Sinh viên Trung Quốc không còn thờ ơ, dùng khẩu hiệu của người Hồng Kông để phản kháng

Tâm Thanh

Khẩu hiểu “5 yêu cầu không thể thiếu 1” của phong trào dân chủ Hồng Kông đã xuất hiện trong trường học Trung Quốc (ảnh: Chụp màn hình Twitter).

Chính quyền Trung Quốc đã nâng mức độ vụ việc lên thành vấn đề chính trị, thông tin rằng sự phản kháng của sinh viên thời gian gần đây là do thế lực thù địch nước ngoài làm ra.

Trung Quốc đã tuyên bố chiến thắng trong cuộc chiến chống lại dịch bệnh viêm phổi Vũ hán, nên các trường đại học trên toàn quốc đã mở cửa trở lại, khai giảng từ đầu tháng 9. Tuy nhiên, Bộ Giáo dục ra lệnh cho tất cả các trường đại học thực hiện quản lý hoàn toàn khép kín, điều này khiến sinh viên nhiều nơi vô cùng bất mãn, đồng loạt phản kháng bằng cách “hò hét trên lầu ký túc xá”, hô vang “bỏ phong tỏa” và “thả chúng tôi ra”.

Nhiều sinh viên viết khẩu hiệu “5 yêu cầu, không thể thiếu 1” trên vách tường ở khuôn viên trường như được lấy cảm hứng từ phong trào “Phản tống Trung” của người Hồng Kông, yêu cầu nhà trường đối thoại trực tiếp với đại diện sinh viên được bầu cử dân chủ. Sự việc đã khiến các nhà chức trách nâng lên mức an ninh quốc gia, theo Vision Times.

Hiện tại, hầu hết các cơ sở đại học vẫn duy trì nghiêm ngặt các biện pháp phòng chống dịch bệnh như quản lý khép kín sinh viên. Thời gian bị quản lý khép kín lâu dài đã dẫn đến sự bất tiện, mệt mỏi và giá cả sinh hoạt tăng cao đã khiến một số sinh viên bức xúc và không thể hiểu được. Thời gian gần đây liên tục xảy ra các cuộc biểu tình, kháng nghị của sinh viên các trường tại Trung Quốc.

Đại học Ngoại ngữ Tây An ở Thiểm Tây, Trung Quốc, một số sinh viên phàn nàn về việc giá cả tăng cao trong siêu thị trường, xếp hàng dài để tắm và ban giám hiệu đối xử thô bạo với sinh viên. Khoảng 11h30 tối 20/9, nhiều sinh viên trong ký túc xá của trường đã mở cửa sổ và la hét yêu cầu nhà trường bỏ phong tỏa kéo dài gần nửa tiếng đồng hồ, theo Soundofhope.

Đoạn video quay cảnh sinh viên Đại học Ngoại ngữ Tây An hò hét đòi bỏ phong tỏa trên ban công của tòa nhà ký túc xá vào buổi tối đã lan truyền trên Internet trong vài ngày qua. Những tiếng la hét kéo dài gần 30 phút phản ánh cuộc khủng hoảng tâm lý của sinh viên trong khuôn viên trường.

Một sinh viên đại học họ Chu, học luật ở Bắc Kinh nói với đài phát thanh quốc tế Pháp (RFI): “Chúng tôi bước vào khuôn viên trường ngày 12/9 và đã bị giam giữ hơn một tuần, không được phép ra ngoài. Nhưng nhân viên căng tin, cư dân trong trường cùng các vị khách đều có thể ra vào trường tự do, mà sinh viên thì không thể”.

Theo báo cáo, các hạn chế đối với sinh viên không áp dụng cho giảng viên và nhân viên khác.

Theo một cuộc khảo sát được thực hiện bởi China News Weekly, 93% số người được hỏi nói rằng họ không hiểu tại những nhân viên khác thì được tự do hoạt động, còn sinh viên thì bị hạn chế. Một số học sinh cũng cảm thấy mệt mỏi khi phải kiểm tra sức khỏe nhiều lần. Lưu Tử Hữu (Liu Ziyou), một sinh viên tại Học viện Y khoa Ôn Châu, tỉnh Chiết Giang cho biết, “Chúng tôi phải báo cáo tình hình sức khỏe của mình hàng ngày, bởi vì chúng tôi không thể ra ngoài, chúng tôi chỉ có thể gọi đồ ăn từ bên ngoài mang đến, nhưng cậu bé giao hàng không thể vào trường, vì vậy đã để đồ ăn ở trước cổng ký túc xá”.

Ngoài ra, các trường cao đẳng và đại học Trung Quốc đã thiết lập rào chắn và tia hồng ngoại kiểm tra nhiệt độ cơ thể ở lối vào của khuôn viên trường, và có các nhân viên an ninh mặc đồng phục ra vào, đặc biệt là nhân viên giao hàng thường bị cấm vào trường.

Theo Epoch Times, rác sinh hoạt đã chất thành những đống lớn, bốc mùi hôi thối khó chịu, chuột chạy tứ tung, nhà ăn và căng tin của trường học tăng giá tự do, học sinh bị mắc kẹt trong khuôn viên trường… nhiều vấn đề đã khiến sự bất mãn của Học viện Công nghệ Quảng Châu ngày càng gia tăng. Vào tối ngày 23/9, sinh viên đại học kêu gào trong ký túc xá để tố cáo những bất mãn mà sinh viên gặp phải.

Trên mạng xã hội, một số sinh viên phàn nàn về tình trạng nhà ăn chật chội, tăng giá, có người để lại lời nhắn: “Giá đồ ăn trong căng tin đã tăng, cửa hàng tạp hóa trong khuôn viên trường cũng tăng giá, nhất là trái cây, rất đắt”; “Giá cả thì tăng vụt, nhưng chất lượng lại giảm sút”.

“Nghiêm trọng nhất là nhà trường bán thực phẩm mốc đã hết hạn sử dụng, siêu thị trong trường của sinh viên đại học hơi một tí là đóng cửa khiến cho chúng em không có nơi nào để mua đồ, không có cách nào để đáp ứng nhu cầu hàng ngày. 4 phòng tắm của sinh viên nữ thì chỉ có một phòng là sử dụng được, vì vậy tất cả nữ sinh trong trường đều phải chờ nhau để tắm một phòng tắm đó”. Học sinh của trường cho biết.

Sinh viên trường học viện Hoa Thương, Đại học Kinh tế Tài chính Quảng Đông bất mãn với việc nhà trường không cho thảo luận về việc có cho sinh viên nghỉ học trong kỳ nghỉ tháng 11 hay không, và đã lên kế hoạch biểu tình phản đối trong ký túc xá.

Ngoài ra, một bộ ảnh được đăng tải trên mạng cho thấy các học sinh ở Đông Quản, Quảng Đông bị nghi chịu ảnh hưởng của các cuộc biểu tình Hồng Kông, đưa ra 5 yêu cầu chính đối với nhà trường. Những yêu cầu này bao gồm: Công khai tiến trình theo dõi giá điện nước cao ngất trời; Công khai chi tiết đấu thầu bán hàng trong nhà trường; Giải trình “lệnh cấm mua hàng ở ngoài”; Thông báo về việc sắp xếp kỳ nghỉ Tết Trung thu và chi tiết thực hiện việc phong tỏa tiếp theo; Bầu cử dân chủ đại diện học sinh và đối thoại trực tiếp với nhà trường.

Sau khi nhiều sinh viên đại học nổi dậy kháng nghị, có thông tin cho rằng, chính quyền đã coi cuộc biểu tình của sinh viên đại học là một sự kiện chính trị.

Related posts