- Nicole Hao
Máy bay ném bom và máy bay chiến đấu của Trung Quốc đã đi vào không phận của Đài Loan ít nhất 46 lần từ ngày 17/9 đến ngày 24/9, một động thái được Đài Bắc đánh giá là leo thang của hành động xâm lược quân sự.
Theo thông báo của Bộ Quốc phòng Đài Loan, vụ việc mới nhất xảy ra hôm 24/9 khi một máy bay chống tàu ngầm của Trung Quốc tiến vào không phận của đảo quốc.
Cũng trong ngày 24/9, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc Tan Kefei đã xác nhận trong một cuộc họp báo video rằng hai tàu sân bay của họ, Sơn Đông và Liêu Ninh, đã cùng nhau thực hiện các cuộc huấn luyện và thử nghiệm ngoài khơi, mặc dù ông không tiết lộ địa điểm. Truyền thông Đài Loan bày tỏ lo ngại rằng các cuộc thử nghiệm có thể nhằm chuẩn bị cho các hành động chống lại hòn đảo này.
Căng thẳng đã gia tăng trong những tháng gần đây giữa Đài Bắc và Bắc Kinh. Trung Quốc trước nay luôn tuyên bố Đài Loan là lãnh thổ của riêng mình và sẽ sử dụng vũ lực nếu cần để tái thống nhất.
Hôm thứ Hai (21/9), Bắc Kinh tăng cường thái độ thù địch bằng cách tuyên bố không có đường trung tuyến ở eo biển Đài Loan (đường ngăn cách Trung Quốc đại lục và không phận Đài Loan), khẳng định rằng tất cả không phận ở đó thuộc về Bắc Kinh.
Trước đây, các máy bay chiến đấu của Đài Loan và Trung Quốc đều nhận biết về đường trung tuyến này và không băng qua nó mặc dù không có thỏa thuận chính thức nào giữa Đài Bắc và Bắc Kinh về việc này. Quy tắc trên được tuân thủ một cách không chính thức.
Tuy nhiên, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân hôm 21/9 lại khẳng định: “Đài Loan là một phần lãnh thổ không thể xâm phạm của Trung Quốc. Không có cái gọi là đường trung tuyến của eo biển Đài Loan.”
Bình luận của ông Uông đã vấp phải nhiều chỉ trích từ chính phủ Đài Loan.
Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn sau đó đã đến thăm một căn cứ không quân ở đảo Bành Hồ, nằm ở giữa eo biển Đài Loan, để bày tỏ sự cảm kích đối với quân đội Đài Loan. “Làm sao chúng ta có thể để người khác khoe khoang trong vùng trời của mình?” bà nói hôm 22/9.
Chế độ Trung Quốc và Đài Loan không có biên giới hợp pháp ở eo biển này, nhưng nhìn chung đã tuân theo chính sách trung dung kể từ năm 1954.
Kể từ năm 2016, Đài Loan đã báo cáo năm cuộc xâm nhập của Trung Quốc trên toàn tuyến, bao gồm hai lần vào tuần trước vào thứ Sáu và thứ Bảy. Đài Loan đã cho máy bay phản lực ra đánh chặn.
Trước đó, vào ngày 5/9, Đài truyền hình quân sự nhà nước Trung Quốc cũng đăng một video dài 3 phút về cuộc tập trận đổ bộ chung do lực lượng đổ bộ, bộ đội tàu chiến hải quân và không quân thực hiện tại vùng biển gần tỉnh Quảng Đông phía nam nước này, nơi không cách xa Đài Loan.
Hành động khiêu khích củaTrung Quốc đã khiến Bộ Quốc phòng Đài Loan đưa ra một tuyên bố mạnh mẽ vào Chủ nhật (20/9): trong khi quân đội Đài Loan “sẽ tuân theo nguyên tắc không khiêu khích… chắc chắn sẽ chống trả một khi bị tấn công”.
Ông Su Tseng-chang (Tô Trinh Xương), người đứng đầu nhánh hành pháp của Đài Loan, cũng lên án hành động của Bắc Kinh khi phát biểu trước các phóng viên hôm thứ Ba (22/9): “Đài Loan là một quốc gia có chủ quyền và độc lập… Trung Quốc tiếp tục gây rối cho Đài Loan bằng cách gửi máy bay chiến đấu và tàu chiến, gây thiệt hại cho hòa bình và ổn định khu vực. Đây không phải là những hành động mà một quốc gia có trách nhiệm nên làm”.
Sau khi phát ngôn viên Trung Quốc đưa ra tuyên bố về đường trung tuyến, Bộ trưởng Ngoại giao Đài Loan Joseph Wu đã nói với truyền thông trước Diễn đàn Đầu tư Liên minh Châu Âu 2020 tại Đài Bắc hôm thứ Ba rằng lời nói của ông Uông là “tương đương với việc phá hủy hiện trạng của eo biển Đài Loan”.
Ông Wu cũng kêu gọi xã hội quốc tế lên án chế độ Trung Quốc vì những hành động khiêu khích của họ.
Cuộc tập trận diễn ra trong bối cảnh Bắc Kinh hết sức tức giận trước chuyến thăm của Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tới Đài Bắc.
Mối quan hệ chặt chẽ giữa Mỹ với Đài Loan đã ngày càng được tăng cường trong thời gian gần đây, bao gồm hai chuyến thăm của các quan chức hàng đầu Mỹ đến Đài Loan: một vào tháng 8 của Bộ trưởng Y tế Alex Azar và một vào tuần trước của Keith Krach, Thứ trưởng Ngoại giao về các vấn đề kinh tế.
Mặc dù Mỹ không có quan hệ ngoại giao với hòn đảo nhưng là quốc gia ủng hộ mạnh nhất đối với Đài Loan. Hiện Mỹ cũng đang có kế hoạch bán vũ khí mới cho Đài Loan.
Nicole Hao/ The Epoch Times