Trung Quốc xóa bỏ dần quyền tự do báo chí ở Hồng Kông
Trung Quốc vừa tiến thêm một bước trong việc xóa bỏ quyền tự do báo chí ở Hồng Kông, một trong các quyền tự do mà người dân đặc khu này còn được hưởng.
Hôm Thứ Ba 22/09/2020, cảnh sát Hồng Kông vừa công bố quyết định kể từ nay sẽ không công nhận thẻ nhà báo do các hiệp hội phóng viên địa phương cấp, mà chỉ công nhận là phóng viên những người làm việc cho các báo được chính phủ cấp phép hoặc làm việc cho báo chí quốc tế. Cụ thể là các phóng viên của Hiệp hội Nhà báo Hồng Kông HKJA và Hiệp hội Phóng viên nhiếp ảnh Hồng Kông HKPPA không còn được cảnh sát công nhận là « đại diện truyền thông ». Nói cách khác, với việc cảnh sát thu hẹp khái niệm « đại diện truyền thông », như vậy là kể từ nay hàng trăm nhà báo bị tước bỏ quyền đưa tin.
Khi đưa ra quyết định nói trên, cảnh sát Hồng Kông viện lý do là đã có nhiều « nhà báo giả hiệu » cản trở hoặc tấn công nhân viên công lực, cho nên họ phải xác định lại thế nào là « đại diện truyền thông ». Bộ Ngoại Giao Trung Quốc hôm qua dĩ nhiên đã ra tuyên bố ủng hộ việc cảnh sát Hồng Kông siết chặt quản lý báo chí tại đặc khu này. Trên mạng Facebook hôm nay, đặc khu trưởng Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) cũng đã tuyên bố ủng hộ quyết định của sảnh sát Hồng Kông và khẳng định cơ chế mới này hoàn toàn « khách quan và cởi mở », không hề làm sói mòn quyền tự do báo chí ở Hồng Kông.
Thế nhưng, đối với các tổ chức báo chí của Hồng Kông, quy định mới sẽ hạn chế hoạt động của những nhà báo tự do và nhà báo-sinh viên đồng thời làm tăng nguy cơ bị bắt giữ đối với những người này. Chính các nhà báo đó đã ghi lại những hình ảnh gây ấn tượng mạnh nhất của các cuộc biểu tình đòi dân chủ vào năm ngoái ở đặc khu hành chính. Một số sinh viên cho biết, khi đến theo dõi, đưa tin cho các tờ báo sinh viên, họ đã bị bắt ngay tại nơi biểu tình, vì bị nghi là phạm các tội, trong đó có tội « bạo loạn »
Theo Hiệp hội Nhà báo Hồng Kông, việc cảnh sát thu hẹp khái niệm « đại diện truyền thông » được phép đến theo dõi các sự kiện công cộng, chẳng hạn như các cuộc biểu tình, sẽ hạn chế việc giám sát hành động của các nhân viên công lực. Một điều đặc biệt gây phẫn nộ cho các hiệp hội báo chí ở Hồng Kông, đó là cảnh sát đã phá lệ, đơn phương ra quyết định nói trên mà không hề tham khảo ý kiến của giới báo chí, như vẫn làm cho tới nay.
Về phần Câu lạc bộ các thông tín viên nước ngoài ở Hồng Kông FCC, tổ chức này hôm 24/09/2020 cho rằng biện pháp nói trên là « một bước mới trong việc xóa bỏ dần quyền tự do báo chí ở Hồng Kông, vì nó trao cho cảnh sát quyền được quyết định ai được phép theo dõi đưa tin về hành động của cảnh sát ». FCC cũng bày tỏ quan ngại là những người không được công nhận là phóng viên sẽ có nguy cơ bị bắt về tội « tụ tập trái phép » và « bạo loạn ».
Cho nên, 8 tổ chức truyền thông Hồng Kông, 7 trường báo chí và FCC đã ký một bức thư chung kêu gọi chính quyền đặc khu rút lại quyết định của cảnh sát về việc thu hẹp khái niệm « đại diện truyền thông ». Riêng HKJA cho biết đang xem xét khả năng kháng cáo quyết định này.
Mặt khác, tuy vẫn công nhận phóng viên của báo chí quốc tế, Bắc Kinh lại đang giới hạn thêm hoạt động của các phóng viên này. Ngày 23/09, Văn phòng bộ Ngoại Giao Trung Quốc đặc trách về Hồng Kông đã ra thông cáo cảnh cáo Câu lạc bộ các thông tín viên nước ngoài ở Hồng Kông FCC phải « ngưng can thiệp vào công việc nội bộ của đặc khu hành chính này » nhân danh quyền tự do báo chí, hay với « bất cứ lý do nào ». Ấy là chưa kể việc cấp visa cho các phóng viên nước ngoài trong những tháng gần đây đã bị trì hoãn, thậm chí một nhà báo Ailen đã bị từ chối cấp visa sau gần 6 tháng chờ, mà không hề được cho biết lý do.
Nghị sĩ dân chủ Hồng Kông phản đối vụ Trung Quốc bắt giữ 12 nhà hoạt động
Theo hãng tin Reuters, các nghị sĩ thuộc phe ủng hộ dân chủ ở Hồng Kông ngày 25/09/2020, đã mở một cuộc biểu tình ngắn tại Hội đồng Lập pháp của đặc khu để kêu gọi trả tự do cho 12 nhà hoạt động bị chính quyền Trung Quốc bắt giữ trên biển vào tháng trước, khi toan vượt biên bằng tàu sang Đài Loan.
Cảnh sát Trung Quốc cho rằng 12 nhà hoạt động nói trên, bị nghi phạm các tội liên quan đến những cuộc biểu tình chống chính quyền Hồng Kông vào năm ngoái, bị xem là đã vượt biên trái phép. Bộ Ngoại Giao Trung Quốc thì gọi họ là “những thành phần ly khai”.
Trước khi diễn ra cuộc họp của Hội đồng Lập pháp về khắc phục hậu quả kinh tế của dịch Covid-19, hôm nay, khoảng 10 nghị sĩ thuộc phe đối lập dân chủ đã hô và giương khẩu hiệu : “Trả tự do ngay lập tức cho 12 công dân Hồng Kông”. Cuộc biểu tình ngắn này đã khiến phiên họp của Hội đồng Lập pháp khai mạc trễ hơn dự kiến.
Chính phủ Hồng Kông đã tuyên bố không thể can thiệp cho các nhà hoạt động bị bắt và những người này phải được xử lý theo pháp luật ở Trung Quốc trước khi được trở về Hồng Kông. Chính quyền Hoa Lục khẳng định là “các quyền chính đáng” của 12 người bị bắt sẽ được bảo vệ theo đúng luật pháp Trung Quốc.
Theo hãng tin Reuters, chuyến vượt biên bất thành của 12 nhà hoạt động Hồng Kông sang Đài Loan phản ánh mối lo sợ của nhiều người dân tại đặc khu, vì họ thấy Trung Quốc quyết tâm ngăn chận mọi hành động nhằm thúc đẩy dân chủ tại trung tâm tài chính này.
Trong khi đó, theo hãng tin AFP, hôm qua, một phát ngôn viên của lãnh đạo ngoại giao Liên Hiệp Châu Âu Josep Borrel cảnh báo là vụ câu lưu nhà hoạt động Hoàng Chi Phong ( Joshua Wong ), một tuần trước khi diễn ra một cuộc họp thượng đỉnh châu Âu, đang gây tổn hại cho sự tin cậy của Liên Hiệp Châu Âu vào Trung Quốc.
Theo lời phát ngôn viên của ông Josep Borrel, “vụ câu lưu Hoàng Chi Phong là vụ mới nhất trong một loạt vụ bắt giữ đáng lo ngại các nhà hoạt động dân chủ từ mùa hè đến nay”
Nhà hoạt động trẻ 23 tuổi đã bị câu lưu trong vài tiếng đồng hồ hôm qua với tội danh “tụ tập trái phép”, vì đã tham gia một cuộc biểu tình vào tháng 10 năm ngoái ở Hồng Kông.
Trên nguyên tắc, trong hai ngày thứ 5 và thứ 6 tuần này, các lãnh đạo Liên Hiệp Châu Âu họp lại để bàn về các mối quan hệ chiến lược với Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng cuộc họp đã được dời lại đến ngày 1 và 2/10 do dịch Covid-19.
AFP nhắc lại là để phản đối việc Bắc Kinh áp đặt luật an ninh quốc gia ở Hồng Kông, các nhà lãnh đạo Liên Hiệp Châu Âu đã quyết định hạn chế việc xuất khẩu sang Hồng Kông những thiết bị có thể được dùng để giám sát và đàn áp người dân ở đặc khu này. Họ cũng đã bày tỏ quan ngại về tình hình Hồng Kông trong hai cuộc họp trực tuyến với chủ tịch Trung Quốc Tập Cập Bình ngày 24/06 và 14/09 vừa qua.