quốc thì tỷ giá nhân dân tệ sẽ mất giá mạnh, lúc này vốn chuyển ra nước ngoài chuyển thành đô la Mỹ sẽ quay vòng đổi lại sang nhân dân tệ để vào Trung Quốc, tài sản nhân dân tệ trong tay giới quyền thế sẽ tăng vọt. Đặc biệt trong khoảng thời gian phá giá tiền mà mua lại tài sản bằng đồng nhân dân tệ, đó là cơ hội thu được lợi nhuận khổng lồ.

Trước đây, các tập đoàn An Bang, Vạn Đạt, Tiền Hải, Hằng Đại và các ông trùm đội mũ doanh nhân đỏ khác đều đã thực hiện các thương vụ đầu tư và M&A quy mô lớn ở nước ngoài. Quy mô và phương thức vận hành vốn của họ không phải thứ mà người bình thường có thể làm được — những điều này nằm ở bên trong tầng nước sâu.

Theo Vision Times,
Hương Thảo biên dịch

Related posts