Ông Navalny bị phong tỏa tài khoản, thu giữ nhà
Tài khoản ngân hàng của ông Navalny, chính trị gia đối lập với Tổng thống Nga Putin, đã bị đóng băng, bên cạnh đó căn hộ của ông ở Moscow cũng đã bị tịch thu, bà Kira Yarmysh, một trợ lý của ông Navalny cho biết thông tin hôm thứ Năm (24/9), theo Reuters.
Sự việc này xảy ra trong thời gian ông Navalny đang điều trị tại một bệnh viện của Đức vì bị đầu độc bằng chất độc thần kinh Novichok.
“Điều này có nghĩa là căn hộ không thể được bán, tặng hoặc thế chấp”, bà Yarmysh nói trong một video đăng trên Twitter.
Bà Yarmysh cho biết tài sản của ông Navalny đã bị tịch thu vào ngày 27/8 do đơn kiện của công ty cung cấp dịch vụ ăn uống Schoolchild ở Moscow.
Một tòa án Nga vào tháng 10/2019 đã yêu cầu ông Navalny và các đồng sự của ông phải bồi thường 1,4 triệu đô la Mỹ cho công ty cung cấp suất ăn Moscow Schoolchild.
Tòa án cho biết ông Navalny, Tổ chức Chống Tham nhũng (FBK) và đồng minh Lyubov Sobol của ông đã gây ra thiệt hại về mặt tinh thần cho Moscow Schoolchild và yêu cầu nhóm của ông xóa một video mà họ đã đặt ra nghi vấn về chất lượng thực phẩm của công ty này.
“Tổng cộng, tòa án đã quyết định thu hồi 88 triệu rúp từ ông Navalny, Sobol và FBK”, bà Yarmysh cho biết. “Đây là số tiền tòa ước tính Moscow Schoolchild bị thiệt hại lợi nhuận vì mất hợp đồng cung cấp thực phẩm” sau khi bị ông Navalny và các đồng sự lên án.
Bắc Kinh áp chính sách lao động Tây Tạng, các nhà lập pháp quốc tế lên tiếng
Một nhóm các nhà lập pháp quốc tế hôm thứ Ba (22/9) đã lên án gay gắt Bắc Kinh vì lực lượng này đang áp đặt một chương trình đào tạo nghề hàng loạt cho người Tây Tạng tương tự như những gì họ làm ở Tân Cương, theo Epoch Times.
Trong một tuyên bố, Liên minh Liên nghị viện về Trung Quốc (IPAC) kêu gọi các chính phủ trên thế giới điều tra các báo cáo về lao động cưỡng bức và đàn áp sắc tộc ở Trung Quốc và xử phạt những cá nhân liên đới trách nhiệm.
Tuyên bố này của IPAC nêu bật việc chính quyền Trung Quốc đang cho triển khai “một hệ thống lao động cưỡng bức phổ biến và rõ ràng ở Tây Tạng”.
Bắc Kinh nói rằng họ đang thực hiện kế hoạch giảm nghèo ở Tây Tạng bằng cách chuyển đổi lực lượng lao động ở nông thôn, biến những người nông dân thành công nhân sau một khoảng thời gian đào tạo nghề. Tuy nhiên các nhóm nhân quyền nói rằng các chương trình dạy nghề của chính quyền Trung Quốc cho người dân Tây Tạng lại chú trọng quá mức vào các bài học định hướng tư tưởng.
Ngoài ra, việc chính phủ giao hạn ngạch chuyển đổi lao động cho các địa phương ở vùng Tây Tạng cũng như việc quản lý học viên học nghề theo kiểu quân đội cho thấy chính sách này của Bắc Kinh có yếu tố cưỡng chế.
Học giả Trung Quốc Adrian Zenz, tác giả của báo cáo “Hệ thống đào tạo nghề theo kiểu quân sự của Tân Cương được áp dụng cho Tây Tạng”, nói rằng, theo quan điểm của ông, chương trình chuyển đổi lao động của Bắc Kinh là “cuộc tấn công mạnh nhất, rõ ràng nhất và có chủ đích vào sinh kế truyền thống của người Tây Tạng mà chúng ta được chứng kiến kể từ Cách mạng Văn hóa”.
Các nhà lập pháp IPAC nói rằng bản báo cáo của ông Zenz cho thấy: bất chấp những chỉ trích từ cộng đồng quốc tế, Bắc Kinh vẫn tiếp tục lạm dụng “các quyền cơ bản của con người”.
Các nhà lập pháp viết: “Chúng tôi thống nhất lên án mạnh mẽ những hành vi này và kêu gọi chính phủ Trung Quốc ngăn chặn ngay lập tức những hành động tàn bạo này”.
IPAC cũng kêu gọi các chính phủ áp đặt các biện pháp trừng phạt có mục tiêu theo đạo luật Magnitsky đối với những người liên quan tới chính sách chuyển đổi lao động ở Tây Tạng và sửa đổi khuyến cáo về rủi ro đối với các doanh nghiệp để họ không mua hàng hóa do lao động cưỡng bức ở Trung Quốc sản xuất.
IPAC cũng đề nghị các chính phủ yêu cầu Bắc Kinh dỡ bỏ hạn chế tiếp cận Tây Tạng để công đồng quốc tế tiến hành một cuộc điều tra quốc tế độc lập về tình hình của người dân Tây Tạng. Họ cũng đưa ra đề xuất rằng cần có một đặc phái viên của Liên Hợp Quốc điều tra các cáo buộc lao động cưỡng bức và đàn áp sắc tộc ở Trung Quốc.
Mỹ ủng hộ việc lên án Triều Tiên bắn người Hàn Quốc
Hôm thứ Năm (24/9), Washington đã bày tỏ sự ủng hộ đối với Seoul trong việc lên án Bình Nhưỡng về vụ sát hại một quan chức chính phủ Hàn Quốc và yêu cầu Triều Tiên giải thích, theo Yonhap.
Seoul trước đó thông báo, vào hôm thứ Ba (22/9), Triều Tiên đã bắn chết một quan chức Hàn Quốc 47 tuổi làm việc cho Bộ Đại dương và Ngư nghiệp khi người này đang cố gắng đào tẩu sang Bắc Hàn. Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết Triều Tiên đã hoả táng người đàn ông này.
“Chúng tôi hoàn toàn ủng hộ việc đồng minh Hàn Quốc lên án hành động này và [ủng hộ] việc Hàn Quốc kêu gọi CHDCND Triều Tiên giải thích đầy đủ”, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Mỹ nói với hãng thông tấn Yonhap.
Quan điểm của Mỹ được đưa ra sau khi Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in gọi vụ việc là một “sự cố chấn động không thể dung thứ vì bất kỳ lý do gì”.
Thêm công ty Trung Quốc tại Úc sẽ cắt giảm nhân sự
Gã khổng lồ địa ốc Trung Quốc Poly Developments and Holdings (PDH) sẽ cắt giảm nhân sự tại chi nhánh Úc trong bối cảnh suy thoái do đại dịch viêm phổi Vũ Hán và quan hệ giữa Bắc Kinh và Canbera trở nên xấu đi, theo SCMP.
Vào chiều thứ Năm (24/9), Poly Australia, chi nhánh của PDH, đã nói với hơn 100 nhân viên tại các văn phòng ở Sydney và Melbourne rằng một số lượng “đáng kể” nhân sự sẽ bị cắt giảm vào cuối năm do công ty tái cơ cấu để đối phó với tác động của Covid-19 và chính sách của Australia.
Một số người bình luận rằng, quyết định này cho thấy công ty bất động sản Trung Quốc bước vào suy thoái sau gần 30 năm phát triển.
Kế hoạch cắt giảm nhân sự của Poly theo sau thông tin Huawei Technologies sẽ làm điều tương tự tại Australia vì ảnh hưởng từ mối quan hệ căng thẳng gia tăng giữa Canberra và Bắc Kinh.
Maduro nói xấu Hoa Kỳ tại LHQ
Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro hôm 23/9 cáo buộc Washington “gây hấn vô nhân đạo, và độc ác”, theo Fox News.
“Thế giới phải biết rằng chúng tôi đã sẵn sàng chiến đấu với sức mạnh của lịch sử, tinh thần, lý trí và luật pháp quốc tế của chúng ta”, ông Maduro tuyên bố trong bài phát biểu được ghi âm trước từ Caracas. Ông đề cập đến những nỗ lực liên tiếp của Hoa Kỳ nhằm gây sức ép buộc ông từ chức, cũng như hàng loạt các lệnh trừng phạt Washington nhắm vào chính phủ thiên tả của ông ở Venezuela.
Ông Maduro cũng lên án Mỹ cùng với hơn 50 quốc gia khác vì không công nhận ông là nhà lãnh đạo hợp pháp của Venezuela và thay vào đó thừa nhận lãnh đạo đối lập Juan Guiado là tổng thống lâm thời.
Đài RFI đưa tin, trong một báo cáo được đưa ra vào hôm 16/9, các nhà điều tra Liên Hiệp Quốc cho rằng Tổng thống Maduro, và hai bộ trưởng Quốc phòng và Nội vụ đã “ra lệnh hay phối hợp hành động dẫn đến các vi phạm nhân quyền nghiêm trọng”.
Iran chỉ trích phát biểu của quốc vương Ả Rập tại LHQ
Chính quyền Iran đã phản pháo phát biểu lên án Teheran của Quốc vương Ả Rập Xê Út tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, cáo buộc rằng bài phát biểu của vua Ả Rập là một “bài nói mê sảng”, theo Aljazeera ngày 24/9.
Saeed Khatibzadeh, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Iran, cáo buộc Ả Rập Xê Út bóp méo sự thật và nói rằng nước này mới là “kẻ ủng hộ tài chính và hậu cần chính cho chủ nghĩa khủng bố trong khu vực”.
Trước đó, trong một bài phát biểu hôm thứ Tư (23/9), Quốc vương Salman bin Abdulaziz đã kêu gọi Đại hội đồng Liên hợp, quốc gồm 193 thành viên, tìm kiếm một giải pháp toàn diện để đối phó với Teheran, lực lượng được xem là kẻ thù của Riyadh, và ngăn chặn Iran sở hữu vũ khí hủy diệt hàng loạt.
Vị quốc vương 84 tuổi của Ả Rập Xê Út cáo buộc rằng Iran đã lợi dụng thỏa thuận hạt nhân năm 2015 với các cường quốc trên thế giới để “tăng cường các hoạt động bành trướng, tạo ra mạng lưới khủng bố và sử dụng chủ nghĩa khủng bố”.
Trong một diễn biến liên quan, hôm thứ Năm (23/9), Hoa Kỳ đã đưa vào danh sách đen một số quan chức và thực thể Iran vi phạm nhân quyền, bao gồm cả việc áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với một thẩm phán mà họ cho là có liên quan đến vụ một đô vật Iran bị kết án tử hình.
Mỹ và đồng minh sẽ trừng phạt Lukashenko
Mỹ, Anh và Canada có kế hoạch áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các cá nhân trong chính quyền của Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko vì gian lận trong bầu cử và có hành vi bạo lực chống lại những người biểu tình ôn hòa, sáu nguồn thạo tin nói với Reuters hôm thứ Năm (24/9).
Bốn trong số các nguồn tin giấu tên cho biết, các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ, Anh và Canada có thể được đưa ra sớm nhất vào thứ Sáu (25/9).
Ông Lukashenko tuyên bố dành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống diễn ra ngày 9/8. Tuy nhiên, người dân cho rằng ông đã gian lận để tiếp tục được nắm quyền. Vì thế, họ đã tổ chức nhiều cuộc biểu tình quy mô lớn yêu cầu ông từ chức. Phản ứng với động thái này, chính quyền Lukashenko đã cho bắt giữ hàng loạt các nhân vật lãnh đạo phe đối lập, cùng hàng nghìn người biểu tình, đồng thời kiểm soát truyền thông.
Ông Lukashenko đã đột ngột tuyên thệ nhậm chức vào thứ Tư, trong một buổi lễ không được thông báo rộng rãi.