- Lê Tiểu Quỳ
Cách đây vài ngày, một thông tin bùng nổ đã làm rúng động cả trong và ngoài Trung Quốc. Baimadajie Angwang, một cảnh sát gốc Tây Tạng thuộc Sở Cảnh sát Thành phố New York, đã bị cáo buộc là gián điệp bất hợp pháp của Đảng cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), thu thập thông tin tình báo cho các quan chức ĐCSTQ và theo dõi cộng đồng người Tây Tạng tại địa phương. Đồng thời anh này còn tạo cơ hội cho ĐCSTQ tiếp xúc với sĩ quan cảnh sát cấp cao. Angwang bị bắt vào ngày 21/9. Bắc Kinh đã đáp trả chuyện này, thu hút sự quan tâm cao độ từ ngoại giới.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân tuyên bố trong cuộc họp báo thường kỳ vào ngày 22/9 rằng, các cáo buộc liên quan của Hoa Kỳ là “hoàn toàn bịa đặt”, hoàn toàn là một tội ác. Đồng thời ông Uông còn nói rằng “Ý định của Hoa Kỳ nhằm làm mất uy tín của các lãnh sự quán và nhân viên Trung Quốc tại Hoa Kỳ sẽ không thành công”. Tuy nhiên, ông Uông Văn Bân không nói rõ cáo buộc nào của Mỹ là “bịa đặt” hay “bôi nhọ”.
Phát ngôn viên của Tổng lãnh sự quán Trung Quốc tại New York cũng đã khẩn trương đáp trả: “Các nhân viên của Tổng lãnh sự quán Trung Quốc tại New York luôn thực hiện nhiệm vụ của mình tại Hoa Kỳ theo luật pháp quốc tế và luật pháp địa phương của Hoa Kỳ. Tiến hành các hoạt động giao lưu bình thường với các tầng lớp nhân dân trong khu vực lãnh sự, dốc sức thúc đẩy giao lưu hữu nghị và hợp tác giữa nhân dân Trung Quốc với các tầng lớp nhân dân trong khu vực lãnh sự là điều quang minh chính đại, không thể bị xâm phạm.” Tuy nhiên, ngoại giới lại đặt câu hỏi, vì sao Trung Quốc không đưa ra lời giải thích cụ thể cho hàng loạt các cáo buộc của Mỹ.
Vậy, chính xác thì vụ việc gián điệp của ĐCSTQ bị phanh phui lần này là gì?
Tờ New York Times đưa tin, Angwang, 33 tuổi, sinh ra ở Tây Tạng và thông thạo tiếng Trung Quốc. Anh là người đầu tiên đến Mỹ bằng thị thực trao đổi văn hóa. Sau khi thị thực hết hạn, anh xin tị nạn chính trị tại Hoa Kỳ, tuyên bố rằng mình đã bị tra tấn ở Trung Quốc vì thân phận là người Tây Tạng của mình. Sau đó anh ta nhập quốc tịch Mỹ.
Angwang phục vụ trong Lực lượng Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ trong 5 năm. Anh gia nhập Sở Cảnh sát Thành phố New York năm 2016 với tư cách là sĩ quan tuần tra. Vị trí mới nhất của anh ta là nhân viên phụ trách cộng đồng tại quận 111 của Queens, Thành phố New York. Anh ta cũng là sĩ quan dự bị lục chiến của Hoa Kỳ, có quyền được tiếp cận “thông tin mật”.
Khi nộp hồ sơ thẩm tra lý lịch vào năm ngoái, anh ta đã phủ nhận rằng mình có bất kỳ liên hệ nào với các chính phủ nước ngoài và phủ nhận rằng mình vẫn còn liên hệ với gia đình ở Trung Quốc. Tuy nhiên, công tố viên New York chỉ ra rằng sau khi điều tra, người ta thấy rằng Angwang đã trở lại Trung Quốc Đại Lục nhiều lần sau khi xin được tị nạn. “Đây không phải là hành vi mà một người sợ bị Trung Quốc ngược đãi và bức hại sẽ làm. Điều này chứng tỏ rằng anh ta đã có quốc tịch Hoa Kỳ thông qua việc ngụy trang.”
Ngoài ra, cáo trạng chỉ ra rằng, trên thực tế, cha mẹ anh ta đều là đảng viên cộng sản. Cha anh là một quân nhân đã nghỉ hưu, mẹ là một cán bộ hưu trí làm việc trong chính phủ, các anh em trai cũng là quân nhân dự bị.
FBI cũng phát hiện ra thông qua một cuộc điều tra lâu dài về Angwang rằng, ít nhất từ năm 2014, dưới sự chỉ huy của Lãnh sự quán Trung Quốc ở New York, Angwang đã bí mật sử dụng vị trí của mình để giám sát các cộng đồng người Tây Tạng ở New York và tuyển dụng những người sẵn lòng phục vụ ĐCSTQ. Kênh truyền hình khu vực “WABC” New York đưa tin, kể từ năm 2018, Angwang thường xuyên tiếp xúc với ít nhất hai quan chức Trung Quốc. Một trong số họ thuộc “Hiệp hội Bảo tồn và Phát triển Văn hóa Tây Tạng Trung Quốc” thuộc Ban Công tác Mặt trận Thống nhất của ĐCSTQ. Angwang gọi người này là “ông chủ”.
Trong một cuộc gọi bị ghi âm, Angwang cũng đề xuất cho phép các quan chức Trung Quốc tham gia vào hoạt động của Sở Cảnh sát Thành phố New York, và nói rằng điều này sẽ “nâng cao sức mạnh mềm của đất nước chúng ta”. Anh ta cũng cung cấp cho Trung Quốc thông tin không công khai về hoạt động nội bộ của đồn cảnh sát.
Angwang cũng cố gắng tuyển dụng những người cung cấp thông tin cho ĐCSTQ trong cộng đồng người Tây Tạng địa phương. Theo New York Daily News, vào tháng 10/2018, Angwang đã giới thiệu một cộng đồng người Tây Tạng mới với phía Trung Quốc và đề nghị các quan chức Trung Quốc đến địa điểm này để thăm dò thực địa. Anh ta nói với đối phương rằng nơi này hiện là địa điểm lớn nhất cho các sự kiện, nếu người Tây Tạng tại địa phương muốn bắt đầu các hoạt động chính trị, thì một nửa số hội nghị sẽ được tổ chức ở đó.
Theo các bằng chứng mà công tố viên đưa ra, Angwang đã có hàng trăm cuộc điện thoại với các quan chức Lãnh sự quán Trung Quốc và nhiều lần vào Lãnh sự quán Trung Quốc ở New York. Vào tháng 2/2019, Angwang đã xác nhận một người Mỹ gốc Tây Tạng đến Trung Quốc, cho rằng người này có thể là một nguồn thông tin tình báo xuất sắc. Đồng thời nói thêm rằng người này không có quan điểm cực đoan về ĐCSTQ. Theo báo cáo, người Mỹ gốc Tây Tạng này gần đây đã biến mất.
Theo các tài liệu được FBI liệt kê trong vụ chặn cuộc gọi của Angwang, anh ta nói với phía Trung Quốc rằng anh ta đã tham gia kỳ thi thăng chức sắp tới và nói về việc tuyển dụng những người Tây Tạng tại địa phương làm đặc vụ cho ĐCSTQ, và dùng thị thực 10 năm của Hoa Kỳ để thu hút nhiều người hơn làm gián điệp.
Các công tố viên cũng phát hiện ra rằng, Angwang có mối quan hệ tài chính quan trọng với gia đình ở Trung Quốc của mình. Ví dụ: vào ngày 20/4/2016, anh ta đã chuyển 100.000USD vào tài khoản của anh trai mình ở Trung Quốc; vào tháng 5 cùng năm, anh ta chuyển khoản 50.000 USD vào một tài khoản Trung Quốc khác. Tài khoản ngân hàng hoặc tài khoản cá nhân do vợ chồng anh nắm giữ cũng nhận được nhiều khoản tiền gửi đến từ Trung Quốc.
Về việc này, cảnh sát trưởng thành phố New York, ông Dermot Shea, đã đưa ra một tuyên bố vào ngày 21/9, nói rằng hành động của Angwang đã vi phạm mọi lời thề mà anh ấy đã tuyên bố ở đất nước này: một là với Hoa Kỳ, hai là với quân đội Hoa Kỳ và ba là với Sở cảnh sát thành phố New York.
Được biết, Angwang đã bị bắt tại nhà riêng ở Long Island, thành phố New York vào ngày 21/9, và xuất hiện trong video một phiên tòa tại Tòa án Liên bang quận phía Đông của New York vào buổi chiều. Anh ta không được tại ngoại do có nhiều nguy cơ bỏ trốn. Anh ta đã bị cáo buộc phục vụ như một đặc vụ bất hợp pháp của Chính phủ ĐCSTQ kể từ tháng 8/2014, cũng như thực hiện hành vi gian lận điện hối, khai báo gian dối và cản trở các thủ tục chính thức. Nếu bị kết tội, anh ta phải đối mặt với án tù lên đến 55 năm.
Trước sự việc này, anh Dorjee Tseten, giám đốc điều hành của Phong trào Sinh viên Tự do Tây Tạng ở Queens, đã nói với New York Daily News rằng người Tây Tạng từ lâu đã biết rằng chính quyền ĐCSTQ đang cố gắng xâm nhập vào cộng đồng. Vụ việc này đã chứng minh rằng ĐCSTQ không chỉ giám sát các cộng đồng Tây Tạng, dẫu ngay tại Hoa Kỳ, ĐCSTQ cũng vẫn cố gắng can thiệp, phá hoại phong trào đòi tự do của họ. Anh Tseten nói rằng anh chưa bao giờ gặp riêng Angwang, nhưng Angwang đã rất tích cực liên lạc và cố gắng gia nhập tổ chức của họ. Trên thực tế, nhiều thành viên đã nghi ngờ Angwang.
Ông Đạt Ngã Tài Nhân, đại diện của Chính phủ lưu vong Tây Tạng tại Đài Loan, nói với Đài Á Châu Tự do hôm 22/9 rằng, vụ việc này không phải là lần đầu tiên, Ông chỉ trích Angwang vì đã phản bội quốc gia của mình và Hoa Kỳ, quốc gia đã đối xử tốt với anh ta. Hơn nữa chính quyền trung ương ĐCSTQ đang làm mọi thứ có thể để giám sát họ, đặc biệt là những người Tây Tạng lưu vong.
Theo số liệu cho biết, vào năm 1951, ĐCSTQ đã phát động một cuộc tấn công quy mô lớn nhằm kiểm soát hiệu quả “lãnh thổ” Tây Tạng này. Sau đó, ĐCSTQ đã ký một “hiệp ước hòa bình” với Chính phủ Tây Tạng. Hiệp ước có nội dung: “Hệ thống chính trị hiện tại ở Tây Tạng sẽ không bị thay đổi bởi chính quyền trung ương. Chính quyền trung ương sẽ không thay đổi địa vị và quyền hạn vốn có của Đạt Lai Lạt Ma. Quan chức các cấp sẽ phục vụ như bình thường”, “Tôn trọng tín ngưỡng và phong tục của người dân Tây Tạng, và bảo vệ các ngôi chùa Lạt Ma.” Theo hồ sơ mật của Tổng cục Chính trị ĐCSTQ, quân đội ĐCSTQ đã “tiêu diệt” 456.000 người Tây Tạng trong 6 năm từ năm 1956 đến năm 1962.
Theo tiết lộ của “Storm Media Group“, ĐCSTQ đã thực hiện các cuộc đàn áp quy mô lớn đối với Tây Tạng vào các năm 1989, 2008 và 2012. Người ta ước tính rằng hàng triệu người Tây Tạng đã bị quân đội Trung Quốc giết hại trong 50 năm qua. Kể từ năm 2009, người dân ở Tây Tạng đã tự thiêu để phản đối chính quyền ĐCSTQ hầu như hàng năm. Đến nay đã có hơn 100 người ở Tây Tạng tự thiêu. Những người tử nạn bao gồm nhà sư, ni cô, nông dân và thậm chí cả trẻ vị thành niên.
Lê Tiểu Quỳ