Tổng thống Philippines ngầm chỉ trích Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte hôm nay cho biết Philippines bác bỏ mọi âm mưu phá hoại phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực tuyên bố nước này thắng kiện trước Trung Quốc ở biển Đông.
Tại cuộc họp Liên Hiệp Quốc thông qua hình thức trực tuyến hôm 23/9, ông Duterte tuyên bố:
“Phán quyết là một phần của luật pháp quốc tế, nằm ngoài sự thỏa hiệp và nằm ngoài tầm với của các chính phủ nhằm làm giảm bớt, thu hẹp hoặc từ bỏ nó. Chúng tôi kiên quyết bác bỏ các nỗ lực nhằm phá hoại phán quyết”.
Ông Duterte lưu ý rằng cam kết của Philippines tại khu vực tranh chấp ở Biển Đông là phù hợp với Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển và phán quyết năm 2016 của Tòa Trọng tài Thường trực tại Hà Lan, theo tờ Inquirer của Philippines.
Tổng thống Philippines nói thêm rằng:
“Chúng tôi hoan nghênh ngày càng có nhiều quốc gia ủng hộ phán quyết và điều mà phán quyết đại diện – đó là chiến thắng của lẽ phải đối với sự liều lĩnh, chiến thắng của luật pháp đối với sự gây rối loạn, chiến thắng của tình hữu nghị trước tham vọng. Điều này là sự uy nghiêm của pháp luật”.
Bắc Kinh đã liên tục từ chối thừa nhận phán quyết năm 2016 của Tòa Trọng tài Thường trực tại Hà Lan khi tuyên bố phán quyết này là vô hiệu và nó không ảnh hưởng tới chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông.
Gần đây nhất, Vương quốc Anh, Pháp và Đức đã bác bỏ các yêu sách bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông thông qua một công hàm chung gửi Liên Hợp Quốc.
Trung Quốc cưỡng ép 500,000 người Tây Tạng vào các chương trình ‘lao động cưỡng bức’
Sau khi mở rộng hàng loạt các trại cưỡng bức lao động trong các cuộc đàn áp với người tu luyện Pháp Luân Công, người bất đồng chính kiến… những năm gần đây chế độ Trung Quốc đang áp dụng phương thức đàn áp này với người Duy Ngô Nhĩ Tân Cương, phật tử Phật giáo Tây Tạng.
Theo một bài viết trên tờ The Guardian hôm 22/9, chính quyền Trung Quốc đang mở rộng “chương trình lao động” hàng loạt ở Tây Tạng, mà các chuyên gia đã so sánh với các hoạt động lao động cưỡng bức ở Tân Cương, theo bằng chứng thu thập được bởi một nhà nhân chủng học người Đức và đã được xác thực bởi Reuters.
Theo các tài liệu phân tích bởi nhà nghiên cứu Adrian Zenz – viện nghiên cứu Jamestown Foundation của Mỹ, chính quyền Trung Quốc đã thiết lập định mức để cưỡng ép di dời hàng trăm ngàn lao động nông thôn Tây Tạng ra khỏi vùng đất của họ đến các cơ sở “theo kiểu quân đội” để “đào tạo” họ thành các công nhân trong nhà máy.
Các tài liệu bao gồm một thông báo của chính quyền khu vực Tây Tạng cho biết 15% dân số – tức hơn 500.000 người – đã trải qua chương trình đào tạo trong bảy tháng đầu năm nay. Trong số đó có gần 50.000 người được chuyển đến làm việc tại Tây Tạng và hàng nghìn người được gửi đến các khu vực khác để làm những công việc với mức lương thấp như sản xuất đồ dệt may và xây dựng.
Chương trình đã được áp dụng tại Khu tự trị Tây Tạng vào năm 2019 và 2020 nhằm thúc đẩy việc đào tạo và chuyển giao “lao động thặng dư ở nông thôn”, một thuật ngữ cũng được sử dụng trong sách trắng do Bắc Kinh xuất bản hồi tuần trước nhằm biện hộ cho các chương trình lao động cải tạo của họ ở Tân Cương.
Nhà nghiên cứu Zenz viết rằng, chính sách di chuyển lao động cho phép lao động nông thôn được đào tạo nghề tập trung “kiểu quân đội”, nhằm mục đích cải cách “tư duy lạc hậu” và bao gồm đào tạo về “kỷ luật lao động”, luật pháp cùng ngôn ngữ Trung Quốc.
Các báo cáo khác do ông Zenz ghi lại lưu ý rằng quá trình này đòi hỏi phải “làm loãng ảnh hưởng tiêu cực của tôn giáo” (Phật giáo Tây Tạng), bên cạnh chính sách khuyến khích người Tây Tạng chuyển đất của họ cho các hợp tác xã do chính phủ điều hành.
Ông Zenz viết: “Bằng chứng tổng thể cho thấy sự hiện diện có hệ thống của nhiều yếu tố cưỡng chế”, bao gồm các chỉ tiêu bắt buộc và hướng dẫn nhằm tạo “áp lực” lên cấp dưới hoàn thành các mục tiêu, đưa chỉ tiêu vào điểm “đánh giá cán bộ đảng viên’ hàng năm.
Ông cho biết có rất nhiều sự tương đồng giữa chương trình này với chương trình đào tạo cưỡng chế tại Tân Cương. Ví dụ như:
– Cả hai đều có chung nhóm mục tiêu. Chúng đều tập trung cao độ vào việc cưỡng chế một nhóm thiểu số yếu thế thay đổi phương thức sinh kế truyền thống của họ.
– Sử dụng diễn tập quân sự và quản lý huấn luyện theo phong cách quân nhân để rèn luyện kỷ luật và tuân thủ; nhấn mạnh sự cần thiết phải “chuyển đổi” tư duy và bản sắc của người lao động, cải tạo tình trạng “lạc hậu” của họ.
– Dạy luật và tiếng Hán nhằm làm suy yếu “ảnh hưởng tiêu cực” của tôn giáo.
– Áp chỉ tiêu cụ thể và gây áp lực lớn lên các quan chức để đạt được các mục tiêu của chương trình.
Theo Zenz, các tài liệu chính sách quan trọng tiết lộ các quan chức đảng phải đáp ứng chỉ tiêu nghiêm ngặt hoặc đối mặt với hình phạt. Các công ty sử dụng số lượng công nhân tối thiểu và các công ty môi giới địa phương sẽ được thưởng tiền.
Trong một tuyên bố với Reuters, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã “phủ nhận mạnh mẽ” các cáo buộc lao động cưỡng bức, và nói rằng Trung Quốc là một quốc gia có pháp quyền, và rằng người dân lao động một cách tự nguyện và được hưởng lương thỏa đáng.
“Cái mà những người có động cơ ẩn giấu này gọi là ‘lao động cưỡng bức’ đơn giản là không tồn tại. Chúng tôi hy vọng cộng đồng quốc tế sẽ phân biệt đúng sai, tôn trọng sự thật và không bị lừa dối bởi những thông tin sai lệch”, tuyên bố có đoạn.
Bắc Kinh đang chịu áp lực ngày càng lớn của quốc tế trong việc đối xử với người Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc thiểu số khác ở Tân Cương, trong đó bao gồm việc bắt giam hàng loạt để cải tạo, giám sát, hạn chế thực hành văn hóa và tín ngưỡng, tôn giáo và cưỡng bức triệt sản phụ nữ. Các chuyên gia nói rằng các hoạt động này cấu thành nên tội ác diệt chủng văn hóa.
Các cáo buộc đã bị Bắc Kinh kiên quyết phủ nhận, vốn tuyên bố các chính sách của họ là nhằm mục đích chống khủng bố và xóa đói giảm nghèo. Tuy nhiên, các nhà báo và các nhóm nhân quyền bị hạn chế rất nhiều trong việc tiếp cận các trại giam bí mật.
Zenz là một nhà nghiên cứu độc lập chuyên về Tân Cương và Tây Tạng. Công việc của ông bao hàm việc kiểm tra các tài liệu của chính phủ Trung Quốc. Nghiên cứu của ông là nguồn thông tin chính về các chương trình lao động cải tạo ở cả hai khu vực và đã thu hút sự chú ý của giới truyền thông nhà nước Trung Quốc.
Trung Quốc và Ấn Độ đồng ý không gửi thêm quân đến biên giới
Theo thông báo của Bộ Quốc phòng Trung Quốc hôm thứ Ba (22/9), Trung Quốc và Ấn Độ đã đồng ý ngừng gửi thêm binh sĩ tới điểm nóng trên dãy Himalaya dọc theo biên giới đang tranh chấp giữa hai nước nhằm tránh các động thái có thể làm phức tạp thêm tình hình.
Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Wu Qian cho biết các quan chức quân sự cấp cao của cả hai nước đã gặp nhau hôm thứ Hai (21/9) và trao đổi ý kiến vấn đề biên giới đang tranh chấp, theo SCMP.
Một thông cáo báo chí chung do chính phủ Ấn Độ ở New Delhi đưa ra cũng xác nhận việc hai bên đã đồng ý “tránh hiểu lầm và đánh giá sai,” đồng thời “kiềm chế không đơn phương thay đổi tình hình trên thực địa”.
Thông cáo cho biết: “Hai bên cũng nhất trí sẽ tổ chức Hội nghị cấp Tư lệnh Quân sự vòng 7 càng sớm càng tốt.”
Theo SCMP, hàng nghìn binh sĩ Ấn Độ và Trung Quốc hiện đang tập trung dọc theo dải biên giới tranh chấp ở khu vực Ladakh, giáp với Tây Tạng.
Sau nhiều tuần căng thẳng, một cuộc đụng độ tay đôi đẫm máu giữa hai bên đã xảy ra vào tháng 6, trong đó 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng, còn Trung Quốc không công bố lượng thương vong.
Cả hai nước kể từ đó cố gắng giải quyết tình hình thông qua các kênh ngoại giao và quân sự, nhưng các cuộc đàm phán hầu như đạt được rất ít tiến triển.
Theo các nguồn tin, hiện căng thẳng vẫn ở mức cao khi quân đội Ấn Độ và Trung Quốc chỉ cách
China Daily: Trung Quốc không có lý do nào để phê duyệt thỏa thuận ‘bẩn’ TikTok
Nhật báo China Daily bản tiếng Anh hôm thứ Tư (23/9) đăng bài viết tuyên bố rằng Trung Quốc không có lý do nào để phê duyệt thỏa thuận “bẩn và bất công” dựa trên “bắt nạt và tống tiền” mà Oracle và Walmart nói họ đã đạt được với ByteDance, công ty chủ quan của ứng dụng chia sẻ video ngắn TikTok.
“Những gì Mỹ đã làm với TikTok là gần như y chang một gã đầu gấu ép một công ty hợp pháp phải ký một thỏa thuận không hợp lý và bất công”, bài bình luận của China Daily viết.
Trong khi đó, theo One America News Network, hiện tại ba công ty Oracle, Walmart và ByteDance đã đưa ra các tuyên bố mâu thuẫn nhau về một điều khoản mà họ hy vọng sẽ cho phép ứng dụng TikTok có thể tiếp tục được hoạt động ở Mỹ.
ByteDance tuyên bố rằng họ sẽ thành lập một công ty con tại Mỹ được gọi là TikTok Global và công ty mẹ tại Trung Quốc sẽ sở hữu 80% cổ phần của công ty có trụ sở tại Mỹ này.
Tuy nhiên Oracle và WalMart nói rằng quyền sở hữu TikTok Global đa số nằm trong tay người Mỹ, tuân thủ lệnh hành pháp mà Tổng thống Donald Trump đã ban hành hôm 14/8, trong đó yêu cầu ByteDance phải chuyển giao quyền sở hữu TikTok trong vòng 90 ngày.
China Daily cho hay: “An ninh Quốc gia đã trở thành vũ khí Washington lựa chọn để ngăn chặn sự nổi lên của bất kỳ công ty nào từ nước ngoài mà đang làm tốt hơn các công ty Mỹ trong cùng lĩnh vực”.
“ByteDance… chấp nhận để mất không chỉ quyền kiểm soát công ty, mà còn mất luôn cả công nghệ lõi mà họ đã tạo ra và sở hữu. [Nhưng] Trung Quốc không có lý do nào để bật đèn xanh cho một thỏa thuận như vậy cả”, bài bình luận của China Daily khẳng định.
Trước China Daily, Hoàn cầu Thời báo (Global Times) – cơ quan của Nhân dân Nhật báo thuộc quản lý của Đảng cộng sản Trung Quốc hôm thứ Hai (21/9) đã đăng bài viết nói rằng Trung Quốc có thể sẽ không phê duyệt thỏa thuận bán TikTok.
Hôm thứ Ba (22/9), Hoàn cầu Thời báo đăng tiếp một bài viết khác gắn nhãn thỏa thuận của TikTok với các đối tác Mỹ là “tống tiền”.
“Trung Quốc là quốc gia lớn sẽ không chấp nhận hành vi tống tiền của Mỹ. Trung Quốc sẽ không bàn giao công ty công nghệ cao nổi trội của mình cho những kẻ tống tiền”, Hoàn cầu Thời báo viết.
Ông Tập: Kinh tế Trung Quốc vẫn bền vững bất chấp rủi ro bên ngoài
Trong bài phát biểu ngày 19/9, Chủ tịch Tập Cận Bình cho biết nền kinh tế Trung Quốc vẫn phục hồi tốt và Bắc Kinh vẫn còn có nhiều công cụ chính sách có thể tùy ý sử dụng bất chấp các rủi ro bên ngoài ngày càng tăng.
Tân Hoa Xã trích dẫn lời ông Tập phát biểu hôm 19/9 cho biết: “Các đặc trưng cơ bản của nền kinh tế Trung Quốc như tiềm năng dồi dào, sức bật lớn, sức sống mạnh mẽ, không gian vận động lớn và nhiều công cụ chính sách vẫn không thay đổi.”
Ông Tập nhấn mạnh rằng Trung Quốc có năng lực sản xuất mạnh, thị trường nội địa rất lớn và tiềm năng đầu tư khổng lồ.
Ông Tập tái khẳng định rằng chiến lược “tuần hoàn kép” sẽ giúp đưa nền kinh tế trở nên tự cường hơn trong bối cảnh sự thù địch của Hoa Kỳ và đại dịch toàn cầu đang làm gia tăng các rủi ro bên ngoài.
Tuy nền kinh tế lớn thứ hai thế giới dường như đã dần phục hồi sau đại dịch virus corona, giới phân tích cho biết các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn trong việc duy trì sự tăng trưởng ổn định những năm tới để biến Trung Quốc thành quốc gia có thu nhập cao.
Trước đó, tại cuộc họp bàn về kế hoạch 5 năm lần thứ 14 (2021 – 2025) của Trung Quốc, ông Tập nói rằng Trung Quốc vẫn đang tận dụng “các cơ hội chiến lược” để phát triển mặc dù đại dịch virus corona đã khiến quá trình toàn cầu hóa chậm lại trong khi chủ nghĩa đơn phương và chủ nghĩa bảo hộ tăng lên.
Ông nói: “Chúng ta phải tìm cách phát triển trong một thế giới bất ổn và không chắc chắn hơn,” đồng thời kêu gọi sự bình tĩnh trong bối cảnh các khó khăn và thách thức tăng lên.
Ông nói: “Sự phục hưng vĩ đại của đất nước Trung Quốc không bao giờ có thể đạt được một cách dễ dàng chỉ bằng cách đánh cồng chiêng và trống.”
TT Putin khoe vắc-xin Sputnik V, đề nghị cung cấp miễn phí cho nhân viên LHQ
Phát biểu tại phiên họp trực tuyến Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc hôm 22/9, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã gọi vắc-xin COVID-19 Sputnik V mà nước này mới phê duyệt gần đây là “đáng tin cậy, an toàn, và hiệu quả”. Ông cũng đề nghị cung cấp vắc-xin cho các quốc gia khác, và miễn phí cho nhân viên Liên Hiệp Quốc (LHQ).
“Chúng tôi sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm và tiếp tục hợp tác với tất cả các quốc gia và các tổ chức quốc tế, kể cả việc cung cấp vắc-xin Nga vốn đã được chứng minh là đáng tin cậy, an toàn và hiệu quả cho các nước khác” ông Putin nói.
Tổng thống Nga cũng nói rằng ông sẵn sàng cung cấp vắc-xin này cho LHQ, các văn phòng của cơ quan này đang bị dịch virus corona tấn công.
“Nga sẵn sàng cung cấp cho LHQ tất cả những hỗ trợ chuyên môn cần thiết. Đặc biệt, chúng tôi đang đề nghị cung cấp miễn phí vắc xin của chúng tôi cho nhân viên của LHQ và các văn phòng của tổ chức này”, ông Putin nói.
Vào tháng Tám vừa qua, Nga đã phê duyệt vắc-xin virus corona đầu tiên trên thế giới và họ đặt tên loại vắc-xin này là Sputnik V. Vắc-xin của Nga đã vấp phải sự nghi ngờ của cộng đồng quốc tế vì nó mới chỉ được nghiên cứu trên khoảng vài chục người.
Vào thời điểm phê duyệt vắc-xin, ông Putin đã nói rằng vắc-xin này “đã được chứng minh hiệu quả và tạo ra miễn dịch ổn định”. Ông cũng nói một trong những cô con gái lớn của ông đã tiêm vắc-xin này rồi.
Việc phê duyệt nhanh này đã khiến các nhà khoa học trên khắp thế giới lo lắng bởi vì một loại vắc-xin thử nghiệm cần được nghiên cứu trên hàng chục nghìn người trong nhiều tháng để chứng minh nó là an toàn và hiệu quả.
Đầu tháng này, một nhóm các nhà nghiên cứu quốc tế đã gửi một bức thư ngỏ tới các tác giả của nghiên cứu Sputnik V, hy vọng làm rõ những điểm bất thường dữ liệu nhất định.
“Mặc dù nghiên cứu được mô tả trong nghiên cứu này khá đầy đủ, nhưng việc trình bày dữ liệu dấy lên nhiều quan ngại mà đòi hỏi cần phải tiếp cận dữ liệu gốc để điều tra toàn diện”, lá thư ngỏ có đoạn viết.
Thậm chí các nhà khoa học Nga là tác giả của nghiên cứu này đã xác nhận rằng chúng bị giới hạn; chỉ có thời gian biểu 42 ngày phải tuân theo và chỉ có 72 người tham gia, và không có kiểm soát tác dụng phụ.
Bác sĩ Anthony Fauci, giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia Mỹ, vào tháng trước đã nói rằng ông “cực kỳ nghi ngờ” Nga đã chứng minh được vắc-xin của họ là an toàn và hiệu quả.
Tính đến 22/9, theo số liệu của Đại học Johns Hopkins, Nga đã xác nhận có hơn 1,1 triệu ca COVID-19 và hơn 19,4 nghìn ca tử vong do loại virus Trung Quốc này.
Đức Thiện (Theo Fox News)
Hơn 10.000 chai sữa chua của Trung Quốc bị thu giữ
Giới hữu trách Hà Nội cho biết đây là lượng sữa chua lớn nhất từ trước đến nay do Trung Quốc sản xuất, không rõ nguồn gốc, không có kiểm định chất lượng về sản phẩm, bị phát hiện, thu giữ.
Báo chí Việt Nam dẫn thông tin từ Cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết, giới hữu trách đã thu giữ hơn 10.000 chai sữa chua do Trung Quốc sản xuất không có giấy tờ hợp pháp.
Số hàng trên được phát hiện tại kho hàng kinh doanh nước giải khát, bánh kẹo ở xã La Phù, huyện Hoài Đức, Hà Nội.
Bên ngoài lô hàng đều in chữ Trung Quốc, đều không có bất cứ giấy tờ nào để chứng minh đủ điều kiện về an toàn thực phẩm.
Chủ lô hàng được xác định là Nguyễn Công Chung, sinh năm 1987, ở xã La Phù. Người này cũng không xuất trình được bất cứ giấy tờ gì liên quan.
Báo chí dẫn lời ông Nguyễn Ngọc Hà, Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 17 cho biết, đây là số lượng sữa chua lớn nhất từ trước đến nay bị phát hiện, thu giữ. Họ mua sữa trôi nổi tại các khu vực biên giới phía Bắc rồi đưa về nội địa tập kết, chờ thời điểm tiêu thụ.
Trước đó hôm 3/9, giới hữu trách Hà Nội cũng phát hiện, thu giữ trên 4,1 tấn nguyên liệu pha chế đồ uống như trà sữa, nước siro, mứt hoa quả… không rõ nguồn gốc, được tuồn vào Việt Nam. Trên bao bì sản phẩm đều ghi chữ Trung Quốc.
Số hàng hóa trên được phát hiện tại kho hàng thuộc xóm 4 (Yên Bài, Tự Lập, Mê Linh, Hà Nội), do Lỗ Văn Nam, sinh năm 1989, hộ khẩu thường trú ở Yên Bài làm chủ.